"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (19)

Ngày đăng: 10:19 21/03/2024 Lượt xem: 56
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XIX:
TRƯỞNG THÀNH TRONG BOM ĐẠN
 
        Thời kì tổng động viên, cứ vào đầu mùa khô năm nào C3 cũng được bổ xung lực lượng một Trung đội đủ quân. Số là trong quá trình chiến đấu một số anh em được đi học, một số bị thương, hi sinh, sức  khỏe suy giảm không còn khả năng chiến đấu phải về tuyến sau nên quân số cứ sau một mùa khô là thiếu hụt nghiêm trọng. Lực lượng được tổng động viên sức khỏe, trình độ, tuổi tác…có sự chênh lệch khá lớn. Khi tiếp nhận anh em về đơn vị bao giờ cũng phải phân loại để bố trí công việc cho phù hợp. Số lớn tuổi bố trí đi tăng gia, cách đơn vị khoảng 10Km. Số sức khỏe có vấn đề thì nấu ăn, số đủ sức khỏe mới được ra mặt đường. 
         Trong một buổi  giao ban đại đội, Trung đội trưởng Trung đội 1 báo cáo: “Số tân binh mới được bổ xung chất lượng tương đối tốt, anh em an tâm chiến đấu. Chỉ có đồng chí tên là Nguyên, nhát gan lắm không thể đưa ra mặt đường đối diện với bom đạn, đề nghị Đại đội cho chuyển qua làm nấu ăn”.
          Bàn đi, tính lại vị trí nào cũng đã đủ người, thậm chí chỗ tăng gia còn bố trí thừa. Cuối cùng Đại đội trưởng quyết định rút cậu ta lên làm liên lạc cho Đại đội, mặc dù Đại đội bộ cũng đã có liên lạc. Nhanh nhẹn, tháo vát, có chữ , lại là đồng hương  nên ngay từ đầu tôi cũng có cảm tình. Chỉ phải cái đúng là cậu ta nhát quá.
          Nguyên gãi tai: Các thủ trưởng có liên lạc rồi, em xin Thủ trưởng  cho em đi tăng gia, khổ mấy em cũng chịu được.
Tôi nói: “Nhiệm vụ của đồng chí là đi theo cán bộ Đại đội. Chúng tôi đi đâu thì theo đấy, bảo gì thì cứ thế mà làm”. Nó lẳng lặng không nói gì, nhưng thái độ tỏ ra lo lắng. Tối hôm ấy nó tâm sự: Bố em là trưởng tộc, em lại là con một, bình thường em thuộc diện gia đình đặc biệt, được ưu tiên không phải đi bộ đội. Nhưng dịp này đang tổng động viên, trừ những người bị tàn tật còn tất cả đều phải tòng quân. Hôm em nhập ngũ cả họ ra tiễn, mẹ em khóc, nhiều người trong họ cũng khóc.  Nói dại lỡ em có làm sao thì cả họ mất giống. Giá như trước đó em nghe lời bố mẹ lấy quách một cô vợ rồi sinh cho các cụ vài đứa cháu đích tôn để nỗi dõi tông đường, nếu có mệnh hệ gì em cũng đỡ ân hận. Mà ở nhà các cụ có cháu cũng đỡ buồn .
         Tôi trao đổi với Đại đội trưởng phải kèm cặp làm cho nó quen với môi trường boom đạn như vậy sẽ bớt dần sợ hãi. Không sợ hãi cũng là một kĩ năng để tồn tại, nhất là ở nơi chiến trường ác liệt. Từ đấy đi đâu tôi cũng tha cậu ta theo.
         Một buổi sáng tôi bảo Nguyên cùng đi kiểm tra đèo Phu la nhích. Vừa lên tới đỉnh đèo thì bỗng nhiên xuất hiện OV10 vè vè trên đầu. Chẳng biết có phải do phát hiện ra chúng tôi mà nó bắn liền hai quả pháo khói chỉ điểm. Tôi chỉ kịp kéo tay Nguyên lao về phía hầm trú ẩn, ấn cậu ta xuống trước, tôi vừa kịp chui vào sau thì lập tức 2 chiếc F4 lao xuống cắt boom. Đất, đá, khói, bụi mù mịt. Hai lần bổ nhào cắt boom xong, chúng bay đi.
          Tôi quay lại nhìn Nguyên thấy mặt mũi cậu ta xám ngoét, chân tay run cầm cập, miệng lắp bắp: “Hãi quá anh ạ”.
           Chui ra khỏi hầm, Nguyên cứ lừng khừng, tôi quay lại giục thì thấy đũng quần cậu ta loang lổ ướt. Nguyên đỏ mặt nhìn tôi như người có lỗi, miệng lí nhí: “Em sợ quá nên bị dỉn ra quần”. Nín cười tôi đùa: “Nhiều thế kia, ướt hết cả đũng quần là tè chứ không phải dỉn. Kiểm tra lại phía sau đũng quần xem có bĩnh ra không”. Nó thọc tay vào rồi giơ bàn tay ra cố ý cho tôi nhìn thấy: “Không anh ạ”. Tôi bảo: “Nhớ lần sau đi với tớ phải mang theo vài cái quần, không về anh em nó cười chết”.
         Tối đi ngủ, Nguyên thủ thỉ: “Chuyện sáng nay, anh đừng kể với ai, em xấu hổ lắm”. Thấy cũng tội tội, tôi nói: “Cứ yên tâm”. Rồi bảo: “Địch đánh chưa chắc đã trúng mà có trúng chưa chắc đã chết, mà có chết thì tớ chết trước nên đừng sợ, tớ đi đâu cậu theo đấy. Gặp máy bay cậu cứ chui xuống hầm trước, tớ chui sau. Không có gì phải sợ cả”.
        Một lần đoàn xe vừa qua ngầm thì bị trúng boom, may không chiếc nào bị cháy. Hai chiếc lật nghiêng trên mặt đường, một chiếc bị boom hất xuống vực, hàng hóa vung vãi, lái xe bị thương. Tôi kéo Nguyên cùng ra hiện trường. Cả đơn vị tập trung cứu hàng, cứu xe, giải phóng mặt đường.  Một số được phân công tải thương vượt ngầm về nơi cấp cứu. Dưới vực sâu còn một chiến sỹ lái xe đang kêu cứu. Dốc dựng đứng không thể dùng cáng. Đại đội trưởng bảo Nguyên: “Cậu có sức khỏe tốt cùng  2 đ/c nữa xuống vực cõng đ/c lái xe lên, phải rất khẩn trương nhưng cũng phải rất cẩn thận không để đ/c ấy bị đau hoặc bị thương thêm do cẩu thả”. Không do dự Nguyên tụt nhanh xuống dốc cùng hai đồng đội. Nó dùng 3 cái dây lưng thắt chặt ghì đ/c lái xe vào lưng rồi bò lên triền dốc, phía sau 2 đồng đội ra sức đẩy. Lên được 2-3 bước thì lại bị tụt 1 bước. Cứ như thế phải mất 30 phút sau mới lên tới mặt đường. Tưởng nó đặt anh lái xe xuống, không ngờ cứ thế nó chạy một mạch băng qua ngầm mặc cho máy bay, pháo sáng gầm rú trên đầu. Hôm sau nó nói với tôi: “Không hiểu lúc ấy em lấy đâu ra sức lực mà khỏe thế. Em chỉ nghĩ phải nhanh chóng để cứu sống anh ấy”.
         Mãi rồi cũng thành quen. Nhiều lần Đại đội trưởng cử Nguyên tham gia ứng cứu tình huống xảy ra như:  cứu xe cháy, xe đổ, dẫn xe qua chỗ đường hẹp hoặc trinh sát đường…Nguyên đều hoàn thành nhiệm vụ.
         Một thời gian sau Nguyên dạn dĩ ra nhiều. Mọi người đều khen cậu ấy tiến bộ trông thấy.
Đến cuối năm biết có chủ trương đơn vị đang chọn người đi học lái xe, Nguyên xin tôi cho đi học đợt đầu. Tôi còn đang phân vân thì cậu ta thỏ thẻ: “Anh cứ tin em, em hứa danh dự sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để ảnh hưởng đến anh và đơn vị”. Suốt buổi chiều Nguyên cứ bám riết lấy tôi, nài nỉ gần như van xin.
         Thấy Nguyên thiết tha quá, chúng tôi không đành lòng gạch tên. Nhưng cho đi thì lại sợ Nguyên không hoàn thành nhiệm vụ để tai tiếng cho đơn vị. Tôi gặp và nói hết những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của lính lái xe Trường Sơn với hy vọng để cậu ta cân nhắc thật kĩ. Đêm vận chuyển bắt đầu từ lúc trời chạng vạng tối. Tùy theo địa hình mỗi cung đường dài khoảng 60 - 70 Km, nếu mọi thứ đều suôn sẻ, trả hàng xong quay về đến đơn vị khoảng 4h sáng, coi như trắng đêm. Chiều 2-3h đã phải ra kiểm tra xe, lấy hàng chuẩn bị đến giờ xuất phát.  Đường  thì hẹp, chênh vênh bên vách cao, bên vực thẳm,  nhiều đoạn chỉ vừa đủ cho 2 bánh xe, nhiều cua gấp, nhiều dốc lên xuống dài cả chục cây số, đòi hỏi không chỉ biết lái mà phải có kĩ năng lái. Phải hiểu tường tận từng mét đường, từng khúc cua, từng con dốc, từng trọng điểm địch đánh phá. Chỉ cần sơ ý, thiếu tập trung không làm chủ được tay lái, do dự, sợ hãi là có thể lao cả xe hàng xuống vực sâu. Chưa kể mỗi cung đường là một trận địa đánh phá ác liệt của địch. Ban ngày chúng tập trung phá đường, đến đêm tập trung săn xe hàng với đủ loại boom mìn. AC130 thay phiên bay lượn túc trực suốt đêm trên đầu, rình rập, soi mói bằng “mắt thần”. Khi phát hiện được xe là chúng tung pháo sáng trắng trời, vãi xuống đủ loại đạn: 12.7 ly,  20 ly, 30 ly…săn đuổi đến cùng. Đã ngồi lên xe là mắt chỉ có nhìn thẳng và chân nhấn ga . Nhịp đập của con tim theo vòng quay của bánh xe.Trong cabin là khoảng trời riêng nhưng mọi tâm tư, tình cảm chỉ tập trung vào tay lai. Tiếng máy xe át cả tiếng máy bay, chỉ đến lúc thấy chớp lửa lóe lên, đất đá rào rào mới hay mình đang bị máy bay đánh. Mọi tình huống xảy ra phải tự mình xử lí. Sợ nhất là cảm giác đơn độc, mặc dù trên đường lúc nào cũng có lực lượng công binh và bộ đội cao xạ. Căng thẳng, mệt mỏi, bền gan đấu trí với địch đêm này qua đêm khác suốt cả mùa khô 6-7 tháng trời. Chiến sỹ lái xe Trường Sơn phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, một đôi tay lái lụa và một nền tảng thể lực bền bỉ, dẻo dai mới hoàn thành được nhiệm vụ…
       Nghe đến đây, nó nói  chen vào: “các thủ trưởng ạ, em đã quyết tâm rồi, xin các anh cứ cho em đi đợt này. Em hứa…”
        -Thôi được rồi, được rồi.
         Tối hôm ấy máy bay Mĩ đánh phá dữ dội xuống đèo Phu La Nhích. Đại đội trưởng cử Nguyên đi trinh sát. Nó do dự: “Em đi một mình hở anh”. Tôi động viên: “Lần này cậu đi một mình, tôi tin cậu sẽ làm được và còn làm tốt nữa”. Rồi dặn cậu ta rất kĩ mọi tình huống có thể xảy ra và cách xử lí. Nét mặt căng thẳng. Ngớt tiếng máy bay nó xách súng lao đi. Hai mươi phút sau từ trên đỉnh đèo vang lên 3 tiếng súng báo hiệu đường thông. Nguyên trở lại trong hơi thở hổn hển, người đầy mồ hôi, đầu tóc bết đất. Nó kể phải 2 lần chui xuống chầm, boom nổ gần rung cả hầm, đất rơi xuống đầu. Lúc lên gần đến đỉnh đèo thấy có quả boom chưa nổ nằm ngay ria mép ta luy âm, chẳng biết là boom gì, định để đấy về báo cáo nhưng như thế chậm mất, rất nguy hiểm cho anh em lái xe nên lăn luôn xuống vực. Rồi Nguyên nở nụ cười chiến thắng.
         Đại đội trưởng vỗ vai động viên rồi hỏi: “Thế cậu không sợ à”. Nó nói: “Cũng sợ chứ ạ, nhưng em cứ liều. Rồi cũng quen thủ trưởng ạ”. Cậu ta còn đùa: “Phải dũng cảm, hòa bình rồi mới lấy được vợ chứ ạ”
           Hơn 3 tháng sau, khi đang đứng trực chỉ huy tại trạm barie T82, có một chiếc Zin phanh dừng lại trước mặt. Từ trên xe Nguyên bước xuống chào tôi. Đầu đội mũ sắt, trên người khoác áo giáp, miệng cười tươi.  Nguyên khoe đã được giao lái chính.
          Lính lái xe Trường Sơn có khác, trông oai phong lắm. Tôi bắt tay chúc mừng nó.
 
 
(Còn nữa)
 

tin tức liên quan