"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (21)
(Tiếp theo)
Chương XXI:
CHUYỆN TÌNH CỦA HAI NGƯỜI BẠN
Cuộc sống của bộ đội Trường Sơn không phải chỉ đối mặt với bom đạn của địch, với muôn vàn khó khăn gian khổ, với sự hy sinh mất mát…Mà ở đấy còn có sức sống tràn trề của tuổi trẻ, khát vọng vươn lên, tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa…như một chất xúc tác làm nên chiến thắng. Tình yêu trai gái như hạt mầm sống dù trong hoàn cảnh nào cũng nẩy nở một cách tự nhiên. Bạn tôi một người được hưởng đặc ân của một mối tình đẹp như chuyện cổ tích. Còn một người thì không được như vậy, chúng tôi vẫn đùa: không ai vỗ tay chỉ bằng một bàn tay.
Chuyện là thế này:
Ở Trường Sơn nhiều đơn vị có cả bộ đội nam và bộ đội nữ, nhưng ít có chuyện trai gái yêu nhau. Nó đã thành một thứ luật bất thành văn. Chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết cận kề, nên tình yêu cao cả nhất là giành cho đất nước, cho sự nghiệp chống Mĩ cứu nước. Cống hiến và hy sinh, không được phép bị lụy, yếu đuối. Say đắm với tình yêu dễ phân tâm, sao nhãng việc lớn ( quan niệm của thời ấy). Bởi vậy tình yêu đôi lứa là thứ xa sỉ, đã trót rồi thì luôn bị mặc cảm như kẻ tội đồ, phải dấu diếm, vụng trôm. Mặc dù không ai nhắc nhở hay phê bình, kiểm điểm gì cả.
Ở đại đội 3 chúng tôi có một trung đội nữ và hai trung đội nam. Trung đội nữ mới được bổ xung mùa khô 1971-1972. Hầu hết là các em Thanh Hóa, đại bộ phận ở huyện Tĩnh Gia, có vài em ở Nông Cống. Các em ai cũng xinh sắn, tươi tắn, khỏe khoắn. Lúc mới được biên chế về đơn vị các em được cánh con trai quan tâm, chiều chuộng lắm. Theo dư luận, cũng có vài đôi trôm thương, thầm nhớ nhưng rất kín đáo.
Một hôm trong ca trực tối, Trần Tụ chính trị viên đại đội 5 điện tâm sự với tôi. Nó úp mở khoe : Ở phân đội thông tin Tiểu đoàn có mấy em xinh như mộng. Rồi như một họa sỹ tài ba, nó phác họa chân dung từng em một. Giọng nó hào hứng trong một tâm trạng rất yêu đời. Tuy chưa được gặp, mới chỉ nghe tả thôi cũng đã thấy mê luôn rồi. Tôi đinh ninh: đây chỉ là chuyện tào lao của cánh đàn ông với nhau nên cũng chỉ biết vậy.
Trần Tụ quê Bình Lục, Hà Nam. Nó bằng tuổi tôi, hai đứa thân nhau từ hồi còn là chiến sĩ. Nhiều phen đã cùng nhau vào sinh ra tử. Năm này qua năm khác chúng tôi cùng được thăng tiến như nhau. Khi tôi làm Đại đội trưởng C3 thì Tụ làm chính trị viên C5. Hai đơn vị cách xa nhau cả chục cây số nên hai đứa ít gặp nhau, trừ những lần cùng đi họp trên Tiểu đoàn. Nên chúng tôi hay liên lạc, tâm sự, trò chuyện những đêm trực qua tổng đài Tiểu đoàn.
Rồi như không thể kìm nén được, một lần Tụ tâm sự với tôi đã “chót” phải lòng một em đồng hương tên Mai. Nó dặn đi dặn lại phải tuyệt đối bí mật. Chỉ có trời biết, đất biết, tao biết, Mai biết và mày biết. Chuyện mà đến tai thủ trưởng Tiểu đoàn là hết đường chay.
Nó hỏi tôi: Thế mày đã có em nào chưa. Tôi bảo: Tao vô duyên nên chẳng em nào để ý cả. Nó mắng tôi: Nắm trong tay cả một Trung đội mà không có em nào, chán mày lắm, thôi hôm nào đi với tao. Còn mấy em cũng sắc nước, nghiêng trơi, tao tìm cho một em. Nó bảo: Yêu đi, rồi mày sẽ thấy cuộc đời này đẹp lắm. Tình yêu sẽ cho mày nghị lực để có thể làm được những điều phi thường…
Hôm hai đứa lên họp trên Tiểu đoàn, tôi thấy Tụ xách một chiếc va li, trong đó có cả một chiếc hộp nhỏ đựng kim chỉ làm bằng ống pháo sáng mới tinh. Trên nắp chiếc hộp đựng kim chỉ có khắc lồng hai trái tim và đôi bồ câu xoắn vào nhau với hai chữ “ Thương nhớ ”. Gần đến Tiểu đoàn bộ nó rẽ ngang, giấu chiếc va li vào gốc cây.
Lãng mạn thật. Quả này hơn đứt mình rồi.
Hồi đó bộ đội ở D33 chúng tôi ai cũng có một chiếc vali và một vài vật dụng cá nhân được làm bằng ống pháo sáng. Phải công nhận bộ đội ta rất khéo tay. Ống pháo sáng của địch bằng hợp kim nhôm, được nhặt về tranh thủ đo, cắt, gò chỉ vài ngày là song. Ai không biết gò thì đi lượm ống pháo sáng nhờ làm giúp.
Buổi trưa cơm nước xong, tranh thủ lúc mọi người nghỉ, Tụ rủ tôi sang chỗ thông tin chơi. Các em niềm nở đón, chuyện trò rôm rả. Mai đẹp, sống trong hang núi ẩm thấp, sốt rét rừng nhưng vẫn giữ được mái tóc đen, dài, nước da trắng. gương mặt phúc hậu. Đặc biệt Mai có giọng nói nhỏ nhẹ, rất dễ nghe. Chả trách ông bạn tôi say như điếu đổ.
Luc về nó hỏi tôi nhận xét về Mai. Tôi bảo: được lắm và khen Tụ có con mắt tinh tường. Phải cố mà giữ lấy. Nó vui ra mặt, miệng cười như mấy bác nông dân được mùa. Rồi nói: Tao yêu Mai thật lòng nên chẳng sợ gì cả.
- Tôi hỏi Tụ: làm thế nào mà ông có được bông mai rừng đẹp thế.
- À. Chuyện là thế này. Hôm có việc lên Tiểu đoàn, sợ muộn mình đi đường tắt theo con suối nhỏ. Còn khoảng cây số thì đến nơi, bỗng gặp một em thông tin đang ngồi tay ôm chân, sụt sùi khóc, chiếc máy điện thoại dã chiến nằm chìm nghỉm dưới nước. Mình sáp lại hỏi thăm. Em kể: Nối song đường dây thông tin, đang trên đường về thì bắt gặp con rắn to như cổ tay miêng phì phì, mắt nó chăm chăm nhìn em. Hoảng quá em quay đầu bỏ chạy, vấp phải hòn đá trơn khụy chân xuống, đau quá không đi được. Em định ngồi một lúc đỡ đau rồi về. Cúi xuống nhìn, mình thấy chỗ đau xưng tấy lên, đỏ ửng, thế này là bị bong gân rồi.
- Trời ơi, bong gân đau thế này phải hàng tuần mới khỏi. Thôi bám chăc vào lưng anh cõng về. Không, em đi được. Mai chối nguây nguẩy rồi mím môi gượng đứng dậy. Mình đang định đưa tay ra đỡ thì em ngã dúi dùi vài vòng tay mình, suýt nữa cả hai đứa cùng ngã. Mai đỏ mặt, lí nhí : Em xin lỗi.
Đến nước ấy Mai mới chịu để mình cõng. Gần đến Tiểu đoàn bộ dứt khoát em đòi xuống, thuyết phục thế nào cũng không được. Đành phải để em đấy, báo đơn vị ra đón.
Tôi hỏi trêu Tụ : Anh hùng cứu mĩ nhân, thế có được mĩ nhân thưởng gì không.
Tụ bảo : Đã giúp người lại còn đòi thưởng, đúng là… tâm địa đen tối.
Cứ yên tâm đi – Tôi nói - Thế nào cũng được thưởng. Cấp độ thấp thì cái bắt tay cảm tạ. Cao hơn là một nụ hôn. Hơn nữa là cả một trái tim nàng trao gửi.
Nó nhìn tôi : Ảo tưởng. Rồi nói : Lúc ấy mình thấy thương Mai . Những ngày sau, thi thoảng mình lại điện lên tổng đài hỏi thăm về sức khỏe của em. Chuyện trò dần dà từ đấy chúng mình hiểu và thân thiết nhau hơn.
Bẵng đi một thời gian, một hôm Tụ điện khoe với tôi: Đã thổ lộ tình yêu với Mai. Mai đã chấp nhận tình cảm của nó. Nó khoe đã ôm Mai vào lòng rồi thơm vào môi em. Nó bảo tôi: Chẳng biết mày đã hôn bao giờ chưa, nhưng với tao đây là nụ hôn đầu đời, trong một hoàn cảnh cũng rất đặc biệt nên rất đáng để trân trọng.Tôi nghĩ bụng: cha này liều thật. Tôi chúc mừng nó nhưng cũng không quên nhắc khéo: cẩn thận kẻo chuyện vỡ lở ra là phiền toái lắm đấy. Tụ bảo: Hôm ấy cả phân đội đi tăng gia, còn mỗi mình Mai đang trực mới dám chứ. Cứ yên tâm đi.
Sang đầu năm 1972, máy bay Mĩ đánh phá vô cùng ác liệt. Mải mê với việc đánh địch, tôi với Tụ ít có thời gian liên lạc với nhau.
Phải mất hơn tháng, hai chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Tôi hỏi chuyện yêu đương thế nào. Tụ nói: Tao tưởng vĩnh viễn mất Mai nhưng tình yêu đã chiến thắng. Rồi nó kể: Mai bị sốt rét ác tính, tiên lượng xấu. Không ăn uống, nằm vật vã ba ngày đêm liền, tay nắm chặt chiếc hộp đựng kim chỉ. Trong cơn mê sảng Mai nhiều lần gọi tên Tụ.
Trong Tiểu đoàn có nhiều người tên Tụ, nên lúc đầu mọi người ngỡ ngàng không biết Tụ nào, sau cậu công vụ thủ trưởng mới nói: Chắc anh Tụ chính trị viên C5. Chính mắt nó nhìn thấy hôm Tụ cầm chiếc vali vào tặng Mai. Phân đội trưởng thông tin tìm được chiếc hộp đựng kim chỉ đặt vào tay, em giữ chặt cho đến lúc tỉnh lại.
Biết chuyện chính trị viên Báu trực tiếp điện thoại gọi Tụ lên Tiểu đoàn có việc gấp.
Được vào gặp, thấy Mai đang nằm thiếp đi, hơi thở yếu lắm,hai mắt nhắm lại. Tụ khóc nấc lên, lao vào ôm chặt lấy em. Nươc mắt nó cứ thế nhỏ xuống khuân mặt xanh xao của Mai.
Tiểu đoàn bộ có mặt đông đủ, mọi người lặng đi, không ai cầm được nước mắt, trong lòng cầu nguyện cho Mai qua khỏi cơn bạo bệnh. Chính trị viên Báu vỗ vai an ủi Tụ. Ông cho phép ở lại qua đêm. Suốt đêm ấy Tụ không chớp mắt, ngồi cạnh vuốt ve đôi bàn tay của Mai, cầu nguyện cho em tai qua nạn khỏi.
Từ trưa hôm sau Mai tỉnh dần. Lúc tỉnh hẳn, dù còn rất yếu nhưng Mai đã cố gượng ngồi dậy và ôm chặt lấy Tụ. Sóng gió đi qua, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tôi hỏi nó : sao mày liều thế dám ôm Mai trước mặt thủ trưởng và bàn dân thiên hạ. Tụ bảo : lúc ấy trong đầu tao chỉ có Mai, chiến tranh tao không sợ, bom đạn cận kề cái chết tao cũng không sợ, tao chỉ sợ mất Mai. Có lẽ chỉ có tình yêu đích thực mới cho tao đủ lòng can đảm để vượt qua tất cả.
Ừ nhỉ, cái diều tưởng như đơn giản mà sao đến lúc ấy tôi mới nhận ra : Tình yêu trai gái không có tội, dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào nó cũng chỉ làm cho cuộc sông tươi đẹp hơn, mạnh mẽ hơn.
Nhưng chuyện tình cảm trai gái đâu phải cứ muốn là được. Chỉ một người muốn thì không thể làm nên tình yêu đôi lứa. Với cậu Vang liên lạc của tôi thì lại ở thái cực ấy.
Ở chiến trường, liên lạc Thủ trưởng bao giờ cũng được lựa chọn kĩ càng: lí lịch rõ ràng, trẻ, khỏe, ngoan, nhanh nhẹn, hoạt bát, có chữ, kín tiếng…Cậu liên lạc của tôi hội đủ những tiêu chí ấy. Đặc biệt nó có tài nấu nướng, tài săn bắn. Chả thế mà tối nào nó xách súng đi, phải mầy mò vào tận rừng sâu cả chục cây số là y rằng hôm sau có được bữa cải thiện. Có lần Tiểu đoàn trưởng chả biết đùa hay thật nói với tôi: Cậu cho tớ xin cái thằng liên lạc, tớ mê nó rồi đấy. Tôi lặng thinh vờ như không nghe thấy gì.
Là liên lạc nhưng Vang chỉ kém tôi có 2 tuổi. Lúc chỉ có 2 người chúng tôi xưng hô anh em, cậu tớ coi nhau như bạn thân. Độc thân nên chuyện trò cũng tếu táo.
Thằng này cũng lắm tài vặt, rất khéo tay nên được chị em rất quý hay gọi nhờ, từ việc mài cái đầu kim bị gẫy, hàn nối cái cán bàn chải đánh răng đến sửa cái dát giường…mọi người hay trêu đùa gọi nó là “ Tiểu thái giám”. Được cái nó chả giận ai bao giờ. Nó biết hát và hát cũng được. Những hôm họp đơn vị, trước khi vào nội dung chính bao giờ cũng có chương trình văn nghệ gọi là “ xì điện”, phải nhanh như điện. Tức là người trước hát song thì nhanh chóng chỉ sang người khác, nếu người kia mà không kịp chỉ tiếp thì phải tự giác đứng lên hát. Hôm nào cũng vậy nó toàn bị dí điện. Nó còn viết nhật kí và biết làm thơ, cũng có nhạc, có vần. Tôi nhớ có những câu: “ Đừng hỏi anh tình yêu là gì. Đơn giản thôi là cho và nhận. Khi cho đi, là ta đã nhận. Một con tim thổn thức yêu thương”. Hay: “Bạn hỏi tôi: hạnh phúc là gì. Là ước mơ đã thành hiện thưc. Dẫu giản đơn hay những điều to tát. Được tọai nguyện là hạnh phúc mỉm cười”. Hay và triết lí ra phết.
Một dạo chẳng hiểu trong đầu óc nó có chuyện gì mà nét mặt lúc nào cũng tâm tư, ít nói hẳn đi, những lúc rảnh hay ngồi hí hoáy viết, đến tối trùm chăn ngủ sớm. Tưởng ở quê có chuyện, tôi gặng hỏi thì nó bảo: Mọi việc ổn cả anh ạ, mới tuần trước em gặp anh lái xe cùng làng, toàn tin vui thôi. Tôi đoán thế thì chắc thằng này đang tương tư một em nào rồi.
Gặng hỏi, nó không hé răng. Chỉ còn mỗi bài: xem trộm trong quyển vở nó viết gì. Nhưng ai lại xem trộm, chuyện riêng tư nó biết thì còn coi mình ra gì. Trao đổi với Đại đội trưởng, anh bảo: Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết luôn cận kề nên chẳng có gì là của riêng cả. Một lá thư cả đơn vị truyền tay nhau cùng đọc. Tin buồn của một ai, tất cả ôm nhau cùng khóc. Một tin vui tất cả đều hồ hởi như là chuyện của riêng mình. Chính điều ấy đã làm nên sức mạnh và sự cố kết của một tập thể.
Một hôm Vang đi vắng, tôi mở quyển vở của nó ra xem. Kẹp vào phía dưới bìa là một lá thư gấp làm tư, chữ viết nắn nót, còn mới. Một lá thư tỏ tình gửi em Sơn tiểu đội 2. Lời thư chải chuốt, súc động, mùi mẫn. Có cả thơ “… Em là Sơn, hay hoa của Trường Sơn. Sáng nụ cười,đạn bom không khuất phục. Bầu trời sao trong mắt em lấp lánh. Tiên giáng trần, hay cô Tấm thời nay”. Thơ thì hay đấy, nhưng có lẽ thư bị trả lại nên thơ cũng thành vô duyên. Cũng có nhiều em mê nó, nhưng được cái thằng này cũng “ biết điều” nên nó chỉ say mỗi em Sơn thôi.
Đên tối đi ngủ, tôi hỏi thật Vang về chuyện tình cảm với Sơn và cũng xin lỗi vì đã tự động xem nhật kí mà chưa được phép của nó.
Vang bộc bạch: Em thích Sơn từ lâu rồi, nhưng không dám nói ra sợ ảnh hưởng đến đơn vị. Tôi bảo: Có ai cấm đâu, miễn là tình yêu trong sáng. Cậu cứ mạnh dạn lên chắc mọi người đều ủng hộ. Có duyên thì nên nghĩa, bằng không thì là bạn bè chứ sao. Vả lại chiến tranh cũng sắp kết thúc rồi ( lúc ấy là giữa mùa khô 1974), yêu đi là vừa. Giọng nó buồn buồn: Muộn rồi anh ạ. Sơn đã trả lại thư, chắc chê em rồi.
Tôi nghĩ thằng này cũng tinh thật. Chọn đúng em Sơn. Sơn có nét đẹp của một thiếu nữ thôn quê, duyên dáng, mặn mà, phúc hậu. Da trắng, sống mũi cao, tóc dài đen nhánh, sống thân thiện, phúc hậu. Tôi khích lệ nó:
Không được sớm bỏ cuộc, cậu phải tấn công dồn dâp . Cự li cậu có rồi, phải tăng tốc độ lên. Nhớ thực hiện phương châm: “ Thứ nhât đẹp giai, thứ nhì chai mặt ”. Không được nản chí, không được bỏ cuộc. Gặp trực tiếp, tỉ tê, cầm lấy tay em, khi thời cơ đến thì mạnh dạn thơm lên môi một cái. Nếu có bị từ chối thì phải nài nỉ, cậu văn hay, chữ tốt thế cơ mà. Phải rót mật vào tai nàng chứ. Nhưng phải nhớ mọi thứ đều có giới hạn đấy nhé.
Nó bảo: Ngại chết. Mấy hôm sau, trong bữa cơm chiều vừa ăn Vang vừa tâm sự:
-Hỏng cả rồi anh ạ. Phải năm lần, bẩy lượt em mới hẹn gặp được Sơn . Nói chuyện trời biển một hồi rồi em cầm lấy tay nàng, định liều hôn một cái, không ngờ nàng giật phắt tay lại, mắt trừng lên nhìn em, rồi giận dữ bỏ về. Hôm ấy mà bị ăn cái tát là em hận anh đấy. Tại anh sui em.
- Ơ sao cậu lại trách mình. Những gì mình bầy cho cậu chỉ là lí thuyết, cậu phải vận dụng linh hoạt, phải có chiến thuật chứ. Có một câu nói rất hay “ Mọi lí thuyết chỉ là mầu sám. Còn cây đời mãi mãi xanh tươi” cơ mà. Lẽ ra lúc em bỏ về cậu phải chạy theo, tiếp tục nói lời có cánh, thậm chí phải van nài chứ…
Vang nói: Lại còn chiến thuật nữa, đi tán gái anh cứ làm như đi đánh trận ấy - Chả trách anh vẫn phòng không là phải - Sơn không thích em, toàn tránh. Em chai mặt lao tiếp lá thư nữa nhưng cũng bị trả lại, thậm chí Sơn còn chả thèm đọc. Chắc Sơn chê em là lính tráng chẳng có địa vị, cấp bậc gì cả.
Tôi trêu nó: Cậu cứ suy diễn. Như tớ là Chính trị viên đại đội nhưng có em nào thèm để ý đâu. Nó bảo: Tại anh cứng quá, lúc nào cũng một điều “ tôi”, hai điều “ đồng chí” thì em nào dám đến, có thèm đến mấy các em cũng chả dám.
Giọng nó trầm hẳn xuống: Cũng phải thôi anh ạ. Yêu ai thì họ cũng phải nhìn thấy tương lai chứ. Thôi em không dám nghĩ đến chuyện ấy nữa. Sau chiến tranh rồi sẽ hay. Hồi còn ở nhà em có đọc mấy câu thơ vẫn còn nhớ, vận vào hoàn cảnh của mình bây giờ thấy đúng quá anh ạ. “Tôi trách thân tôi chẳng oán hờn. Súng trường, giày vải, chiếc sao trơn. Ka ki, xà cột ai bì kịp. Súng lục, sao vành họ vẫn hơn. Mồ cha, mả mẹ cái nhân tình. Chẳng cấp bậc gì chúng nó khinh. Cứ đánh thật hăng là tất thắng. Chiến công vang dội thế là vinh.”
Biết con tim nó đang rỉ máu, tôi an ủi: Cậu còn trẻ, thôi chuyện ấy bây giờ chưa thành thì để tính sau. Đến ngày thống nhất đất nước về quê đầy con gái tha hồ mà chọn. Bây giờ cứ phấn đấu đi đã: “ Chiến công vang dội, thế là vinh”.Nhưng có một điều, cậu đừng bao giờ nghĩ sại về Sơn. Mình tin Sơn không phải là người như thế.
-Vâng em nghe lời anh.
Đến tháng 8/1974 tôi được trên cho đi học tại Học viện chính trị-Quân sự. Vang tiếp tục ở lại, cũng từ đấy “ thầy trò” chúng tôi biền biệt xa nhau, cũng chẳng có tin tưc gì về nhau cả.
Mãi đến năm 2007, trong một lần đi khám bệnh định kì tại bệnh viện TƯ Quân đội 108, tôi tình cờ gặp lại Vang. Mừng vui chuyện trò không muốn dứt. Vang kể: sau ngày thống nhất đất nước, được trên cử đi đào tạo tại trường sỹ quan Công binh. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi được phân công về công tác tại một Lữ đoàn Công binh và ở đó liên tục cho đến ngày về hưu với cấp bậc Thượng tá, phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn. Vợ Vang là cô giáo dậy Trung học phổ thông người Hà Nội. Gia đình hạnh phúc với 2 con có nếp, có tẻ đủ cả.
Chuyện đang vui thì tôi được gọi vào khám bệnh. Tôi vội bắt tay chúc mừng. Vang nói nhỏ: Em còn nợ anh một lời xin lỗi, thôi hôm nào gặp lại có nhiều thời gian em sẽ kể anh nghe.
(Còn nữa)