Hàm Rồng chảo lửa chiến tranh - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 09:52 26/03/2024 Lượt xem: 26
 HÀM RỒNG CHẢO LỬA CHIẾN TRANH

                                                                                                                Truyện Ký:  Phạm Huy Liệu

     Đơn vị nhận lệnh về bảo vệ cầu Tào, cách Hàm Rồng khoảng 2 km về phía bắc. D bộ đóng quân ở gần đơn vị TNXP, quê Đông Hưng Thái Bình.
     Cứ tầm 5 giờ chúng tôi đi ăn cơm chiều, cũng là lúc các cô tập trung ra mặt đường làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Nhìn các cô mặc quân phục rất đẹp, sao mà xinh thế. Khiến bao chàng lính cao xạ, muốn được gặp gỡ làm quen. Nhưng vì thời gian không thuận tiện, nên chưa có điều kiện, mà chỉ qua ánh mắt, đã cảm thấy xao xuyến trong lòng...
     Ở cầu Tào được khoảng hơn chục ngày, thì có lệnh đi bảo vệ pháo bờ biển ở Hoằng Hoá.
     Xe cơ động trong đêm có trăng, nhìn đường rõ nên đỡ xóc. Khi vào sâu trong huyện mới thấy bạt ngàn dừa, cành lá đung đưa, chùm quả chi chít bám kín thân cây, trông mà sướng mắt. Đến gần bờ biển, xe rẽ vào làng cũng bát ngát dừa. Cây cao vút, quả bện quanh cây. Chúng tôi vào nhà một bác nông dân ngay bên đường làng.
     Sau khi chào bác chủ nhà xong, đặt máy móc đồ đạc, xếp gọn rồi tranh thủ ra mắc anten, nên hỏi bác:
     - Bác ơi! Cho chúng cháu leo lên cây dừa, luồn nhờ dây anten bác nhé.
     Bác bảo:
     - Các chú cứ trèo cây nào cũng được.
     Tôi ra ngắm khoảng cách để trèo lên cây dừa cao, cách nhà vừa đủ độ dây phi đơ kéo vào chỗ đặt máy. Leo đến giáp các buồng dừa quả quấn quýt to đùng, thấy khó trèo đến tầu dừa để luồn dây, phải tìm cách lách qua chỗ hai chùm quả, mới lên được. Tìm bẹ dừa để thả dây xuống, xong xuôi thở phào nhẹ nhõm. Tý nữa tụt xuống chắc là ngon lành... Lúc ấy trời bỗng có nhiều mây đen kéo đến, dễ bị mưa nên tôi tranh thủ bám tầu dừa tụt xuống, thì chao ôi, hai chân cứ đung đưa, quờ mãi chả thấy thân dừa đâu, mà toát mồ hôi hột. Thế này thì nguy to rồi, cố đu người mãi mới lên được.
     Trời cũng bắt đầu mưa lắc rắc, tôi ngồi thu mình dưới lá dừa, để nghĩ cách. Đợi ngớt mưa, trăng ló ra tìm chỗ ít quả lách xuống mới thoát.
     May quá, chỉ mưa bóng mây một chút rồi tạnh, tôi lựa chiều cây dừa lộ ra bám tầu dừa phía trên, quả nhiên chân đã chạm thân dừa. Lấy hết sức hai bàn chân bấu chặt thân dừa, từ từ lách xuống. Rồi đưa tay bám vào thân dừa, tụt dần...
     Khi xuống tới đất, mới hết run. Hôm sau kể chuyện, bác chủ bảo:
     -  Sao không bẻ một quả ăn cho đỡ mệt.     
    Tôi bảo:
     - Chúng cháu đâu dám. Với lại đang trên ngọn cây, không có dao làm sao ăn được…
     Ở đây gần tuần, thì được anh Lại Hồng Tân chi ủy viên kiêm bí thư chi đoàn, thông báo:
     -  Tối nay đồng chí được kết nạp vào Đảng. Hãy chuẩn bị đọc lời tuyên thệ trước Đảng kỳ...(đó là ngày 5/10/1967).
     Thế rồi có lệnh kéo pháo về Quảng Cư giáp cửa Hới, cách Sầm Sơn hơn 5 km, bảo vệ pháo nòng dài 220 ly...
     Hình như bọn Mỹ đánh hơi thấy có pháo về hay sao mà im ắng thế. Khoảng 4 giờ chiều mấy đứa đang đứng chơi ngoài ngõ thì nghe tiếng ục... ục... chắc là pháo hạm ngoài biển bắn vào, định chạy về hầm, thì thấy những cột khói nhỏ ở trên dẫy núi Hoằng Hoá. Đây chính là trận địa, các cụ lão dân quân Thanh Hoá, bắn rơi máy bay Mỹ vừa rồi.
     Chúng bắn đạn rất chụm trên từng ngọn núi... nếu không có pháo ta thì cứ thoải mái xem! Nhưng pháo ta cũng đã có lệnh bắn, tiếng pháo ùng…ùng… gần chỗ chúng tôi. Đạn xé gió bay vèo vèo... bỗng nghe có tiếng hô:               
     - Tất cả vào hầm ngay.
     Thì ra khi ta phản pháo, xác định chính xác toạ độ tầu địch rồi bắn rất chuẩn. Nghe thấy pháo ta, tầu Mỹ vội cuống cuồng tăng tốc, vừa chạy vừa bắn, thành thử đạn bay loạn xạ, phải núp trong hầm ngay, ở ngoài dễ dính mảnh pháo như chơi!
     Thời gian sau, chúng tôi bắt đầu cơ động, đi khắp nơi trong tỉnh Thanh Hoá, bảo vệ các đơn vị pháo bờ biển, rồi lên tận các huyện như Hậu Lộc, Như Xuân, Thiệu Hoá, Hà Trung, Triệu Sơn, Tĩnh Gia...lại về Hàm Rồng, cầu Lèn, cầu Tào, phà Ghép, Sầm Sơn, Lau Chẹt, có nghĩa là gần hết tỉnh Thanh Hoá. Rồi quay về Đông Tân, Đông Sơn lần thứ hai. Nghe tin chúng tôi về, các thanh thiếu niên ra tận đầu làng đón như đón người thân. Tổ đài cũng được hai anh em Trung đón về nhà.
     Mấy hôm nắng gay gắt. Trời không một giọt mây. Chúng tôi nhìn đồng hồ đã 11 giờ 15, nên bảo nhau:
     - Thu dọn máy móc, chuẩn bị đi ăn cơm.
     Bỗng nghe tiếng kẻng báo động của trực ban ở gần nhà. Rồi tiếng phản lực rít, xé tan bầu không khí yên ắng ban trưa... tiếng pháo 37 ly của D1 nổ kịp thời, hoà cùng cụm pháo Hàm Rồng và dân quân tự vệ. Tuy nó bay dưới tầm ra đa, nhưng trên núi Lau Chẹt lại có trạm quan sát bằng ống nhòm, mà chúng tôi gọi là ra đa mắt thật, đã phát hiện chúng từ ngoài biển lao vào. Nên kịp thời thông báo cho Hàm Rồng sẵn sàng tiêu diệt.

     Chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy, kéo theo cả đụn khói đen xì, cố ngóc lên bay, hòng thoát ra biển. Nhưng đã rơi trên đất Hoằng Hoá. Cả tổ đài ôm nhau nhẩy cẫng, cùng reo hò chiến thắng!…
     Đây là chiếc máy bay thứ 2.000 của không quân Mỹ, bị bắn rơi trên miền Bắc. Nghe tin Bác Hồ gửi điện chúc mừng và thưởng cho mỗi cán bộ chiến sĩ cụm pháo Hàm Rồng một đồng ăn tươi...
      Chiều hôm sau 6/6/1967, đơn vị tổ chức ăn tươi bằng tiền thưởng của Bác Hồ... (Sau này được biết đó là tiền tiết kiệm, tiền nhuận bút Bác viết bài, gửi các báo, tạp chí từ khi về nước… là 25.000đ, tương đương 60 cây vàng, giao cho Bộ Quốc phòng, làm phần thưởng, tặng cho những đơn vị có thành tích chiến đấu đặc biệt suất sắc)…
     Theo đánh giá của Lầu Năm Góc. Không quân Mỹ đánh Hàm Rồng như lao vào bức tưởng thép. Trên thế giới này chưa từng có cụm pháo phòng không nào có uy lực như  cụm pháo Hàm Rồng.
     Đây là kỷ niệm đẹp, của một thời quân ngũ, mà tôi được vinh dự đứng trong đội ngũ những người lính cao xạ bảo vệ Hàm Rồng. Những năm ác liệt nhất cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên miền Bắc. Cũng là niềm tự hào, mình đã từng chiến đấu nơi chảo lửa Hàm Rồng!…

                           Phạm Huy Liệu
         Hội viên hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương
Nguyên đài trưởng 15w D1 cao xạ trực thuộc đoàn 559!


tin tức liên quan