"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (22)
(Tiếp theo)
Chương XXII:
LỜI XIN LỖI MUỘN
Phải đến 4 tháng sau tôi mới có dịp gặp lại Vang cũng tại phòng chờ ở Bệnh viện TƯ Quân Đội 108.
Khám bệnh xong, chiều đã muộn Vang mời tôi về thăm nhà, nghỉ lại qua đêm để anh em có dịp tâm sự. Ngôi nhà đẹp, rộng rãi, thoáng mát, xây trên diện tích đất do cơ quan cấp. Vợ Vang chị Thắm cũng mới nghỉ chế độ. Hai đứa con, chị lớn làm cho một công ty nước ngoài, đang đi công tác bên Nhật. Còn cậu em, năm tới tốt nghiệp đại học.
Cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Tôi mừng cho Vang.
Tối ngủ cùng chung một giường, tôi hỏi Vang từ hồi ấy có gặp lại “ Hoa của Trường Sơn” không. Vang bảo: Sau khi tốt nghiệp về đơn vị nhân một lần đi công tác em có định ghé thăm. Lúc nghỉ ngồi uông nước ở phố Huyện, em có hỏi dò thì được biết: về địa phương em ấy được cử đi học rồi về công tác trên Huyên. Đã có chồng, có con, gia đình hạnh phúc. Em từ bỏ ý định vào thăm. Cũng chả để làm gì phải không anh.
Rồi mọi câu chuyện lại quay về những kỉ niệm xưa 2 hồi 2 anh em ở chiến trường. Vang bảo: hồi ấy có một chuyện em đã dấu, tưởng không còn dịp nào để xin lỗi anh.
Rồi vang kể:
Từ ngầm Ta-lê gược lên thượng lưu chừng 7-8 cây số, dưới chân các thác nước thường là những vũng nước rất to và sâu, có vũng rộng bằng cả cái ao làng, ở đấy có rất nhiều cá. Lính ta hay lẻn lên đấy đánh trộm, được con nào nướng ăn tại chỗ. Không dám mang về đơn vị, lộ ra là kỉ luật rất nặng.
Phương pháp đánh bắt chủ yếu bằng bộc phá. 200gam TNT, cộng một kíp mìn, với doạn dây cháy châm là chắc chắn có cá ăn. Phải tính toán sao cho khi quả bộc phá được ném ra khỏi tay vừa chạm mặt nước thì phát nổ, như thế mới chắc ăn và được nhiều cá. Nếu dây cắt quá dài, bộc phá chìm sâu xuống dưới gây động và cá sẽ chạy hết.
Cũng chính vì phải bảo đảm nổ khi bộc phá tiếp nước, nên trên tuyến đường trường Sơn đã có nhiều vụ tai nạn sẩy ra: hỏng mắt, cụt tay, thương tích, thậm chí chết người. Bộ tư lệnh đã có chỉ thị cấm tuyệt đối đánh cá bằng bộc phá, nếu phát hiện được trường hợp nào thì kỉ luất thật nặng. Đơn vị nào có chủ trưởng thì Thủ trưởng ở đó phải bị sử lí.
Thủ phạm gây thương vong chính ở cái đoạn dây cháy chậm. Trường hợp tử vong là do trời năng, khi châm lửa dây đã cháy nhưng không nhìn thấy tia lửa, tưởng dây chưa cháy định châm lại thì mìn phát nổ ngay trên tay. Cũng có trường hợp luýnh quýnh để bộc phá rơi ngay xuống chân phát nổ. Cũng có trương hợp bị thương là do ném chậm hoặc cắt dây quá ngăn vừa ném khỏi tay đã nổ.
Một hôm cả đơn vị đi tác nghiệp, ở nhà chỉ có em với cậu Thắng mới khỏi sốt rét đang được nghỉ ngơi. Thắng bảo: Từ hồi vào đây chưa được ăn cá. Chẳng biết có phải do mới ôm dậy hay không mà tao thèm cá lắm. Rồi nó rủ:
-Hôm nay chỉ còn tao với mày ở nhà, mày đi đánh cá với tao.
-Đánh bắt bằng cái gì?
-Bằng thuốc nổ TNT chứ còn bằng cái gì nữa.
-Chết. Không được, kỉ luật to đấy. Thế mày chưa biết có lệnh cấm à.
-Tao biết rồi, mình tranh thủ đi một lúc thôi. Đang ốm lại thèm thế này mà được ăn cá chắc tao khỏe ra đấy.
Chiều theo ý nó em đồng ý. Sợ không kịp về nên hai đứa chọn vũng nước ở gần. Tung 2 quả bộc phá chẳng được con nào cả. Phải đi xa hơn. Trời nắng, mệt, đi ngược tiếp khoảng 4 cây số nữa mới thấy một vũng to, khá sâu. Thắng bảo: chắc chắn có cá ăn rồi mày ạ.
Rút kinh nghiệm lần này em cho bộc phá nổ ngay dưới mặt nước. Sợ Thắng còn đang yêu, em giành phần ném bộc phá. Sau tiếng nổ: ầm, cá chết nổi lên. Hai đứa chọn con to nhất nướng ăn tại chỗ. Cá nướng nóng hổi, thơm lừng, vừa ăn Thắng vừa xuýt xoa: Tao chưa bao giờ được ăn bữa cá ngon thế này cả.
Đang ăn ngon em thấy nó cúi xuống khac lia lịa.
-Mày bị làm sao đấy.
-Tao bị hóc hay sao ấy.
-Há mồm tao xêm nào.
Nó há to mồm ra, em nhìn sâu vào trong thấy rõ cái xương cứng nằm ngang cổ họng. Em bảo nó:
-Chết mày bị hóc rồi, cái xương to lắm, tại mày ăn tham quá đấy mà, khạc thật mạnh là nó bật ra .
Nó phùng mang, trợn mắt làm theo nhưng cái xương không ra đươc. Em đành phải cho tay vào họng nó móc ra. Nhưng ngón tay không tới càng kích thích nó nôn nhiều hơn. Chẳng lẽ lại bó tay. Rồi em bắt nó há mồm thật to, cầm một cái que nhỏ có chạc khẽ đưa vào đến chỗ cái xương cá giật một cái. May mà ra được, chứ phải mang cái họng có xương cá ấy về đơn vị thì lộ tẩy hết.
Bị một vết xước trong họng, nó kêu đau, khó nuốt những tay vẫn cứ gỡ cá nuốt lấy nuốt để.
No nê, hả hê, nó còn định nướng tiếp 2 con nữa để gần về đến đơn vị lại ăn tiếp, nhưng em không nghe. Bọn em vẫn kịp về.
Đến khoảng 2h chiều, em bị đau bụng, những cơn đau dữ dội, kèm theo nôn thốc, nôn tháo. Tào tháo đuổi cả ra quần, người mệt muốn lả đi. Em cố mò sang lán của Thắng, thấy nó cũng đang ôm bụng quằn quại trên giường. Lờm lợm, tanh tưởi mùi cá nôn ọe. Em chợt nhớ ra, ở Trường Sơn dọc các con suối trong rừng có một loại cây cho quả rất độc và khi quả chín rụng xuống cũng chỉ có một loài cá ăn được quả này. Em không nhớ tên là quả gì, hình như quả Mã- tiền thì phải, nếu ăn phải loại cá ấy sẽ bị ngộ độc, có khi chết người.
Em nói với nó về ngộ độc quả Mã tiền. Thắng rên rỉ, rồi nó khóc: Phen này tao với mày chết thật rồi Vang ơi. Chết vì miếng ăn thế này thì nhục quá.
Em át đi: Chết thế nào được mà chết.
Sợ quá hai đứa bảo nhau phải móc họng cho nôn hết ra, uống no nước vào rồi lại móc tiếp làm như rửa ruột, rồi quét dọn sạch sẽ cho hết mùi cá. Không để lại dấu vết gì.
Sợ bị lộ, em bảo Thắng lên giường đắp kín chăn, giả vờ bị sốt, miệng rên ư ử. Tối y tá đến thăm bệnh.
-Thằng này, mày bị nôn hay sao, tanh như mùi cá, ghê quá.
-Lấy đâu ra cá hở anh. Lúc chiều lên cơn sốt, mệt quá uống mỗi cốc nước đường mà bị nôn hết, chắc chỉ vài viên kí ninh là khỏi thôi anh ạ.
Rồi em hỏi dò:
- Thằng Thắng đã đỡ sốt chưa anh.
-Hôm qua cặp nhiệt độ thấy bình thường, thần sắc đã khá rồi, thế mà tối nay bị quật lại, đang đắp chăn rên, chẳng chịu ăn uống gì cả. Cũng giống như mày lại còn bị nôn nữa chứ. Hai đứa chúng mày cứ như vào hùa với nhau ý.
-Em đã bị sốt nhiều rồi, nhưng sao lần này trong người nó thế nào ý, mệt quá anh ạ, người cứ muốn lả đi. Chẳng may lên cơn ác tính thì liệu có qua được không anh.
-Lại suy nghĩ vớ vẩn, chịu khó uống thuốc, cố gắng ăn uống rồi mai sẽ khỏi.
Mặc dù không bị sốt nhưng vẫn phải cầm vốc thuốc tống vào họng trước mặt quân y, đắng hoa cả mắt. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào.
Cũng không ngờ phải 3 hôm sau mới gượng dậy được, người bấy như cọng cỏ. Em ân hận quá.
Những ngày sau em cứ nghĩ: nếu chẳng may hôm ấy sự việc lộ ra hoặc em với thằng Thắng có mệnh hệ gì, chắc anh cũng bị liên lụi to. Tôi bảo: Hôm ấy ông mà chết là tôi cũng chết theo luôn.
Vang nằm xoay người ôm lấy tôi: May anh nhỉ. Cả cuộc đời binh nghiệp gần 40 năm, đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng em vi phạm kỉ luật. Mặc cảm về việc làm sai trái đeo bám, nhiều lần em định thú tôi nhưng lại sợ. Sợ bị kỉ luât, sợ bị chê cười, sợ ảnh hưởng đến đơn vị, sợ liên lụy đến các anh. Cũng từ lần ấy em luôn tự răn mình: phải sống làm một người lính sao cho thật tử tế.
Kí ức với những kỉ niệm buồn vui của một thời chiến tranh, một thời tuổi trẻ cứ dồn về. Đến quá nửa đêm tôi bảo Vang thôi ngủ đi mai còn dậy sớm. Vang thủ thỉ: Ra khỏi chiến tranh mình còn sống được đến hôm nay là may mắn lắm rồi anh nhỉ. Tôi bảo: Ừ anh em mình còn sông, được trở về lành lặn, có gia đình hạnh phúc, hôm nay lại được gặp nhau thế này là quý lắm rồi. Còn biết bao đồng đội đã anh dũng hy sinh, thương binh mất đi một phần cơ thể họ thiệt thòi hơn mình nhiều. Cuộc sống hôm nay dẫu còn nhiều vất vả, cũng có những điều chưa thật bằng lòng nhưng thật đáng trân trọng và rất đáng để sống.
Thôi ngủ đi.
(Còn nữa)