"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (23)

Ngày đăng: 07:18 27/03/2024 Lượt xem: 69
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XXIII:
ĐỐI MẶT VỚI TỬ THẦN
                       
          Sống và chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn, nhất là ở các trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá ác liẹt như ở hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP ( cua chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích ) thì việc phải đối đầu với những hiểm nguy, ngày đêm cận kề với cái chết là điều không thể tránh khỏi. Quãng thời gian sống và chiến đấu ở đây không biết bao nhiêu lần tôi và đồng đội đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong gang tấc. Trong đó có 3 lần đến bây giờ mỗi khi nhớ lại  vẫn thấy gai trong người.
          Lần thứ nhất: Một buổi tối đầu mùa khô năm 1971 sau một loạt bom tọa độ dội xuống ngầm Ta-lê. Đang trực chiến ở trạm Barie T82, tôi kéo Trần Đình Nguyên cùng đi trinh sát. Lúc đang lội kiểm tra ngầm thì bỗng nhiên tốp máy bay Mĩ lao đến tung pháo sáng trắng trời. Thoáng nghĩ thể nào chúng cũng đánh bom tối hét lớn giục Nguyên chạy nhanh lên mố ngầm phía nam vì ở đấy vẫn còn hầm trú ẩn.
          Nước sâu, mặt ngầm mấp mô toàn đá hộc. Hai đứa vừa lội vừa chạy, ngã xấp ngã ngửa, quần áo sũng nước. Vừa lên đến mố ngầm thì nghe tiếng máy bay rít, tôi vội đẩy Nguyên vào hầm rồi lao theo sau. Liền sau đó là một loạt bom bi nổ rền vang, những quả cầu lửa lóe lên thi nhau chớp nhì nhằng. Tôi nói với Nguyên trong hơi thở hổn hển: May quá anh em mình đã thoát chết, chỉ chậm vài bước chân thỉ không biết sẽ thế nào.
          Bởi là lính mới nên Nguyên chưa dạn dĩ với bom đạn. Nó ngồi thu mình sát vào phía trong cùng, toàn thân run cầm cập, miệng lí nhí:
- Sợ quá anh ạ. Thôi ngớt tiếng bom rồi, mình nhanh chóng chạy về hang đi anh. Em rét lắm.
          Nó vừa dứt lời. Bỗng lại nghe tiếng máy bay rít. Lần này chỉ thưa thớt tiếng nổ nhưng nhiều tiếng rơi lịch bịch.
        Tôi vừa kịp nói to với Nguyên: Bom bi nổ chậm đấy, thì hai quả lăn vào trong cửa hầm. Theo phản xạ tự nhiên, tôi nhanh tay chộp lấy từng quả một quẳng vội ra ngòai, ép sát người xuống. Quầng sáng lóe lên hắt vào vách hầm, đồng thời là tiếng nổ chát chúa.
        Tiếp sau đó là hàng trăm tiếng nổ đì đùng lúc thưa, lúc mau kéo dài khoảng 40 phút. Quãng thời gian ấy chúng tôi ngồi ôm gối co ro dồn sát vào cuối hầm. Tôi thủ thỉ với Nguyên: Anh em mình lại thoát chết. Rồi tôi truyền đạt kinh nghiệm sử lí khi chẳng may bị bom bi nổ chậm chui vào trong hầm.
        Nguyên hỏi lại: Lỡ mình vừa cầm lên, nó nổ ngay trên tay thì sao?
-Ở đấy có yếu tố may rủi nhưng mình phải chủ động để giải thoát. Có 2 lựa chọn: hoặc là ngồi nhìn chờ bom nổ hoặc là phải hành động thật nhanh, thật dứt khoát để cứu sống bản thân. Trong trường hợp này đòi hỏi phải hết sức bình tĩnh, phản xạ dứt khoát, chính xác. Yếu tố sống còn phụ thuộc vào sự mau lẹ. Giữa sự sống và cái chết diễn ra chỉ trong khoảnh khắc, nếu không quyết đoán, phản ứng nhanh để bom nổ trong hầm thì chắc chắn hai anh em mình sẽ tan xác.
Nguyên bảo: cũng may có các anh đi trước dầy dạn kinh nghiệm sử lí tình huống, chứ nếu không thì…-Nói đến đấy cậu ta dừng lại, tay bó chặt lấy hai đầu gối.
         Lần thứ hai: Theo thông báo của trên, khoảng 2 giờ chiều sẽ có đợt đánh phá của máy bay B52. Cơm trưa xong, tôi và cậu Thành liên lạc của Đại đội khẩn trương vượt đèo Phu-la-nhích về hang chỉ huy của Đại đội ở km 82 phía bắc ngầm Ta-lê chuẩn bị sẵn sàng đối phó vớii tình huống sảy ra.
         Vừa lên tới đỉnh đèo Phu-la-nhích thì nghe tiếng máy bay phản lực. Trời mùa đông xám xịt, mây thấp chắc chắn chúng đánh bom tọa độ, tôi kéo cậu lien lạc vào hầm tránh bom bên vệ đường. Hơn chục quả bom phá rít trong không khí rồi lao thẳng xuống đầu chúng tôi, khói bụi mù mịt, đất trời quay cuồng điên đảo, đất đá rơi rào rào. Căn hầm chữ A bị xô nghiêng, hai bên vách hầm ép vào. Cửa hầm bị đất lấp kín.
         Trong đầu thoáng nghĩ: Phải thật nhanh không thì hai đứa sẽ bị chết vì ngạt thở. Dùng hai bàn tay ôi ra sức cào bới, còn cậu liên lạc thì đẩy đất vào phía trong. Không khí trong hầm như đặc quánh lại, hơi thở gấp gáp, mồ hôi đầm đìa, mười đầu ngón tay ứa máu.
        Được một lúc thì phía sau tôi cậu lien lạc lả đi. Không còn cảm giác mệt mỏi, đau đớn tôi cố hết sức bới, bới và bới, mọi tâm lực và trí lực dồn cả vào đôi bàn tay. Bổng trước mắt lộ ra một khoảng trời bằng  quả bưởi, không khí lạnh buốt của mùa đông trên đỉnh Trường Sơn ùa vào. Tôi khoét cái lỗ ấy cho rộng thêm rồi trườn ra khỏi hầm, bắn hai phát đạn gọi đồng đội lên chi viện, rồi lại ra sức cào bới để kéo cậu liên lac ra.
        Người nó mềm oặt, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt, mười đầu ngón tay máu tươi vẫn đang rỉ ra. Tôi cởi cái áo khoác ngoài đắp lên người nó rồi bế sang căn hầm gần đấy chờ đồng đội đến cứu.
        Thế là cả hai chúng tôi đều thoát chết trong gang tấc. Hôm ấy máy bay B52 đã chuyển hướng sang đánh ở cung đường khác.
        Lần thứ ba: Lần nào cũng vậy, cứ sau mỗi đợt máy bay Mỹ đánh phá ngầm dù trúng bom hay không thì chúng tôi vẫn phải củng cố lại. Nếu mặt ngầm bị trúng bom thì việc gia cố sẽ phức tạp hơn, mất nhiều thời gian và công sức hơn. Nếu bom không trúng mặt ngầm thì dưới áp lực của nước và sức ép của bom một khối lượng lớn đá kè ngầm cũng bị xô đẩy dồn thành đống, hoặc bị đẩy trôi xướng dưới hạ lưu.
        Cuối mùa khô 1971-1972, nước lũ từ thượng nguồn dồn về, mặt nước ngầm dâng cao. Sau trận bom lúc 2 giờ chiều, một Tiểu đội được điều động để củng cố lại mặt ngầm. Phải bảo đảm đủ chiều rộng tối thiểu 5m, độ sâu không quá 0,5m, mặt ngầm phải tương đối phẳng bảo đảm xe qua ngầm nhanh và an toàn nhất.
        Trong lúc mọi người đang miệt mài làm việc thì bỗng môt quả bom nổ chậm phía thượng lưu phát nổ chỉ cách mép ngầm chừng 10m. Cột nước và hàng trăm hòn đá to nhỏ bắn tung lên trời. Sóng nước dềnh lên cao xô cả Tiểu đội xuống hạ lưu.
        Tiếng kêu thét, những cánh tay chới với, quẫy đạp vùng vẫy. Tôi cũng vùng vẫy nhưng tay trái không sao giơ lên được. Nước táp vào mặt, nước ùa vào miệng, phía dưới như có ai túm lấy cẳng chân dìm xuống.
         Phải bằng mọi cách nhoi vào bờ - Tôi thoáng nghĩ - vì ở phía dưới cách chừng 150m là một cái thác cao 10 m, nếu bị cuốn xuống đấy thì khó bảo toàn được tính mạng. Lại ngụp xuống trồi lên, lại vẫy vùng. Chân thì cố đạp, một cánh tay sải mạnh về phía trước, trong đầu luôn tâm niệm câu thần chú: cố lên, cố lên.
        Đến lúc tưởng như tuyệt vọng thì may quá được anh em trong đơn vị đuổi theo chìa ra một đoạn cây khô dài. Tôi nghe loáng thoáng tiếng thét:  Cố lên anh, bám chặt vào để chúng em kéo.
        Tôi là người được đồng đội cứu cuối cùng. Được đưa lên bờ với một cái bụng no căng nước; máu từ trên đầu chảy xuống mặt; cổ bàn tay trái thâm tím xưng tấy. Cả tiểu đội an toàn nhưng ai cũng bị thương tích do đá ném vào.
         Mặc dù vậy, đến hôm sau trừ hai trường hợp bị thương nặng phải đi Đội phẫu, còn lại anh em đều cố nén đau để ra mặt đường.
         Thế đấy, cuộc chiến bảo đảm thông đường, thông xe luôn là mệnh lệnh trái tim của mỗi người lính trên tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh. “ Tất cả vì Miền Nam ruột thịt ” không chỉ là khẩu hiệu mà là lẽ sống của mỗi người lính sẵn sang chấp nhận tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.
 

(Còn nữa) 
 
 
 
 
 
 
                            
    
 
 
 
 
 
tin tức liên quan