"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (25)

Ngày đăng: 10:27 29/03/2024 Lượt xem: 129
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XXV:
CỌC TIÊU SỐNG Ở NGẦM TA-LÊ
                       
       Ngầm Ta lê là một con đường bằng đá chạy đươi mặt nước ở độ sâu trung bình 0,50m. Từ bờ Bắc sang bờ Nam vào mùa khô chiều ngang khoảng 30m, mùa mưa nước lũ đổ về rộng tới cả trăm mét, cuốn trôi toàn bộ mặt ngầm. Chuản bị bước vào mùa khô khi nước rút việc khôi phục lại mặt ngầm phải mất cả tuần lễ. Ngầm là điểm xung yếu nhất trên tuyến vận tải chiến lược, bao giờ cũng được giặc Mĩ chọn là trọng điểm đánh phá.
      Thông thường xe từ điểm tập kết phía ngoài vào đến ngầm Ta lê khoảng 8h30 phút tối. Hôm ấy như thường lệ đội trưởng trực barie Nguyễn thị Thành mặc thêm đồ ấm, chuẩn bị đèn ra đón xe. Bỗng nghe tiếng rít chói tai, kèm theo là một loạt tiếng bom nổ. Nước bắn tung tóe, những hòn đá to nhỏ bằng cái bát,  như cái mũ cối rơi lịch bịch quanh hầm trực.
        Mọi người nhìn nhau. Trung đội trưởng bảo: chắc bom trúng ngầm rồi. Chuẩn bị tác nghiệp.
        Hai trinh sát nhanh chóng được cử đi nắm tình hình.
        Tiếng súng nổ báo hiệu ngầm đã trúng bom. Lúc sau trinh sát quay lại, ai nấy run cầm cập ướt sũng từ đầu đến chân. Anh  em kể lại do trời tối, lại phải lội xuống ngầm, nước chảy xiết,  mấp mô đá to, đá nhỏ. Bước thấp, bước cao tụt xuống hố bom giữa ngầm, may mà còn kịp ôm vào hòn đá hộc.  Mặt ngầm bị trúng bom cắt làm đôi, dài  4m, sâu khoảng 1,5m, mất hết cả chiều ngang. Đá bị dồn lên thành đống to, đống nhỏ. Hệ thống cọc tiêu chạy dọc hai bên thượng và hạ lưu ngầm bị thổi bay không còn cái nào.
         Lúc này thời gian còn quý hơn cả vàng. Phải khẩn trương thông xe trước 9h30, nếu muộn hơn cả tiểu đoàn vận tải với hàng trăm xe sẽ không kịp vượt cung vào nơi tập kết an toàn.
Toàn trung đội được huy động.  Hai chiếc xe ben do tiểu đoàn chi viện chạy hết công xuất. Hai tiểu đội nữ được phân công bốc đá lên xe. Tiểu đội nam nhận nhiệm vụ dầm mình dưới nước xếp đá vá ngầm, san tạo mặt phẳng, kè lại những chỗ bị sạt.
        Không khí làm việc hối hả, khẩn trương, nhịp nhàng. Thỉnh thoảng tiếng máy bay lại rít lên, tiếng bom trên đèo Phu La Nhích vọng lại. Mặc gió lạnh,  trời rét, cả sự căng thẳng, mệt mỏi hiện trên nét mặt mỗi người nhưng  không một tiếng kêu ca, than vãn.
       Khoảng một tiếng sau thông ngầm. Mặt ngầm vẫn còn nhiều mấp mô, chỗ cao chỗ thấp. Hai bên mép ngầm chỗ rộng, chỗ hẹp chỉ đủ hai bánh xe lăn. Biết là rất khó cho các chiến sỹ lái xe, nếu tay lái không vững hoặc  một thoáng thiếu tập trung, chỉ cần đầu xe chệch sang trái hoặc sang phải chừng nửa mét là  xe có thể lao ra khỏi mặt ngầm. Lúc ấy ngầm sẽ lại bị tắc, việc sử lí cũng không hề dễ dàng.
       Phải cắm cọc tiêu dẫn đường.  Nhưng đêm khua vắng lấy đâu ra cọc tiêu, số dự trữ ở hai đầu ngầm cũng đã bị bom thổi bay không còn cái nào.
       Trong khi mọi người còn đang bàn cách tìm cây làm  cọc tiêu thì trung đội trưởng Thiều đề xuất: cán bộ chiến sỹ thay phiên nhau đứng hai bên thượng và hạ lưu ngầm làm cọc tiêu sống. Vùa để chỉ đường cho xe qua, vừa động viên các chiến sĩ lái xe vững vàng tay lái vượt ngầm.
       Trong hoàn cảnh này có lẽ đấy là sự lựa chọn duy nhất đúng, nhưng cũng đầy hiểm nguy vất vả. Lại phải chụm đầu bàn thêm: đang mùa cạn nên chiều dài của ngầm chỉ khoảng 30m. Nếu bố trí người cách người 5m thì cả hai bên thượng và hạ lưu cần 12 người cho một ca trực. Người đứng cách người trong tầm chiếu sáng của đèn gầm xe otô thì các chiến sĩ lái xe mới quan sát được.  Do trời càng về đêm càng lạnh để  bảo đảm sức khỏe, mỗi ca trực chỉ nên ở dưới nước 30 phút.
        Đồng chí Luân tiểu đội trưởng tiểu đội 3 thay mặt tiểu đội xung phong đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ đứng làm cọc tiêu sống với lí do: tiểu đội  toàn nam giới thích hợp hơn chị em phụ nữ.
        Vấn đề tưởng đã ngã ngũ, không ngờ lại bị hai tiểu đội nữ phản đối kịch liệt. Chị em cho rằng: nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được. Vả lại cùng chung đơn vị không thể để một mình nam giới vất vả, chịu đựng hy sinh còn chị em phụ nữ lại được nghỉ ngơi. Lời lẽ qua lại cuối cùng Trung đội trưởng phải chấp thuận cho chị em nữ tham gia làm nhiệm vụ bình đẳng với tiểu đôi 3 toàn nam giới.
        Nước chảy xiết, những ai cao to, có sức khỏe tốt hơn thì được phân công đứng cắm ở phía hạ lưu của ngầm, chỗ nước sâu hơn. Lực lượng còn lại thì đứng ở hai đầu mố ngầm và phía thượng lưu. Chỗ nước chảy xiết 2-3 người phải nắm chặt tay nhau mới không bị xô ngã, cuốn trôi.
        Lúc đón chuyến xe đầu tiên vượt ngầm lại nẩy sinh vấn đề. Do mặt ngầm mấp mô lổn nhổn đá lái  xe phải rồ ga liên tục, sóng chồm lên nước bắn tung tóe hai bên làm ướt các chiến sỹ đứng làm cọc tiêu, mặc dù nước ngầm chỗ sâu nhất chỉ đến lưng chừng đùi. Trong cái rét căm căm  nơi đỉnh Trường Sơn chắc không ai trụ nổi  30 phút.
        Để kịp thời khắc phục khó khăn này, trung đội trưởng quyết định mở kho xuất cấp cho mỗi người một tấm nilon mới. Quấn hai, ba vòng quanh người từ cổ đến chân vùa để giữ ấm, vừa để chống ướt. Mọi phát sinh đã được giải tỏa.
Sóng vỗ, nước ngầm xô đẩy cộng với giá lạnh gây nhiều khó khăn. Có người loạng choạng, trượt chân ngã xấp, ngã ngửa nhưng lại nhanh chóng gượng dậy. Lạnh, mệt quá lập tức có đông đội thay thế. Sưởi ấm, nghỉ ngơi chốc lát, ăn vội bát cháo nóng lấy lại sức lại tiếp tục lội ngầm, dầm chân  làm cây cọc tiêu chỉ đường cho từng chuyến xe qua.
        Từng chiếc xe một cõng trên lưng đầy hàng, nặng nề, vật vã chồm lên vượt ngầm. Đến 11giờ đêm chiếc cuối cùng của tiểu đoàn xe 52 Anh hùng  đã vượt sông an toàn. Cả trung đội thở phào nhẹ nhõm.
        Chẳng phải đá, cũng không phải bê tông cốt thép gì, chính ý chí và lòng quả cảm của cán bộ, nam nữ chiến sỹ C3, D33 Anh hùng đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh làm ngọn đèn soi sáng trong đêm.
        Hàng cọc tiêu sống ở ngầm Ta lê đã trở thành huyền thoại trên đường 20 Quyết thắng. Là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó, sự đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa lực lượng công binh và các chiến sỹ lái xe Trường Sơn.
           Chiều hôm sau, sau khi hai tốp F4 thay nhau đánh phá, lần này ngầm không trúng bom nhưng những cột sóng nước xô đẩy đá kè ngầm dồn lên thành đống. Ngớt tiếng máy bay, cả Trung đội lao đi sử lí. Một Tiểu đội nam mình trần phải dầm mình xuống dòng nước cuồn cuộn chảy, bê vác từng hòn đá. Bỗng cách phía bắc ngầm chừng 5 mét sau một quả bom nổ chậm phát nổ, đồng thời một cột nước cao dựng đứng, sóng nước dồn dập xô về phía hạ lưu. Tất cả cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên mặt ngầm đều bị đẩy trôi xuống dưới. Những cánh tay chới với, tiếng hò hét gọi nhau. Lực lượng còn lại chạy theo dòng nước tìm mọi cách cứu người.
           May quá mọi người chỉ bị va đập bầm tím, xây xát nhẹ nhưng thiếu Tiểu đội trưởng Bình. Tất cả lại tỏa ra chạy dọc hai bên bờ suối tìm kiếm. Những tiếng gọi ơi ới, nấc nghẹn. Ai nấy đều ướt sũng và mệt mỏi. Gọi tất cả anh chị em lại, tôi nói: Việc tìm kiếm có thể còn kéo dài, để có sức, một nửa quay về thay quần áo, ăn tạm lương khô cho đỡ đói rồi quay lại thay phiên tiếp tục tìm kiếm.
           Số còn lại tiếp tục vừa tìm, vừa gọi. Đang miên man nghĩ về những điều tệ nhất có thể xẩy ra bỗng tôi thấy nó nằm xấp mặt dưới một tán cây ngay bờ suối, trên người không mảnh vải che thân. Chạy lại lật ngửa nó lên gọi to: Bình, Bình. Nó mệt mỏi từ từ mở mắt. Còn sống.
           Đỡ nó ngồi dây, người mềm nhũn, hơi thở yếu ớt, da dẻ súng ống thâm sì nom đến ghê, nhưng may chẳng có vết thương nào cả.
          -Quần đâu.
          -Tao chẳng biết nó bị tuột lúc nào.
          -Bám vào vai, tao cõng về.
         -Không được, bọn con gái nhìn thấy thì chết à.
         -Sắp chết rồi còn sỹ, lát nữa chúng nó ra chui xuống lỗ nẻ à.
         -Thế thì chết tao. Thôi mày về lấy cái quần đùi mang cho tao, còn chuyện ở đây để tao lo.
          -Mày lo thế nào.
          -Nếu chúng nó đến tao cố lội ra chỗ hai tảng đá to ở giữa sông, nấp kĩ vào đấy kệ chúng tìm, chịu rét vậy chứ lộ ra xấu hổ lắm.
          Tôi chạy theo đường tắt về, lúc quay lại đã thấy cả Tiểu đội nữ đang  lùng sục tìm từng gốc cây, bụi lau. Tôi gọi tất cả lại: Khu vực này anh đã tìm kĩ rồi, các em lui xuỗng tìm ở khu bãi đá dưới kia.
           Khi mọi người đã tản đi, tôi nghe tiếng nó rên rỉ: Tao đang ở đây, lấy cái gậy kéo tao vào. Tôi còn đang loay hoay thì chẳng biết từ đâu  em Thắm với em Trình cầm cái cây khô dài chừng 3 mét chạy lại rồi đưa ra phía chỗ thằng Bình.
          -Túm chặt lấy đi anh để bọn em kéo vào, nhanh lên không rét chết.
          Chẳng thấy thằng Bình nói gì, Cái Thắm hỏi tôi: Sao anh ấy không có phản ứng gì cả, hay… Lúc ấy tôi đành phải nói rõ sự thể và bảo các em tam lánh vào một chỗ khuất. Cái Trình cười: Gớm chẳng lẽ dấu được cả đời à, rét thọt hết lên cổ rồi còn làm như…báu lắm ấy. Rồi chúng nó vừa cười, vừa chạy đi gọi đồng đội.
 

(Còn nữa)
tin tức liên quan