"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (26)
(Tiếp theo)
Chương XXVI:
VỎ QUÝT DẦY CÓ MÓNG TAY NHỌN
Ngầm Ta-lê là “ tử huyệt” trên Đường 20-quyết thắng, nơi máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá cả ngày lẫn đêm bằng các thủ đoạn khác nhau:
Thứ nhất: Bổ nhào cắt bom. Thủ đoạn này không cần máy bay chỉ điểm. Chúng ở đâu đến lượn vài vòng xác định mục tiêu rồi lao xuông cắt bom. Do chiều cao tầm bổ nhào bị hạn chế vì tầm với của pháo cao xạ và mắc hai ngọn núi cao che chắn hai bên ngầm, nên xác xuất trúng mục tiêu không cao. Chủ yếu gây sạt lở đất. Cũng có đêm địch quay cuồng đánh phá dưới ánh đèn pháo sáng thành nhiều đợt nhưng mục đích có lẽ chỉ để hù dọa và tạo ra tiếng nổ thị uy.
Thứ hai: Đánh bom tọa độ. Thủ đoạn này tạo được bất ngờ, đánh được trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm. Nhưng do phải cắt bom ở độ cao nhất định theo tọa độ tính sẵn nên xác xuất trúng đích thấp
Thứ ba: Đánh bom chỉ điểm. Thủ đoạn này chúng dùng máy bay OV10 hoặc L19 lượn phía trên, khi đã xác định được muc tiêu, lập tức bắn đạn khói chỉ điểm. Khoảng 2 phút sau từng tốp máy bay cường kích đem bom đến thả vào vị trí khói chỉ điểm. Cách đánh này hiệu quả hơn 2 cách đánh trên nhưng cũng có hạn chế là: sau khoảng 2 phút theo chiều gió khói đã loãng và tản rộng ra, không xác định được chính xác mục tiêu cụ thể.
Cả 3 cách đánh trên xác xuất trúng mục tiêu là ngầm và 2 mố ngầm rất thấp. Đến cách đánh thứ tư bằng bom Laser thì thời gian đầu có gây cho ta nhiều khó khăn. Đây là thủ đoạn đánh phá được ứng dụng công nghệ mới. Xác xuất trúng mục tiêu cao hơn các cách đánh trên. Chúng dùng một chiếc máy bay lượn vòng tròn ở độ cao trên tầm với của pháo cao xạ. Chiếu tia Laser vào mục tiêu, đồng thời những chiếc phản lực khác lao xuống cắt bom. Bom được tia Laser dẫn thẳng vào mục tiêu. Trong điều kiện trời quang mây tạnh chúng đã đánh là trúng. Nhưng cách đánh này có điểm yêu chí tử là khi trời mưa, trời nhiều mây hoặc sương mù dầy đặc, bom Laser sẽ bị mù, có đánh mấy cũng không thể trúng mục tiêu.
Trên tuyến vận tải chiến lược đường 20 Quyết- thắng, ngầm Ta-lê có một vị trí đặc biệt quan trọng, nằm giữa một bên là cua chữ A và một bên là đèo Phu-la-nhích tạo thành hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP.
Cuộc chiến giữ ngầm năm nào cũng vậy, kéo dài từ đầu mùa khô đến đầu mùa mưa năm sau.
Từ mùa khô 1970-1971 địch bắt đầu sử dụng bom Lazes đánh phá ngầm. Là “tử huyệt” của ngầm nên mỗi khi đánh bao giờ chúng cũng nhắm vào 2 bên mố ngầm. Và cuộc đấu trí của cán bộ, chiến sỹ C3,D33 cũng tập trung để giữ bằng được 2 mố ngầm. Một khi đã bị trúng bom, để khôi phục lại đã lấy đi không ít công sức, mồ hôi và máu của bộ đội. Phải huy động toàn đơn vị người trên cạn, người dầm mình dưới nước, xe ben chở đá, máy ủi san nền. Thông được đừơng, nhưng để những chiếc xe tải cõng đầy hàng vượt qua dược cái thứ hỗn hợp nhão nhoét gồm: đất, đá và nước ở mố ngầm còn vất vả, gian nan hơn nhiều.
Từ báo cáo của trinh sát, chúng tôi nhận thấy: Nếu có sương mù, có mây dầy ở tầng thấp thì bom Lazes sẽ bị mù. Từ đó đi đến lết luận: đối sách hiệu quả nhất để hóa giải bom Lazes là tạo ra lớp mấy nhân tạo phủ kín ngầm.
Nhưng vấn đề đặt ra là: lấy gì để tạo ra được một lớp mấy nhân tạo? Làm thế nào để duy trì được lớp mây trong nhiều giờ, nhiều ngày? Và câu trả lời là: tận dụng vật liệu tại chỗ đốt lên và khói sẽ tạo thành lớp mây che mắt địch.
Đây là vấn đề mới, rất hóc búa, nếu không cân nhắc, tính toán kĩ thì khác nào “ gậy ông lại đập lưng ông”. Có nhiều ý kiến băn khoăn và chúng tôi thống nhất: cứ làm, phải dám làm thì mới có kinh nghiệm. Phải chuyển từ thế bị động ngồi chịu trận sang thế chủ động bịt mắt địch.
Cả đơn vị háo hức bắt tay vào thực hiện. Gom củi, đốt lửa nhưng ngay từ lần đầu đã nếm thất bại, màn khói không phát huy được tác dụng. Cả 2 lần máy bay Mĩ đánh đều trúng ngầm. Trong đơn vị bộc lộ tâm trạng hoài nghi, nẩy sinh nhiều ý kiến trái chiều.
Cấp ủy, chỉ huy Đại đội họp lại, rà soát kĩ từng khâu. Khảng định: cách tạo màn khói bịt mắt địch là chuẩn rồi. Vần đề ở chỗ ta phải làm tốt công tác chuẩn bị để có đủ lực đánh dài ngày. Mấu chốt của thất bại được chỉ ra là: màn khói không được duy trì liên tục, không đủ dầy, không đủ rộng để che phủ cả ngầm.
Từng vướng mắc cụ thể dần được tháo gỡ.
Đội trưởng trinh sát đề xuất ý kiến: Tổ chức thu gom cây khô, cây cháy dở, cả những cây to tầm người ôm. Kết hợp với lốp ô tô hỏng, pháo sáng của đich bị xit… Theo quy luật đánh phá của địch, ta phải chọn đúng thời điểm để đốt, thời điểm dập lửa. Tùy vào điều kiện thời tiết không nhất thiết ngày nào cũng phải tạo màn khói, cũng không nhất thiết phải dập khuân theo một giờ nhất định để vừa phát huy hiệu quả màn khói che được mắt địch, vừa tiết kiệm vật liệu đốt.
Nhằm chủ động có nguồn tạo khói lâu dài, chúng tôi thành lập một tổ công tác gồm những chiến sỹ to, khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát chuyên thu gom các chất dễ cháy, tập kết lai. Đến tối dùng xe ben chở đến các vị trí xác định.
Để bảo đảm cho đống củi cháy âm ỉ, tạo được nhiều khói, trước khi đốt anh em phải tưới nước làm ẩm củi. Vào tận rừng xa hàng chục cây số chặt củi tươi còn cả lá để đốt lẫn với củi khô. Các tổ trinh sát lặn lội xuống các vực sâu tìm những chiếc xe bị địch đánh hỏng tháo lốp, lấy xăm, đệm ghế, dầu máy…
Trong cái khó ló dần cái khôn, từ thực tiễn nhiều vấn đề nan giải, gai góc dần được tháo gỡ như: Đốt bao nhiêu đống củi, mỗi đống cần bao nhiêu củi, độ ẩm cây que thế nào. Khoảng cách giữa mỗi đống củi, thời gian từ lúc châm lửa đến lức tạo được màn khói. Điều kiện thời tiết như thế nào thì không cần phải làm mây nhân tạo, phối hợp ra sao giữa các lạo vật liệu để tạo được nhiều khói nhất… đều tìm được lời giải tối ưu.
Từ phát hiện: Đốt nhiều củi chưa hẳn đã tạo được nhiều khói thế là lại mầy mò thực nghiệm và đã tìm ra được một công thức: 2 khô, 1ẩm, 2 tươi ( 2 phần củi khô, 1 phần củi ẩm, 2 phần củi tươi gồm cả cành lá và cỏ), cộng với 1 lượng vừa đủ chất “ phụ gia” là pháo sáng của địch, dầu luyn, xăm lốp ô tô…thì sẽ tạo được màn khói tối ưu nhất.
Đấy là thông tin được xác nhận từ đài quan sát của Tiểu đoàn báo về.
Vì ngầm nằm giữa hai ngọn núi cao nên gió chỉ thổi một chiều từ thượng lưu xuống. Cùng một lượng củi đốt, cùng tạo được một lượng khói như nhau nhưng những ngày ít gió thì bom Mỹ chỉ có chào thua. Ngược lại những ngày gió mạnh thì màn khói tản nhanh, không đủ để che phủ cả ngầm. Do đó phải bố trí lại, tập trung toàn bộ các đống củi ở phía thượng nguồn. Ngoài ra còn phải chuẩn bị sẵn một số đống ở phía xa hơn để sẵn sàng bổ xung thêm khói kể cả những lúc máy bay địch đang quần thảo trên đầu.
Nhiệm vụ được giao cho các chiến sỹ dầy dặn kinh nghiệm chăm lo. Anh em gọi đùa đấy là tổ “ cảm tử ”. Mỗi tổ 3 người. Trực 2 tiếng lại thay phiên. Do tính chất nguy hiểm của đội “cảm tử” nên cấp ủy quyết định họp toàn đơn vị, quán triệt, phổ biến thật kĩ nhiệm vụ và những quy định cụ thể trong thao tác, sử lí tình huống. Đến lúc lấy tinh thần xung phong thì 100% cán bộ, chiến sỹ đều giơ tay tình nguyện, ai cũng muốn được ghi danh vào đội “ cảm tử”. Buộc phải làm tư tưởng rồi chỉ định những chiến sỹ nam nhanh nhẹn, khỏe, từng trải trận mac.
Cả chục cái hầm chữ A kiên cố được đào ngay trong bãi bom, tạo sự linh hoạt, cơ động, sử lí tình huống nhanh nhất. Đồng thời cũng bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ “cảm tử”.
Cũng có hôm máy địch đánh 3-4 trận. Sau mỗi trận oanh tạc như thế những đống khói bị đất đá vùi, bị sức ép bom thổi bay. Từ những điểm chốt ngay tại trọng điểm, đội “ cảm tử ” lại lao ra tiếp lửa tạo màn khói khác.
Trong quá trình tác nghiệp cũng đã có chiến sỹ bị thương, bị bom vùi, bị sức ép…nhưng ngầm và 2 mố ngầm thì luôn được bảo đảm an toàn.
Cứ như thế cuộc chiến đấu giữ ngầm không một ngày ngưng nghỉ. Mặc dù địch vẫn điên cuồng đánh phá nhưng ngầm Ta- lê luôn được bảo vệ thông xuốt, đặc biệt là sự an toàn của hai mố ngầm.
Đúng là: “Vỏ quýt dầy, có móng tay nhọn”. Cuộc đấu trí giữa bộ đội ta với kẻ thù ở trên không, giữa vũ khí hiện đại của địch với cách đánh thô xơ nhưng thông minh sáng tạo và quả cảm, phần thắng bao giờ cũng thuộc về chúng ta.
(Còn nữa)