"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (27)
(Tiếp theo)
Chương XXVII:
ĐÓN GIAO THỪA GIỮA TÚI BOM
Ở ngầm Ta-lê và đòe Phu-la-nhích, cán bộ chiến sỹ Đại đội 3 chúng tôi quanh năm xuất tháng, ngày đêm phải đương đầu với sự đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Tiếng máy bay lúc gần lúc xa ầm ỳ trên đầu, tiếng bom đạn rền vang, ánh đèn pháo sáng soi rọi từng mét đường. Chỉ có ba ngày tết là được “ xả hơi ” tuy nhiên vẫn phải bảo đảm thông tuyến trong bất kì tình huống nào theo mệnh lệnh: Vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Trừ phải đi xử lí các tình huống gây tắc đường, còn lại “ ở nhà” ăn tết. Và cũng chỉ có ba ngày tết mọi người mới có dịp quây quần bên nhau. Địch vẫn đánh phá, ai trực thì vẫn cứ trực, đánh bom xong lại vui vẻ nhâm nhi không khí tết cổ truyền của dân tộc ngay giữa trọng điểm khét lẹt mùi bom đạn.
Mùa đông trên đỉnh Trường Sơn có phần an toàn hơn những thời điểm khác. Mây dăng là là, sương mù dầy đặc, đường xá khô ráo, máy bay Mỹ chỉ có mỗi con bài đánh phá, nếu không dùng B52 rải thảm thì sẽ đánh bằng bom tọa độ, sự nguy hiểm ở yếu tố bất ngờ. Vừa chợt nghe tiếng ầm ỳ trên cao là lập tức hàng chục, hàng trăm quả bom đã vun vút lao xuống đầu. Nếu không kịp chui xuống hầm, tìm chỗ ẩn nấp thì chỉ còn cách nằm co người lại, hai tay ôm chặt lấy đầu chịu trận. Sống chết phó mặc cho sự may rủi.
Chuẩn bị đón giao thừa năm Tân Hợi ( 1970-1971 ) cả Đại đội tập trung về hai điểm trú quân: hang đá 82 ở phía bắc ngầm Ta-lê và hang đá 34 ở phía nam đèo Phu-la-nhích, chỉ để lại hai chiến sỹ trên mỗi chốt trực.
Sang mùa khô năm 1969 nhìn chung cuộc sống vật chất của các lực lượng trên tuyến dần được cải thiện đỡ khó khăn hơn, không còn cảnh quá thiếu thốn, phải ăn măng, rau tầu bay, cháo loãng… thay cơm. Đặc biệt tết cổ truyền được bảo đảm khá tốt, có đủ chè, thuốc, rượu, giò, bánh chưng…một phần do trên cấp, một phần do đơn vị tự túc. Đón giao thừa cũng được tổ chức chu đáo hơn: có báo tường, hoa giấy, vui văn nghệ, hái hoa dân chủ, phá cỗ, không khí gia đình đầm ấm, vợi đi nỗi nhớ nhà nhất là với các chiến sỹ nữ.
Khoảng 9 giờ tối đêm giao thừa 1970-1971 toàn đơn vị đang háo hức chuẩn bị không khí đón giao thừa thì bỗng nhiên B52 dội bão lửa. Tiếng bom chát chúa, đất đá, khói bui mù mịt xộc cả vào trong hang.
Hết ba đợt đánh phá, có tiếng súng báo hiệu tắc đường. Nhìn lên đỉnh đèo Phu-la-nhích lửa cháy ngùn ngụt. Theo phương án đã chuẩn bị sẵn, cuộc vui tạm dừng, tất cả cùng lao lên trọng điểm. Một bộ phận khẩn trương tiếp cận cứu thương binh; một bộ phận hướng dẫn những chiếc xe còn lại sơ tán vào các hầm xương cá; một bộ phận dập lửa sơ tán hàng, sau đó tất cả sẽ tập trung san lấp hố bom.
Vấn đề trở nên phức tạp ở chỗ trinh sát phát hiện có 2 quả bom chưa nổ nằm sâu dưới mặt đường, đường kính lỗ khoảng 50cm. Mọi hoạt động phải dừng lại. Sau khi phân tích, đánh giá chúng tôi nhận định: Do tính chất đánh phá rải thảm của B52 nên đấy chỉ có thể là bom thối, không thể nổ nên quyết định cho bộ đội tiếp tục triển khai các hoạt động thông đường.
Hai chiếc Zin trúng bom đều chở quân trang, hàng hóa tung tóe ra mặt đường, rất may không phải xe chở đạn hay chở xăng. Một chiếc lửa cháy dần dật nằm vắt ngang đường, lái xe bị thương nặng được cáng thương chuyển thẳng về trạm phẫu thuật cách đó 3 km. Một chiếc bị bom hất xuống vực sâu, ba chiến sỹ được giao nhiệm vụ xuống cứu thương. Dốc cao, vực thẳm xuống cũng khó mà lên càng khó. Lái xe đã hy sinh, máu thấm đỏ áo. Trời rét căm căm, anh em phải cởi áo buộc chặt thi thể đồng đội vào lưng cho một người cõng hai tay bám vào sườn núi dướn lên, hai người đẩy phía sau. Tiến được ba bước thì tụt một bước. Máu, mồ hôi, tiếng thở dốc và những tiếng nấc nghẹn lòng.
Tất cả hơn chục chiếc xe bị ùn lại nhanh chóng được sơ tán. Máy bay trinh sát xà thấp xuống nhòm ngó, pháo phòng không bảo vệ trọng điểm đạn đan đỏ trời. Trận bom để lại một khối lượng công việc rất lớn: hai hố bom, một hố làm sạt nửa đường, một hố giữa tim đường, khoảng 500m3 đất đá từ ta luy dương đổ xuống chạy dài hơn 100m, phải điều động thêm một Tiểu đội và một máy ủi lên hỗ trợ. Anh chị em bảo nhau phải phấn đấu hoàn thành trước 11h để còn kịp đón tết.
Số quân trang vương vãi được thu gom lại, chuyển ngay về nơi an toàn, những kiện quần áo còn đang cháy được đẩy xuống vực. Phương tiện chữa cháy duy nhất là xẻng và đất, phải huy động cả một tiểu đội tiếp cận gần, dùng xẻng hất đất dập lửa. 30 phút sau khi ngọn lửa đã được dập tắt lúc ấy mới dùng bộc phá đánh hất xe xuống vực.
Quyết tâm về sớm để đón giao thừa, cả đơn vị lao vào xan lấp hố bom. Người cuốc, người xẻng, người đánh bộc phá, người theo máy ủi, cả guồng máy hoạt động hết công xuất.
Trời rát căm căm, mặc mồ hôi thấm ướt áo mọi người đều hối hả, khẩn trương, kim đồng hồ cứ nhích dần lên, đến gần 11h đường thông. Không gian như vỡ òa ra, tất cả được về đơn vị chuẩn bị đón giao thừa. Một tiểu đội tiếp tục ở lại hoàn thiện, hướng dẫn cho đoàn xe qua an toàn.
Khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới xích lại gần. Vui như tết, trong bộ quân phục mới tất cả chúng tôi hồi hộp chào đón phút giấy thiêng liêng nhất của năm mới, năm Tân Hợi. Không khí đầm ấm, niềm vui choán hết mọi vất vả, nhọc nhằn. Những tiếng cười sảng khoái, những giọt nước mắt nhớ nhà và những lời chúc sức khỏe, mong sớm kết thúc chiến tranh để được về đón tết trên quê hương, trong vòng tay ấm áp của gia đình.
Ngày tết linh thiêng như tiếp thêm tinh thần, nghị lực để sớm mai mỗi chúng tôi lại lao ra sống chết với từng mét đường đón những chuyến xe đưa hàng vào Nam. Tiền tuyến đang vẫy gọi.
Mùa khô năm 1971-1972 có lẽ là một trong những mùa khô máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất cụm trọng điểm ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích. Ngày nào cũng có bom rơi và ngày nào C3 chúng tôi cũng phải căng sức ra giữ đường. Chỉ riêng khoảng 20 ngày đầu tháng cận Tết chúng đã đánh 12 lượt trận B52, 52 trận bom tọa độ, 7 lần bom trúng mặt đường, sạt lở hàng ngàn m3 đất.
Lực lượng bị dàn mỏng trên các điểm chốt. Nấu nướng, ăn ở, ngủ nghỉ sinh hoạt luôn trên đó. Muốn tắm giặt thì thay phiên, tranh thủ về chốc lát rồi lại nhanh nhanh chóng chóng trở lại chốt
Tết Nguyên đán Nhâm Tý đã cận kề. Làm thế nào để tổ chức được một cái tết thật đầy đủ, thật chu đáo, đầm ấm, mang phong cách truyền thống dân tộc với chúng tôi ở thời điểm đó là cả một vấn đề.
Nhiệm vụ lo tết còn nan giải hơn cả việc san lấp hố bom thông đường, thông xe. Cũng có nhiều ý kiến qua lại: Không cần phải bầy vẽ, cứ tổ chức cho bộ đội ăn tươi hơn ngày thường là được. Cũng có ý kiến chia thực phẩm về các hầm trực chiến để tự lo lấy. Rồi lực lượng đã dàn hết ra mặt đường, lấy người đâu mà làm…Trong hoàn cảnh hiện tại của đơn vị, ý kiến nào nghe cũng có lí cả nhưng nếu làm như vậy không những chỉ có lỗi với bộ đội mà còn bỏ lỡ một cơ hội động viên tinh thần anh chị em, tạo khí thế mới trong đơn vị.
Cuối cùng, cấp ủy và chỉ huy chúng tôi quyết định lấy ra mỗi Tiểu đội một người, thành lập một bộ phận chuyên lo tết. Biết rằng như thế gánh nặng giữ đường, thông xe sẽ đè nặng thêm lên vai các chiến sỹ khác. Ngoài ra phát động toàn Đại đội cùng chung tay lo Tết với quyết tâm: Dù trong điều kiện nào cũng phải tổ chức một cái tết thật đầy đủ cả tinh thần và vật chất.
Chỉ huy Đại đội phân công cụ thể mỗi người lo một việc.
Ngoài gạo nếp, đỗ xanh, chục gói trà Hồng đào, 2 tút Điện Biên, nửa cân thuốc lào Tiên lãng, 5 cân kẹo lạc và chục nắm hương Tiểu đoàn gửi cho. Riêng chị em còn được các chiến sỹ lái xe gửi biếu một túi quả bồ kết làm quà. Còn lại đơn vị phải tự lo.
Càng đến gần Tết không khí càng rộn ràng. Mỗi người một công việc. Việc ai người ấy làm. Ai đi mở đường, ai đi đánh bom, kè ngầm cứ đi. Còn lại hoặc nhưng lúc thư thả thì tranh thủ, đâu đâu cũng thấy anh chị em say sưa tập văn nghệ. Tiếng hát át tiếng bom không còn chỉ là câu khẩu hiệu động viên.
Bộ phận lo Tết bận như “ nuôi con mọn”. Người thì vào rừng xa tìm cây chẻ lạt, tìm lá gói bánh chưng. Người thì vào tận khu vực đồng bào di tản tìm hoa quả về thắp hương. Người thì vào khu tăng gia khuân thực phẩm tập kết dần về đơn vị. Người thì làm nhiệm vụ trang trí, kẻ vẽ, làm hoa…
Tờ báo tường “ Mừng xuân” là sản phẩm đầu tiên của không khí đón năm mới. Chẳng mấy chốc những bài thơ của lính nghe ngộ ngộ, những bức vẽ đả kích giặc Mĩ được thể hiện trên các loại giấy khổ to nhỏ khác nhau đã được dán kín mặt khuân báo được làm bằng gỗ lấy ra từ thùng đựng thuốc nổ. Có bài đậm chất tự sự: Mỗi khi mùa xuân đến / Lại rạo rực nhớ nhà / Mơ đến ngày toàn thắng / Con về bên mẹ yêu…Có bài thể hiện sự lạc quan: Mặc máy bay gầm rú / Mặc bom nổ uỳnh oàng / Trong hang hoa đào nở / Nồi bánh chưng sôi rền / Ngoài kia xuân tán lộc / Gieo mầm quanh hố bom…Cũng có bài như một sự thách thức: Mày thích thì cứ đánh / Đường tao xe cứ thông / Bom đạn tao đếch sợ / Mày làm gì được tao…Có cả những bài mang hơi hướng thơ Bút Tre: Xê ta gói bánh chưng xanh / Lá dong chẳng có gói bằng lá chuôi (chuối) / Lá chuôi ( chuối) gói bánh ngon ghê / Nếp thơm, nhân ngậy đậm đà hương quê / Ăn một lại thèm ăn hai / Còn lại lá chuối ngỡ là lá dong...
Thuốc đỏ phết lên giấy làm cánh hoa đào, viên thuốc kí ninh chống sốt rét được giã mịn hòa với nước tạo mầu vàng làm nhụy hoa. Những cánh đào rực rỡ sắc đỏ nở rộ trên cành cây đặt giữa hang chỉ huy, xuống đến tận các hầm trực chiến. Những cành hồng đỏ, cúc vàng, mai trắng được cắm đầy quanh hang như một rừng hoa rực rỡ sắc màu.
Vui nhất là không khí sáng 29 Tết. Tiếng gọi nhau í ới Người mổ lợn, người thì làm lòng, đánh tiếc canh, thái thịt làm giò. Chỗ thì lau lá, chẻ lạt, ao gạo gói bánh chưng. Chỗ thì treo ảnh Bác Hồ, dán câu đối, lập bàn thờ cúng tất niên.
Mọi thứ cứ rộn ràng, tất bật, không khí tết tràn ngập cả vùng trọng điểm.
Lá chuối rừng thay lá dong. Thịt lợn, thịt gà cả năm tằn tiện cùng mấy loại rau xanh từ chỗ tăng gia của Đại đội được khuân về cũng đủ ăn trong 3 ngày tết. Chỉ thiếu mỗi các loại gia vị để tăng thêm phần hấp dẫn cho các món ăn. Nơi tập trung đơn vị có gì thì ở các điểm chốt trực cũng có thứ ấy. Không khí đón xuân tràn vào từng căn hầm trực chiến, tuy chỉ có 3 người nhưng cũng đủ cả: hoa, bánh keo và những bữa ăn ngon có phần còn được chăm chút, ưu tiên hơn cả chỗ tập trung.
Mâm cỗ tất niên giữa túi bom trên đỉnh Trường Sơn cũng thịnh soạn, có đủ cả: bánh chưng, thịt gà, giò sào, thịt đông, quả sung muối chua thay cho dưa hành, lá sắn muối thay cho dưa cải…Đại đội cử hẳn 2 chiến sỹ mang gạo vào tận bản của người dân tộc đổi được 20 lít rượu. Rượu nặng phải pha thêm nước lã để giảm nông độ, lại tăng được gấp đôi số lượng.
Có chén rượu để mà khề khà. Có chén trà để mà nhâm nhi, khói thuốc lá tỏa mùi thơm đầm ấm bên đĩa kẹo lạc...giữa chiến trường đạn bom khốc liệt, có một cái tết như thế cũng thi vị lắm chứ.
Đêm giao thừa Đại đội tập trưng về 2 nơi.( Hang 82 nằm ở cây số 82 gần ngầm Ta-lê và hang 34 ngay chân đèo Phu-la-nhích). Trên mỗi chốt chỉ còn chiến sỹ trực, còn lại các chiến sỹ mới và chiến sỹ nữ được ưu tiên về cả nơi tập trung.
Sau lời chúc Tết của thủ trưởng đơn vị là không khí rộn ràng liên hoan đón giao thừa. Có niềm vui và nỗi buồn nhớ nhà. Có tiếng cười và cả nước mắt. Nhưng vượt lên tất cả là không khí đón xuân tưng bừng, háo hức. Vừa buồn buồn, tủi tủi khóc đấy nhưng đến phần biểu diễn văn nghệ là tất cả lại vui như… Tết.
Lính tráng vốn vui nhộn, hài hước. Những bài hát, điệu múa, làn điệu dân ca, bài thơ và những câu chuyện tiếu lâm thời hiện đại cứ kéo dài như không muốn dứt.
Ở 2 trạm Barie 82 và 34 ngoài việc trang trí đón tết, đơn vị còn tổ chức bàn trà, có thuốc, bánh kẹo để đón và chúc tết các chiến sỹ lái xe lúc qua trạm. Khoảng dừng ngăn ngủi chỉ 1-2 phút thôi, vừa đủ nhấp chén trà nóng, hút vội điếu thuốc với những lời chúc vội nhưng chân tình, đầm ấm và đầy ắp tiếng cười của những người lính xa nhà, cùng chung một chiến hào chống Mĩ cứu nước.
Đêm giao thừa qua đi trong niềm vui, không khí rộn ràng đón mừng xuân mới. Trời đất giao thoa, lòng người hứng khởi, sự hy sinh, vất vả tạm lui vào dĩ vãng. Vẫn biết rằng tất cả còn đang ở phía trước. Mặc dù vậy nhưng mọi người đều lạc quan vững tin rằng: cứ mỗi cái Tết qua đi thì bình minh của ngày đất nước toàn thắng lại đến gần hơn.
(Còn nữa)