Những năm tháng không quên - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 11:10 11/04/2024 Lượt xem: 18
                       NHỮNG  NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN 
 
                                                                        Truyện Ký:  Phạm Huy Liệu 
 
    Cuối năm 1967, QK3 tổ chức lớp đào tạo đài trưởng ba tháng cấp tốc. Nên mời chuyên gia cao cấp về nói chuyện.      
    Theo tin tình báo ta, trong chiến tranh chống Pháp, duy có đài 15w của Sư đoàn 308 bị tình báo thông tin Pháp dùng máy định vị phát hiện. Chủ yếu do đài có một báo vụ viên cố tật (phát tín hỏng một chữ). Khi đồng chí này lên máy, là nó biết ngay đài của Sư đoàn 308.
     Nắm được tin như vậy. Ta đã tương kế tựu kế, cho đồng chí báo vụ này ở lại Ninh Bình, hàng ngày lên máy bình thường với Bộ Quốc Phòng. Còn sư đoàn bí mật hành quân lên Điện Biên, mà quân đội Pháp vẫn yên trí tưởng sư 308, vẫn cố thủ bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ…
     Trong chống Mỹ chủ yếu lộ anten, chứ chưa có đài nào bị lộ do sóng. Đại uý Thái Bá Chương là chuyên gia giỏi về vô tuyến điện của bộ quốc phòng, nói chuyện (gọi là giảng bài) hai ngày liền mà mọi người cứ há hốc mồm nghe không chán. Ông giới thiệu bài này ông soạn để nói chuyện với lớp cán bộ cao cấp của Bộ quốc phòng, mà vinh dự lớp đài trưởng QK3 được duyệt giáo án. Rồi dặn dò chúng tôi:
     Các đồng chí hãy nhớ để áp dụng vào thực tế chiến đấu ở đơn vị cho đúng những gì tôi giới thiệu chi tiết hôm nay. Chủ yếu là cách mắc anten hai râu mà ông đã cải tiến, dấu và nguỵ trang anten hết mức có thể... 
Để đánh giá chính xác kết quả học tập. Đơn vị tổ chức hành quân dã ngoại một tuần. Tôi vẫn đeo máy thu phát 102E đằng sau, ba lô đằng trước như thời học ở lớp báo vụ. 
     Đơn vị hành quân, đi vòng trên đê sông Hồng qua bến đò Yên Lệnh, rẽ trái đến Duy Tiên. Vào nghỉ nhà dân, nhờ đào hầm đặt máy VTD ngoài vườn, thực hành bắt liên lạc. Rồi đến Thanh Liêm nghỉ gần nông trường Ba Sao. Hôm sau vượt núi sang Kim Bôi, Lương Sơn Hòa Bình, tiếp tục lên máy bắt liên lạc, thu phát báo…
     Sáng sớm xuyên rừng Lạc Thuỷ, mỗi tổ đài theo một hướng, đến nơi định sẵn đặt máy bắt liên lạc. Chủ yếu chọn hướng mắc anten, xem công suất máy phát đạt được QSA mấy.
      Suốt ngày vừa hành quân xuyên rừng núi, vừa bắt liên lạc. Toàn thân rã rời, chân run, miệng thở. Rửa ráy qua loa rồi mặc quần áo sạch vào đi ăn cơm, cho đỡ đói. Sau đó thay nhau lên máy thu phát báo cho tới sáng, rồi quay về Hà Nam.
     Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ kết thúc đợt học. Đến Bình Lục thì thực sự mệt rã rời. Hôm sau cuốn gói về trường...
     Khi đến chỗ tập trung, tôi ra cân lại, thì bị sút 3 kg là diện ít nhất trường. Còn người nhiều nhất hao 7 kg trọng lượng. (Trước khi đi đã cân và ghi vào sổ để theo rõi). Bởi một tuần hành quân, thực hành liên lạc lần này, cực kì vất vả, so với mọi khóa… để làm sao cho phù hợp với thực tế của chiến trường.
Đến đầu tháng ba ra trường, tôi tốt nghiệp đạt tốp đầu, lại về D1 cao xạ đang bảo vệ cầu Lèn Thanh Hoá. Cuối tháng ba, đơn vị ra bảo vệ thị xã Ninh Bình. Đóng quân ở cầu Yên xã Ninh Khánh, Gia Khánh, thì nhận lệnh đi B gấp bảo vệ Tây Thành Huế. Đơn vị được ăn bồi dưỡng chế độ đi B vừa đúng 10 ngày (còn các đơn vị đi B được bồi dưỡng 3 tháng).
     Đài có tôi và anh Khoa đều là đài trưởng. Đáng lẽ chỉ cần một người thôi. Nhưng anh Khoa đề nghị:
      Báo cáo thủ trưởng! Muốn tổ đài hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải cho đồng chí Liệu đi cùng… Như vậy cả hai cùng đi, mà chế độ chỉ có một... Nên tôi không được tiêu chuẩn đài trưởng như súng ngắn, xà cột, đèn pin… mà được khẩu AK và làm tất cả mọi việc của đài trưởng.
Đơn vị hành quân khoảng 5 giờ chiều, với lá cờ Giải Phóng nửa xanh nửa đỏ, phần phật tung bay trước gió, mà thấy lòng xốn xang kiêu hãnh lạ kỳ. Xe đi theo đường mòn mà sau gọi là đường Hồ Chí Minh. Chạy dọc đất Thanh Hoá, rồi ngủ giữa rừng. Hôm sau đi Tây Hiếu Nghệ An, nghỉ tại nông trường. Lần đầu nhìn thấy cây cà phê hoa trắng lá xanh mướt, trông mà thấy lòng xốn xang. Rồi tới Hà Tĩnh. Giờ mới cảm nhận được mình đang đi trên dẫy Trường Sơn. Dọc đường bom Mỹ đánh phá tan hoang, đất bị cày xới nham nhở, đỏ lòm, rừng cây xơ xác đến thảm hại.
     Cứ thế xuyên rừng núi sang Quảng Bình, Tới khe Tang, thì nghe báo phía trước tắc đường 20, xe pháo nằm lại chờ công binh và TNXP sửa đường. Mấy đứa rủ nhau vào hang đá ngồi nghỉ, ai ngờ ngủ quên, khi nghe tiếng nói lao xao mới giật mình tỉnh dậy vội chạy ra, thì mọi người đã lên xe đông đủ, chỉ còn hai thằng, tôi và Hưng quê ở Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình. Hỏi không ai biết hai đứa đi đâu. Tý nữa thì bị bỏ lại sẽ thành lính B quay…
          Hành quân mấy ngày xuyên đất Quảng Bình. Chính ở rừng nơi đây, tôi gặp những đàn ruồi vàng nhiều vô kể. Nó cứ bu vào đầu, vào mặt, mũi, chân, tay... khiếp ghê. Nếu ai vô tình đập chết một con, là cả đàn xông vào đốt, thì có trời mới cứu nổi. Người sẽ sưng vù như con trâu. Nặng quá có thể toi đời. Nên khi nó bu đầy mặt, cứ mặc kệ nó, hãy nhẹ nhàng bẻ cành lá xua đi, tránh xa dần mới thoát.
Hết đất Quảng Bình, đơn vị vượt cổng Trời, đêm có trăng nên nhìn rõ núi đồi trọc lóc, mới thấy nơi đây ác liệt đến chừng nào. Nếu xe đang đi mà máy bay đến giữa nơi trống trải, vô cùng ác liệt này, dễ làm mồi cho lũ quạ sắt như chơi.
     Tối hôm đó không có máy bay quần đảo, thế là may mắn rồi. Sang qua cổng trời là tỉnh Khăm Muộn đất Lào, được an toàn vì nó chỉ đánh phá trên đất Việt Nam thôi. Rừng Lào vẫn đẹp nguyên, những cây gỗ to cao vút, cành lá xum xuê che kín cả bầu trời, ở trong rừng đi lại máy bay không phát hiện được…
 
     Đơn vị đến Lào, cũng là lúc Mỹ nguỵ chiếm lại Huế. Chúng tôi vẫn hưởng chế độ B nhưng ở lại phối thuộc chiến đấu với đoàn 559 trên dọc dẫy núi Trường Sơn. (Tức là gia đình vẫn lĩnh chế độ trợ cấp đi B 5/đồng một tháng. Còn chúng tôi không có tiền phụ cấp tiêu vặt hàng tháng như ngoài Bắc)...
Ở Khăm Muộn ít ngày thì có lệnh kéo pháo vào bảo vệ cua chữ S, cua chữ A, ngầm Tà Nê, đèo Phu Lai Nhích... Sau đó chuyển về ngầm Thà Khống, bản Đông, XaVaNaKhẹt.
     Chiều mồng 10/5/1968 có lệnh cơ động vào bảo vệ ngầm sông Bạc. Khoảng 5 giờ chúng tôi khiêng máy móc quân tư trang ra bãi đỗ xe ở gần đường tuyến. Lúc này ngoài đường máy bay vừa đánh phá, rải bom cháy lập loè như lũ ma chơi... mùi khói bay khét lẹt.
     Qua bản Đông một đoạn, đến gần ngầm bản Keng, thấy ven đường xơ xác không còn bóng cây, thế này máy bay đến thì chả biết ẩn vào đâu. Tất cả là do số phận may rủi mà thôi. Khi đến đầu ngầm được biết: 
     Hôm nay mới mưa nên nước ngầm ngập sâu. Xe phải đều ga, chắc lái; kẻo chết máy giữa ngầm, tắc đường thì nguy hiểm lắm... Xe từ từ xuống ngầm, anh Thuấn hôm nay lái tuyệt quá, đã vượt ngầm một cách êm ru. Đến bên kia ngầm phía bờ Nam, thấy nhiều cây to tưởng ngon lành; nên cho xe dừng để nghỉ, (ai ngờ nó là cái bẫy của không quân Mỹ, chúng lừa những ai mới vào đây lần đầu, nghĩ là an toàn. Nhưng chính chỗ này, máy bay chúng thường xuyên thả bom bi, mìn lá dầy đặc, ai đi vào dính mìn lá, nổ nát hết bàn chân, sẽ bị tháo khớp ngay...) Mọi người xuống chờ xe kéo pháo rồi cùng đi.
     Vừa lúc đó nghe thông báo:
     Xe pháo đang chết máy giữa ngầm, anh em D bộ xuống hỗ trợ đẩy cho xe nổ máy ngay. Chúng tôi vội vã xuống ngầm, gần đến chỗ xe chết máy, thì may sao xe đã nổ giòn, đang lấy đà kéo pháo. Mọi người mau chóng lên bờ về xe đi ngay, chứ ở đây lâu không được.
Đến chỗ xe đỗ gọi nhau, bỗng nghe trên đầu ba tiếng nổ: bụp...bụp... bụp. Thì ra là ba quả bon bi mẹ, tách vỏ, thả hàng trăm quả bom bi con hình cầu rơi xuống, tiếng nổ giòn tan như ngô rang...
     Tôi chỉ nghe có thế!... Khi mở mắt ra không thấy còn ai. Mọi người đã chạy thoát khỏi khu vực bom bi vừa đánh. Lúc này thấy môi mằn mặn, đưa tay lên sờ, thì môi dưới rách đôi. Vội lấy khăn mặt băng lại cho đỡ chẩy máu. Còn ở lưng thấy nong nóng, nhưng không tự băng được, vết thương chột ở mông, ở cổ chân vẫn đang rỉ máu, đành chờ mọi người quay lại băng giúp. Tôi bò ra chỗ xe ô tô, định ẩn tạm bên lốp, thì thấy mùi xăng nồng nặc. Như vậy mảnh bom đã xé rách thùng xăng, không thể ở gần nơi xăng chẩy, rất nguy hiểm. Cần phải tránh ra xa chỗ xe đỗ, rồi nằm nghiêng người cho vết thương cao hơn tim, chắc sẽ đỡ chẩy máu...
     Một lúc sau mọi người quay lại, thấy bị thương vội băng bó cho tôi, có hai lỗ xuyên vào ngực trái phía sau lưng chắc chỉ cách tim 1-2 cm, máu phụt ra thành hai vòi theo nhịp đập của tim.
     Băng bó xong kiểm tra quân số thấy thiếu anh Phong cơ yếu! Mọi người đi dọc đường tuyến tìm vẫn không thấy anh đâu. Khi quay lại để ý phía bìa rừng giống có người nằm. Đến nơi thì là anh Phong bị bom xuyên vào đùi đứt động mạch, tìm thấy đã tắt thở! (anh Phong quê Việt Trì Phú Thọ).
     Mấy người bị thương được đưa vào trạm phẫu binh trạm 34 kịp thời sơ cứu. Người nhẹ ở lại rồi về đơn vị. Còn tôi, Lã Xuân Định và anh Lâm trợ lý hậu cần chuyển ra viện đoàn 559.
 Đến bãi xe đợi, gần 5 giờ chiều có mấy xe tới... mỗi người lên một xe, chắc sợ máy bay oanh tạc, thì chỉ bị một người thôi. Tôi ngồi thùng xe ngắm giời, ngắm đất, ngắm núi rừng Lào sao mà đẹp tuyệt. Rừng cây xanh thẳm, cao vút mênh mông. Khi xe trên cao nhìn xuống chân núi, thấy mây trắng bồng bềnh, ngỡ mình đang đi trên mây, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện, mới thích làm sao…
     Ra đến đoạn đường trống trải, cũng là lúc máy bay vừa thả bom cháy hai bên đường, khói bay mù mịt. Lửa cháy lèm lèm ngay những bụi cây. Bỗng nghe tiếng bụp, xe kịp đánh lái núp vào lùm cây bên đường. Đèn dù bật sáng, thằng L19 vè vè bay rất thấp, nhưng xe đã ẩn kín dưới lùm cây. Nó lượn vòng vòng không thấy gì, một hồi rồi bỏ đi nơi khác.
     Vừa im ắng, anh lái xe ngó đầu ra nghe ngóng, liền bảo:
     Ta đi được rồi đồng chí ạ…
Ra khỏi nơi ẩn nấp, đang chạy bon bon, bỗng đánh hự một cái, người xô ngược lên, thì một loạt 20 ly nổ toé lửa nơi đầu xe. Xe lại rú ga lao vút, loạt thứ hai nổ toác toác ngay sau lốp, nghe rợn tóc gáy!…
     Cứ thế như mèo vờn chuột. Nó đuổi thì anh chạy, đánh lái, rú ga, rồi phanh, để tránh những luồng đạn quái ác của thằng L19 một đoạn khá dài... Phải nói các anh gan dạ quá trời, thông minh tuyệt đỉnh. Hình như lái xe bằng cảm xúc của giác quan thứ sáu, gần  như đoán được từng đường đạn của thằng  L19… Ở Trường Sơn nó là nỗi khiếp đảm của cánh lái xe, vì bám dai như đỉa, mà 20 ly nổ như vãi đạn!...
     May đoạn đường có cây xanh đằng trước, cũng là lúc nó vượt qua đầu, xả cả tràng 20 ly nổ toé lửa ngay cạnh xe khét mù, rồi quay đầu lượn vòng lại. Chỉ chờ có thế. Anh lao vút vào sâu cách xa đường, ẩn dưới lùm cây to che kín. Cũng là lúc nó vòng lại, thấy mất mục tiêu, liền vãi đạn như mưa, nổ xát thành xe!… Bắn mấy vòng hai bên đường không thấy xe. Nghe mà rợn tóc gáy! Nếu chỉ lệch về phía lòng xe nửa mét thì chắc chắn toi đời.
Bắn mấy vòng như thế cả hai bên đường không thấy gì rồi nó chuồn thẳng. Anh lái ngoái đầu ra nghe ngóng. Một lúc thấy yên liền hỏi:
     Sợ không đồng chí…?
 
     Anh cho xe lùi ra đường rồi nhấn ga đi tiếp.  Đi được một đoạn trong đường kín an toàn, nên anh tâm sự:
     Có lần xe đang đi thì dính B52! Sức ép bom ở phía sau, xe bị nhấc bổng cả các bánh lên khỏi mặt đường. Chỉ còn hai bánh trước vẫn bám đường chạy. (May là xe Zin 57 ba cầu của Liên Xô sản xuất. Chứ các loại xe khác thì bó tay)… Lúc ấy nhìn đường chỉ bằng cảm giác, mà rất lạ. Mình cảm giác thấy hơi khác tý, vội đánh tay lái. Thì y như là có hố bom, hay tảng đá gì đó. Nếu cứ phi thẳng chắc chắn xe lăn xuống vực…
     Nói chung, mình cũng không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy. Mà chỉ lái bằng cảm giác nhưng đều rất đúng. Thế mới trụ lại Trường Sơn bao năm lái xe chứ! Mặc dù trời đêm rất tối, nhiều lúc đèn gầm cũng phải tắt vì sợ máy bay phát hiện. Xe tiếp tục đi trong rừng già một đoạn thì tới viện đoàn 559…
Vào viện hai hôm, đến ngày thứ ba thấy  buồn nôn, tôi ngoái đầu ra khỏi sạp (giường) thổ ra cả đống máu tươi... đồng chí cùng lán thấy vậy vội chạy đi gọi bác sĩ, kịp thời đến khám, rồi tiêm liền hai mũi. Sau ba ngày tiêm thì không còn nôn ra máu tươi nữa. (Đến 2012 lên viện Quân Y 108 chụp mới biết nó là mảnh bom bằng hạt tấm xuyên không vết thương, không chẩy máu nằm giữa khoang bụng đã hoại tử)!
Sau một tuần đi lại được, tìm đến chỗ Định, thì thấy toàn thân trắng băng, một mùi thối khẳn xốc vào mũi mà khiếp. Tôi hỏi:
     Sao lại thế này?
    Định bảo:
     Khi chạy nghe tiếng bom phía sau, cũng hơi xa chắc là đuối tầm, bom bi nó găm khắp người. Chỉ ngoài da nên lấy tay móc bi, móc mảnh bom, thành thử bị nhiễm trùng toàn thân! Giờ chỉ có một bộ quần áo. Bộ quần áo bị thương dính đầy máu, anh em bỏ lại rồi… 
     Tôi thấy thương Định quá, nên quay về lán lấy bộ Tô Châu không bị thương của tôi cho Định. Còn mình về đơn vị, may ra có quần áo phát bổ xung. (nhưng khi về đơn đơn vị không có, đành nhận bộ quần áo rách bị thương của Định). Đó là tình cảm của người lính nơi chiến trường, khi chia tay nhau để về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Còn Định chắc chắn phải ra Bắc điều dưỡng. (Lã Xuân Định quê Trung Dương, Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội).
     Khi gặp anh Lâm thì anh bảo:
     Mai anh ra viện, chú có xin ra về cùng anh không? Tôi nghĩ mình chưa khoẻ hẳn, nhưng đến lúc ra chỉ có một mình thì vất vả lắm. Biết đơn vị ở đâu... Lúc bác sĩ đến khám, tôi nói dối đã khoẻ. 
     Bác sĩ ơi, em đã khỏe, mai cho em ra viện về cùng với anh Lâm cho vui.
 
     Lấy giấy ra viện xong, hai anh em hỏi đường ra bãi xe để xin đi nhờ. Nhưng phải chờ đến 5 giờ xe mới xuất phát. Rừng ở đây là rừng già, bãi xe ban ngày cũng không sợ máy bay, vì rừng cây che kín.
     Các cụ thường hay nói: “Ghét của nào giời trao của đó” quả không sai.
     Đúng là khi đi B tôi vẫn hay nói với mọi người, “ghét nhất bị thương dọc đường”, thì mình lại bị thương. Cũng may vết thương nhẹ, vẫn về đơn vị tiếp tục chiến đấu được…
 
               Phạm Huy Liệu 
          Hội viên hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương 
Nguyên đài trưởng 15w D1 cao xạ trực thuộc đoàn 559

 


tin tức liên quan