"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (30)
(Tiếp theo)
Chương XXX:
HUYỀN THOẠI NHỮNG CÔ GÁI
Nằm trong hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP trên Đường 20-Quyết thắng, Phu-la-nhích là một trong những trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt nhất trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Chúng đánh liên tục cả ngày lẫn đêm bằng nhiều loại máy bay với nhiều chiến thuật: Bổ nhào thả bom; đánh bom có điều khiển bằng tia laze; đánh bom tọa độ; đánh bằng B52; thả hỗn hợp các loại bom mìn…Cả trọng điểm chồng chất hố bom, những ngọn núi bị đào xới hạ thấp độ cao, không còn một bóng cây, một ngọn cỏ, hơn 3 km đường trọng điểm chỉ còn một màu đất đỏ quạch. Bất kì một chuyển động nhỏ nào hay phát hiện thấy những dấu hiệu khác thường dưới mặt đất là lập tức máy bay trinh sát chỉ điểm cho các loại phản lực đến đánh phá. Có lẽ chỉ trừ bom nguyên tử còn lại trong kho vũ khí có loại bom mìn gì quân đội Mỹ đều đã mang ra thi thố trên trọng điểm này.
Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt như thế, thời gian để giải quyết thông đường, thông xe là lực lượng. Để chớp thời cơ, chạy đua với địch Trung đội nữ B3 đã có sáng kiến bám trụ ngay tại trọng điểm bằng cách đào những căn hầm nhỏ đủ chỗ cho 1-2 người, hầm cách hầm 15-20 thay vì 40-50m rồi đưa quân lên chốt, áp sát mặt đường để tranh thủ từng giây, từng phút tiếp cận hiện trường. Lúc có máy bay địch mọi người khẩn trương sơ tan vào hầm, khi im tiếng máy bay tất cả lại khẩn trương lao ra mặt đường giành giật với địch từng khảnh khắc thời gian dù chỉ 15-20 phút.
Khi chúng dùng thủ đoạn đánh phá hỗn hợp: Bom phá được thả xuống trước đào xới, cắt đứt mặt đường, tiếp đến bom nổ chậm và sau cùng là bom từ trường gây cho ta rất nhiều khó khăn. Để bảo dảm an toàn trong quá trình thi công đòi hỏi phải xử lí xong bom nổ chậm và bom từ trường rồi mới huy động lực lượng san lấp hố bom, nhưng giữa bom nổ chậm và bom từ trường đánh loại nào trước và cách đặt bộc phá thế nào để khi bom nổ tác động thấp nhất đến kết cấu mặt đường? Đấy là những vấn đề làm đau đầu, cần sớm tìm lời giải. Sau khi bàn bạc chị em đã tìm ra giải pháp: Trước hết phải cử trinh sát đào bới, lục lọi tìm kiếm thật kĩ, đánh dấu từng vị trí, không để sót quả bom nào. Tùy độ sâu và vị trí quả bom, áp dụng cách đánh của chị Nguyễn Thị Vân Liệu, những quá nổ trước sẽ kích hoạt những quả nổ sau tạo phản ứng dây truyền cùng nổ và sau đấy khi đã xác định không còn bom chực chờ lúc ấy mới tung lực lượng san lấp hố bom.
Thời kì đầu B52 chỉ đánh ngày 1-2 trận, càng về sau mật độ đánh phá càng tăng, có ngày đêm 3-4 trận, mỗi trận 9 lượt máy bay, mỗi lượt 3 chiếc dàn hàng ngang cắt bom rải thảm, hàng chục quả bom trúng đường, hàng trăm m3 đất đá sạt lở, tình huống ấy buộc phải huy động tối đa lực lượng ra hiện trường. Khoảng cuối năm 1972, B52 bất ngờ thay đổi quy luật, cả Trung đội đang tập trung san lấp hố bom của trận tọa độ trước đó không kịp sơ tán, chỉ còn biết lao xuống các hố bom bên cạnh hoặc thu người nằm xuống mặt đường mặc cho khói bụi, đất đá ném vào người. Khi trận đánh qua đi, tất cả như từ dưới địa ngục đội đất chui lên nặng nhẹ ai cũng bị bầm dập. Nước mắt dàn dụa, đào bới, gào thét tìm kiếm đồng đội.
Đêm nào những chiếc AC130 cũng lượn lờ xuyên thùng. Phát hiện có xe là chúng vãi đạn 20 ly, bom bi, bom napan xuống đội hình. Cả Trung đội từ các hầm trực lao ra cứu thương binh, cứu xe hàng. Trong khoảnh khắc ấy, những cô gái vóc người nhỏ nhắn chỉ khoảng trên 40 kg vẫn gồng mình đưa những chiến sỹ lái xe bị thương về vị trí an toàn mặc máy bay địch gầm rú trên đầu. Bộ phận cứu xe lao vào sơ tán hàng mặc lửa cháy ngùn ngụt, rát bỏng, mồ hôi nhễ nhãi, cái chết cận kề. Một bộ phận nhanh chóng hướng dẫn những chiếc xe còn lại kịp thời sơ tán vào các hầm xương cá. Hối hả chạy đua với thời gian mặc máy bay địch thả pháo sáng trắng trời, gầm rú trên đầu. Nhiệm vụ càng khó khăn hơn khi vào thời điểm giao mùa khoảng giữ tháng 5 đến hết tháng 6 và từ giữ tháng 10 đến hết tháng 11 cùng năm. Ngoài việc phải chống chọi với máy bay địch, chị em còn phải căng mình ra chống lầy. Đất tơi xốp trộn với các loại đá to, đá nhỏ thành một hỗ hợp nhão nhoét. Đường lầy lội, trơn trượt, những chiếc xe tải cõng đầy hàng cứ ỳ ra, bánh quay tít, mùi cao xu khét lẹt. Kết hợp xe ô tô có tời, máy ủi, chị em phải thay nhau chui xuống gâm xe xúc đất cản cầu rồi xúm vào phía sau đẩy từng chiếc một mặc cho bùn đất bắn bẩn đầy người.
Đầu mùa khô năm 1972-1973 máy bay Mỹ xử dụng chiến thuật thả mìn hỗn hợp dọc đèo Phu-la-nhích. Chiều muộn nào cũng hàng ngàn quả. Mìn lá hình dạng và mầu sắc như chiếc lá khô, nếu đạp phải mìn nổ bàn chân sẽ bị dập nát; mìn cóc, mìn bướm dẫm phải lò xo bật quả mìn lên ngang đầu gói phát nổ mắt cả cẳng chân; mìn dây có 2 sợi dây bé tẹo văng ra 2 bên, vô tình vướng phải dây mìn sẽ nổ nhưng mảnh kim loại nhỏ trong quả mìn bắn ra gây sát thương toàn thân. Mặc dù sức công phá của các loại mìn này không lớn nhưng cũng đủ gây thương tật làm mất sức chiến đấu, không những thế còn làm hư hỏng lốp và một số phụ kiện xe ô tô. Từ thực tiễn: muốn vô hiệu các loại mìn này ngoài sự dũng cảm còn phải rất cẩn trọng, tinh mắt quan sát, thao tác nhẹ nhàng và chuẩn xác. Mỗi lần đi phá mìn mỗi chị em phải mang theo một cái giỏ bằng nứa, bằng mây, mìn được nhặt vào đấy rồi gom vào một cái hố đào sẵn sau đó dùng bộc phá kích nổ. Riêng với mìn vướng phải cắt 2 sợi dây vướng nổ sát vào thân quả mìn rồi mới thu gom lại. Cứ như thế, các tiểu đội thay phiên nhau chiều nào cũng phải rà phá hết các loại mìn trước khi cả đoàn xe vượt trọng điểm.
Bám trụ ở “chảo lửa” này là 38 cô gái thuộc Trung đội nữ công binh “thép” phần lớn quê Tĩnh Gia, số ít ở Nông Cống, Hậu Lộc Thanh Hóa. Mới mười tám, đôi mươi gác lại hoài bão và ước mơ trở thành cô giáo, công chức, mậu dịch viên…chị em đã tự nguyện viết đơn nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 3 năm trời kiên cường trụ vững, có hy sinh, có mất mát nhưng chị em đã vượt qua mọi gian nan thử thách dũng cảm bám đường đương đầu với bom đạn địch bảo đảm thông đường, thông xê giữ vững mạch máu giao thông thông xuốt trong mọi tình huống đánh phá của địch. Họ xứng đáng với danh hiệu “ Trung đội nữ công binh thép”.
(Còn nữa)