"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (31)
(Tiếp theo)
Chương XXXI:
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
VỚI "TRUNG DỘI NỮ CÔNG BINH THÉP
Tháng 3 năm 1973, sau khi dự Đại hội mừng công tại Bộ tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng đi thị sát một số tuyến đường trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trong đó có đường 20-Quyết thắng. Đơn vị chúng tôi có vinh dự được đón Đại tướng trên đỉnh đèo Phu- la- nhích.
Lúc ấy tôi là Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Anh hùng, thuộc BT14, BTL 559. Đơn vị được giao trọng trách bảo đảm giao thông trên cung đường có 2 trọng điểm là ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích trong hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP trên đường 20-Quyết thắng.
Chúng tôi đón Đại tướng ngay tại trọng điểm Phu-la-nhích, xung quanh chồng chất hố bom, bạt ngàn một màu đất đỏ quạch. Đoàn xe chở Đại tướng từ từ leo lên đỉnh đèo thì dừng lại, từ trong chiếc Com-măng-ca thứ 2 Đại tướng tươi cười bước ra, tay phủi bụi trên áo, chỉnh trang quân phục trước khi nhận báo cáo từ Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Hích. Phía sau Đại tướng là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính cùng với đoàn tháp tùng.
Đứng đầu đội hình, cán bộ Đại đội chúng tôi vinh dự được Đại tướng tiến đến bắt tay đầu tiên. Lúc đầu cũng căng thẳng, lo lắng và hơi sợ. Như hiểu được tâm trạng đó, Đại tướng vừa hỏi, vừa vỗ nhẹ tay vào vai từng người như một sự khích lệ. Cử chỉ thân thiện, tác phong gần gũi, bình dị ; ánh mắt nhân hậu , giọng nói nhỏ nhẹ của Đại tướng đã nhanh chóng xóa đi cái khoảng cách vô hình giữa Tổng tư lệnh với một người lính. Đại tướng hỏi cặn kẽ về tình hình đơn vị, đặc biệt là những khó khăn, thiếu thốn trong chiến đấu, trong sinh hoạt và cuộc sống nới trọng điểm địch đánh phá ác liệt.
Cảm nhận được ở Ông sự quan tâm đặc biệt giống như tình cảm người cha với các con lâu ngày mới được gặp. Điều ấy khiến chúng tôi tự tin, mạnh dạn báo cáo tình hình với Đại tướng.
Rồi Đại tướng tiến đến lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Dừng lại lâu hơn ở chỗ Trung đội trưởng Nguyễn Thị Tầm. Từ khoảng cách hơi xa, tôi không nghe được chị Tầm nói gì với Đại tướng nhưng thấy Ông cầm tay chị rất lâu, chăm chú nghe và khẽ gật đầu. Hôm sau chị Tầm kể lại: Đại tướng quan tâm nhiều đến tình hình sức khỏe, điều kiện ăn, ở và sinh hoạt; nhu cầu và nguyện vọng của chị em…
Đứng giữa trọng điẻm, vẫy tay gọi chúng tôi lại gần, Đại tướng nói: …trăm nghe không bằng một thấy, có đến tận nơi mới thấy cái vĩ đại và rất nên thơ của tuyến đường qua Phu-la-nhích…và cuộc chiến đấu, lao động kiên cường của những con người đã làm nên sự tích anh hùng… Rồi Đại tướng biểu dương tinh thần chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh, kiên cường bám trụ bảo đảm thông đường của toàn đơn vị, đặc biệt là chị em phụ nữ. Đại tướng động viên rồi căn dặn chúng tôi phải luôn nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn đánh phá của địch, trong mọi tình huống phải luôn bảo đảm thông đường, thông xe…
Riêng với Trung đội nữ B3, lực lượng chủ yếu chốt giữ đèo Phu-la-nhich được Đại tướng khen “…Ở nơi kẻ địch đánh phá khốc liệt như thế này chỉ có ý chí thép mới trụ lại được”. Rồi Đại tướng đặt tên cho là “ Trung đội nữ công binh thép”.
Hơn 30 phút ngăn ngủi được Đại tướng đến thăm là một vinh dự to lớn đối với toàn đơn vị. Với riêng tôi đấy là một khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong xuốt cuộc đời 40 năm binh nghiệp. Sự bình dị, gần gũi và chân tình của Đại tướng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi.
Khoảng 20 ngày sau, “ Trung đội nữ công binh thép” nhận được món quà quý hơn cả vàng do Đại tướng gửi tặng gồm: 100 bánh xà phòng, một bao quả bồ kết khô và một quận vải xô. Nhận được những món quà này, không riêng chị em nữ mà cả Đại đội tôi đều xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt.
Là một trong mười vị tướng vĩ đại nhất của Thế giới do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh xét phong; là Tổng tư lệnh Quân đội trong thời chiến bận trăm công ngàn viêc, có trong tay cả triệu quân nhưng Đại tướng vẫn không quên lời hứa với những cô gái nhỏ bé ở một Trung đội nữ công binh trên đỉnh Trường Sơn. Có lẽ những tình cảm ấy là một trong những nhân tố đã làm nên tên tuổi của Ông và tạo ra sức mạnh của một đội quân bách chiến, bách thắng.
29 năm sau, tại Đại hội CCB toàn quốc lần thứ 3 ngày 26 thánh 12 năm 2002 trong bài phát biểu của mình Đại tướng vẫn nhớ và nhắc đến “ Trung đội nữ công binh thép”. Đại tướng nhắn: “ Hồi Bác vào thăm chiến trường, ở đèo Phu-la-nhích có gặp một Trung đội nữ công binh. Bây giờ ai còn sống, ở đâu thì hãy biên thư cho Bác”.
Tin Bác nhắn lan nhanh, chị em rất vui và cảm động, mọi người liên hệ với nhau hẹn ngày ra Hà-nội thắm Bác.
Sau khi nhận được thông tin về “ Trung đội nữ Công binh thép”, Đại tướng đã gửi tặng cuốn sách: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Cùng với dòng lưu bút: “ Tặng đội nữ Công binh thép tôi đã gặp cách đây 30 năm về trước, chúc chị em và gia đình mọi sự tốt lành”.
Thấu hiểu được những mất mát, thiệt thòi và cuộc sống quá khó khăn, vất vả của chị em sau khi đã về với đời thường: sức khỏe giảm sút, thương tật, phơi nhiễm chất độc da-cam, người thì không có gia đình, người có con thì bị dị tật, không có bất kì một chế độ chính sách gì, Đại tướng đã chỉ đạo sát sao, nhiều chị em sau đó đã được hưởng chế độ thương binh, chế độ người nhiễm chất độc da-cam Đio-xin.
Ngày 16 tháng 7 năm 2003, hơn 10 chị em thuộc “ Trung đội nữ công binh thép” được ra Hà-Nội thăm Đại tướng. Trong niềm vui, xúc động và hạnh phúc, Bác lần lượt hỏi thăm từng người…Trong câu chuyện với chị em Bác trăn trở và mong muốn xây dựng “ Trung đội nữ Công binh thép” thành đơn vị AHLLVTND. Nhưng tâm nguyện ấy chưa thành thì Ông đã ra đi mãi mãi.
Những tình cảm Đại tướng luôn gianh cho các LLVT nói chung và “ Trung đội nữ công binh thép” nói riêng đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi những dấu ấn sâu đậm. Tôi cũng như các thế hệ có may mắn được làm lính của Đại tướng luôn biết ơn và khắc sâu trong trái tim mình hình ảnh Đại tướng - vị Tổng tư lệnh - người Anh Cả đức độ và tài ba của QĐNDVN.
(Còn nữa)