--------------
THAM MƯU TRƯỞNG VÀ TÔI
Khi anh về nhận chức tham mưu trưởng sư đoàn ô tô vận tải 471 thì tôi đã là trợ lí tác chiến ngay từ đầu những ngày thành lập bộ tư lệnh khu vực 471. Nghĩa là tôi đã qua nhiều sự chỉ đạo của các thủ trưởng. Trực tiếp, từ phó tư lệnh tham mưu trưởng Phạm Lê Hoàng đến các tham mưu phó Trịnh Liễu,Hoàng Thọ Đồng, Mai Dương, Đỗ Hữu Tần… Mỗi vị một tính cách, song giống nhau là những nhà chỉ huy tác chiến thực sự; giúp tôi học hỏi được nhiều từ các vị khả kính . Trước khi về làm trợ lý tác chiến 471, tôi đã có thâm niên chiến trận ở Thượng Lào,khu V đặc biệt là mặt trận Chu Lai; nơi tôi đã kiếm được 2 dũng sĩ diệt Mỹ. Song về chiến trường 559, tôi lại phải học lại, tác nghiệp lại từ đầu vì tính chất ác liệt của nó,về tổn thất không nhỏ của ta,về âm mưu và thủ đoạn đánh phá ác liệt của địch. Các đồng chí thủ trưởng tham mưu trực tiếp của tôi đã giúp tôi dần hoàn thiện mình và trong tôi cũng luôn luôn tiếp thu, kính trọng và ngưỡng mộ các anh.
Người để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là anh; mặc dù tôi và anh chưa hề quen biết nhau và ở với nhau ngắn ngủi - chỉ hơn 10 tháng trời ; chỉ gắn bó với nhau trong những chiến đi xong vô vùng ấn tượng. Đó là anh – Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng.
Trở lại chiến trường xưa
Chiếc zat 69 đít vuông biển số FBX-1759 rời sở chỉ huy Tân Lâm, Đầu Mầu ngày 20-11-1974 ngược đường 9 trở lại chiến trường xưa. Dọc đường xác xe giặc ngổn ngang, những dấu tích của các trận chiến đường 9 Nam Lào.Bỏ lại đằng sau những ánh mắt dõi theo của các cô gái, chàng trai, những đồng đội, những tham mưu con về chặng đường tiếp theo của cả sư đoàn. Họ biết bên trong chiếc xe con đó là những cán bộ dày dặn kinh nghiệm, những sĩ quan mang trọng trách lớn lao đi tiền trạm và lập sở chỉ huy tiền phương cho sư đoàn.
Ngủ lại ở Bản Đông. Nước sông Sê Băng Hiêng ngầu đục, thế mà cơm canh vẫn chin nước vẫn ngon. Lâu lắm rồi nay lại màn trời chiếu đất,lại những ngày tháng không phút giây rời khẩu sung với cặp tài liệu dày cộp mà quý nhất là tấm bản đồ 1/100000 do Mỹ in ấn chính hiệu có tráng một lớp mỏng chống ướt mà tôi cùng các chiến sĩ bộ binh BT 44 thu được trong trận đánh biệt kích ở ngã ba Trà Vằn năm xưa còn thấm máu giặc. Bầu trời đầy sao. Thao thức mãi,cố ngủ mà không ngủ được.Đêm đầu tiên xa ánh điện,xa những đồng đội thân thương,xa doanh trại tuy đơn xơ nhưng ấm cúng,ăn ở tập trung thành quả lớn lao có được sau hiệp định Pari 1973. Phía trước là chiến trận đầy cam go thử thách, phía sau là hậu phương lớn; nơi có những người vợ trẻ đảm đang, nơi có những mẹ già từng giờ từng phút mong ngóng con trở về. Nơi đó đầy cám dỗ với những người lính xa nhà….
Tỉnh dậy trời đã sáng rõ, thu dọn vội tăng võng rồi lên xe. Vượt sông Sê băng Hiên bằng phà. Qua sông Sê Na Nông bằng cầu nổi, ghé qua Bộ tư lệnh 472 nắm tình hình cầu đường phía trước; vượt Phu La Tuyn trở lại đất Lào chiến trường quen thuộc của bộ tư lệnh khu vực 471 thời kỳ 1971-1973.
Nam Bản Đông, hai bên đường thỉnh thoảng thấy những đóa hoa màu trắng tinh khôi; màu đỏ rực rỡ bất giác tôi nhớ tới mùa cưới mùa của lứa đôi.Chiếc zat 69 vẫn nặng nhọc trở đoàn đi về hướng Nam.Đồng chí lái xe còn rất trẻ hay nói.Gặp các “thím” 472 nâng cấp mặt đường,trông cô nào cũng trẻ,cũng xinh.Cậu thò đầu ra khỏi xe lớn tiếng:
- Đường lầy lắm
- Không chống được
Một cô gái khá xinh đáp lại ngay. Có thể họ bị chọc ghẹo nhiều rồi thì phải. Đối đáp rõ lính. Tôi bị cuốn hút vào những màn đối đáp này. Xe rung lên bần bật, nhìn sang ghế trước đồng chí tham mưu trưởng trầm tư, tay vít nòng sung thể thao đặt bên cạnh, chắc anh đang tính toán tốc độ, đội hình cung đoạn. Hai hàng ghế sau bốn người tay giữ chặt thành xe, chân cân nhắc để không đạp vào đồ đạc trong thùng. Đồng chí trợ lý kế hoạch tay loay hoanh lục túi áo túi quần tìm giấy bút ghi ghi chép chép. Đồng chí công vụ ngồi cạnh giữ chặt khẩu AK nhìn chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui. Ngồi kế bên tôi là đồng chí trưởng phòng kỹ thuật mái tóc bạc phơ; anh tập kết ra Bắc để lại người vợ trẻ ở thành phố Nha Trang, anh luôn bàn về cái bụng làm sao cho khỏi lép…
Đường Tây Trường Sơn giờ khá tốt, những cua gấp đã được cắt, dốc cao đã được hạ,sẵn sàng đón những cỗ xe không biết lùi- chờ tên lửa phòng không. Không còn cảnh: “ Kềnh càng giữa trọng điểm,phanh hơi thở phì phì nữa” . Thật thoải mái. Nhưng đây sẽ là cung đường của TS1 (Sư đoàn 571), TS 2 ( Sư đoàn 471) còn ở phía trước. Xe đi mải miết không ngừng nghỉ, đường bằng phẳng hơn và cũng thưa lính hơn. những đàn gà rừng béo mập cứ vô tư kiếm ăn trên đường. Thỉnh thoảng tham mưu trưởng lại ra hiệu cho lái xe chầm chậm anh giương sung lên và 1 chú gà rừng to béo lại nộp mạng. Cũng chính vì thế mà bữa ăn được cải thiện hơn.
Từ tham trưởng đến các thành viên trong xe đều quá quen thuộc với khung cảnh Trường Sơn Tây. Qua mùa mưa cây cối hình như xanh tốt hơn, nhưng màu xanh vẫn chưa hề che lấp được những hố bom toang hoác, những ta luy xụp đổ, những cây cổ thụ chết đừng bởi bom cháy, bom phát quang và chất độc hóa học… Thỉnh thoảng lại bắt gặp bên vệ đường những xác xe cháy còn trơ khung sắt bị lật nghiêng vì lính ta đã lấy hết phụ tùng thay thế cho xe mình.
Càng đi về phía Nam, con người háo hứu bao nhiêu thì chiếc zat 69 lại dở chứng bấy nhiêu. Nó chỉ khỏe khi xuống dốc, lên dốc một tý là ì ạch, bụi tung mờ mịt, đầu máy nóng và run bần bật nhiều khi xì khói. Chỉ khổ cho cậu lái xe hì hụi tháo tháo, lắp lắp. Tôi tò mò và lo cho cậu lái xe. Trưởng phòng kỹ thuật ngồi dưới gốc cây duỗi chân thoải mái xoa xoa bóp bóp coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn tham mưu trưởng xách sung thể thao ngó ngó nghiêng nghiêng chi đó. Tôi được biết trước khi về làm tham mưu trưởng 471 anh là tiểu đoàn trưởng ô tô vận tải 102 và sau đó là trung đoàn trưởng trung đoàn ô tô vận tải 32 chiến tích đầy mình, chiến công vang dội, nức tiếng cả đoàn 559. Chắc anh giỏi kỹ thuật ô tô lắm. Mà còn trưởng phòng kỹ thuật ngồi đó- chả thấy các anh hỗ trợ gì cho cậu lái xe cả. Thì ra là vỏ xe zat 69 nhưng lắp máy tổng thành Rumani. Hỏng hóc dở chứng là chuyện bình thường của chủng loại này mà lại. Tôi có ý trách anh ở cương vị lớn như vậy, trong tay biết bao xe tốt mà lại nhận cho mình chiếc xe xoàng xĩnh như vậy mà lại đi xuyên Đông Dương cơ chứ. Nhớ lại đầu 1974 tôi được tháp tùng tham mưu phó Đỗ Hữu Tần đưa đón các vị tướng Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo trên trục đường 14,16 đầu tuyến là Làng Hồi- Khâm Đức. Nhớ hôm đưa tướng Hoàng Minh Thảo rời làng. Hồi xuôi đường 14 về km 3 đường Tránh Đắc Pét. Xe Uoát của tướng Thảo còn bong nước sơn mà nhiều chỗ còn không vượt được. Chiếc zat 69 chính hiệu của chúng tôi lại phải dùng cáp kéo. Cứu thua cho xe U oát mới toanh khỏi lột biên, xa lầy. Và chắc vì thế mà bữa cơm tối hôm ấy tướng Hoàng Minh Thảo chiêu đãi tham mưu phó Đỗ Hữu Tần và tôi có hai quả trứng gà luộc, ông nhất quyết bắt tôi ăn 1 quả. Thật ngại nhưng nhớ mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Xe qua Nam Bạt; Bản Phồn. Nhớ lại mùa khô 1972 AC130 không chỉ có hỏa lực 20 ly,40 ly mà cỡ nòng đã lớn hơn, uy lực hơn nhằm thoát khỏi tầm bắn của 37 ly. Về phía ta lực lượng cao xạ 559 đã lớn mạnh, ta đã có thể dùng tên lửa chiếc sang để phát hiện AC130 dùng hỏa lực tập trung cỡ trung đoàn để tiêu diệt địch có cả cỡ nòng 57 ly; kỹ chiến thuật tác chiến được nâng cao rõ rệt, hiệu suất cao. Vì vậy cuối tháng 3-1972 trung đoàn cao xạ 593 trong đội hình của sư đoàn 471 đã bắn rơi AC130. Hôm ấy tôi trực tác chiến ở sở chỉ huy: như mọi ngày khoảng 20 giờ trở đi AC130 săn lùng xe ta khắp tuyến phát hiện mục tiêu là chúng “ Xin Thùng” ngay . Pháo ta bắn trả mãnh liệt. Tôi đề nghị đồng chí Lê Hữu Áp trực ban thông tin cho nối máy với đài quan sát sư đoàn. Vừa cầm tổ hợp máy tôi đã nghe trinh sát Nam hét to:
- Cháy rồi ! Cháy rồi ! Rơi rồi !
-Báo cho tôi phương vị rơi.
Hỏi kỹ tình huống đánh dấu phương vị rơi dự đoán điểm rơi dãy Phù Kà Tè Đông Salanvan.
Tôi cầm máy báo cáo trực ban tác chiến 559 và được lệnh truy tìm máy bay rơi. Hai ngày sau đội truy tìm đã mang về được mảnh vỡ máy bay AC130 rơi cùng với quả đạn 105 ly. Đây là chiến công lớn của cao xạ 471 và được phần thưởng cao quý- Huân chương quân công hạng 3. Đồng thời chúng ta còn biết được địch đã gắn pháo cỡ nòng 105 ly lên máy bay AC130.
Nửa tháng trời đoàn tiền trạm mới làm việc được với đoàn 770 cục hậu cần miền. Không khí ở đoàn 770, niềm lạc quan tin tưởng của họ làm tôi ngạc nhiên. Tiếp chúng tôi là đồng chí trưởng ban 5 quê Hải Dương vào chiến trường từ năm 1965. Tôi hỏi thăm dò anh:
- Theo anh khi nào chiến thắng thuộc về ta.
Anh rót nước mời khách và chậm dãi:
-Khó lắm! Tôi vào đây từ 1965 các anh cứ ra bìa rừng mà nhìn biết bao nhiêu đồng đội của chúng ta đã ngã xuống.
- Anh không thấy chúng tôi đã vào tới đây giao hàng cho các anh và ngoài kia nữa biết bao nhiêu sức người sức của và quan trọng nhất là Mỹ đã cút, ngụy sắp nhào hay sao.
Anh ta không nói gì nữa mắt đượm buồn, chắc anh ta đang nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ Hải Dương da diết lắm. Tôi thực sự thương anh.
Từ Sê Sụ vào tới Bù Đăng, Bù Gia Mập- tuyến chính cua sư đoàn 471 đường xá vô cùng phức tạp. Khó đầu tiên là vượt đèo Ampun vùng ba biên giới nếu địch đánh phá trở lại thật sự khó khăn. Tuyến chạy dọc Kon Tum- Gia lai- Đắk Lak đường bằng phẳng đất đỏ ba gian, đi dưới rừng le, rừng khộp, rừng săng lẻ rất dễ cháy. Nhiều đoạn bị chia cắt bời những dòng chảy nhất là những nhánh của sông Sê rê pốc. Hôm đi vào phải nằm lại bờ Bắc Sê rê pốc hai ngày chờ nước rút mới bắc cầu qua được. Đoạn này nằm dưới sự kiểm soát của không quân Ngụy và những toán biệt kích người địa phương. Tháng 5-1974 ta nhổ căn cứ Đắc pét do tiểu đoàn 88 biệt động quân biên phòng Ngụy chấn giữ. Tôi được tháp tùng tham mưu phó Đỗ Hữu Tần; trưởng ban bảo vệ sư đoàn Hồ Mại cùng đại đội bộ binh và 1 tiểu đoàn cao xạ vào chấn giữ. Được tiếp cận với tài liệu và tù binh Ngụy, hỏi cung họ mới biết, họ (Ngụy quân) rất giỏi tổ chức, chỉ huy, thực hành trinh sát, tác chiến của những nhóm biệt kích. Phần lớn số họ là người địa phương rất giỏi luồn rừng thoát hiểm.
Trưởng đoàn- tham mưu trưởng ít nói hẳn đi. Chắc anh đang suy nghĩ lung lắm về những thách thức mà anh cùng với sư đoàn sẽ phải trải qua. Trời nóng, bụi nhiều, thiếu nước ảnh hưởng không nhỏ đến hệ số kỹ thuật, hệ số sử dụng xe và sức khỏe người lính. Rồi đây còn bom đạn, đêm nằm còn nghe pháo địch lớn nhỏ bắn cập canh. Ban ngày bầu trời sôi sục tiếng động cơ phản lực, phành phạch cánh quạt của bày trực thăng. Rồi đây với đội hình trung đoàn tập trung chạy ban ngày hàng trăm xe đại xa bụi sẽ tung mù mịt, đặc quánh thành vệt dài dưới tán rừng cộp rừng săng lẻ trên cao cách hàng cây số vẫn nhìn rõ. Việc chỉ huy , điều độ công đoạn, đảm bảo xăng dầu, đảm bảo kỹ thuật, hậu cần ra sao đây? Chúng tôi biết tham mưu trưởng đang suy nghĩ lung lắm. Phía trước còn nhiều thách thức với anh và cả chúng tôi.
Sở chỉ huy ở Sê Sụ
Trở về Sê Sụ - cơ quan chỉ huy tiền phương của sư đoàn đã được tăng cường quân số đủ sức để chỉ huy hành quân. Sê sụ thuộc vùng 3 biên giới, nơi dòng dòng Sê Ka Mán chuẩn bị hợp lưu với dòng sông bạc ở A tô pơ- Một trong những điểm dân cư có nền kinh tế trù phú ở Nam Lào chỉ đứng sau Pắc xế; Sê Sụ là một rừng nguyên sinh rất rộng lớn, bằng phẳng, nước suối nhiều và chảy quanh năm. Trở thành người đứng đầu cơ quan tiền phương anh phải lo nhiều việc. Tôi được tháp tùng anh xác định vị trí kho hàng, trạm khách, vị trí đóng quân của các trung đoàn, trạm sửa chữa, quân y . Công việc tối ngày cũng may là thời gian không kéo dài. Tháng 12-1974 Sê Sụ trở thành sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn.
Những ngày này Sê Sụ trở thành một trong những trạm trung chuyển lớn nhất của quân đội ta chi viện cho chiến trường miền nam. Những đội quân lớn cấp sư đoàn, quân đoàn chi viện cho chiến trường miền nam đều tập kết ở đây để bổ sung trang bị, lương thực thực phẩm thuốc men. Có thời điểm những bãi khách chật cứng quân vào, quân ra. Những cách rừng đại ngàn trở thành nơi đóng quân, giấu quân lý tưởng. Không gian đặc quánh màu lính. Xe vào ra tấp nập, những kho hàng đầy ắp, tiếng người huyên náo, tiếng động cơ xe khi đều đều mát ga , khi khừng khực sang số, khi gầm rú vượt ngầm vượt dốc. Ở các trạm sửa chữa tiếng va đập chan chat, tiếng máy xẻ gỗ gắt gỏng chói tai… Ầm ĩ là vậy, huyên nào là vậy, nhưng chỉ diễn ra ở mặt đất. Rừng vẫn che kín những chuẩn bị của quân mình cho những trận đánh lớn sắp tới. Thời gian này tuyệt nhiên vắng bong máy bay địch. Cũng có thể do hiệp định Viên Chăn có hiệu lực vắng hẳn không lực Hoa Kỳ. Tuy vậy khi thời tiết tốt bầu trời vẫn Ùng oành tiếng tăng tốc của RS71 loại trinh sát tầm cao của Mỹ lướt qua. Có thể địch đang thăm dò bằng không ảnh bằng tác chiến điện tử.
Sở chỉ huy sư đoàn chuyển một bước lớn lao không còn không khí thời bình nữa mà thời chiến đã cận kề. Chỉ khác là chưa thấy hệ thống hầm hào chú ẩn, tập trung trực ban chỉ huy như ở bộ tư lệnh khu vực những năm 71-72-73. Những năm ấy ở sở chỉ huy hệ thống hầm hào sâu vào long đất các hầm trực nối thông với hầm chỉ huy, các trực ban thông tin tác chiến, vận tải, cầu đường, kỹ thuật… Suốt ngày ầm ĩ. Chả thế mà trợ lý vận tải Ty thường tếu táo:
Suốt ngày gọi máy thét vang
Thế mà cũng gọi sĩ quan Sư đoàn
Tôi và Lê Hữu Áp cùng hầm trực cùng phòng tham mưu tác chiến. Áp trực ban thông tin, tôi trực ban tác chiến. Mùa khô 1972 có thời kỳ tôi và Áp cùng trực tới 28 ngày liền mới được thay. Ra khỏi hầm nhìn nhau vừa buồn cười vừa thương, mặt mũi hốc hác, nhọ đèn dầu đen xì, giọng nói khản đặc… Có thể nói những sĩ quan trực ở sở chỉ huy ngày ấy là những người rất giỏi nghiệp vụ, giỏi tác nghiệp, tổng hợp chính xác giúp cho người chỉ huy có những quyết định chính xác. Thế mà nhiều người trong số họ ít được chú ý tới nhiều người “ gần mười năm vẫn chống gậy chờ sao” hoặc vẫn chỉ là “Thượng sĩ lâu năm nằm trong cấp ủy” . Chỉ có Cao Thị Tỵ cô nuôi quân 5 năm tích cực vào rừng kiếm rau xanh phục vụ sở chỉ huy nên được đề nghị tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3…
Ở sở chỉ huy Sê Sụ tôi và tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng vẫn ở chung với nhau một lều bạt. Chỉ khác là tôi trực máy, anh trên đường đều bị sự giao việc hàng ngày sau giao ban của bộ tư lệnh mà trực tiếp là tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn.
Danh nghĩa tôi vẫn là quân số của ban tác chiến thuộc phòng tham mưu của anh nhưng thực chất tôi được tư lệnh trưởng giao việc trực và tổng hợp tình hình báo cáo tham mưu trưởng và tư lệnh trưởng. Điều này đã gây cho tôi bao phiền phức, dị nghị, xem xét của nhiều cặp mắt. CÓ hôm tư lệnh trưởng gọi tôi lên nói nhỏ:
- Cậu phải chịu khó nghe đài địch xem chúng hoạt động ra sao và nghe dự báo thời tiết, sang ra báo cáo.
Trời đất! Trưởng Ban bảo vệ sư đoàn hoặc bí thư đảng ủy cơ quan biết được tôi nghe đài địch thì sẽ ra sao đây. Quả thực đây là một quyết định táo bạo nhưng tôi cho là sáng suốt của tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn. Ngày ấy lấy hàng từ Sê Sụ xe của 471 thực hiện 4 ngày đêm/ Chuyến giao hàng cho B2. Nhiều khi đội hình bị không quân địch hoặc biệt kích thám báo “ thăm hỏi” , sở chỉ huy Sê Sụ chưa nắm ngay được và chỉ biết được sau chuyến trở về của đoàn xe. Trong khi đó nếu có giao chiến chỉ trong vòng mấy giờ sau là đài địch đã tuyên dương phi đội x, phi đội y triệt hạ đoàn công voa của cộng quân ở chỗ này chỗ kia rồi. Nghe đài địch nhiều khi cũng giúp cho việc chỉ huy đội hình hành quân, thời gian xuất kích chính xác tránh được tổn thất.
Còn anh- Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng được giao những việc quan trọng thay mặt tư lệnh trưởng ra lệnh và chỉ huy hiệp đồng với các đơn vị bạn. Anh là một cán bộ năng lực trí tuệ và dũng cảm. Tôi còn nhớ khoảng 14h30 ngày 13-1-1975 bầu trời Sê Sụ bị xé nát bởi những vòng nhào lượn gầm rú của máy bay địch . Nhìn mắt thường đã nhận thấy một tốp A37 cắt bom phía ngầm Sê Sụ ở đó có công binh có xe ta. Cao xạ bắn trả mãnh liệt. Anh xin phép tư lệnh trưởng và nhảy ngay lên chiếc zat 63 đỗ ngay vệ đường lao về phía địch đang cắt bom. Tôi thật sự lo cho anh. Tôi cầm máy làm việc với các đơn vị cao xạ. Được biết địch đánh đội hình xe qua ngầm Sê Sụ chưa rõ thương vong.
Tôi xin lệnh của tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn báo cáo tình hình địch đánh phá ngầm Sê Sụ cho trực ban tác chiến bộ tư lệnh 559. Khoảng 15 phút sau chuông điện thoại đổ dồn. Tôi cầm máy một giọng xa nhưng nghe rõ hỏi tôi.
- Có phải đồng chí trực ban tác chiến 471 không ?
- Vâng ! Tôi đây !
- Đồng chí vừa báo cáo máy bay A37 đánh phá Sê Sụ phải không ?
- Đúng ! Tôi vừa báo cáo trực ban tác chiến 559
- Đồng chí có chắc là A37 không?
- Tôi tin chắc là A37, xin hỏi đồng chí là ai?
- Tôi ngoài bộ - Hà Nội đây- Cảm ơn đồng chí !
Chắc to chuyện rồi. Bom lại rơi sung lại nổ, lại cảnh khênh khênh, cáng cáng,chôn nhau… Khoảng một tiếng sau anh Quảng trở về bình yên, anh báo cáo tình hình với bộ tư lệnh và bộ tư lệnh họp suốt chiều hôm ấy.
Việc giữ gìn trật tự an toàn khu vực Sê Sụ do 471 đảm nhiệm. Đây là nhiệm vụ rất khó cho phòng tham mưu chúng tôi. Tôi còn nhớ 1 ngày cuối năm giáp Dần (1974) , mọi lán trại đã tràn ngập không khí tết để đón xuân Ất Mão. Những cành mai vàng đã được đưa vào nhà . Mọi Người đều được nhận quà tết. Các bãi khách được nghỉ lại để đón xuân. Khoảng 23h hôm đó súng nổ rộ ở khu bãi khách xen lẫn tiếng nổ trầm của lựu đạn. Không xong rồi, lộn xộn ở khu bãi khách. Anh Quảng nhắc tôi giữ vững liên lạc rồi anh cùng sĩ quan tác chiến ,vệ binh lên xe đi về bãi khách. Tôi ngồi bên máy điện thoại và lắng nghe. Ngoài đó không còn tiếng sung nữa, sương đêm rơi lộp bôp, trời lạnh, anh vẫn chưa về…
Rồi các đoàn quân binh khí kỹ thuật rầm rộ qua Sê Sụ. Xe của 471 đưa sư đoàn 316, Sư đoàn 968, lặng lẽ rời Sê Sụ vào Tây Nguyên mà địch vẫn chưa hay biết gì về các sư đoàn này . Rồi đầu tháng 3-1975 pháo ta pháo kích Plây Ku rồi tấn công Thuần Mẫn Đức lập . Rồi 10-3-1975 trận chiến Buôn Mê Thuật . Tất cả bị lôi cuốn về phía mặt trận. Các tiểu đoàn xe, các trung đoàn xe của 471 phục vụ đắc lực cho cuộc chiến. Anh Quảng và cơ quan tham mưu sư đoàn cũng tiếng lên phía trước giáp mặt với quân thù giải phóng quê hương.
Tôi cũng không còn nhớ rõ tôi rời Sê Sụ ngày nào nữa. Chỉ biết là anh bảo tôi đi cùng anh. Tôi hiểu đây là cuộc chiến thực sự. Ngoài danh nghĩa là một trợ lý tác chiến tháp tùng tham mưu trưởng sư đoàn, tôi còn ý thức được rằng mình còn là 1 chiến binh nên trang bị thêm cho mình một khẩu cacbin liên thanh nữa. Bởi tính anh là vậy đi là gọn nhẹ anh ngồi phía trước với người lái, phía sau chỉ có cậu công vụ và tôi. Có gì sẵn khẩu cacbin dễ chia lửa với cậu công vụ hơn là khẩu K54 tôi luôn đeo bên mình. Đề phòng là vậy nhưng hiểm nguy lại diễn ra ở tình huống không ngờ tới. Chỉ tôi và anh cận kề với cái chết trong gang tấc. Chuyện này tôi sẽ kể ngay sau đây:
(Còn nữa)