"Chiến dịch Điện Biên Phủ trong bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ" - TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:57 02/05/2024 Lượt xem: 37
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ trong bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Hoàng Văn Kính
 
       Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một số anh chị em nguyên là cán bộ, chiến sỹ C3, D33, BT14, BTL559 tổ chức chuyến lên Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa. Điểm đầu tiên chúng tôi chọn tham quan là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tọa lạc tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nơi đang lưu giữ và tôn vinh hơn 5.000 hiện vật gốc liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với hơn 1.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật đang trưng bầy, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động nhất diễn biến hào hùng của chiến dịch.
       Nhìn từ xa đã thấy dáng vẻ bề thế của Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ. Kiến trúc hiện đại với những đường sọc chéo khiến những CCB chúng tôi liên tưởng ngay đến lưới để ngụy trang trên những chiếc mũ nan, mũ lá của bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Từ khu vực đón tiếp ở tầng hầm, du khách được di chuyển đến các điểm tham quan ở tầng nổi, nơi tái hiện, ghi dấu những chiến tích lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu của quân và dân ta 70 năm về trước.
       Các hiện vật quý trong Bảo tàng như: vật dụng, đồ dùng sinh hoạt của bộ đội; công cụ, vũ khí chiến đấu của cả 2 phía ta và địch được trưng bầy khoa học, logic, sinh động tái hiện chân thực những ngày tháng chiến đấu gian khổ, vất vả, hy sinh của quân và dân ta. Ai cũng xúc động nhìn ngắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được Bác gửi ra mặt trận, là giải thưởng luân lưu khích lệ mọi người hăng hái thi đua, lập thành tích đánh giặc; chiếc Bàn Chà mang số hiệu 04/KL3 – 1 của bà con địa phương sáng chế ra dùng để nạo sắn, nạo củ mài thành những sợi nhỏ đem phơi khô gửi ra mặt trận. Khẩu súng tiểu liên K50 do Trung Quốc sản xuất có ưu thế nhỏ gọn, tốc độ bắn nhanh được biên chế cho hầu hết các Đại đoàn quân ta trong chiến dịch. Nhiều du khách xúc động không cầm được nước mắt khi thấy đôi dép cao su đã mòn vẹt của chị dân công Hà Thị Miên người Thanh Hóa, đôi dép đã cùng chị vượt qua hàng trăm km núi cao vực sâu phục vụ chiến dịch và trong một lần tải đạn từ Nà Nhạn vào Mường Phăng chị bị thương nặng và hy sinh lúc tuổi đời còn trẻ. Chiếc võng cáng thương - kỷ vật trong quá trình vận chuyển thương binh của nữ y tá Nguyễn Thị Được; con dao tông bằng thép cùng chiếc bi đông, chiếc bát sắt, chiếc áo bông của AHLLVT Tô Vĩnh Diện rất giản dị mà gần gũi… Xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, xe cút kít một phần chiếc bánh bằng gỗ là tấm ván bàn thờ của ông Trịnh Đình Bầm, áo lụa của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung hay máy điện thanh của đồng chí Chu Văn Mùi… đặt ở những vị trí dễ nhìn, dễ thấy.
       Các phối cảnh bằng mô hình trực quan sống động như: bộ đội kéo pháo vào trận địa, đoàn dân công vận chuyển bằng xe đạp thồ, phá đá mở đường; mô hình về công tác quân y cấp cứu chăm sóc thương binh... tạo được ấn tượng, khiến người xem dễ hình dung ra thực địa trận chiến xưa. 

       Chúng tôi vô cùng xúc động trước những  tài liệu, bút tích, ảnh tư liệu quý  như: Bản mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tấm bản đồ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ có chữ ký của Đại tướng... là những bằng chứng sống động về tài thao lược và công lao to lớn của Đại tướng với cương vị Tổng chỉ huy Chiến dịch. Chân dung và những kỷ vật quý còn sót lại của cán bộ, chiến sỹ, các Anh hùng LLVTND là những dấu tích sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng mỗi du khách. Lịch sử sẽ luôn trân trọng và mãi mãi tôn vinh những chiến sỹ Điện Biên, bằng lòng quả cảm đã không tiếc máu xương góp phần làm nên chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - Chiến thắng của trí tuệ và sức mạnh lòng dân.
       Cùng với bức tranh sơn dầu Panorama (Trận chiến Điện Biên Phủ) kỳ vĩ với diện tích hơn 3.000m2, theo chị thuyết minh thì đây là bức tranh lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, bức tranh đã khắc họa tóm tắt nhưng rất sinh động diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong Bảo tàng còn trưng bầy nhiều tranh được các họa sỹ vẽ ngay tại chiến trường,  ảnh tư liệu gốc và cả những bức ảnh sao chụp lại, được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước, đấy là nguồn tư liệu quý phản ánh giá trị lịch sử, giúp người xem, đặc biệt là Việt kiều và bạn bè Quốc tế có cái nhìn chân thực hơn, thấu đáo hơn, khách quan hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ.
       Đến Bảo tàng trong những ngày lịch sử này, ai cũng muốn có những tấm hình đẹp để lưu giữ lại khoảnh khắc nhớ đời ngay tại chiến trường Điện biên Phủ. Bên những khẩu Sơn pháo, cao xạ,  pháo 105mm, pháo H6… những vũ khí do ta tự sản xuất, do các nước bạn viện trở và cả ta thu được của địch, bọn trẻ tươi cười tạo dáng check-in, từng lớp học sinh cùng các thầy cô giáo đứng ngay ngắn thành hàng chụp ảnh kỉ niệm, khách nước ngoài vừa chụp ảnh vừa tươi cười giơ cao 2 ngón tay chiến thắng, còn chúng tôi những CCB cũng lưu lại khoảnh khắc ấy với niềm tự hào về mốc son sáng chói 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
       70 năm đã trôi qua, chiến trường hôm nay chỉ còn lại những di tích, chứng tích, ký ức với rất nhiều câu chuyện xúc động về những trận đánh giáp lá cà, về Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng, về đồi A1, hầm De Castries…Là thế hệ sinh sau, lớp CCB chống Mỹ chúng tôi không có vinh dự được cầm súng cùng cha anh  đập tan “pháo đài bất khả xâm phạm” của quân viễn chinh Pháp, nhưng qua các hiện vật, ảnh tư liệu quý được trưng bầy trong Bảo tàng, mỗi chúng tôi càng cảm nhận được sâu sắc hơn sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Bác Hồ khi quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; càng thấy rõ hơn tài thao lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tinh thần chiến đấu quả cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh mất mát to lớn  của quân và dân cả nước trong suốt 56 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn” để làm nên một kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”,  một “thiên sử vàng”  “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20", chúng tôi càng thấm thía  hơn tình cảm của đồng bào cả nước, của bạn bè quốc tế với mảnh đất Điện Biên nơi ghi dấu tích oai hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
       Lên Điện Biên trong dip này chúng tôi còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Trên mỗi cung đường, góc phố của Thành phố Điện Biên đâu đâu không khí hân hoan, chào mừng 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
tin tức liên quan