“Lính Phà” – Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn (Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn)

Ngày đăng: 06:55 06/05/2024 Lượt xem: 35
 

LÍNH PHÀ
(Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn
Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn)

 
           Hành quân từ cuối tháng 5-1971 từ đất Hà bắc, sang hướng Trung Lào rồi xuống vùng hạ Lào tiếp giáp với Căm phu chia. Dừng chân ở binh trạm 37 thuộc đường dây 559, chúng tôi hạ trại ở bãi khách để chờ đơn vị mới đến nhận quân. Hôm sau các đơn vị của binh trạm đến đón. Một bộ phận được bổ sung cho các đơn vị kho của binh trạm, bộ phận lớn được điều về các đơn vị công binh, một số người về đơn vị thông tin. Tôi và một số anh em về tiểu đoàn công binh. Đón chúng tôi về đơn vị công binh là hai cán bộ tiểu đoàn 1 công binh thuộc binh trạm 37, họ dẫn chúng tôi đi bộ khoảng gần 20 km tới chỗ đóng quân tiểu đoàn bộ. Ngay hôm đó tôi anh Đoàn, anh Huân, anh Cát người cùng xã về đại đội I công binh. Nói về công binh trước đây tôi cứ nghĩ là đi rà phá bom mìn để mở đường  như kiểu ở miền Bắc thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, phải đi tháo ngòi nổ của các quả bom , quả mìn vân…vân. Nhưng chúng tôi có được huấn luyện công binh chuyên đâu, chỉ  huấn luyện theo kiểu bộ binh là dùng một cái cây sắt to bằng đầu đũa ăn cơm một đầu nhọn để xuyên xuống đất để dò mìn sau đó dùng xẻng bộ binh đào lên chứ chưa được học sâu về cấu tạo bom mìn và cách vô hiệu hoá chúng vả lại Mỹ có tới hàng mấy chục loại mìn,bom khác nhau: như bom phá, bom khoan đất cứng,bom nổ ngay,bom nổ hẹn giờ, bom từ trường, bom phát quang…. Làm sao chúng tôi biết phá được. Tôi  và anh Huân, anh Cát được phân về trung  đội  công binh cầu phà một nhiệm vụ  nghe lạ hoắc vì hầu hết anh em chúng tôi chưa biét tí gì về phà, thậm chí có người chưa hề đi phà lần nào,còn tôi may mắn đã có hai lần đi qua phà “Tình cương” thuộc huyên Sông thao, Vĩnh phú cũ. Đón 3 chúng tôi là một cán bộ hơn chúng tôi chừng chục tuổi, sau này tôi được biết : anh đi bộ đội từ năm 1968, là người dân tộc Tày ở Cao bằng, dáng người thấp nhưng chắc nịch, da hơi mai mái do sốt rét, với cái tên đậm sắc dân tộc “Nông văn Dền”,lúc nghe đại đội trưởng giới thiệu tôi lại liên tưởng tới Kim Đồng người thiếu niên anh hùng cũng ở Cao bằng  (tên thật cũng  là Nông Văn Dền), Mái tóc anh đen bóng chải rất mượt, sau này tôi được thấy lúc nào anh cũng có cái lược chải đầu nhỏ làm bằng nhôm của ống pháo sáng sẵn sàng trong túi áo và anh thường xuyên vuốt chải mái tóc đầu ngôi gọn gàng, lúc anh cười lộ ra chiếc răng số sáu hàm trên bên phải bịt vàng sáng chói, sau này quen có lúc chúng tôi đùa anh:  khi anh cười chúng tôi cùng nhau bịt mắt mình lại kêu: “Ôi! chói mắt quá”,hay lúc có máy bay chúng tôi lại trêu anh: “Tiểu đội trưởng ơi đừng cười nhé máy bay địch phát hiện thì chết”. Anh rất hiền lành chỉ cười, anh trêu lại chúng tôi bằng tiếng dân tộc kèm tên chúng tôi như “Tu Sơn” “Tu Cát” “Tu Huân” sau này tôi mới vỡ lẽ tiếng  “Tu” nghĩa là chỉ con vật như “tu ma”là con chó…đấy là kiểu vui của lính. Gọi là tiểu đội lúc đầu tôi cứ tưởng quân số như lúc huấn luyện là 12 người, nhưng về đến lán của tiểu đội chỉ thấy có hai cái giường bằng cây le  (cùng họ tre ở miền Bắc) và hai cái ba lô treo đầu giường. Hỏi ra mới biết gọi là tiểu đội nhưng thực tế có hai người, anh Dền và một anh tên là Tú người Thái bình  đang đi tuần đường. Tôi hỏi anh Dền:
      -Thế từ trước đến nay tiểu đội mình chỉ có hai người thôi à?.
 Anh bảo:
         -Không, năm kia cũng có tới 5 người, nhưng cuối năm ngoái tiểu đội đi thông đường ở trọng điểm, không may trúng ngay trận bom B52 rải thảm, một người hy sinh, một bị thương nặng đi bệnh xá trung đoàn sau đó ra Bắc điều trị, còn cậu Huy cũng người Cao bằng có trình độ văn hoá cấp III tích cực phấn đấu được kết nạp vào Đảng, sau đó được trung đoàn cho ra Bắc học sĩ quan đầu năm nay, thế là còn lại hai người.Công vệc thì vẫn như cũ, tiểu đội đảm nhận cung đường giao thông dài 10 km và bảo vệ một bến phà qua sông Xê sụ, nếu khó khăn có các tiểu đội bạn hỗ trợ.
    Rồi anh tiện thể giới thiệu các nhiệm vụ cụ thể của tiểu đội. Hôm sau chúng tôi cùng hai anh lính cũ nghỉ ngơi một ngày trước khi bắt tay vào nhiệm vụ. Tiếng là nghỉ nhưng hầu như cả ngày 5 anh em sửa lại lán,làm thêm giường nằm và đào thêm 3 cái hầm cá nhân ngay cạnh lán.Tối hôm đó 5 anh em tổ chức  “ăn tươi ” gọi là liên hoan đón lính mới của tiểu đội. Khoảng hơn 5 giờ chiều công việc sắp xong tôi bỗng nghe phía bờ sông có tiếng “kéc…kéc” vọng lại. Con vật đó thỉnh thoảng lại kêu, có lúc hình như có hai ba con cùng kêu. Anh Dền nghe thấy bảo chúng tôi:
         -Chúng mày ở nhà làm tiếp cho xong nhé, để tao đi kiếm tý thực phẩm về cải thiện tối nay.
       Thế rồi anh xách súng đi ra phía bờ sông, mươi phút sau chúng tôi có nghe thấy hai tiếng súng nổ. Anh Tú lính cũ nói chắc nịch :
        -Thôi tao và bếp đun sẵn nước tối nay có thịt khao lính mới rồi.
         Nghe vậy tôi cũng chưa biết ngô khoai thế nào.Mươi phút sau tôi thấy anh Dền đi về mỗi tay xách một con vật trông xa như con gà, Tú trong bếp ngó ra hỏi :
        -Hai con hả anh?.
        - Ừ hai con, tao bắn một con dưới bờ sông,còn mấy con hoảng hốt bay lên đậu trên cây xăng lẻ náu kín, tao mò đến làm thêm một chú nữa cho bõ công.
         Thì ra đó là hai con chim công cái. Anh Dền nói mùa này đám chim công  thường xuống hai bên bờ sông Xê- sụ để tìm ăn quả Lạc tiên chín vang rất thơm ngon, thứ cây dây leo này có lá ăn được rất ngon và còn chữa mất ngủ, cánh lính thường lấy lá non về luộc hoặc sào cho thịt hộp vào thì hết chê, quả lạc tiên chín màu vàng trong có chất dịch rất ngọt, đây là thứ khoái khẩu của chim công. Khi cả đàn xuống ăn chúng thường cử một con đậu trên ngọn một cây cao nhất để cảnh giới cho cả đàn, nếu phát hiện có kẻ thù chúng kêu lên những tiếng “toang toác” thất thanh để đàn công bay đi, còn bình thường chủng chỉ kêu những tiếng “kéc ..kéc” để gọi nhau đến ăn,cho nên người thợ săn phải rất khéo léo mới qua mắt chúng được. Anh Dền kể: có lần anh cài lá xanh nguỵ trang kín người chỉ hở đội mắt ra bờ sông nằm sẵn từ khoảng gần 4 giờ chiều để phục sẵn, đến gần 5 giờ bọn công lại đáp xuống bãi rau cách anh gần trăm mét,anh nín thở bò rất nhẹ nhàng nhưng cũng chỉ được vài chục mét là con công cảnh giới đã nhận ra bất thường chúng hét vang và bay mất.Sau này tôi biết anh là tay thợ săn thiện nghệ vì ngay khi còn ở quê anh đã thường xuyên dùng súng kíp đi săn thú rừng.Tối đó chúng tôi được thưởng thức bữa thịt chim công luộc, những mảng thịt chín trắng tinh, nổi thớ như thịt gà ở quê được xé ra chấm muối, vị ngọt, thơm đậm đà,tôi bỗng nhớ người xưa có câu “nem công chả Phượng” mà chỉ vua chúa mới được ăn,chắc cũng chẳng hơn mấy bữa thịt công luộc chấm muối mắm kem có thêm tí ớt, thật “tuyệt cú mèo” (một thành ngữ của cánh lính trẻ thời đó nhằm nói sự thoả mãn, sung sướng nào đó).
        Bấy giờ là tháng 8 dương lịch, ở nam Lào đang thời kỳ mùa mưa, mà đã là mùa mưa thì cả ta và địch thường không có những chiến dịch lớn vì thời tiết hành quân khó khăn, hai bên chủ yếu nằm chờ củng cố lực lượng cho mùa khô tới. Chính lúc này phía ta lại tích cực vận tải vũ khí lương thực,thuốc men và cả con người cho chiến trường. Con đường vận tải Trường sơn cũng vẫn hoạt động bình thường như dòng máu chảy về tim. Những đoàn xe vận tải vẫn tiếp tục lăn bánh, những đoàn quân vẫn tiếp tục Nam tiến. Địch cũng biết được như vậy nên chúng vẫn thường xuyên cho máy bay trinh sát để do thám tìm ra con đường vận tải và kho tàng của ta để đánh phá bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm.
        Buổi đầu tiên làm nhiệm vụ của cánh lính mới chúng tôi là đi tuần đường,sáng hôm ấy anh Dền tiểu đội trưởng lấy ra 3 cái búa chặt cây,loại búa này được biết là do bộ phận hậu cần của tiểu đoàn tự rèn lấy từ vật liệu là nhíp ô tô vận tải do xe bị hỏng. Lưỡi búa dài khoảng gần gang tay, lưỡi đã mài sáng bóng có bôi dầu chống rỉ, ngoài ra mỗi người kèm thêm một cuốc hoặc một xẻng, mỗi anh em đeo thêm một bình tông nước uống.Khoảng 7 giờ chúng tôi xuất phát, từ chỗ ở chúng tôi băng qua khu rừng le rậm rạp khoảng hai cây số thì đến đường ô tô. Con đường ngoằn ngoèo có đoạn luồn qua bóng những cánh rừng khộp, loại cây có lá to như cái quạt nan toả bóng râm mát thân vỏ đen đủi xù xì nhiều lớp. Có đoạn đường lại núp dưới bóng rừng cây xăng lẻ loại cây to cao đến vài chục mét, lá sáng nhỏ, đặc điểm thân vỏ cây rất sáng như cây bạch đàn trắng ngoài Bắc, nó không thể lẫn được với các loại cây rừng khác. Con đường vào mùa mưa ít xe chạy hơn nên cỏ cũng bắt đầu lác đác mọc hai ven đường. Dấu vết bom địch bắn phá hồi mùa khô vẫn hiển hiện sự ác liệt của chiến trường. Nhiều đoạn đường phải vòng qua miệng hố bom sau hoắm, những thân cây nham nhở vết mảnh bom, nhiều mảnh bom hoen rỉ còn găm trên thân cây như bằng chứng về sự ác liệt của chiến tranh trên những con  đường và những cánh rừng vô tội. Bên cạnh những tán cây xanh rợp bóng tôi thấy có nhiều cây to trơ trụi chỉ còn lại nững cành hết lá đen nhẻm, khẳng khiu đứng chơi vơi in hình lên bầu rời xanh. Thấy tôi tò mò quan sát anh Dền hiểu ý giải thích:
          -Những cây chết đứng đó là do hậu quả 3 năm trước địch rải chất độc hoá học để phá rừng nhằm gây khó khăn cho ta.
         Tôi còn thấy vô số cây rừng cụt ngọn, cụt cành nhưng cũng chính từ những thân, cành cây đó đang nhú lên những chồi xanh của sự sống bất chấp bom đạn kẻ thù và mùa khô tới nó lại sẵn sàng hứng chịu những loạt bom đạn mới để che chở cho những đoàn xe tiếp tục ra chiến trường. Bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ  của Tố Hữu khi tôi được học trong trường phổ thông nói về rừng Việt Bắc “Rừng che bội đội, rừng vây quân thù, chỉ có ở đây, lúc này ta mới hiểu được trọn vẹn về câu thơ đó. Có những đoạn đường có nước lầy thụt đã được rải đều một lớp cây rừng to bằng cổ chân, bằng bắp tay ngang đường để bánh xe đi không bị lún sâu. Anh Dền bảo:
         -Cái loại cây gỗ để chống lầy đó được gọi là “long đanh”. Ở những quãng đường đó ta phải vào rừng chọn cây chặt  rồi vác ra ven đường để sẵn, nếu đi tuần thấy có khả năng xe bị lún thì công binh rải  trước. Khi  xe bị xa lầy hoặc bị hỏng hóc cần sự giúp đỡ của công binh họ quy ước với nhau: Nếu nghe có 5 tiếng súng nổ thì chỗ đó có xe cần cứu trợ, công binh có mặt ngay để chống lầy và giúp đỡ lái xe, nếu như có cây đổ chắn đường công binh sẽ dùng búa chặt cây dọn đường hoặc dùng thuốc nổ đánh đứt cây để dọn đường. Đường thông rồi công binh sẽ bắn hai phát súng để báo hiệu thông đường.
       Rồi anh chỉ cho chúng tôi thấy cứ khoảng 40, 50 mét công binh sẽ đào một căn hầm chữ A bên vệ đường để nếu đoàn xe bị đánh phá lái xe sẽ có hầm ẩn nấp hạn chế thương vong.
         Hôm đó là ngày đầu tiên chúng tôi được đi học những phần việc cơ bản của công binh trên đường dây 559. Ngay tối hôm đó chúng tôi được chỉ thị của cấp trên là phải khẩn trương tu sửa bến phà qua sông Sê- xụ để tổ chức cho một số xe vận tải hàng quan trọng  vào chiến trường, đại đội phải cử người ra đầu tuyến để nhận và áp tải xe.Sau khi xe qua phà sẽ bàn giao cho đơn vị bạn, cấp trên còn ra chỉ thị phải bố trí tuyệt đối an toàn cho đoàn xe, ngày giờ đón xe tiểu đoàn sẽ báo sau. Nghe vậy mọi người bàn tán với nhau: anh Huân thì bảo: chắc là vũ khí bí mật loại mới do Liên xô giúp giờ mang vào đánh Mỹ.Anh Tú thi nói  có thể là Vàng, hay tiền  để gửi vào Căm Pu Chia, nghe nói ở đó có một ông đại tá tình báo của ta đóng giả là một thương nhân ở cảng Xi- ha-nuc- vin để thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men cung cấp cho mặt trận, còn lính ta chuyên đóng vai cửu vạn, nghe ra cũng có lý. Hôm sau cả tiểu đội đi làm nhiệm vụ cầu phà. Nói đến phà tôi cứ mường tượng như bến phà ngoài Bắc: phà phải bằng sắt, có cầu phà cũng bằng sắt để ô tô lên xuống, rồi phà phải được đẩy bằng ca nô…Anh Dền đưa chúng tôi dến đoạn đường rẽ xuống bến phà. Con đường xuyên qua dưới những tán cây to thân thẳng tắp,dân Lào gọi là cây “Cà boong”, Cây cao tới 20 mét. Đường lâu ngày không có xe chạy nên cỏ đã mọc xanh um. Con đường trườn xuống bờ sông. Đây là con sông nhỏ lại ở thượng nguồn, đang mùa mưa nước đầy nhưng dòng sông chỉ rộng khoảng 4 chục mét. Tôi nhìn quanh chẳng thấy bóng cầu, phà đâu, chỉ thấy bắc qua sông là một sợi dây cáp to bằng ngón chân cái, đầu bên này sông được buộc chặt vào một gôc cây săng lẻ to bằng cái thùng gánh nước, phía bên kia sông đoạn dây cáp lận vàò một bóng cây xanh um tùm vươn ra phía dòng chảy. Anh Dền chỉ vào sợi dây cáp và bảo:
           -Đây là dây tời phà qua sông,khi có xe qua sẽ kéo hai cái phà ghép ngang lại rồi đưa vào cầu phà bên bờ để đón xe, khi xe lên phà kéo cầu lên chèn cho xe chắn chắn rồi từ đoạn dây cáp có buộc ròng rọc móc lên dây cáp qua sông, sau đó dùng sức người bám vào dây cáp để kéo, còn một số người dùng sào tre để đẩy phà”.

(Còn nữa)
tin tức liên quan