“Lính Phà” – Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn (Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn) - (Tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 06:26 09/05/2024 Lượt xem: 42
 

LÍNH PHÀ
(Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn
Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn)

 
           (Tiếp theo và hết) 
           
        Tú vớ cái điếu cày đang định làm một điếu, bỗng anh dừng lại nghiêng đầu về phía hạ lưu nghe ngóng.Thấy vậy tôi cũng lắng tai nghe có gì xảy ra. Tiếng âm thanh i..i, ù ..ù nghe đùng đục rõ dần là tiếng máy bay C130. Tú bảo:
- Đấy giờ này nó lại đi rình mò đấy ,không biết xe đã qua phà hết chưa?.
Vừa nói hết câu, chiếc C130 đã ù ù ngay trên đầu chúng tôi, nó bay về phía thượng lưu.Tú nhét bi thuốc là vào điếu định  hút một hơi . Bỗng chiếc C130 bay vòng trở lại,gần đến chỗ chúng tôi nó phụt ra 2 quả pháo sáng,cả một bầu trời sáng rực soi rọi xuống mặt đất nếu người tinh mắt có thể nhìn thấy con kiến đang bò. Tú nói:
              -Thôi chết rồi nó nghi ngờ gì đó nên quay lại, nghe kỹ xem có súng báo hiệu nhé!.
     Vừa dứt lời từ phía bến chính 4 tiếng súng thành hai nhịp vang lên. Tôi và Tú chạy vội xuống bến, Tú bảo tôi vặn to ngọn đèn bão, còn anh kéo hẳn đám cành cây nguỵ trang trên hai xe giả để lộ rõ hình hài.Tú nói to như quát tôi:
        -Sơn! chạy nhanh ngược lên trú vào căn hầm cạnh gốc cây sang lẻ bên phải ấy.
Tôi cũng nói to để anh nghe thấy:
        -Không! Để hai anh em làm xong cùng chạy.
Tú càng kiên quyết hét to hơn:
        -Không được, mày phải đi trước cho an toàn, tao có kinh nghiệm làm xong tao sẽ rút ngay.
       Tôi nghe Tú nói vậy, cầm súng chạy ngược về căn hầm dưới gốc cây săng lẻ mà hôm trước tôi đã quan sát thấy. Căn hầm này chỉ cách bến khoảng 50 mét. Ở đây nhờ ánh sáng của pháo sáng tôi nhìn rõ mọi động thái của Tú dưới bến. Chiếc máy bay vòng đảo lại hạ độ cao nhằm tìm kiếm mục tiêu, phía bến chính lại có 4 tiếng súng vọng lại, tình huống chắc khẩn lắm anh Dền mới phát tín hiệu hai lần,chắc Tú cũng nghe rõ. Tôi nhìn xuống bến thấy anh cúi xuống đống lá khô để sẵn một đốm lửa bùng lên, tôi không thấy anh chạy về hướng tôi mà lại chạy về phía bờ sông  tay cầm chiếc đèn pin huơ đi huơ lại loang loáng bất chấp chiếc C130 đang ở ngay trên đầu. Tôi lo lắng dõi theo.Rồi tôi thấy ánh đèn quay ngược về phia tôi, chắc Tú đang rút về. Bỗng một một quầng sáng loé lên kèm một tiếng nổ chói tai của một quả đạn lựu pháo ngay gần phía sau lưng Tú tôi thoáng thấy bóng anh đổ vật xuống bên đường, bằng phản xạ tự nhiên tôi hét to:
        -A..a..a..anh Tú!
        Tôi bật ra khỏi cửa hầm chạy về phía anh. Được khoảng 20 mét tôi thấy một tràng đạn 20mm xả xuống mặt đất, can xăng ở một xe giả bùng cháy dữ dội,mặc kệ tôi chạy tiếp. Ánh đèn pháo sáng vẫn còn khá rõ, đến nơi tôi thấy Tú nằm sấp úp mặt xuống vạt cỏ bên đường, chiếc đèn pin trong tay anh chưa kịp tắt vẫn còn sáng  thành một vệt dài ven đường. Tôi ôm chầm lấy Tú lay, lay gọi to:
       -Tú ơi!...Tú ơi! Tỉnh lại đi”.
      Tay tôi luồn qua cổ anh định dựng dậy, người anh lạnh toát cái cổ ngẹo xuống vô vọng. Chiếc AC 130 lại quay lại xả thêm hai loạt đạn 20mm, tôi chỉ biết gục xuống ôm sát lấy Tú để tránh làn đạn của địch. Có lẽ thấy chiếc xe giả bị cháy rồi, máy bay địch bỏ đi. Tôi lấy tay vào ngực Tú xem còn có hy vọng nào đó, nhưng không còn thấy nhịp đập của tim bàn tay tôi bỗng cảm thấy ươn ướt và hơi nóng thì ra là máu. Tôi rút tay ra lấy tay kia đặt vào cổ Tú nơi có động mạch chủ nhưng cũng không có tín hiệu gì.Tôi đặt Tú xuống gỡ khẩu AK bên mình đưa thẳng lên trời bắn dồn dập 5 phát liên tục báo hiệu khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến và trực tiếp đối diện với sự hy sinh của đồng đội trong chiến trường, có lẽ lúc đó tôi cũng như các đồng đội của tôi không còn khái niệm “sợ” là gì nữa, tôi chỉ còn biết phản xạ tự nhiên theo suy nghĩ tức thời của mình, không có sự tính toán đắn đo giữa sự sống và cái chết. Lúc đó tôi nghĩ  anh em ở bến chính chưa thể biét tình hình của chúng tôi, do vậy tôi quyết định tạm để Tú nằm lại, tôi xách súng băng rừng lên bến chính, tôi chạy hết sức khoảng 5,6 phút sau tôi đã tới bến. Bờ sông im lặng không còn xe chở hàng nằm chờ, anh em thì đang đẩy phà vào bến. Tôi hét to:
            -Mọi người ơi! Anh Tú hy sinh rồi.
       Tiếng anh Dền quát lớn dưới sông:
           -Sao? thế nào rồi?
       Tôi dõng rạc:
             -Anh Tú trúng đạn hy sinh rồi.
       Chiếc phà từ từ cập bến, mọi người ùa lên vây quanh hỏi tôi. Tôi kể lại sơ bộ tình hình cho mọi người nghe qua. Nghe xong anh Dền bình tĩnh phân công mấy người tạm dỡ phà dấu ngay tại bến để mai đưa về chỗ dấu phà cũ sau đó tất cả tập trung ở bến nghi binh,còn Anh Dền, tôi và Huân xuống ngay bến nghi binh. Đến nơi chúng tôi đặt Tú nằm tạm trên một bãi đất bằng phẳng, người Tú chưa nguội hẳn. Anh Dền đưa tay vuốt mắt Tú và nắn lại chân, tay cho xuôi thẳng. Kiểm tra lại chúng tôi phát hiện một mảnh đạn lựu pháo đã găm trúng phía sau lưng vùng phổi của Tú, máu ra nhiếu ướt sũng cái áo và vùng đất Tú nằm. Anh Dền phân công Tôi và Huân ở lại trực bên thi hài Tú còn anh trở về lán để điện về tiểu đoàn báo cáo tình hình và xin chỉ thị động thời lấy tư trang của Tú để khâm liệm. Anh đi được một lát thì anh em ở bến chính cũng kịp tới.Chúng tôi ngồi vây quanh Tú, tôi tỉ mỉ kể lại sự hy sinh của Tú. Nghe xong mọi người lặng im không ai nói với ai câu gì, tất cả sự xúc động biểu hiện trên khuôn mặt của mọi người.
       Nửa tiếng sau anh Dền quay lại mang theo ba lô của Tú anh bảo anh đã báo cáo với đại đội, tiểu đoàn,cấp trên chỉ thị tiểu đội tự khâm liệm cho Tú chu đáo rồi đưa thi hài về vực Đá nai để an táng. Trung đội đã cử một số anh em hỗ trợ tri huyệt sẵn ở đó rồi. Nói đến vực Đá nai thì tôi đã biết vì tháng trước khi đi tuần đường anh Dền có đưa chúng tôi đến đó, có thể gọi tạm đây là nghĩa trang của đại đội công binh. Ở đây đã có hơn chục ngôi mộ qua các thời kỳ,các chiến sỹ hy sinh được an táng tại đây. Nơi đây được chọn là nơi an táng vì nó khá gần một cái vực của con sông phía trên bờ có một khối đá lớn bằng nửa gian nhà nhô ra có hình đầu con nai nên anh em quen gọi là vực Đá nai nơi đây đã được đo đạc đánh dấu toạ độ trên bản đồ quân sự, khối đá to được làm mốc chuẩn , bom đạn giặc có thể làm đổi thay địa hình quang cảnh nhưng khối đá đó sẽ là dấu mốc khó đổi thay.
          Việc khâm liệm Tú chủ yếu do anh Dền, anh Tước là những cựu binh quen việc làm còn đa số chúng tôi là lính mới chưa hề va chạm việc tử sĩ nên chỉ là chân giúp việc.Anh Dền lục trong ba lô của Tú chọn được bộ quần áo sạch sẽ nhất để thay cho Tú, rất tiếc bộ mới nhất của anh đã đem đổi lấy bộ trang phục nữ đi hội diễn. Chiếc “tăng” bằng nilon được trải rộng, thi hài Tú được đặt ngay ngắn, anh Dền và anh Tước cẩn thận, nhẹ nhàng cuốn quanh người Tú rồi lấy băng cứu thương buộc lại thành ba khúc. Chúng tôi lấy võng của Tú ra làm thanh một chiếc cáng rồi đặt thi hài Tú vào, Bẩy anh em chúng tôi thay nhau cáng Tú hướng về phía vực Đá nai. Trời vẫn còn tối, anh Dền cầm đèn pin đi trước soi đường. Chúng tôi lầm lũi chần chậm bước đi không ai nói với ai câu gì, chỉ thỉnh thoảng có chướng ngại vật anh lên tiếng nhắc người khiêng cáng phải chú ý. Tôi được anh Dền trao nhiệm vụ mang theo ba lô của Tú. Đi trong hàng người đưa Tú về nơi an nghỉ nhưng không kèn, không trống, không một tiếng khóc than,vắng bóng người ruột thịt chỉ có đồng đội bên anh những phút cuối cùng. Nghĩ đến đó  tôi bỗng thấy có gì cay cay hai khoé mắt. Một con người, một sự hy sinh để đổi lấy sự an toàn cho 4 chiếc xe chở hàng ra mặt trận.Trong đầu tôi bất chợt đặt ra câu hỏi so sánh: “Một mạng người đổi lấy sự an toàn 4 chiếc xe có đáng không?”. Tôi vẫn biến mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đặt trong hoàn cảnh cụ thể ngày hôm nay thì thiệt thòi nhất vẫn là Tú, nếu đem vật chất cụ thể tính giá trị của 4 chiếc xe cùng với hàng hoá trên đó, giả sử là vàng ròng thì cũng bằng tính mạng của một người chiến sĩ. Tôi thương xót cho Tú. Nhưng rồi tôi bình tấm suy xét lại ý nghĩ của mình tội chợt nhận ra: Ở Tú là một sự hy sinh cao thượng, không thể so sánh với bất cứ thứ vật chất nào. Trước hết tôi nhận ra Tú chính là ân nhân cứu mang mình. Nếu như không có bao dung, kiên quyết, dứt khoát của anh mà tôi sẽ ở lại cùng anh, biết đâu tôi cũng đã lãnh trọn một mảnh đạn quân thù thì 2 mạng người đổi lấy 4 chiếc xe thì quá đắt. Phải chăng Tú cũng đã sớm nhận biết được điều đó nên anh đã kiên quyết bắt tôi phải dời đi. Tú đã chủ động dù biết có thể nguy hiểm đến tính mạng. Có lẽ lúc đó dù Tú hay ai khác có lẽ đâu nghĩ đến sự hy sinh cao cả của mình như một người anh hùng, đâu có nghĩ mình có thể hy sinh vì lý tưởng cao siêu nào khác mà chỉ nghĩ đến hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ khi được cấp trên tin tưởng giao phó. Anh đã chủ động cho sự hy sinh đó.Nếu như không có sự chứng kiến của tôi về sự hành  động quả cảm của anh: Khi máy bay địch trên đầu không những anh bình tĩnh đốt lửa mà còn chiếu ánh đèn pin trực tiếp để thu hút địch về phía mình, thì mọi người chỉ có thể biết chung chung về sự hy sinh của anh là “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ” như bao sự hy sinh khác. Tôi thầm hứa nếu như sau này tôi còn được trở về tôi sẽ về quê anh để gặp người thân của Tú, tôi sẽ kể tường tận cho mọi người nghe về sự hy sinh cao cả của anh. Mọi người như lứa tuổi chúng tôi trong đó có Tú đáng ra được sống trong hoà bình để thực hiện những mơ ước của mình như Tú muốn trở thành diễn viên chèo để  mang tiếng hát cho đời ,cống hiến cho xá hội,nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Anh đành tạm gác ước mơ đó xa quê hương tạm biệt người thân vào chiến trường. Đã có lúc anh tâm sự với tôi: Sau này nếu may mắn được trở về lành lặn anh sẽ quyết tâm thi ít nhất là được vào trường văn hoá nghệ thuật của tỉnh để viết tiếp giấc mơ nghệ thuật. Nhưng hôm nay mảnh đạn của kẻ thù đã chính thức giết chết ước mơ hoài bão của anh.Tú Ơi! Kẻ thù, chiến tranh không chỉ giết đi những ước mơ, hoài bão của riêng anh mà chúng còn cướp bao mơ ước hoài bão của lớp người gái trai lứa tuổi mười tám ,đôi mươi như anh và tôi đang tràn đầy sức sống ,niềm tin ,khát khao được cống hiến cho tổ quốc quê hương,cho gia đình .Tôi chợt nghĩ về bố mẹ của Tú, người ta thường bảo tình mẫu tử huyền bí lắm  có mối “Thần giao cách cảm”có lẽ đêm nay bố mẹ anh ở quê giờ đang có cơn ác mộng nào đó chăng? Và nay mai nhận được mảnh giấy báo tử của Tú điều gì sẽ xảy ra? Khi tờ giấy chỉ có vẻn vẹn mấy chữ “hy sinh ở mặt trận phía Nam” và cũng vì chiến tranh nên mảnh giấy đó  không thể nói gì nhiều hơn, ngoài chúng tôi là những người biết rõ nhất.
             Dòng suy tưởng của tôi bị đứt đoạn vì đã tới nơi an táng Tú. Trong ánh đèn bão mờ mờ tôi nhận ra chính trị viên tiểu đoàn, chính trị viên đại đội,đại đội trưởng và các cán bộ trung đội trưởng của đại đội đã có mặt để tiễn đưa Tú. Một điều tôi thấy lạ nữa  là ngoài các cán bộ từ tiểu đoàn trở xuống thì phía trên ngôi huyệt có dựng một cái khung  bằng cây le, trên đó có treo hai lá cờ, lá cờ đỏ sao vàng và lá cờ búa liềm. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là nghi thức an táng liệt sĩ ở chiến trường. Anh Dền chỉ huy việc hạ huyệt. Chợt anh bảo tôi đem ba lô của Tú lại mở ra lấy một số tư trang để đưa xuống huyệt cho Tú, như cái lược, cái khăn mặt, mấy bộ quàn áo lót và đặc biệt bộ áo váy của Xa My mà Tú đã giữ làm kỷ niệm. Tú là “con nghiện”thuốc lào, nhưng chiếc điếu của anh lúc hy sinh ở bến không tìm thấy. Anh Dền bảo Cường cũng là “con nghiện” nhường cái điếu của Cường cho Tú mang theo. Thủ tục đã hoàn tất tất cả cán bộ, chiến sĩ chúng tôi tập thành hai hàng trước huyệt. Đại đội trưởng hô chỉnh đốn trang phụcvà làm lễ chào cờ tổ quốc và cờ Đảng, không hát. Sau đó đồng chí chính trị viên tiểu đoàn bước lên một bước, ông mở cái xà cột đeo bên mình lấy ra một tờ giấy, với giọng xứ Nghệ ông chậm giãi nói: “Thưa vong linh đồng chí Trần Anh Tú! thưa toàn thể các đồng chí! Đồng chí Trần Anh Tú, một đoàn viên thanh niên ưu tú của đại đội I,vừa qua chi uỷ, chi bộ đại đội I đã theo dõi, giúp đỡ để giới thiệu và đề nghị đảng uỷ tiểu đoàn xem xét kết nạp vào Đảng. Sau khi xem xét lý lịch và cử cán bộ đi xác minh lý lịch, chiều hôm nay đảng uỷ đã họp xem xét thấy đồng chí Tú đã đủ điều kiện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, chúng tôi đã ra quyết định kết nạp đồng chí, nhưng rất tiếc đêm nay đồng chí đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sự dũng cảm và hy sinh đó càng thể hiện phẩm chẩm ưu tú của người đoàn viên thanh niên mặc dù đồng chí chưa được chính thức kết nạp. Giờ đây trước anh linh đồng chí Tú, tôi hay mặt cho đảng uỷ tiểu đoàn xuống trực tiếp công bố quyết kết nạp và công nhận đồng chí Tú đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Sau đó ông đọc toàn văn quyết định kết nạp trong không khí tĩnh lặng,trang nghiêm. Lễ công bố quyết định kết nạp kết thúc chúng tôi xúm lại cào, xúc đất đắp mộ cho Tú. Ngôi mộ hình thành ngay ngắn gọn gàng như ở quê hương, chỉ khác là không có bát cơm quả trứng, không có khói hương hay vòng hoa trên mộ. Tôi bỗng thấy anh Dền quỳ xuống trước mộ, trên tay anh là một điếu thuốc “Rê” đầu to đã được châm lửa sẵn,đầu nhỏ được gắn thêm một cái que dài độ một gang. Anh lặng vái 3 vái thì thầm nói điều gì đó rồi cắm điếu thuốc lên mộ Tú, điếu thuốc “Rê” như một nén hương lớn trên mộ Tú, khói thuốc quyện lại như một giải lụa trắng ,lơ lửng, lững thững bay lên rồi tan mảnh trong tán lá cây rừng ngay trên mộ. Anh Dền lại nắm một nắm đất đắp lên mộ và hú lên một tiếng dài:
         -hu…hu.. hú…ba hồn bẩy vía, bẩy vía ba hồn em là Trần anh Tú ở cây cao bóng cả ngã ba, ngã bẩy ở đâu về chiêu hồn nhập mộ, hu..hú…
         Đây có lẽ là phong tục mai táng ở quê anh. Lúc này anh đứng lên xoay khẩu AK 47 ra phía trước ngực rồi đề nghị mọi người có mặt mặc niệm để vĩnh biệt Tú.Bằng một giọng rắn giỏi nhưng vẫn có cái gì đó xúc động ưu tư, anh hô: “Nghi…nghiêm....Để tưởng nhớ đồng đội Trần Anh Tú, một phút mặc niệm bắt đầu”, không khí im lặng lắng đọng trong không gian và sâu thẳm trong mỗi con tim của những người đồng đội, ngoài kia chỉ có tiếng côn trùng nỉ non như một điệu kèn “Ai vãn” đưa tiễn một linh hồn về nơi cực lạc.Anh Dền bỗng bước lên hai bước tay gỡ khẩu AK ra khỏi vai hướng nòng  lên trời siết cò “đoàng…đoàng…đoàng…” 7 tiếng nổ  đanh,dõng dạc,  vang vọng rồi  tan vào đại ngàn Trường sơn hùng vĩ, thay cho lời chào vĩnh biệt của đồng đội.
         Chúng tôi thu dọn đồ đạc, vệ sinh sạch sẽ quanh ngôi mộ rồi trở về lán. Lúc này phía bờ sông có tiếng gáy vang của một chú gà rừng, báo hiệu trời sắp sáng. Tôi ngước lên nhìn về hướng Đông phía bờ sông khung trời đã ửng sáng. Một ngày mới của những người lính phà chúng tôi lại bắt đầu.

Ngô Văn Sơn
(Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn)
Địa chỉ: Khu 7 xã Xuân Áng ,Hạ Hoà, Phú Thọ.
SĐT: 0389028682.   Gmail:
ngovanson150151@gmail.com.

 
tin tức liên quan