Vẻ vang Trung đoàn 4 - Ngô Gia Tự Anh hùng trên đỉnh Trường Sơn ngày ấy
VẺ VANG TRUNG ĐOÀN 4 NGÔ GIA TỰ ANH HÙNG
TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY.
Bút ký của Phạm Huy Chương.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh là một kỳ tích huyền thoại, đã góp sức người,sức của và cả bao máu xương của lớp lớp thanh niên, nghe theo tiếng gọi của Đảng cuả Bác Hồ “Không có gì quý hơn Độc lập-Tự do” đã xẻ dọc Trường Sơn lên đường ra trận bảo vê Tổ quốc. Đường Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh, là con đường huyết mạch, đưa sức người, sức của, từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường Miền Nam , góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng. Và chính trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại ấy, đã gắn liền với bao chiến công vẻ vang của tuổi trẻ cả nước, trong đó có những chàng trai cô gái trên vùng quê Hà Bắc ( nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) mang tên - Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự, Sư đoàn 470 Anh hùng…
Chiến tranh đã đi qua. Hôm nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình. Song những cựu chiến binh Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự vẫn giữ vẹn nguyên những hình ảnh , kỷ niệm không thể nào quên về những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời “Xẻ dọc Trường Sơn lên đường đi đánh Mỹ / Mà lòng phơi phới dậy tương lai..”. Để chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt. nghe theo tiếng gọi của Đảng , Bác Hồ : “..Nhất đinh không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô nệ…Không có gì quý hơn Độc lập –tự do”.Vì miền Nam ruột thịt, nhân dân miền Bắc XHCN đã gương cao khẩu hiệu: “ Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”
Cách đây tròn 59 năm. Giữa mùa thu lịch sử năm 1965. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới. Nhận nhiệm vụ đặc biệt của Trung ương Đảng, tỉnh Hà Bắc được thành lập một Trung đoàn mang tên Ngô Gia Tự, nhà Cách mạng tiền bối - Người con ưu tú của quê hương, hành quân gấp vào Nam chi viện cho chiến trường. Đúng 17 giờ ngày 14/9/1965. Tại Ủy ban Hành chính huyện Thuận Thành, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc, các đồng chí: Trần Trung, Bí thư tỉnh ủy; Phương Minh Nam, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh; đồng chí Lê- Nguyễn, Tỉnh đội trưởng BCHQS Hà Bắc trực tiếp đến giao nhiệm vụ động viên, tiễn đưa và trao lá cờ Quyết thắng thêu 6 chữ vàng “ Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự” cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn hành quân theo hướng Nam tiến.
Từ một Trung đoàn bộ binh, chuyển thành Trung đoàn công binh trên đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, thuộc Bộ tư lệnh 559 làm nhiệm vụ mở đường, chiến đấu bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện cho các chiến trường miền Nam, Lào, Cam Pu Chia, đồng thời phối hợp với các đơn vị bạn trên toàn tuyến, trực tiếp tham gia chiến đấu, và phục vụ chiến đấu cho các mặt trận Bình Trị Thiên, Khu 5 và Tây Nguyên…
Trung đoàn 4 Công binh ngày ấy hoạt động trên một tuyến đường Trường Sơn- Đường mòn Hồ Chí Minh dài hơn 2.000 km, vượt qua rừng rậm, núi cao, vực thẳm, suối sâu, sông rộng. Thiếu thốn mọi bề, bệnh tật, sốt rét, đói cơm, nhạt muối, hàng ngày phải đối mặt với bom đạn, chất độc hóa học Mỹ rải khắp các cánh rừng, rồi giáp mặt với thám báo, biệt kích, lính thủy đánh bộ Mỹ… Nhưng họ chẳng ai chùn bước, ngần ngại hy sinh gian khổ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, đảm bảo đường thông suốt đưa người, binh khí kỹ thuật kịp thời vào chi viện cho chiến trường.
Tuyến Đường 20 Quyết Thắng được mở đầu từ cây số 0, tại thôn Phong Nha lên Cà Ròong, thuộc tỉnh Quảng Bình, đường chọc thủng dãy núi đá vôi cao chót vót trên đỉnh dải Trường sơn hùng vĩ, để nối liền với những cung đường vươn ra mặt trận. Đường 20 quyết thắng có ý nghĩa hết sức quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt là vào giai đoạn quyết định cho trận đánh cuối cùng để giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Những năm cuối 1970- 1975, do yêu cầu chi viện cho chiến trường Miền Nam và chiến trường Lào, chiến trường Cam Pu Chia ngày càng lớn. Quân ủy Trung ương đã quyết định mở thêm cửa khẩu thứ 2 vượt đỉnh Trường Sơn mang tên Đường 20 Quyết thắng, nhằm phá thế độc đạo, vừa phân tán mật độ đánh phá bằng không quân của địch, lại vừa rút ngắn được cường độ vận chuyển từ hậu Phương miền Bắc chi viện cho tiền phương. Bởi vậy đây là tuyến đường được giặc Mỹ chọn là trọng điểm đánh phá hủy diệt tất cả các mục tiêu toàn tuyến, Đường 20 Quyết thắng còn được mệnh danh là “tọa độ lửa” trên Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Ở đây ngày cũng như đêm, có khi cả 24/24 giờ tuyến đường không lúc nào ngớt tiếng bom đạn đánh phá của địch. Người ta tính từ năm 1965 đến năm 1972 Mỹ đã đánh 3.500 trận không kích vào đường 20 với 21.000 phi vụ phản lực, B52; chúng rải xuống đây 2.300 tấn bom đạn các loại. Nhưng bom đạn không thể khuất phục được ý chí quyết tâm sắt đá của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn. Họ đã nguyện thề cùng nhau “ sống chết với con đường.” Để có được con đường 20 Quyết Thắng như đúng ý định cấp trên giao, với chiều dài 123 km vươn ra mặt trận, đã phải có biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, và cả máu xương của hơn 1.200 cán bộ chiến sĩ TNXP, bộ đội của ta đã anh dũng hy sinh, người ta tính cứ 100m đường 20 Quyết Thắng này là có một chiến sĩ của ta nằm lại vĩnh viễn nơi đây để bảo vệ an toàn cho tuyến đường thông suốt ngày đêm ra mặt trận.
Có thể nói suốt chặng đường dài lịch sử của Trung đoàn, từ Đường 20 Quyết thắng “ phá vỡ cổng trời”, “chọc thủng Trường Sơn” nối liền với Đường 9 Nam Lào, từ Thà Khống đến Bản Đông, rồi Đường B45 từ La Hạp đến Động Cô Tiên, Đường B46 từ Chà Vằn đến Trao, Bến Giàng (Quảng Nam), rồi Đường 22 từ Tà Beeng đến Tà Sẻn Hạ Lào, đường từ Kon Tum đi Đồng Xoài, từ Ngã ba Đông Dương nối với Đường 14 vv…Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngoan cường, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.Trung đoàn đã mở 1.675 km đường, với khối lượng đất đá phải đào là 1, 5 triệu m3, rà phá 200 quả bom từ trường, hơn 400 quả bom nổ chậm, san lấp hơn 3.000 hố bom đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến thông suốt.
(Ảnh minh họa)
Với khẩu hiệu “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến” “ Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Ngày ấy cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 4 ra trận náo nức như đi hội. Người người ,lớp lớp, thi đua lập công. Họ tranh nhau nhường thuận lợi cho bạn, nhận việc khó về mình, xung phong đi rà gỡ, phá bom mìn vướng, lặn xuống sông, xuống suối, phá bom từ trường, phá bom nổ chậm, ngồi lên xe cảnh giới bảo vệ các mục tiêu, nhiều khi còn cho xe chạy cả ban ngày, làm mục tiêu giả, để đánh lạc hướng địch. Một người cũng đánh, đánh đến viên đạn cuối cùng. Anh nuôi cũng ra trận, một tổ 3 người cũng mưu trí đánh lui cả đại đội tinh nhuệ Mỹ. Tiêu biểu với 8 trận chiến đấu đánh quân biệt kích, thám báo Ngụy, đánh quân đổ bộ đường không của Mỹ (Sư đoàn 23 thủy quân lục chiến Mỹ) đổ xuống ĐăK Rông Quảng Trị, Trung đoàn đã mưu trí dũng cảm bao vây tiêu diệt 385 tên địch, trong đó có 310 tên Mỹ, thu nhiều súng, vũ khí các loại của địch. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn đã mở trên 400 km đường mới, xuyên qua những cánh rừng Tây Nguyên, khôi phục trên 600 km quốc lộ 19, Quốc lộ 21, bảo đảm an toàn, kịp thời cho các Binh chủng, Quân chủng của bộ đội ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vừa làm nhiệm vụ mở đường, Trung đoàn còn anh dũng chiến đấu, tiêu diệt 425 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, góp phần vào chiến thắng chung của bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) toàn thắng. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn trở thành dũng sỹ diệt Mỹ, hàng ngàn lượt chiến sỹ Trường Sơn gang thép của Trung đoàn 4 được tôn vinh, tặng thưởng Huy chương ,Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, 115 đồng chí được suy tôn là Chiến sỹ Thi đua, Chiến sỹ Quyết thắng, có 3 đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trung đoàn được đón nhận phần thưởng cao quý của Bác Hồ trao tặng lá cờ “ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Một niềm vinh dự, tự hào đến với những người con trung dũng của Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự. Ngày 03 tháng 6 năm 1976, Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự, Sư đoàn 470 Anh hùng được Đảng, Nhà nước tuyên dương phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự lại trong đội hình của Sư đoàn 470 Anh hùng tiếp tục bám trụ trên vùng đất Tây Nguyên cùng với nhân dân nơi đây xây dựng phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phần đông cán bộ chiến sỹ Trung đoàn được phục viên xuất ngũ từ chiến trường trở về với hậu phương. Có người trở về quê hương lại cần mẫn miệt mài trên đồng ruộng xây dựng nông thôn mới, người vào cơ quan, người vào Nhà máy Xí nghiệp, người ra hầm mỏ, người trở về dạy hoc dưới những mái trường cùng đàn em thân yêu, người trở lại các trường Đại học tiếp tục đèn sách học tập, trở thành những Kỹ sư, Bác sỹ, các Nhà khoa học, phục vụ dựng xây đất nước trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các anh, các chị, lại kiên cường vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường, viết tiếp bài ca người lính trên mọi lĩnh vực công tác, tỏa sáng tấm gương phẩm chất và truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Được Đảng tin, dân mến.
.Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống mở đường Trường Sơn ( 19/5/1959 – 19/5/2024). Bồi hồi, xúc động, nhớ về những ngày này năm xưa, những đồng đội thân yêu của Trung đoàn 4 Ngô Gia Tự anh hùng ngày ấy vẫn nhắc nhau không quên những ngày đã từng cầm tay nhau trên đỉnh Trường Sơn nguyện thề “ Đánh thắng giặc Mỹ mới về quê hương”. Xin được tạc lòng, ghi nhớ và biết ơn những công lao, những chiến công và sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sỹ - Những đứa con yêu dấu của Trung đoàn 4 năm xưa, đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho Đất nước.
Chúng tôi - Những đồng đội của các anh hôm nay đang được sống thay phần của các anh nguyện hứa: sẽ phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, đoàn kết nghĩa tình, chung tay, góp sức xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, văn minh và phát triển /.
PHẠM HUY CHƯƠNG
Hội Trường Sơn Bắc Ninh.
SN 129 Đường Hồ ngọc Lân, P Kinh Bắc, TP Bắc Ninh. ĐT 0913596445.