"Mùa khô với các đội phẫu thuật ở Trường Sơn" - TG: AHLLVTND Bác sỹ Tạ Lưu

Ngày đăng: 06:58 08/08/2024 Lượt xem: 79
       Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2024). Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024). Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024) và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát động cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”; “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”. Từ đó tập hợp và tuyển chọn những tác phẩm Văn xuôi tiêu biểu nhất trong 2 cuộc thi để xuất bản cuốn sách mang tên “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Phát hành vào tháng 5 năm 2024.
       “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”Tựu chung là những trang viết về những con người và sự kiện đã làm lên một huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vệ Quốc của dân tộc Việt Nam – Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu binh Trường Sơn miền quê Quan họ… Không dừng lại ở đó“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”còn là nén tâm hương nghĩa tình đồng đội, tưởng nhớ và đời đời biết ơn những người con ưu tú của quê hương đất nước đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
       Bên thềm Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) Từ 132 tác phẩm của gần 100 tác giả đăng trong cuốn sách “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh. Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn sẽ "nhóm" một số bài trong cuốn sách này để lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.
       Xin trân trọng!
 
MÙA KHÔ VỚI CÁC ĐỘI PHẪU THUẬT Ở TRƯỜNG SƠN
AHLLVTND Bác sỹ Tạ Lưu
( Đội Điều trị 14 Binh trạm 12)

 
           Mùa khô có lẽ đã trở thành một truyền thống “tấn công” kẻ thù của Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta chăng? Ngay từ khi thành lập, mở đầu bằng hai trận tiêu diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần chả đúng vào mùa khô năm 1944 là gì.
          Trong kháng chiến chín năm chống Pháp, cứ vào đúng mùa khô là các chiến dịch lớn bắt đầu. Hàng loạt đồn bốt địch lại thi nhau sập đổ, dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào đúng dịp kết thúc mùa khô.
           Đối với tớ thầy Mỹ ngụy cũng vậy. Cứ mỗi năm, khi mùa khô đến là chúng nó sợ đến mất ăn mất ngủ. Một số nhà bác học, kỹ sư Mỹ bán rẻ linh hồn cho bọn quỷ dữ trong “Nhà Trắng và Lầu Năm Góc” đã dày công nghiên cứu chế tạo ra đủ loại phương tiện hiện đại, máy móc tối tân như máy phát hiện tiếng động cơ xe máy từ xa; cây nhiệt đới phát hiện được cả tiếng chân người, máy bay trinh sát các loại, máy bay điện tử chụp ảnh ban đêm cả một vùng rộng lớn... Vô vàn loại bom, mìn, đạn pháo các cỡ và cả các chất độc hóa học màu da cam được rải xuống khắp nơi... Tất cả những thứ đó đã được sử dụng triệt để, nhằm ngăn chặn những mùa khô. Thế nhưng, mùa khô vẫn đến, cứ đến, đến một cách rất tự nhiên, gieo bao nỗi kinh hoàng lên đầu chúng nó. Ngược lại, mùa khô với chúng ta lại là mùa làm ăn lớn, mùa thu hái những chiến công.
            Vào đầu mùa khô năm 1966, kẻ địch đánh phá ác liệt các tuyến đường thuộc khu vực do Binh trạm 12 phụ trách vận chuyển hàng. Giao thông, vận tải bị cản trở nghiêm trọng. Thủ trưởng Binh trạm 12, chỉ thị cho Đội điều trị 14 cử  một Đội phẫu thuật lưu động lên chốt ở La Trọng trên đường chiến lược 12. Đội phẫu thuật gồm 10 người cả nhân viên chuyên môn lẫn chị nuôi. Trừ chị nuôi với một gánh nồi niêu, xoong, chậu; một gánh dụng cụ khay đĩa chứa trong đôi bồ nhỏ, còn mỗi người ngoài chiếc ba - lô đựng y cụ, thuốc men, bông, băng, gạc...còn phải đeo thêm một ba - lô quần áo chăn màn của bản thân và để phục vụ thương bệnh binh. Chúng tôi lên đường vào lúc sẩm tối. Trăng lưỡi liềm đầu tháng tỏa ánh sáng mờ mờ. Chúng tôi lần đi theo con đường mòn nhỏ gồ ghề khó bước, lúc lên dốc, khi xuống đèo, có chỗ trơn như đổ mỡ. Càng lên cao, gió càng thổi dữ nhưng cũng may, gió thốc từ phía sau; chỉ có cây cối ngả nghiêng, cành khô gãy răng rắc nghe rợn cả người. Chưa hết, những con vắt bị đói lâu ngày, giấu mình dưới những lớp lá mục, nay thấy hơi người, ngóc đầu cả dậy, đo mình thoăn thoắt, bám chặt vào đôi chân mà hút máu. Những con vắt xanh còn dữ dằn hơn, chúng bám vào bẹn, nách, thậm chí chui cả vào ngực, cổ hoặc những nơi thâm nghiêm nhất nữa... chị em sợ quá phải nhờ cánh nam giới đến gỡ giùm, quên hết cả nỗi thẹn thùng. Chỗ nào bị chúng hút máu thì rất đau, rất ngứa và máu cứ ri rỉ chảy mãi rất khó cầm. Chúng tôi cứ đi như vậy trong cảnh màn đêm rừng vắng, mỗi bước nhích chân lại cảm thấy trong người rời rã. Khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi mới leo đến đỉnh dốc, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Sau ít phút nghỉ ngơi, chúng tôi động viên nhau xuống dốc. Tưởng khi xuống sẽ dễ chịu hơn, ai dè càng chùn chân, mỏi gối, oái oăm hơn nữa là chiếc ba lô đằng trước đã níu người xuống, lại thêm chiếc ba lô đằng sau đè nặng trên lưng, nếu không nhờ chiếc gậy Trường Sơn  chống đỡ cho đôi chân, có khi cả người và ba lô đều rơi tòm xuống vực.
          Cứ đi, đi mãi, hết dốc này qua dốc khác, cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Bác Biên, Bệnh xá trưởng cùng các đồng chí  ở đây đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình, làm vơi đi bao nỗi mệt nhọc, vất vả vừa qua. Định tranh thủ ngả lưng một chút cho đỡ mệt, không ngờ nằm chưa nóng chỗ thì tiếng bom “tọa độ” đã nổ ầm ầm ở phía Bãi Dinh, xen lẫn tiếng pháo của ta bắn từ các trận địa lên rất dữ dội, thế là chúng tôi bật cả dậy, lao vào chuẩn bị sẵn sàng đón “khách không mời”. Quả nhiên, chỉ một tiếng sau, anh chị em C7 TNXP đã khiêng vào 4 thương binh, trong đó có một người bị thương vào bụng và cột sống. Chúng tôi đã nhanh chóng quyết định mổ sớm, khâu các vết thương thủng ruột non, lấy mảnh bom đã làm đứt tủy gây liệt hoàn toàn hai chi dưới. Công việc hậu phẫu khó khăn phức tạp hơn ở những thương binh khác rất nhiều. Bốn mươi tám giờ sau, thương binh đó vẫn chưa trung tiện được, bụng mỗi lúc một trướng căng. Nhìn vẻ mặt đau khổ của anh, ai cũng ước ao giá mà có được một cái “xông En-no” để hút dịch trong dạ dày ra, chắc chắn anh sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nhưng, kiếm đâu ra của hiếm ấy bây giờ. Ngay cả ở ĐĐT 14 cũng còn không có. Cô Thảo, y tá chợt nhớ ra ở địa phương cô hễ ai trướng bụng, các cụ lại nướng bồ kết, tán thành bột nhét vào trong hậu môn, một lúc sau “đánh rắm” được là khỏi. Cô chạy xuống C7 xin các chị TNXP về làm thử  nhưng không kết quả. Ai cũng băn khoăn, thất vọng. Bỗng có tiếng của y sĩ Định reo lên:
- Có xông hút dịch dạ dày rồi thủ trưởng ạ!
- Đâu! Đâu!- Tôi mừng rỡ hỏi.
           Định chỉ vào sợi dây truyền huyết thanh bằng polyéthylen nói:
- Cắt một đầu thật nhẵn, khoét thêm 2,3 lỗ bầu dục ở bên cạnh rồi luồn qua lỗ mũi vào dạ dày hút dịch ra được chứ thủ trưởng?
- Giỏi! giỏi! Cậu đúng là cây sáng kiến. Quay lại phía Tám, Sinh, Diên - tôi giục - Các cô kiếm cho tôi sợi dây truyền cũ, chúng ta thử làm xem.
           Quả nhiên, chỉ sau dăm bảy lần hút dịch dạ dày ra rất nhiều, bụng bớt căng hẳn, chừng vài tiếng sau anh trung tiện được. Chúng tôi mừng lắm. Anh T...là một trong số thương binh nặng thuộc diện chăm sóc đặc biệt nên chị nuôi phải thường xuyên trèo đèo lội suối đi hàng chục cây số kiếm rau xanh, kiếm thịt về nuôi dưỡng; hộ lý phải móc phân hàng ngày. Cách 30 phút đến 1 giờ lại trở mình, xoa bóp chống loét. Ngày thứ 14 các vết thương liền sẹo, chúng tôi chuyển anh về tuyến sau. Tin vui Đội phẫu thuật bước đầu ra quân mổ cấp cứu tại trọng điểm La Trọng cứu sống 1 thương binh nặng lan nhanh trong các đơn vị, đặc biệt là ở Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 284 cao xạ pháo 37 ly. Sau đó ít ngày chính đơn vị này đã bắn rơi 1 phản lực Mỹ, tiêu diệt giặc lái ở đèo Mụ Giạ. Đồng chí Huynh , Chính trị viên d13 thông báo tin vui, coi chiến công này có phần đóng góp của cả Đội phẫu thuật. Tình cảm đồng đội trong sáng biết bao.
         Từ mùa khô năm 1967, đế quốc Mỹ vốn rất thực dụng, biết rút kinh nghiệm ngay và rất khôn ngoan. Không đánh phá tràn lan khắp dọc đường vận chuyển nữa mà tập trung đánh phá ác liệt, dứt điểm từng trọng điểm một, giao thông bị cản trở rất nghiêm trọng. Binh trạm 12 phải huy động hàng tiểu đoàn gùi ba-lô xăng trên lưng vượt qua các trọng điểm, tiếp viện  cho các xe ở phía trước để vận chuyển hàng. Đội phẫu chúng tôi cũng được lệnh rời La Trọng lên chốt ở cây số 34, trọng điểm Cổng Trời, ở đây có đợt, chúng tôi đã nhận một lúc 17 - 18 thương binh, trong đó có 6 thương binh bị vết thương vào bụng, vào ngực, phải mổ suốt 2 - 3 ngày liền mới hết.
          Sau cú Mậu Thân 1968, tớ thầy Mỹ ngụy hồi sức lại dần dần. Chúng dốc sức mở những trận càn quét trả thù ở khắp miền Nam. Chúng gia tăng các phi vụ đánh phá ở miền Bắc. Máy bay B52 đánh phá cực kỳ man rợ cả ngày lẫn đêm vào các trận địa pháo, các trọng điểm, vào bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Thậm chí nghĩa trang của Đội điều trị cũng bị đánh đi đánh lại tới 3 -  4 lần. Chúng tôi phải ra thu lượm từng chiếc xương sọ, xương sườn, từng gióng xương chân, tay... chôn cất lại. Và cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi lại càng thấm thía, hiểu sâu sắc thêm về “nhân quyền và văn minh đạo đức” của Huê Kỳ!
         Còn các Đội phẫu thuật lưu động của chúng tôi vẫn như thường lệ, luôn luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Khi mùa khô vẫy gọi là tất cả lại hăng hái, vui vẻ lên đường.
 
tin tức liên quan