"Cuộc chạy Ma-Ra-Tông ngược dốc dưới mưa bom" - TG: AHLLVTND Bác sỹ Tạ Lưu
Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2024). Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024). Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024) và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát động cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”; “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”. Từ đó tập hợp và tuyển chọn những tác phẩm Văn xuôi tiêu biểu nhất trong 2 cuộc thi để xuất bản cuốn sách mang tên “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Phát hành vào tháng 5 năm 2024.
“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”Tựu chung là những trang viết về những con người và sự kiện đã làm lên một huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vệ Quốc của dân tộc Việt Nam – Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu binh Trường Sơn miền quê Quan họ… Không dừng lại ở đó“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”còn là nén tâm hương nghĩa tình đồng đội, tưởng nhớ và đời đời biết ơn những người con ưu tú của quê hương đất nước đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Bên thềm Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) Từ 132 tác phẩm của gần 100 tác giả đăng trong cuốn sách “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh. Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn sẽ "nhóm" một số bài trong cuốn sách này để lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.
Xin trân trọng!
CUỘC CHẠY MA-RA-TÔNG NGƯỢC DỐC DƯỚI MƯA BOM
AHLLVTND Bác sỹ Tạ Lưu
( Đội Điều trị 14 Binh trạm 12)
Mùa khô năm 1968 Do địch đánh căng, Binh trạm 31 bên đất bạn Lào yêu cầu Binh trạm 12 chi viện cho một Đội phẫu thuật (ĐPT) sang chốt ở Na - Tông. Có lẽ anh Đính thương tôi đi nhiều vất vả nên lần này anh nhận đi để tôi ở nhà giữ gôn.
- Anh là Đội trưởng - tôi xúc động nói - đứng mũi chịu sào, ở nhà giải quyết được nhiều việc có lợi hơn. Hơn nữa Đảng ủy Binh trạm đã duyệt cho kết nạp Bác sĩ Nguyễn Xuân Huyên, Đội trưởng ĐPT chốt ở Siêng - Phan. Tôi là người giới thiệu, dịp này sang tổ chức kết nạp cho anh luôn.
- Lý do của anh bao giờ cũng xác đáng, tôi xin nhường.
Cả hai chúng tôi cùng cười thoải mái. Lần đi này có cả Chính trị viên Sinh Anh, anh cũng muốn sang Siêng - Phan thăm hỏi, động viên các chiến sĩ của mình đang làm nhiệm vụ vinh quang trên đất bạn. Rút kinh nghiệm những lần đi trước, tôi đề nghị đưa thêm một dược tá đem theo dụng cụ, thuốc men để có thể cất nước pha chế tại chỗ các loại huyết thanh mặn, ngọt, kiềm, tiêm truyền tĩnh mạch, rửa vết thương và thuốc tê... đáp ứng kịp thời nhu cầu của ĐPT trong cấp cứu điều trị. Anh Đính đã sốt sắng ủng hộ ngay. Công việc chuẩn bị rất khẩn trương. Chiều hôm sau, khi mặt trời vừa khuất sau dãy núi “Giăng Màn” thì xe chúng tôi cũng từ từ lăn bánh. Ra tới trục đường chính, Dung bắt đầu tăng tốc độ, hòa nhập vào các đoàn xe chạy cùng chiều. Những chiếc xe chạy đèn gầm, tỏa ánh sáng mờ mờ ẩn hiện, khi lên dốc, lúc vào cua, ngoằn ngoèo chữ chi, tầng thấp, tầng cao, ban đêm nhìn rất đẹp. Xe chúng tôi chạy, khi thì lọt thỏm giữa hai dãy núi đá cao, khi lại chơi vơi trong một khu rừng rộng đầy cây xăng lẻ. Thỉnh thoảng lại một đợt bom tọa độ nổ ầm ầm ở một nơi nào đó. Khoảng nửa đêm, chúng tôi đến Đội điều trị 31 (ĐĐT). Mọi người ở đây đã đón chúng tôi như những người thân đi xa mới trở về. Ngay tối hôm sau, tôi và Định - y sĩ gây mê hồi sức đã đến ĐPT của Binh trạm 31 ở cách xa khoảng 30km mổ một ca thương binh bị viêm phúc mạc do vết thương thấu bụng.
Sau đó vài ngày, tôi và anh Sinh Anh đến Siêng - Phan tổ chức lễ kết nạp Đảng cho bác sĩ Nguyễn Xuân Huyên. Cả ĐPT đều bất ngờ (nhất là anh Huyên, một người điềm đạm, hiền hậu, ít nói, thường chỉ biểu lộ tình cảm bằng hành động). Buổi lễ kết nạp đã diễn ra trong bầu không khí xúc động, tuy đơn giản, nhưng rất trang nghiêm. Nó đã để lại dấu ấn không thể nào quên chẳng riêng gì với anh Huyên mà với tất cả chúng tôi, những người có mặt hôm đó tại Siêng - Phan, mảnh đất thiêng liêng của nước bạn Lào.
Ở Na - Tông, ĐPT của chúng tôi được triển khai trong một chiếc hang to ngay bên cạnh đường, giữa khu vực trọng điểm. Tầng thấp làm phòng mổ và phòng băng, tầng cao để thương bệnh binh nằm. Mỗi lần khiêng cáng lên xuống thật vô cùng vất vả, nhất là với chị em y tá và hộ lý. Khu vực Na - tông địch đánh phá cũng hết sức dữ dằn như ở các trọng điểm Cổng Trời, Bãi - Dinh, Khe - Ve, La - Trọng, Ka - Tang, Gát, Chóoc ...Có lần đang mổ thì một quả bom tọa độ nổ ngay trước cửa hang, quạt hơi bom vào, làm rơi vỡ đổ lung tung cả, may mà người không ai bị dính mảnh bom nào.
Phong cảnh Na- tông thật đẹp. Ở đây có một con sông khá to. Nước trong xanh thơ mộng hiền hòa. Vào những đêm cuối thu, sau một ngày làm việc căng thẳng, chúng tôi lại rủ nhau ra ngồi trên những tảng đá to bên bãi cát bồi ven sông, ngắm nhìn cảnh vật quanh vùng, chuyện trò râm ran về đất nước “Triệu voi”, về nhân dân Lào hiền hậu, tốt bụng mà dũng cảm, thủy chung. Những lúc ấy, con người thấy thoải mái, dễ chịu hẳn. Bao nhiêu mệt nhọc căng thẳng đều tan biến hết. Tôi cao hứng đã ngâm khe khẽ mấy câu thơ xuất thần:
Trăng thu vằng vặc mênh mông quá
Gió núi đùa mây vơ vẩn bay
Bóng ai thấp thoáng trong rừng vắng
Để khách đa tình say đắm say.
Sau hơn một tháng làm việc liên miên, công việc bớt dần. Chúng tôi được lệnh trở về bên đất mẹ. Binh trạm trưởng Đặng Ba, Chủ nhiệm Quân y binh trạm 31 Ngoạn cùng anh chị em cán bộ công nhân viên ĐĐT 31 ra tiễn đưa rất thân tình. Chúng tôi lên xe lúc ấy trời đã sâm sẩm tối. Đi chừng vài trăm mét, quay nhìn lại vẫn thấy những chiếc khăn trắng vẫy theo. Xe tạm dừng, y sĩ Định leo vội lên hòn đá cao dùng hai bàn tay khum lại làm loa thét lớn:
- Tạm biệt! Tạm biệt! Xin gửi lời chào các anh, các chị, những người lính Quân y đang làm nhiệm vụ vinh quang trên đất bạn. Hẹn gặp lại mùa khô sau.
Chúng tôi đến trọng điểm 050 vào hồi 20 giờ. Xe trước bị sa lầy. Dung (lái xe của chúng tôi) cố tìm cách mà không tài nào lách lên được. Đồng chí công binh phụ trách ngầm cho biết hồi chiều, bọn phản lực rải rất nhiều mìn đủ loại ở khắp khu vực trọng điểm - đồng chí nói tiếp - Chúng tôi mới thu nhặt được những quả rơi trên mặt đường để lấy lối đi lại, hiện tượng này có khả năng tối nay chúng lại đánh bằng B52.
- Chúng đánh có quy luật gì không? - Tôi hỏi
- Mấy tối nay cứ khoảng 21 giờ là bắt đầu đợt thứ nhất. Mười lăm phút sau tiếp đợt thứ hai.
Tôi nhìn đồng hồ. Còn 40 phút nữa. Tôi hội ý với anh Sinh Anh để Dung ở lại, nếu ngầm thông cho xe vượt, còn tám chúng tôi cứ theo giữa đường cái chạy tới. Bụi đất bay mù mịt dưới ánh sáng mờ mờ của tuần trăng đầu tháng. Nhiều chỗ đất tơi ra như bột, bước ngập tới mắt cá chân. Chạy ngược dốc lại thêm cành cây gẫy ngổn ngang rất vướng, ai nấy mệt bở hơi tai. Vừa đến giữa dốc thì nghe tiếng ù... ù ... như xay lúa ở lưng trời phía sau. Ngoảnh lại, thấy trên bầu trời trăm nghìn tia chớp lóe lên liên tiếp.
- Nằm xuống! tôi hét lên. Vừa dứt lời thì hàng trăm, hàng ngàn tiếng nổ kế tiếp nhau rền vang trong đêm, cành cây gẫy răng rắc, đất đá rơi rào rào, khói, lửa, bụi, mùi thuốc bom ngột ngạt cả một vùng. Thật là khủng khiếp.
- Có ai việc gì không?
Vừa chạy ngược lại tôi vừa hỏi. Chợt nghe thấy tiếng kêu nho nhỏ: cứu em với! cứu em với! Tôi dướn mắt cố nhìn về phía có tiếng kêu, lòng đầy lo lắng:
- Tám! Bị thương vào đâu?
- Không hiểu sao em không nâng được đầu lên nữa?
Tôi sờ khắp đầu Tám, lần theo mớ tóc thì ra cả một tảng đá to đè chịt lên, hèn nào mà Tám không nhấc đầu lên được là phải. Tôi vần tảng đá sang bên, nâng Tám dậy.
- Chút xíu nữa thì đầu cô bẹp như cái bánh đa. Thoát chết rồi, ráng chạy nhanh lên!. Nhưng, không kịp nữa. Mới được chừng 500 mét thì những tia chớp lại loe lóe lên và trận bom B52 thứ hai lại trút xuống như mưa. May mắn làm sao, khi chạy về tới chỗ ba-ri-e đầu trọng điểm, kiểm tra lại quân số, đều an toàn, trừ cô Hiền y tá đang thấy tháng, máu ra nhiều quá phải tiêm thuốc cầm máu và trợ sức cho cô. Chợt có 3 tiếng súng nổ ở phía trọng điểm, đồng chí phụ trách ba-ri-e cho biết có xe đi cứu thương binh. Cùng lúc đó Tám cũng hớt hải chạy đến báo cáo:
- Có thương binh! Thủ trưởng cho em đi nhé!
- Cô còn mệt - tôi nói - để cánh nam giới đi thôi.
Nhưng khi leo lên thùng xe, tôi đã thấy Tám ngồi trên đó rồi. Lần ấy chúng tôi đã cứu được hai thương binh. Trên đường về đơn vị, trong lúc vui chuyện, tôi hỏi Tám:
- Thông thường tránh bom đạn, người ta thường hay nằm úp mặt xuống đất. Sao lúc B52 thả bom nhiều vậy mà cô lại nằm ngửa mặt lên trời như cố tình trêu ngươi bọn giặc lái B52 Mỹ thế?
- Người ta bảo càng sợ lại càng hay chết thủ trưởng ạ - Tám vừa cười vừa đáp - Em không sợ chết, nhưng nằm sấp, em chỉ sợ không may bị thương vào cột sống đứt tủy, liệt thì khổ lắm!
Ôi! Cái sợ của cô gái 18, 19 tuổi hoa ấy là như thế đấy!
Rừng Trường Sơn đang ngủ say. Có lẽ chỉ còn có anh chị em trong ĐPT chúng tôi là vẫn hào hứng bàn tán sôi nổi về cuộc chạy ma-ra-tông ngược dốc bất đắc dĩ vượt năm cây số trọng điểm 050 dưới trận mưa bom B52 Mỹ vừa rồi.
TẠ LƯU