“Trở lại Bến Giàng”- Ký ức chiến trường của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 07:16 19/08/2024 Lượt xem: 65

TRỞ LẠI BẾN GIÀNG

Nguyễn Kim Chúc

 
          Bến Giàng thuộc xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Nơi hợp lưu của dòng Sông Thanh và dòng Sông Cái, chảy về xuôi mang tên Vu Gia- Thu Bồn rồi đổ ra biển Đông ở thành phố cổ Hội An. Bến Giàng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Là nơi khởi nguồn của đường 13 được mở từ đầu thế kỷ trước. Bây giờ đường 13 được xây dựng cơ bản thành đường quốc lộ mang tên 14D nối thông với nước bạn Lào. Tháng 6 năm 1973, Bến Giàng còn là nơi kết nối đường Trường Sơn Đông từ ngoài Thừa Thiên Huế qua Trao - Bung - về Bến Giàng đấu nối với quốc lộ 14 ngay bờ Sông Cái. Bến Giàng trở thành địa điểm không thể quên một ngã tư vận tải chiến lược trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
          Tròn 50 năm chúng tôi mới trở lại Bến Giàng. Lần này chúng tôi trong đoàn của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 về làm việc với chính quyền Nam Giang để xác định vị trí đặt bia: Di tích lịch sử Sở chỉ huy Sư đoàn 471 trong chiến tranh ở Bến Giàng. Đứng trên cầu Bến Giàng nhìn cảnh cũ, núi xưa mà lòng bồi hồi nhớ lại những năm tháng “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ngã ba Sông Thanh chảy vào Sông Cái hiện ra trước mặt, lại nhớ những trận lũ tràn về; lại nhớ chiếc cầu phao thơ mộng oằn mình theo những chuyến xe lăn. Bây giờ qua khỏi cầu Bến Giàng chỉ còn con đường 14D ngược dòng sông Thanh về cửa khẩu Nam Giang. Còn ngày ấy (50 năm trước) qua khỏi cầu Bến Giàng là leo dốc vượt đèo Pe Ke để ra bắc. Đây chính là con đường quan trọng nhất để nối thông tuyến Đông Trường Sơn. Cầu phao Bến Giàng khi đó là niềm kiêu hãnh của bộ đội Trường Sơn chúng tôi. Vị trí của nó cũng chính là vị trí của cây cầu bê tông cốt thép hiện đại bây giờ. Từ trên cầu nhìn xuống bờ nam Sông Cái vẫn còn những đoạn đường lên từ cầu phao nối với đường 14.

Cầu phao Bến Giàng - Sản phẩm của những chiến sỹ - thợ Cầu 471
(Ảnh Phạm Thành Long chụp năm 1973)

 
          Tháng 6 năm 1973: Bộ tư lệnh khu vực (sư đoàn) 471 Trường Sơn lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn. Nhiệm vụ được giao: Đảm bảo an toàn và nâng cấp tuyền hành lang chiến lược Đông Trường Sơn đoạn từ Trao - Bung - Bến Giàng theo đường 14 qua Khâm Đức về Sa Thầy Kon Tum; vận chuyển hàng cho khu 5 và Bắc Tây Nguyên. Bốn trung đoàn công binh chiếm lĩnh vị trí tác nghiệp: Trung đoàn 35, Trung đoàn 530 đoạn Trao - Bến Giàng; Trung đoàn 529 đường 14; Trung đoàn 10 mở đường tránh Đắc Pét. Trung đoàn công binh cầu phà 99 đảm bảo cầu phà vượt sông A Vương, sông Bung và sông Cái. Trung đoàn xe hơi 536 ở khu vực Nam Cầu Xơi. Trung đoàn cao xạ 545 ở khu vực Làng Hồi. Bến Giàng được chọn là nơi đặt sở chỉ huy.
          Chọn Bến Giàng là nơi đặt Sở chỉ huy. Bộ tư lệnh khu vực 471 phải cải tạo, mở rộng đường 13 từ Bến Giàng ngược Sông Thanh hơn 10km tới vị trí đặt cơ quan của huyện Nam Giang. Đường mở tới đâu các đơn vị trực thuộc xây dựng doanh trại tới đó. Doanh trại được xây dựng chắc chắn ở nơi bằng phẳng phát quang xung quanh. Cơ quan Bộ tư lệnh đóng quân trên những quả đồi thấp, rừng non bên bở Sông Thanh cách cầu phao Bến Giàng 2km. Chỉ trong một thời gian ngắn những ngôi nhà vững chắc thông thoáng đã được xây dựng. Hệ thống đường xá được mở rộng rất thuận tiện trong sinh hoạt. Đêm đến có đèn điện thắp sáng. Điều chưa từng có ở nơi đây. Nhân dân và Chính quyền huyện Nam Giang rất tin tưởng vào lực lượng bộ đội Trường Sơn để mạnh dạn xây dựng cuộc sống mới không sợ tàu bay phi pháo của Mỹ Ngụy như trước đây. Một sân vận động lớn được san ủi ngay trên đường 13 nằm trong trung tâm doanh trại cơ quan Bộ tư lệnh. Đêm đêm bộ đội và nhân dân tới sân vận động xem chiếu phim do các đội chiếu bóng của Bộ tư lệnh phục vụ. Giờ nghỉ buổi chiều các sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, khu luyện tập thể thao thu hút cán bộ chiến sĩ tham gia luyện tập.
          Cùng với việc xây dựng doanh trại, xây dựng Sở chỉ huy. Bộ tư lệnh khu vực 471 tập trung chỉ đạo các đơn vị củng cố tổ chức lực lượng; đẩy mạnh xây dựng cơ bản cầu đường theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi: Nền đường 9m, mặt đường 5,5m, cầu cống vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu. Đảm bảo cho hành quân cơ giới, vận chuyển cả hai mùa tốc độ tối đa 60km/h. Đoạn từ Trao vào Bến Giàng được xem là quan trọng nhất. Tuy chỉ có 52km nhưng Bộ tư lệnh đã phải tập trung lực lượng lớn cả Trung đoàn 35 và Trung đoàn 530. Đoạn này phải vượt qua ba con sông: A Vương, Bung và Sông Cái nước sâu, rộng, chảy siết. Trung đoàn 99 cầu phà phải bắc cầu phao cho xe qua sông. Phòng tham mưu công binh thuộc Bộ tư lệnh bận rộn nhất. Trưởng phòng Chu Minh Đông và các cộng sự ngày đêm tham mưu cho Bộ tư lệnh chỉ đạo tác nghiệp trên các cung đường và mở đường tránh qua Đắc Pét để thông tuyến Đông Trường Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn đã nâng cấp hàng trăm km đường đảm bảo cho xe vận tải hoạt động thông suốt, nối thông tuyến Đông Trường Sơn. Đảm bảo xe chạy cả hai mùa an toàn tuyệt đối. Để chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng Thượng Đức. Công Binh 471 tiến hành sửa chữa cầu cống hư hỏng trên đường 14 đoạn Bến Giàng đi Thạnh Mỹ. Nhiều sáng kiến hay đã được thực hiện như việc dùng sác xi xe biến thành dầm cầu đã được thực hiện đảm bảo cầu cống vững chắc cho xe thiết giáp qua lại dễ dàng. Bến Giàng trở thành ngã tư đường cơ giới phục vụ đắc lực cho cuộc chiến. Qua cầu phao rẽ phải về nam, rẽ trái đi Thạnh Mỹ- Thượng Đức… Được sự đảm bảo giao thông tin cậu của các chiến sĩ 471 các đoàn xe hơi hối hả nối đuôi nhau qua cầu Bến Giàng về nam. Các đoàn xe xích kéo pháo hạng nặng, xe tăng, xe thiết giáp qua cầu Bến Giàng về nơi cần đến cho cuộc chiến cuối cùng để thống nhất đất nước.
          Các sĩ quan phòng Tham mưu vận chuyển đứng đầu là trưởng phòng Trương Hữu Thanh đã thực hiện rất tốt chỉ lệnh vận chuyển hàng cho khu 5 và các hướng chiến dịch mùa khô 1973, 1974 hoàn thành đạt 250% kế hoạch, nhanh chóng chở hàng trăm tấn lương thực cứu đói cho dân trong điều kiện mưa bão…
          Trưởng phòng tham mưu tác chiến Đỗ Hữu Tần thực hiện nghiêm chỉ lệnh của Bộ tư lệnh; hợp đồng tác chiến với các Tỉnh đội: Quảng Đà, Quảng Nam và Kon Tum để giữ vững vùng giải phóng đảm bảo an toàn cho tuyến Đông Trường Sơn. Tổ chức lưới lửa phòng không sẵn sàng đánh trả nếu kể địch gây hấn. Điều động Tiểu đoàn 106 và Tiểu đoàn 42 cao xạ 37 li thuộc Trung đoàn 545 bảo vệ khu vực Bến Giàng và Khâm Đức - Nơi có Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh 471 và Sở chỉ huy tiền phương của bộ đội Trường Sơn. Đảm bảo an toàn cho các cuộc gặp gỡ Tư lệnh các chiến trường ở Làng Hồi (ngã 3 đường 14,16) của tướng Lê Trọng Tân với tướng Chu Huy Mân và tướng Hoàng Minh Thảo. Đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh, chỉ huy các mặt trận và cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước vào ra qua tuyến. Thời cơ đến ta giải phóng Đắc Pét. Bộ đội 471 được giao đánh chiếm cứ điểm Beng Viêng phía Tây Nam căn cứ. Sau ít giờ nổ súng quân ta làm chủ căn cứ. Bộ tư lệnh 471 tiếp quản Đắc Pét. Khôi phục lại đường 14, đưa lực lượng bộ binh và cao xạ 37 li vào chiếm giữ; Đảm bảo cho tuyến đường ống xăng dầu và đường dây tải ba thi công an toàn và vận hành thông suốt.
          Bến Giàng từ chỗ hoang vu đầy hố bom đạn của Mỹ Ngụy, xơ xác những thân cây chết khô bởi chất độc hóa học Mỹ không một nếp nhà tồn tại. Đã đổi thay bởi bàn tay của những người lĩnh 471 Trường Sơn. Những căn nhà bề thế mang dáng dấp của một doanh trại Quân đội; những con đường to đẹp tấp tập xe cộ vào ra. Hội trường lớn được xây dựng. Dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh đứng đầu là tư lệnh trưởng Nguyễn Lạn; Chính ủy Hoàng Văn Thám; Chủ nhiệm chính trị Ngô Mạnh Thu và các sĩ quan chính trị đã tổ chức nhiều hội nghị thu hút hàng nghìn cán bộ chiến sĩ tham gia. Tiêu biểu là Đại hội mừng công tuyên dương những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến. Tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1973 ở sân vận động lớn và những trận đá bóng giao hữu, điều chưa từng có trong lịch sử mảnh đất này. Cũng từ đây nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bộ tư lệnh 471 với chính quyền tỉnh Quảng Đà với các đoàn khách Trung Ương và địa phương để lại ấn tượng tốt đẹp cho mảnh đất này.
          Cũng từ mảnh đất này nhiều quyết định quan trọng của Bộ tư lệnh được ban bố để giữ vững vùng giải phóng đảm bảo an toàn cho tuyến hành lang chiến lược, tuyến đường ống xăng dầu, tuyến thông tin tải ba đi qua. Một việc vô cùng ý nghĩa thể hiện lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Quảng Nam và bộ đội Trường Sơn với Bác Hồ kính yêu là gỗ lim Quảng Nam đã được nhân dân và bộ đội 471 khai thác. Xe của Bộ tư lệnh 471 chở ra Hà Nội đảm bảo đủ gỗ cho công trình xây dựng Lăng.
          Bến Giàng trở thành một địa điểm thu hút các đoàn khách ghé thăm. Là nơi nhân dân Nam Giang và các đơn vị lân cận tìm đến để xem các đoàn văn công Trung ương biểu diễn. Là nơi mà nhân dân tìm về viện Quân y 46 thăm khám chữa bệnh. Bệnh viện 46 là nơi tin cậy của nhân dân Nam Giang - nơi đã xử lý được nhiều ca bệnh khó; nơi thăm khám điều trị cho nhiều chị em bị sang chấn tâm lý do những đòn tra tấn dã man của Mỹ Ngụy trong những cuộc bắt bớ tàn sát của bọn chúng…
          Chính vì những đóng góp to lớn của bộ đội Trường Sơn - trực tiếp là Bộ tư lệnh khu vực 471; sau tháng 8 năm 1974 bàn giao lại cho Bộ tư lệnh khu vực 472 - Bến Giàng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên đường Trường Sơn - theo quyết định số 2383/QĐTtg ngày 9 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
          50 năm trôi qua, Bến Giàng có nhiều thay đổi. Rõ nhất là màu xanh ngút ngàn của vườn quốc gia Sông Thanh. Những cánh rừng xanh ngát trải dài từ Bến Giàng ngược lên theo thượng nguồn Sông Thanh được người dân Nam Giang bảo vệ và chăm sóc. Không gian tĩnh lặng yên ả, thảm xanh hoa lá tốt tươi nơi sinh trưởng tự nhiên của các loài động thực vật là niềm tự hào của người dân Nam Giang.


Thay vào cây Cầu phao ngày ấy là Cầu Bến Giàng hôm nay (ảnh Phạm Sinh)
 
          Những dấu tích khi xưa - niềm tự hào và tỏ rõ sức mạnh to lớn của các lực lượng cách mạng dần được thay thế bằng các khu dân cư, công sở, trường học. Điều đáng chú ý nhất là con đường từ cầu Bến Giàng ngược lên phía Bắc qua đèo Pe Ke về Bung - Trao - Bù Lạch hiện không còn nữa nhường chỗ cho các công trình thủy điện trên dòng sông Bung và sông A Vương. Ngã tư khi xưa nay thành ngã 3. Nhưng Bến Giàng vẫn là một vị trí trọng yếu, một vị trí chiến lược trong kế hoạch phòng thủ của đất nước… Rồi đây Bia di tích Sở chỉ huy Sư đoàn 471 sẽ được những cựu chiến binh - hội viên hội Trường Sơn Sư đoàn 471 xây dựng trong quần thể Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên đường Trường Sơn – Nơi Bến Giằng để ghi rõ chiến công ngày ấy của Sư đoàn 471 Anh hùng - để thế hệ mai sau tự hào về mảnh đất Bến Giàng trong lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước.

Nguyễn Kim Chúc
BTV Trang TT&BT Trường Sơn
(Nguyên Phó CT TT Hội Trường Sơn Sư đoàn 471)

tin tức liên quan