Năm mươi nhăm năm còn nhớ mãi - Bút ký: Nguyễn Trọng Tạo

Ngày đăng: 10:48 24/08/2024 Lượt xem: 272
NĂM MƯƠI NHĂM NĂM CÒN NHỚ MÃI


          Mỗi khi nhớ Bác- lòng ta trong sáng hơn! Thấm thoắt thế mà đã 55 năm đi qua; chúng ta không được nghe thơ chúc tết của Bác Hồ. Tôi còn nhớ mãi, cái tết cuối cùng - xuân 1969. Khi đó, tôi đang là lính pháo thủ của một đơn vị pháo phòng không 100 ly bảo vệ bầu trời Hà Nội; nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng ngày đêm lo lắng cho dân, cho nước. Với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam; đấu tranh  chống Mỹ, cứu nước để đi tới đích “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”; non sông thu về một mối.
          Từ khi tôi rời ghế nhà trường phố thông cấp III huyện Duy Tiên tỉnh Nam Hà lên đường nhập ngũ, ngày 30-4-1966. Kể từ ngày đó, tôi được biên chế về một đơn vị pháo phòng không 100 ly của Trung đoàn 260, Sư 361, Bộ Tư lệnh phòng không Hà Nội; Quân chủng Phòng không- Không quân. Đơn vị trực tiếp chiến đấu với không lực Hoa Kỳ trên khu vực nội thành Hà Nội, bảo vệ: Ba Đình, cầu Long Biên, Cột phát sóng, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì…Có thời điểm đơn vị tạm chuyển sang Trung đoàn 226, Sư 365 chiến đấu ở khu vực sân bay thủ đô, nay là sân bay Nội Bài; sân bay Kép- Bắc Giang và nhiều trọng điểm cầu phà… Những ngày tháng oanh liệt đó, các đơn vị pháo phòng không, tên lửa, ở Hà Nội luôn được Bác quan tâm. Nhiều lần tết đến, xuân về, Bác đến tận trận địa pháo, tên lửa chia kẹo, chia thuốc lá cho pháo thủ, trắc thủ và cán bộ chiến sĩ. Có những pháo thủ không kiềm chế được lòng mình, đã nhảy từ trên mâm pháo xuống ôm lấy Bác. Những giọt nước mắt xúc động của những người con đối với người cha; không có khoảng cách giữa người lính và lãnh tụ tối cao! Có lẽ trên thế giới này không có vị lãnh tụ nào quan tâm, động viên, khích lệ người chiến sỹ bảo vệ Tổ quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!
          Thế rồi, một sự đau đớn đến tột cùng! “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đã đến với quân và dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Lúc đó các lực lượng phòng không ở Hà Nội và toàn miền Bắc đã được lệnh cảnh giác cao độ, sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt quân thù. Nén đau thương, biến đau thương trở thành hành động; trở thành sức mạnh để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Ngay sau những ngày tang lễ, một loạt đơn vị phòng không được lệnh của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng Phòng không - Không quân tiến về phương Nam. Trong đó có Trung đoàn 232 của chúng tôi. Để lại pháo 57 ly và 100 ly, nhận pháo 37 ly; 23 ly; 14,5 ly; 12,7 ly. Cá nhân các chiến sỹ mỗi người một khẩu AK, cán bộ chỉ huy mỗi người một khẩu K54 và hành quân về phương Nam…
          Những đoàn quân điệp trùng ra trận, chúng tôi vừa đi vừa đánh; đẩy lùi không lực Hoa Kỳ qua từng địa danh, địa chỉ và đã đi vào ký ức: Thanh Hoá - Nghệ An - Hà tĩnh - Quảng Bình… Đầu năm 1970, đơn vị chúng tôi đã vượt vĩ tuyến 17 ở phía Tây Quảng Trị; chiến đấu hàng trăm trận. Nhiều người đã ngã xuống, những người còn sống vẫn ngoan cường dũng cảm “nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Đó là tinh thần quyết chiến, quyết thắng theo lời dạy; làm theo Di chúc của Bác. Đơn vị chúng tôi C12, D14, E232, F377 phòng không, thuộc Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) cùng các đơn vị bạn đã vít cổ hàng trăm thần Sấm, con Ma, C130… và sau là cả B57, B52. Dấu ấn cuộc đời là mùa xuân 1972, đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ phối hợp các lực lượng của mặt trận; quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ở khu vực Thành Cổ và các vị trí quan trọng ở Quảng trị, quyết tâm giải phóng Quảng Trị. Và đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Cuộc chiến khốc liệt, là sự đối đầu; đọ sức cả binh lực, vũ khí, khí tài, trí tuệ, giữa ta và địch. Nhiều đồng chí của chúng tôi đã anh dũng hy sinh. Còn tôi, cũng 2 lần bị thương và rồi phải tạm xa đồng chí, đồng đội. Sau khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh xá Giã chiến; tiếp đó được đưa đi bệnh viện ở Trường Sơn. Và rồi phải rời xa chiến trường theo đường giao liên ra Bắc...
          Dù phải rời xa chiến trường, xa Trường Sơn nhưng tôi không hổ thẹn. Tôi đã mang theo biết bao kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời chinh chiến nơi trận mạc. Nhiều khi cái chết cận kề: “Tôi sống được không hiểu vì sao tôi sống/ đồng đội của tôi tất cả đâu rồi?”. Đó là những năm tháng trực tiếp với nhiều kỷ niệm ác liệt và đáng tự hào nhất. Đặc biệt, ở những nơi như: Trường Sơn, chảo lửa Quảng Trị…Lúc đó, là một đoàn viên thanh niên; do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và trong dịp chào mừng xuân mới Tân Hợi 1971 tôi đã vinh dự được tặng “Giấy chứng nhận Thanh niên tích cực học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ”. Rồi sau được “kết nạp Đảng tại mặt trận”, ngày 29-3-1972 ở Trường Sơn; trong chiến dịch Quảng Trị 1972. Thời điểm chiến đấu khốc liệt giữa ta và địch trong thế giằng co ở Quảng Trị, trước khi Quảng Trị được giải phóng...
          Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, tháng 10-1973; tôi được chuyển sang lực lược Công an nhân dân. Từ ngày đó, tôi vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3, huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3. Huân chương chiến công hạng Nhất, và nhiều Huân, Huy chương bảo vệ Tổ quốc; hàng chục kỷ niệm chương, nhiều Bằng khen của Thủ tướng, Bộ Công an, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh… Trong những năm tháng qua, tôi nhiều lần được gặp Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc (Gặp mặt người có công tiêu biểu) của lực lượng Công an nhân dân tại thủ đô Hà Nội. Theo lời kêu gọi của Bộ Trưởng Bộ Công an , Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, tôi đã tặng 6 kỷ vật đi cùng năm tháng ở chiến trường miền Nam, ở Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Phòng Truyền thống Công an tỉnh Hà Nam.
          Giờ đây, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ, người cán bộ, Đảng viên; trên chặng đường chiến đấu, công tác và luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; động viên toàn thể cán bộ, Đảng viên, nhân dân tích cực làm những việc tốt theo khả năng của mình. Tôi tích cực tham gia công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, và văn học nghệ thuật; nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tâm khảm của mình, lúc nào cũng tự răn mình: Hãy luôn luôn nhớ những lời Bác dạy! Với tôi, những người lính mang “hai dòng máu” Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là những lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và nhân dân. Luôn cảm thấy thật hạnh phúc, tự hào cho đất nước ta, dân tộc ta có Bác Hồ. Người đã mang ánh sáng Chủ nghĩa Mác- LêNin đến với dân tộc Việt Nam. Là Người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Một Đảng kiên cường, vĩ đại, đã đưa đất nước ta, dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách và giành được những thắng lợi vô cùng vẻ vang.
          Mong sao toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn ghi nhớ và làm theo những điều quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đặc biệt là làm theo bản Di chúc thiêng liêng của Người trước lúc đi xa. Làm sao đảm bảo nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công; để Đảng thật trong sạch vững mạnh thoả lòng mong ước của Người: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là Người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là niềm tin, để xây dựng một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                                                                       Nguyễn Trọng Tạo
                                                                                             Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan