"Về miền nắng gió" - Bút ký của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 07:33 26/08/2024 Lượt xem: 560
-------------------
       Nguyễn Kim Chúc. Nguyên là chiến binh của Quân giải phóng miền Trung - Trung bộ; nguyên là cán bộ Tham mưu tác chiến và là Trợ lý của Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Khu vực 471 – Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471… Anh vừa có chuyến đi theo lời mời của của Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 với tư cách anh là người có nhiều năm gắn bó và và là người còn nắm giữ được nhiều tư liệu mang tính lịch sử về Sư đoàn Anh hùng này. Mục đích chính trong chuyến đi lần này của đoàn Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 là làm việc với huyện Nam Giang - Quảng Nam về việc đặt bia Di tích Sở chỉ huy Sư đoàn 471 trong khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên đường Trường Sơn ở Bến Giàng và thăm, làm việc với đơn vị thành viên – Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Khu vực miền Trung Tây Nguyên.
       Thời gian của chuyến hành trình không dài – chỉ vỏn vẹn có 4 ngày. Trở lại Bến Giàng, Nam Giang và thêm vào đó là ngồi trên xe ô tô hơn 10 giờ đồng hồ liền để vào điểm hẹn của những người đồng đội Sư đoàn tại thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk. Trên cung đường 14 – Đông Trường Sơn xưa (nay là Đường Hồ Chí Minh) – Cung đường mà Nguyễn Kim Chúc từng mô tả trong một đoạn viết của mình: “ Xe theo đường Hồ Chí Minh về nam. 50 năm trước từng mét đường trên cung đường này đều in dấu hoạt động của Sư đoàn 471 chúng tôi…”. Cùng với đó cũng trên cung đường này, với hơn 10 giờ đồng hồ ngồi trên xe đã tái hiện trước mắt Nguyễn Kim Chúc những địa danh ghi những trận chiến mà những năm 1968-1970 khi anh còn là chiến binh của một đơn vị chủ lực đặc biệt thuộc Quân giải phóng miền Trung - Trung bộ…
       Và rồi tất cả những gì cảm nhận được, những gì là ấn tượng trong chuyến đi vỏn vẹn 4 ngày kia cùng với sự lục tìm những mảng ký ức xưa liên quan đến chuyến đi này đã thực sự là động lực, là ngòi châm để Nguyễn Kim Chúc “họa” thành dòng bút ký đầy chất lính và thấm đậm nghĩa tình đồng đội này.
Phạm Sinh
Ban Biên tập Trang TT&BT Trường Sơn
 
VỀ MIỀN NẮNG GIÓ
(Bút ký của Nguyễn Kim Chúc)

 
       Ba giờ sáng đoàn công tác của Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 từ các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên thành phố Hà Nội đã bắt xe về sân bay Nội Bài để thực hiện chuyến công tác miền Trung Tây Nguyên. Đoàn do Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Sinh phụ trách và Phó Chủ tịch Trần Thị Chung – người rất thạo nghề về quy hoạch và thiết lập các dự án xây dựng các loại công trình lớn nhỏ… cùng với đó Phó Chủ tịch Trần Thị Chung còn là người nắm giữ và tài trợ phần kinh phí đáng kể để lo cho đoàn đi mạnh giỏi “đi đến nơi, về đến chốn”. Tôi – người tham gia chuyến đi “về miền nắng gió” hôm nay theo lời mời của của Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 với tư cách là người có nhiều năm gắn bó và còn nắm giữ được nhiều tư liệu mang tính lịch sử về Sư đoàn Anh hùng này. Mục đích chính trong chuyến đi của đoàn là làm việc với huyện Nam Giang - Quảng Nam về việc đặt bia Di tích Sở chỉ huy Sư đoàn 471 trong khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên đường Trường Sơn ở Bến Giàng và thăm, làm việc với đơn vị thành viên – Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Khu vực miền Trung Tây Nguyên.  
       Tiết chớm thu mát mẻ, trời quang mây tạnh. Máy bay cất cánh đúng giờ nhằm phương nam bay trong ánh bình minh rực rỡ. Bảy giờ sáng, phi cơ nhẹ nhàng đáp đường băng Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Bác tài áo thun đỏ được chúng tôi hẹn trước đã có mặt ở cửa Ga tàu bay đón đoàn. Chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đong đầy cảm xúc. Để đến khi đã về lại Hà Nội trong chúng tôi vẫn còn vẹn nguyên tấm lòng của nhân dân, của đồng đội miền Trung Tây Nguyên cùng với cái nắng, cái gió của miền đất mến thương mà cả quãng đời lính trẻ trung của chúng tôi đã gắn bó.
         
Hội kiến Bí thư Nam Giang
          Mười giờ sáng, chúng tôi bước vào phòng họp của huyện ủy Nam Giang. Theo lịch hẹn, anh Lê Hường bí thư, anh Hậu phó bí thư Thường trực huyện ủy cùng với các Trưởng phòng: Tài nguyên môi trường, Văn hóa thông tin, Quy hoạch, Dự án… đã có mặt chờ sẵn. Tuy mới lần đầu gặp mặt trực tiếp nhưng vừa nhìn thấy nhau qua giọng nói đã nhận diện rõ ràng và trở nên rất thân quen. Không khách sáo, xã giao anh Lê Hường chủ trì buổi gặp mặt vào đề luôn:
          - Rất hoan ngênh các bác, các đồng chí Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 đã tới Nam Giang. Huyện xin lắng nghe và cùng với các đồng chí để việc xây dựng Bia di tích lịch sử của Sư đoàn ở Bến Giàng nhanh chóng được thực hiện…
          Đại diện Thường trực Hội Sư đoàn vào đề luôn:
          - Thưa các đồng chí, Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 xin được báo cáo với các đồng chí ở Nam Giang - Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 anh hùng với hàng ngàn hội viên trong cả nước đã sẵn sàng về Bến Giàng - Nam Giang để xây dựng bia di tích lịch sử gắn với hoạt động của Sư đoàn hơn 50 năm trước. Lần này về Nam Giang, Thường trực hội Trường Sơn Sư đoàn 471 trực tiếp đề đạt và chờ kết luận của Nam Giang về việc xây dựng bia. Trước hết về vị trí đặt bia: Bia của Sư đoàn và di tích lịch sử đặc biệt Bến Giàng của Nam Giang cùng chung một mục đích, ý nghĩa, nội dung thể hiện cùng ở khu vực Bến Giàng thuộc xã Cà Di, huyện Nam Giang. Lần gặp tháng 5 - 2024 chúng tôi đã đề nghị xin được đặt bia khoảng 30m2 trong khuôn viên trên 1.000m2 di tích Bến Giàng Nam Giang sắp xây dựng ở ngay đầu cầu Bến Giàng. Lần này, một lần nữa xin nhắc lại đề nghị này mong được các đồng chí chấp thuận. Thứ hai là Sư đoàn muốn thực hiện việc đặt bia càng sớm càng tốt vì các cựu chiến binh Sư đoàn tuổi đã rất cao, hàng năm đều muốn thăm lại Bến Giàng, thăm lại Nam Giang. Thứ Ba nếu có thể xin được xây dựng cùng lúc với xây dựng di tích của Nam Giang. Trong trường hợp dự án của huyện vì lý do nào đó mà chậm trễ  thì Hội Sư đoàn 471 xin được thi công Bia của Sư đoàn trước với sự hỗ trợ tích cực của huyện Nam Giang.
          Theo lời giới thiệu của Trưởng đoàn – Phạm Sinh. Với tư cách là người có nhiều năm gắn bó và còn nắm giữ được nhiều tư liệu mang tính lịch sử về Sư đoàn 471, nhất là giai đoạn lịch sử Sư đoàn đứng chân trên địa bàn Bến Giàng, Nam Giang, mặc dù quỹ thời gian rất hạn hẹp nhưng tôi đã được dành một thời lượng nhất định trong buổi làm việc để nói về những gì mà Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn cùng với Đảng bộ, đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang đã làm nên niềm vui, niềm tự hào chung rất lớn lao hôm nay – Bến Giàng được xếp hạng “Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt”.
          Các trưởng phòng Tài nguyên môi trường, Dự án, Văn hóa thông tin… báo cáo phần việc đã triển khai và những vướng mắc khi thực hiện. Cuộc trao đổi cởi mở, chân tình. Nhận thấy mấu chốt của vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng. Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Trần Thị Chung nêu ý kiến: “Điểm nghẽn hiện tại chính là chưa có bản quy hoạch tổng thể khu di tích”. Quả thực đúng vậy, cho đến giờ phòng dự án chưa đưa ra được hồ sơ thiết kế để trình duyệt.
          Mọi việc đã rõ. Bí thư huyện ủy Lê Hường kết luận: về vị trí đặt bia của Sư đoàn 471 nhất trí nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Bến Giàng của huyện xây dựng ngay đầu cầu Bến Giàng thuộc xã Cà Di. Khẩn trương thực hiện cùng một lúc thì tốt. Nếu huyện chậm trễ sẽ tạo điều kiện cho Sư đoàn 471 làm trước. Nhưng huyện phải tổ chức kè bảo vệ sụt lún. Trước mắt phải làm xong thiết kế xin trình duyệt một cách khẩn trưởng…
         Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trần Thị Chung gửi tặng Nam Giang sản phẩm Ocop Giảo cổ lam năm lá do doanh nghiệp gia đình sản xuất và chè đặc sản Thái Nguyên. Đoàn khước từ mời cơm trưa của huyện và hẹn ngày tái ngộ. Điểm lại tự thấy kíp làm việc của Thường trực 471 với huyện Nam Giang phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp đúng bài bản. Từ phát biểu dẫn đề của Phạm Sinh đến phát biểu có tính chất chốt việc của Trần Thị Chung đều thốt lên những con người xứng đáng của hội Sư đoàn. Để từ đó các bạn ở Nam Giang hiểu rõ: Ở Bến Giàng nơi được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên đường Trường Sơn - nơi có Sở Chỉ huy cấp Sư đoàn đóng quân đầu tiên và duy nhất là Sư đoàn 471 Trường Sơn. (Sau này Sở Chỉ huy Sư đoàn 471 rời đi, Sở Chỉ huy Sư đoàn 472 mới về nhưng lại đóng quân cách phía Nam Bến Giàng khoảng 10km). Việc xây dựng bia di tích ở Bến Giàng của hội Trường Sơn 471 một phần cũng sẽ được coi là làm cho Nam Giang… Mười hai giờ trưa chúng tôi rời cơ quan huyện ủy Nam Giang. Tính ra mới xa Hà Nội được sáu tiếng đồng hồ nhưng đã có một cuộc làm việc tốt đẹp hơn mong đợi…
Đoàn làm việc với huyện ủy Nam Giang
Về miền nắng gió
         Rời Thạnh Mỹ xe chạy về Nam, chả mấy chốc đã tới Bến Giàng. Rời đường 14 đường Hồ Chí Minh - qua cầu Bến Giàng theo đường 13 nay là quốc lộ 14D (Bến Giàng đi cửa khẩu Nam Giang). Thăm lại nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Sư đoàn. Xe chầm chậm qua cầu Bến Giàng. Ngã ba sông Thanh chảy vào sông Cái chỉ cách thượng lưu cầu 100m. Dòng chảy và cảnh vật vẫn như 50 năm trước. Cây cối ven bờ có phần rậm rạp hơn. Dòng sông Thanh vẫn như xưa, mùa này vẫn còn ít nước, lòng sông lởm chởm những đá. 50 năm trước chính dòng sông này mang lại không ít cá cua cho các bếp ăn của cả Sư đoàn bộ.
         Quốc lộ 14 giờ đã được khai thông nâng cấp trở thành đường Hồ Chí Minh từ ngoài vào vòng qua Thạnh Mỹ nối với đường đi Đà Nẵng - Giờ gọi là đường 14B đi về nam không phải cắt qua sông Cái ở Bến Giàng như trước đây. Thành thử đoạn đường Đông Trường Sơn 52km từ Trao - qua Bung về Bến Giàng vượt sông Cái nối với đường 14 bằng cây cầu phao - giờ là cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu - một thời là niềm tự hào của bộ đội Sư đoàn 471 đã làm nên nhiều kỳ tích. Trong đó có việc khai thác gỗ lim đưa ra Hà Nội để xây dựng lăng Bác không còn nữa. Nhường cho thủy điện trên sông A Vương và sông Bung. Cả vùng Nam Giang rộng lớn, lưu vực sông Thanh trở thành vườn Quốc gia sông Thanh…
         Rất tin tưởng vào tay lái của bác tài mặc áo thun đỏ. Bác tài đưa đoàn vào ăn trưa một nhà hàng bên đường 14. Bữa ăn đầu tiên từ khi xa Hà Nội. Cơm nấu rất ngon, cá sông Thanh thơm chắc, thịt thú rừng tươi ngon, rau rừng lạ miệng lại ngon… Một bữa ăn ngon đáng nhớ. Ăn một chén cơm bác tài dừng đũa. Tôi mời bác tiếp tục. Bác tài vui vẻ thưa:
- Con mời cô chú. Con dùng đủ rồi. Ăn no dễ buồn ngủ. Con còn phải đưa cô chú về Buôn Hồ khoảng 10 tiếng nữa. Lời khước từ của Bác tài làm chúng tôi an lòng.
         Xe theo đường Hồ Chí Minh về nam. 50 năm trước từng mét đường trên cung đường này đều in dấu hoạt động của Sư đoàn 471 chúng tôi. Ngày ấy Sở chỉ huy đóng ở Bến Giàng các Tiểu đoàn, Trung đoàn trực thuộc đều bám đường 14 đóng quân. Từ Sở Chỉ huy qua Cầu Bến Giàng về Cầu Xơi, ngày xưa dày đặc nơi đóng quân. Thì ngày nay chỉ còn vị trí trước đây Viện Quân y 46 ở nay là Doanh trại của huyện đội Nam Giang. Còn các vị trí khác là những nhà ở riêng lẻ kém bề thế. Có thể vì quy hoạch là vườn Quốc gia Sông Thanh nên không được xây dựng. Vượt khỏi huyện Nam Giang, từ ngã ba làng Hồi - giờ gọi là ngã ba đường 14E dân cư bắt đầu đông đúc. Tới Khâm Đức thì không thể nhận ra những điểm nhấn khi xưa. Khâm Đức đã là phố xá với những nhà cao tầng, những công trình văn hóa, đài tưởng niệm. Mọi người đều nói về Khâm Đức. Khâm Đức khi xưa là một cứ điểm lớn của Mỹ. Nơi đây có đường băng cho máy bay vận tải hạng nặng C130 lên xuống. Một vị trí chiến lược ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với chiến trường Khu 5. Căn cứ toàn Mỹ này không giữ nổi trước sức tiến công của quân giải phóng. Khâm Đức được giải phóng từ tháng 5 năm 1968. Đường ô tô vận tải của bộ đội Trường Sơn đã nối thông với đường 14 phía nam Khâm Đức 2km. Tháng 5 - 1973, khi lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn, Khâm Đức cũng là vị trí đứng chân của Sư đoàn 471 trước khi có quyết định về lập Sở Chỉ huy ở Bến Giàng.
         Xe qua Khâm Đức trong tôi và cựu chiến binh Phan Văn Máy - phu quân của phó Chủ tịch Trần Thị Chung còn đong đầy cảm xúc nhiều hơn thế. Bởi cả tôi và Phan Văn Máy những năm 1968-1970 còn là những chiến binh của Quân giải phóng miền Trung - Trung bộ; trong đội hình tiến đánh Khâm Đức và những trận chống càn tháng 7 năm 1970. Trong tôi lại hiện lên những câu thơ của một nhà thơ in trên báo Quân giải phóng. Lâu rồi không nhớ chính xác tên tác giả: “Anh vẫy chào tôi rồi rẽ xuống đồng bằng - Tôi chốt lại hết trận càn tháng bảy- Ba mươi năm từ ấy - Ba mươi năm bàn tay anh vẫy - Gương mặt anh thật hiền - Trên nấm mồ ở nghĩa địa Bình Xuyên.” Chiến tranh là vậy bao chàng trai ưu tú của đất nước đã ngã xuống ở nơi đây. Trận càn tháng 7 năm 1970 của Mỹ Ngụy với một quy mô lớn. Bước đầu chúng thực hiện công thức lính ngụy cộng hỏa lực Mỹ đánh phá vùng giải phóng của ta. Chúng chiếm lại Khâm Đức, đưa quân càn quét đến biên giới Việt Lào nơi là đầu mối B46 của bộ đội Trường Sơn giao hàng cho Khu 5. Trong đó có việc chúng sục tìm hai tiểu đoàn cao xạ 23 li và pháo 85 li nòng dài tháng 5 năm 1968 ta đưa vào qua Khâm Đức, theo đường 16 vượt qua cầu sông Nước Mỹ về tập kết bên đường 16 cách Khâm Đức không xa. Ta tấn công phá vỡ trận càn tháng 7 của Mỹ Ngụy. Nhưng nhiều chàng trai đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, mãi mãi tuổi 20…
         Xe qua Ngọc Tà Vát - vị trí tiền tiêu của Khâm Đức. Tháng 5 năm 1968, Sư đoàn 2 Quân khu 5 tấn công đánh chiếm. Đồng chí Thiếu tá - Phòng pháo binh Khu 5 dẫn chúng tôi - những cán bộ chiến sĩ đã quen sử dụng pháo 105 li của Mỹ - bám sát bộ binh vào căn cứ. Với mục đích chiếm hai khẩu pháo 105 li ở đây để quay nòng bắn vào Khâm Đức. Lính ta tiến công dũng mãnh. Khi ta làm chủ căn cứ cũng là lúc hai khẩu pháo 105 li bị đánh gục không sử dụng được. Đồng chí Thiếu tá dẫn chúng tôi đi lấy lựu đạn của cánh bộ binh, rút chốt ném về phía Mỹ. Vừa ném lựu đạn vừa chửi thề bọn Mỹ. Hình ảnh đồng chí Thiếu tá sống mãi trong chúng tôi. Rất tiếc sau trận đánh đồng chí đã không trở về… Ngọc Tà Vát giờ là một điểm dân cư mang hình ảnh của phố thị, không thể nhận ra cảnh vật khi xưa.
         Bác tài áo thun đỏ vẫn thận trọng chạy xe xuôi đèo Lò Xo. Chúng tôi đang vượt nhánh của dãy Trường Sơn vươn ra biển. Vùng này là ranh giới giữa ba tỉnh Quảng Nam - Kon Tum - Quảng Ngãi. Nơi có sâm Ngọc Linh nổi tiếng. Tôi bảo bác tài mở nhạc cho vui. Bác nhỏ nhẹ: “Xe con không lắp chú”. Những ngày sau chúng tôi đổi tới sáu xe taxi nữa nhưng chẳng xe nào mở nhạc hay radio ầm ĩ như xe miền Bắc chúng tôi đã đi. Con người miền Trung là như thế đó. Hai bên đường nhà dân nối tiếp nhà dân và đã thấy rừng trồng. Những hàng cây non thẳng hàng thẳng lối và hàng đống gỗ đã bóc vỏ nằm bên đường chờ chuyển về nhà máy chế biến bột gỗ chứng minh điều đó. 50 năm trước, chúng tôi thường xuyên qua lại nơi đây. Từ Bến Giàng chiếc Gat 69 chính hiệu thường chở Trung tá Đỗ Hữu Tần phó Tham mưu trưởng Sư đoàn, tôi và công vụ Mẫu qua ngã ba làng Hồi - Khâm Đức - Đèo Lò Xo này về Đắc Tùng theo đường Tránh Đắc Pét về Sa Thầy Kom Tum làm nhiệm vụ dẫn các đoàn khách là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội qua tuyến. Ngày ấy qua đèo Lò Xo này ban đêm có, ban ngày có. Nhưng không cảm thấy nó nguy hiểm như bây giờ. Dù khi ấy đường 14 chưa được cải tạo. Bây giờ là đường Hồ Chí Minh được mở rộng, đầy đủ các biển báo, biển cảnh báo, các dốc đều có đường cứu nạn. Xe container, xe khách giường nằm, xe tải rầm rập vào ra. Ngồi trên xe con 7 chỗ mà cảm thấy chờn chợn. Chẳng may xe mất lái, mất phanh ở xa đường cứu nạn chắc “thôi rồi Lượm ơi”.
         Từ trên dốc đã nhìn thấy toàn cảnh Đắc Pét bây giờ là thị trấn. Nhà cửa phố xá đông đúc tượng đài chiến thắng cao vút. Không còn nhận ra đâu là sân bay dã chiến, Dinh Quận trưởng, Sở Chỉ huy của quân Ngụy đồn trú. Tháng 5 năm 1974 ta giải phóng Đắc Pét. Tôi theo Sở Chỉ huy nhẹ của Sư đoàn cùng với Tiểu đoàn cao xạ 37 li, Đại đội 7 Bộ binh, Công binh… vào tiếp quản Đắc Pét. Tất cả là đống đổ nát không một hộ dân. Giờ là phố thị hiện đại. Chào Đắc Pét chúng tôi đi…
          Bác Phan Văn Máy phấn chấn hẳn lên khi xe vào vùng Đắc Tô - Tân Cảnh nơi năm 1972 bác và đồng đội Sư đoàn 2 tham chiến. Đuổi đánh địch đến Thị xã Kon Tum. Nhắc tới trận chiến này, bác Máy giọng chùng hẳn xuống khi nghĩ về những đồng đội không trở về và tiếc nuối ngày ấy nếu cung cấp đủ đạn, chiến thắng sẽ còn lớn hơn thế. Riêng tôi lại nhớ cái ngày 17-3-1975 tôi theo xe anh Quảng - Tham mưu trưởng Sư đoàn qua Đắc Tô Tân Cảnh Võ Định theo đường 14 này vào Kon Tum khi địch vừa rút chạy. Vào Dinh Tỉnh trưởng tôi gặp lại những ngưởi bạn chiến đấu cũ - các anh ở tỉnh đội Kon Tum tay bắt mặt mừng hoan hỉ. Sau nhiều năm chinh chiến tôi mới lại nhìn thấy bể cá vàng, những bộ salon xa xỉ. Ấn tượng nhất là bức tranh khổ lớn vẽ cảnh hoàng hôn trên Cao nguyên và người lính ôm súng với tựa đề “Chiều xa thành phố”. Nhớ lại những ngày ấy: “6-3-1975 ta đánh chiếm Đức Lập, 7-3 ta đánh chiếm Thuần Mẫn, 8-3 ta đánh chiếm Buôn Hồ. Ngày 10-3 ta tấn công Buôn Mê Thuật. Kẻ địch hoảng sợ rút khỏi Cao nguyên. Ba ngàn xe vận tải của Sư đoàn 471 chúng tôi chở các Sư đoàn 320, 316, 968 và Sư đoàn 10 truy kích địch. Dấu chân của chúng tôi trên khắp các nẻo đường Tây Nguyên về giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.  Để rồi ngày 15-5-1975 hàng trăm xe ô tô vận tải của Sư đoàn 471 chúng tôi tham gia diễu hành trên đường phố Sài Gòn mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lần này về thăm lại chiến trường xưa chúng tôi chỉ có thể dừng chân lâu hơn ở Buôn Hồ và thành phố Buôn Mê Thuật. Nơi đồng đội Sư đoàn tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến và là nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Sư đoàn trong doanh trại của Sư đoàn 23 Ngụy - Cái Sư đoàn mà chúng tự xưng: “Nam chinh - Bắc phạt - Cao nguyên chấn” đã không chịu nổi và đổ sập trước những phát đạn chính xác của những chiến xa của ta.
          Đứng trong khuôn viên tượng đài chiến thắng ở ngã 6 trước khách sạn Ban Mê - Nơi có chiếc xe tăng trên khối tượng đài chiến thắng, chúng tôi nhớ lại những ngày đã qua và càng tự hào về những năm tháng đứng trong đội quân thần tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bên tượng đài chiến thằng - TP Buôn Ma Thuột
         Về thăm lại chiến trường xưa trên miền đất đỏ ba gian nắng và gió còn một điểm nữa chúng tôi phải tới. Đó là vùng có con sông Sê Rê Pok. Nó là một trong hai con sông đem nguồn nước từ nước ta chảy về nước khác. Phía Bắc là con sông Kỳ Cùng chảy vượt qua biên giới Việt Trung chảy vào Trung Quốc. Còn sông Sê Rê Pok ở đây chảy qua biên giới Việt Nam - Campuchia chảy vào sông MeKong ở Campuchia. Cũng còn may là nó còn theo dòng sông MeKong chảy về Việt Nam ở đồng bằng Nam bộ. Vì nó chảy từ đông sang tây nên tuyến vận tải Đông Trường Sơn qua Tây Nguyên phải cắt qua nó. Những năm tháng ấy điểm vượt sông Sê Rê Pok là trở ngại lớn của bộ đội vận tải chúng tôi. Tuy vậy khi xe chuẩn bị vượt ngầm Sê Rê Pok cánh lái xe phấn chấn hẳn lên. Mặc dù đã có chỉ lệnh phải nhanh chóng vượt sông. Song cánh lái xe bao giờ nấn ná lấy lý do này nọ để đặt chân xuống dòng nước Sê Rê Pok chảy siết để giảm nhiệt để bổ sung nguồn nước cho xe. Kẻ địch cũng không để ta yên nên nhiều chàng trai đã phải nằm lại mảnh đất này.
         Đứng trên cầu treo Sê Rê Pok chúng tôi thả hồn theo dòng chảy nhớ về ngày xưa với đội hình Trung đoàn tập trung hàng ngàn xe trên tuyến chi viện cho chiến trường. Không gian tĩnh lặng, gió thổi mát rượi. Tiếng cồng chiêng rộn rã. Chúng tôi đang lạc vào điểm giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngẫu hứng Phạm Sinh lên sân khấu ôm đàn hát ca khúc “Tình ca Tây Nguyên” của Hoàng Vân, khi đó tôi mới lại phát hiện thêm một tài lẻ của Phạm Sinh. Các cháu thanh niên mặc trang phục Tây Nguyên vây lấy Phạm Sinh. Đó là khoảnh khắc nhớ mãi không có trong kế hoạch của đoàn. Cảm ơn các bạn, cảm ơn Phạm Sinh.

Tình người ở lại.
         Chiến trường quen thuộc của Sư đoàn 471 Trường Sơn Anh hùng là mảnh đất miền Trung - Tây Nguyên. Nơi đầy nắng và gió. Sau chiến tranh nhiều đồng chí chọn mảnh đất này để lập thân, lập nghiệp. Cũng vì lẽ đó mà giờ đây hội Trường Sơn Sư đoàn 471 miền Trung Tây Nguyên có số hội viên đông đảo. Bọn tôi còn gọi số anh chị em chọn Tây Nguyên là quê hương thứ hai là những người ở lại. Họ xây dựng nhà ở chung một khu vực tự nhiên thành làng, thành khu dân cư. Đáng nói đến nhất là khu dân cư 471 Buôn Hồ.
         Đến thị xã Buôn Hồ hỏi 471 Buôn Hồ hầu như ai cũng biết. Đó là khu dân cư thuộc phường Thiện An. Vẫy taxi ngay đầu thị xã, xin đưa về khu có tên gọi “471 Buôn Hồ”. Bác tài vui vẻ: “Mời cô chú lên xe, con đưa về 471 Buôn Hồ”. Chẳng mấy chốc xe đã đưa chúng tôi tới cổng nhà Vũ Trọng Luyến - Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Sư đoàn, phó Chủ tịch Thường trực Hội 471 miền Trung Tây Nguyên. Nhìn quanh dãy phố những biển hiệu: “Giặt là 471”, “Quán cháo 471”, “Sửa xe 471”, “Nhà thuốc 471”, “Tạp hóa 471”… đập vào mắt với sự ngỡ ngàng của bọn tôi. Thì ra nơi đây 40 năm trước là vị trí đóng quân cuối cùng của Sư đoàn trước khi giải thể, tổ chức cấp Sư đoàn thành đơn vị nhỏ hơn bàn giao cho Quân khu 5. Nhiều chiến binh rời quân ngũ tình nguyện ở lại nơi này lập nghiệp. Bây giờ thành phố thị, thành nơi mọi người muốn có. Đoàn vào cơ ngơi của Vũ Trọng Luyến - người lính của 471 trở thành cán bộ của cơ quan tài chính Buôn Hồ đã nghỉ hưu. Ở đây đã có đông đủ các đồng chí trong Thường vụ Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 miền Trung Tây Nguyên tới đón và làm việc với đoàn. Kẻ Bắc người Nam nắm chặt tay nhau nói lời thăm hỏi:
- Khỏe không?
- Mấy tháng nay chưa vật nhau với ai nên không biết khỏe hay yếu, Câu trả lời của Luyến khiến mọi người cười ngất và cùng đánh mắt về phía chị Mận - vợ Luyến như thầm hỏi sao lại thế…
         Nội dung làm việc của Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 với thành viên miền Trung Tây Nguyên nhanh chóng hoàn tất với sự nhất trí rất cao, trong buổi làm việc này các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội 471 miền Trung Tây Nguyên đã báo cáo sơ bộ về kế hoạch tổ chức gặp mặt Hội 471 miền Trung Tây Nguyên với quy mô mở rộng đến các Hội, Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 toàn quốc vào năm 2025. Bàn đến lịch trình của đoàn tiếp theo lại diễn ra “căng thẳng”. Các anh An, Văn, Thắng, Luyến người của Trung đoàn 49 - nay là Công ty cafe 49 đều muốn đoàn ghé thăm làng 49 cũng đông đúc lính 471 không kém gì Buôn Hồ. Còn anh Hoài, anh Suốt lại muốn đoàn ghé thăm khu kinh tế 15 nơi Đại tá Hoài từng làm Giám đốc. Để “gây áp lực” anh An, nguyên Giám đốc Công ty 49 gọi điện cho anh em ở nhà bắt lợn mổ và quay ngay để chiều kịp tiếp đoàn ở dưới đó. Người chào bên kéo thực tình của những người ở lại. Lòng thì muốn nhưng lịch trình đã kín đặc không thể sân siu. Tất cả lại phải trông vào màn khước từ khéo léo của Trần Thị Chung. Kết luận lại đoàn chỉ ở lại Buôn Hồ được một buổi và sẽ thăm cơ sở làm ăn của các đồng chí Buôn Hồ.
         Quá trưa các đồng chí miền Trung Tây Nguyên chiêu đãi đoàn ở nhà phó Chủ tịch Vũ Trọng Luyến. Mọi người nâng ly chúc mừng hội ngộ. Cao hứng đoàn Hà Nội hát chế:
- Có cái nắng, có cái gió, có cái đó, ta đến đây cùng nhau. Tức thì các đồng chí miền Trung Tây Nguyên cũng đứng lên đáp lại:
- Có cái nắng, có cái gió, không có cái đó, ta đến đây làm chi… Cốc chạm cốc cười nghiêng ngả. Câu chuyện hướng về ngày xưa, thời cầm súng đánh giặc, thời nam nữ thích nhau chỉ nhìn không giám nói. Chuyện say sưa Vũ Trọng Luyến thổ lộ:
- Anh Thành Long nói đúng! May tôi lấy được nhà tôi đây. Chứ lấy Hiên - Cô Văn công ở đội Tuyên văn Sư đoàn - thì… Bỏ lửng một lát, song Luyến lại lớn tiếng: “Nhưng tiếc là vợ em không biết đẻ… Đẻ hơi nhiều…” Mọi người lại cười nghiêng ngả. Chị Mận đấm chồng thùm thụp… Mắt Luyến nhòe ướt, mắt một số người cũng nhòe ướt cùng nhớ về ngày xưa…
Thăm và làm việc với Hội TS Sư đoàn 471 Khu vực miền Trung Tây Nguyên
         Tạm biệt Buôn Hồ, đoàn về Buôn Ma Thuật hẹn tháng 7 năm sau gặp mặt toàn thể 471 ở Buôn Hồ. Được tin đoàn vào Buôn Ma Thuật. Y sĩ Hoàng Lực điện cho Trần Thị Chung xin tiếp đoàn trưa Chủ nhật và chị Lực đã ra điều kiện không được khước từ. Từ Buôn Hồ, Vũ Trọng Luyến cũng gọi điện đề nghị đoàn đến thăm gia đình Hoàng Lực và anh hứa cũng sẽ có mặt. Đoàn lại phải xếp lại lịch để trưa Chủ Nhật tới thăm cô Y sĩ nhỏ nhắn xinh đẹp có má lúm đồng tiền quê của những hoàng hậu - Thọ Xuân Thanh Hóa.
         Đúng lịch đoàn đến thăm nhà Hoàng Lực. Khu dân cư Hoàng Lực đang sinh sống chính là nơi tháng 3 năm 1975 Sở Chỉ huy Sư đoàn và các đơn vị trực thuộc đóng quân. Chưa ngồi ấm chỗ Vũ Trọng Luyến đã tới. Mọi người quây quần chụp ảnh lưu niệm và vội vã lên xe về nhà hàng Tây Bắc. Tại đây, Hoàng Nam con trai cả của Hoàng Lực Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Đắc Nông thay mặt mẹ nói lời khai tiệc.
- Thưa các bác, các cô các chú. Được tin đoàn từ Hà Nội vào, cháu cùng cả gia đình rời Đắc Nông về đây cùng mẹ cháu và các em đón đoàn. Qua các bác, các cô, các chú - những người cùng mẹ cháu đã sống và chiến đấu trên Trường Sơn - Chúng cháu được biết rõ hơn về những năm tháng mẹ cháu cùng các bác, các cô các chú đã cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và chúng cháu luôn tự hào về điều đó. Cháu xin được thay mặt mẹ cháu và gia đình kính chúc các bác, các cô các chú mạnh khỏe và cùng nâng ly mừng ngày gặp mặt hôm nay.
         Mọi người cùng nâng ly. Nhìn sang Trần Thị Chung và chủ tiệc Hoàng Lực họ ngồi bên nhau – hai người đồng đội như hai chị em gái lâu ngày mới gặp lại nhau – những câu chuyện thời quân ngũ rồi cả những câu chuyện là nỗi niềm của ngày hôm nay – Họ say xưa chuyện đến mức Trần Thị Chung quên cả đặt món ăn kiêng không kèm gia vị cho suất ăn đạm bạc như thường ngày của mình… Nhìn Chung thương lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thì ra ngay cả miếng ăn: Dao sắc cũng không gọt được chuôi…
         Bữa cơm thâm mật giữa đoàn chúng tôi và gia đình chị Hoàng Thị Lực kết thúc. Chúng tôi chia tay trong bịn rịn, thấm đẫm tình người đi và người ở lại. Trước khi chia tay chị Hoàng Thị Lực nhét vào tay Phó Chủ tịch Trần Thị Chung một tấm phong bao và chị nói với đoàn là “Tôi xin có chút gọi là ủng hộ kinh phí để Hội Trường Sơn Sư đoàn xây dựng Bia Di tích Sở chỉ huy Sư đoàn. Được biết đây là lần thứ hai chị Hoàng Thị Lực ủng hộ kinh phí để xây dựng công trình này.
Nữ Y sỹ Sư đoàn 471 Hoàng Thị Lực (thứ 2 trái sang) tiếp đón đoàn tại nhà riêng
         Chỉ còn ít giờ nữa là ra phi trường trở về Hà Nội. Phạm Sinh rủ tôi cùng đến thăm nhà cháu – một Đại tá Công an ở phía Nam thành phố. Xuống tới sảnh Khách sạn ngồi chờ xe. Mùi thuốc lá lạ xộc vào mũi. Nhìn sang bên trái hai bàn các ghế người ngồi kín ăn mặc giống nhau ở áo sơ mi màu trắng đục. Họ nói tiếng Hoa đều cúi đầu ôm lấy điện thoại tay thoăn thoắt bấm phím. Một vị bên cạnh cầm bao thuốc rút từng điếu đặt vào mồm từng người, thấy lạ tôi quay hỏi Phạm Sinh (vì tôi biết Phạm Sinh từng làm Chủ tịch Hiệp hội Tàu biển của tỉnh Nam Định và đã có nhiều chuyến qua Trung Quốc giao dịch giao thương vận chuyển hàng hóa cho nước bạn). Phạm Sinh cho biết: Phong tục mời thuốc lá của người Hoa là rút từng điếu ra để mời từng người… Họ đến đây làm gì nhỉ. Bất giác tôi nhớ tới bài thơ “Trung Hoa” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ: “ Ào ạt Hoàng Hà - Quán núi đêm hàn rượu nóng - Vạt áo xanh giang hồ - Những mắt xếch Võ Tòng - Những đầm sâu Thủy Hử - Người đi như nước đông như cỏ - Sáng suốt và tối tăm - Uyên thâm mà nhẹ dạ - Tin ngay mọi điều dám làm tất cả - Cái người Tàu kỳ lạ - Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya”. Ở đây họ không dầm củ cải mà đang cắm mặt bấm bàn phím trên những chiếc điện thoại. Nhìn cách anh vận và nét mặt của họ không dính dáng tới du lịch. Bất giác tôi nghĩ tới vấn nạn “Việc nhẹ lương cao” ầm ĩ gần đây.
         Sảnh chờ phi trường Buôn Ma Thuật đầy hoa lá. Nhân viên sân bay tươi cười hướng dẫn khách làm thủ tục. Họ bảo mấy hôm trước trời mưa liên tục về đêm và sáng, hôm nay nắng lên đẹp lắm. Nhanh chóng xong việc cân gửi hành lý. Cô nhân viên an ninh xinh đẹp tới dẫn đoàn theo cô về phòng chờ của khách VIP trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Nhìn lại mảnh giấy đính kèm vé máy bay mới hiểu là có sự can thiệp của Hoàng Việt, con trai thứ của Hoàng Lực, làm ở Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn Đắc Lắk. Chào Buôn Ma Thuật - Chào Tây Nguyên xanh xinh đẹp. Nơi thời trẻ chúng tôi đã sống và chiến đấu và giờ đây còn hàng ngàn đồng đội của chúng tôi ở lại xây dựng Tây Nguyên. Họ là những người lính khi xưa và giờ là những Cựu chiến binh tình nghĩa vẹn toàn cùng với các tộc người Tây Nguyên giữ bình yên cho đất nước. Chào tất cả và hẹn gặp lại năm sau.
NKC

 
tin tức liên quan