Ký ức hào hùng 70 năm Giải phóng Thủ đô - Bút ký: Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 09:29 09/10/2024 Lượt xem: 229
 
  KÝ ỨC HÀO HÙNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ
                          HÀ NỘI - 1954 NĂM ẤY!
                                                                                                     (Ký sự của PHẠM HUY CHƯƠNG)
 
 


 
          Mùa thu này - mùa thu thứ 70 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi. Thủ đô giải phóng, miền Bắc hòa bình xây dựng CNXH. Tiến tới đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…
      Chiến thắng Điện biên Phủ “lừng lẫy 5 châu , trấn động địa cầu” đã kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Pháp của dân tộc ta thắng lợi; và chấm dứt hon 80 năm đô hộ của thực dân phong kiến. Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ngày 25/7/1954, Trung ương Đảng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới: “Cuộc đấu tranh ái quốc của nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn mới. Hình thức đấu tranh vũ trang đã đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta và của Đảng ta còn rất nặng nề. Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”.
      Tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng trước mắt của quân và dân ta. Đặc biệt, công tác tiếp quản Hà Nội, giải phóng hoàn toàn Thủ đô có ý nghĩa hết sức trọng đại. Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp; mà thực dân Pháp được Mỹ giúp đỡ; bởi thế âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho ta mau chóng xây dựng thủ đô Hà Nội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục miền Bắc là rất có thể. Để thực hiện âm mưu, kế hoạch xâm lược mới cố tình cản bước, chiến thắng của quân và dân. Trước mắt, kẻ thù đế quốc muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.
        Lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản thủ đô Hà Nội là các đơn vị quân đội. Trước tình hình đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp và chỉ thị trực tiếp cho bộ đội làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, xác định đúng thái độ, quán triệt nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này. Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Người đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong trước khi về nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Sau khi phân tích về ý nghĩa địa điểm cuộc gặp và nhấn mạnh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người nêu rõ: “Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật...".
      Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng không chỉ với trong nước mà cả với nhân dân thế giới. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại vì: kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý; cán bộ chiến sĩ ta còn có những nhận thức, việc làm sơ hở, thiếu sót, phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều...". Kết thúc cuộc gặp, Bác còn căn dặn kỹ càng cán bộ chiến sỹ: "Đồng bào Hà Nội mong chờ các cháu từ ngày các cháu ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các cháu, hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó".
        Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, các Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được chính thức ký kết ngày 30/9/1954. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố. Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ để ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
         Theo các Hiệp định đã ký kết. Từ ngày mùng 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Đến ngày 8/10, phía ta đã hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long, 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội. Đến 16 giờ 30, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết của nhân dân Thủ đô.
       Đúng 8 giờ sáng ngày 10/10/1954. Cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông. Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
       Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!” và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm Thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”. 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn. tươi vui, phồn thịnh”.
        Cuộc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ; Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chuẩn bị chu đáo; cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản giữ nghiêm kỷ luật. Ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và thu nhận gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội, trong đó có sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm...     
       Sinh hoạt của người dân trong toàn thủ đô Hà Nội ngày đầu giải phóng (10/10/1954) vẫn giữ được bình thường không bị gián đoạn. Các ngành lợi ích công cộng như điện, nước... cũng hoạt động đều; Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc như thường lệ. Giao thông liên lạc trong thành phố, giữa Hà Nội và các tỉnh được giữ vững và thông suốt...Nhân dân cả nước hân hoan hướng về Hà Nội, vui sướng cùng nhân dân thủ đô Hà Nội đón chào và tận hưởng thủ đô Hà Nội giải phóng bắt đầu cùng cả nước bước vào kiến thiết xây dựng thủ đô và miền Bắc XHCN.
       Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng – Bác Hồ. Thực hiện thắng lượi các nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Quân và dân thủ đô không ngừng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vươn lên xây dựng thủ đô trở thành một trong những đơn vị đầu tầu cả nước phát triển kinh tế xã hội vững mạnh, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”
         Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển của thủ đo Hà Nội để thêm tự hào và trách nhiệm “ Hà Nội vì cả nước – cả nước vì thủ đô Hà Nội” Chúng ta sẽ chung tay góp sức xây dựng thành phố Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Hùng cường trong thời đại mới./.
                                                                                 
       PHẠM HUY CHƯƠNG.
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 
 

tin tức liên quan