DƯỚI GỐC HOA PƠ LANG
(Truyện ngắn của Việt Phát)
“Toàn Đại đội chú ý! Tôi vừa nhận được điện của Trung đoàn trưởng Hữu Bình cho biết, bọn thám báo và trinh sát điện tử của địch đã phát hiện ra trận địa của chúng ta. Ngày mai sẽ là ngày rất khốc liệt, thậm chí có thể phải hy sinh. Chúng ta phải ngụy trang cẩn thận, cảnh giác nhưng phải thật vững vàng, giữ vững trận địa, bám pháo, bắn mãnh liệt vào Play Cần, chi viện đắc lực cho bộ binh 66 rửa hận trận này”.
Dứt lời, Đại đội trưởng Trần Tráng súc động nhìn các gương mặt cả đại đội, vừa như để nhớ lại tên từng người mà anh mới về nên chưa kịp biết hết, lại như để đong đếm tinh thần đồng đội trước trận đánh sinh tử. Dù đã từng tham gia nhiều trận đánh từ Cồn Tiên-Dốc Miếu đến Tây Nguyên, nhưng chưa khi nào anh thấy hồi hộp như lúc này, không chỉ vì lời dặn, lời cảnh báo của Trung đoàn trưởng, mà còn bởi đây là lần thứ hai đơn vị anh phải đọ sức với căn cứ Plei Kần ngoan cố này.
Mới trước đó vài tháng, những khẩu 105mm của C7 do anh chỉ huy, dẫu phải tháo rời lắp đi lắp lại không biết bao nhiêu lần, vượt rừng rậm, suối sâu, kéo lên các đồi cao, bắn chi viện cho sư 10, sư 320 đánh chiếm nhiều cứ điểm địch tại Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Rinh Rua, Đak Tô, Tân Cảnh, Kleng, Non Nước và thị xã Kon Tum. Ấy vậy mà chỉ trong trận đánh Play Cần tháng 5 vừa rồi, pháo của cả Trung đoàn bắn chỉ như gãi ghẻ, không diệt được các hỏa điểm, lô cốt hầm ngầm của địch, khiến địch phản công gây thương vong lớn cho bộ binh ta, dẫn đến trận đánh thất bại. Từ đó lính tráng thầm thì nói trệu Play Cần thành Play “kềnh”, Plây “khiêng”, nghĩ mà tức lộn ruột.
Nhìn những gương mặt hốc hác, xanh gầy, môi thâm vì sốt rét, vì đói và cả vì bị thương sau chiến dịch “Hè đỏ lửa” vừa qua, Đại đội trưởng Trần Tráng thấy thương anh em vô cùng. Dù đã lui về hậu cứ dưỡng sức, chỉnh quân vài tháng qua, nhưng với tình trạng thiếu đói, thiếu thuốc men trên toàn mặt trận, nên ai cũng như những cầu thủ bóng đá đã vắt kiệt sức, nhưng phải đấu thêm hiệp phụ. Cả tháng nay, đại đội phải chuẩn bị cật lực cho trận đánh Plei Kần và Đak Siêng, nhằm mở rộng vùng kiểm soát phía Bắc Kon Tum và Ngã ba Đông Dương. Xa hơn là cùng toàn chiến trường miền Nam, góp phần tạo lợi thế cho phái đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Pa Ri họp phiên quyết định cho số phận của dân tộc vào đầu năm tới.
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên chuẩn bị cho trận đánh, lần này đại đội 7 có nhiệm vụ đặc biệt là dùng 2 khẩu 155 ly mới lấy được của địch trong chiến dịch Đak Tô - Tân Cảnh vừa rồi, để bắn vào Plei Kần. Từ ngày thành lập Trung đoàn năm 1967 đến nay, đây là lần đầu tiên ta lấy được pháo 155 mm của địch để đánh địch. Do vậy trách nhiệm của Đại đội trưởng Trần Tráng và đơn vị càng nặng nề.
Ảnh minh họa
Pháo 155mm do Mỹ sản xuất từ thời thế chiến thứ hai, có tầm bắn hơn 14 km và có thể bắn tới bốn viên đạn mỗi phút. Mỗi khẩu nặng 5 tấn và không thể tháo rời để khiêng vác như các loại pháo ta hiện có. Vì vậy, việc cơ động kéo hai khẩu pháo này trong điều kiện đường rừng nhiều sông suối, thoắt mưa, thoắt tạnh, luôn là bài toán đau đầu. Chính vì tính khó cơ động của pháo 155mm mà Trung đoàn chỉ đạo chọn trận địa cho pháo ngay bên đường 18, dù giữa bản hoang và rừng le trống trải, lại gần cầu Đăk Mót, vốn là một tọa độ chuẩn của cả hai bên ta và địch, nên rất dễ bị phát hiện. Do đó, sinh mạng của mấy chục pháo thủ đang như ngàn cân treo sợi tóc. Là đại đội trưởng, anh không lo sao được.
Theo tính toán của Trung đoàn, đại đội 7 phải bố trí hai trận địa. Một khẩu 155 mm đặt trên đỉnh dốc cầu Đak Mót do đại đội phó Văn quê Hà Tây chỉ huy. Khẩu 155mm thứ hai cách khẩu thứ nhất 50 mét về phía sau do đại đội trưởng Tráng chỉ huy. Để nghi binh địch, trận địa giả được bố trí gần đó do chiến sĩ Khắc và Thanh quê Phú Thọ phụ trách. Khi bắt đầu trận đánh, trận địa giả phải điểm hỏa chất nổ TNT đều đặn như pháo bắn, nhằm thu hút máy bay địch. Hai trận địa thật được gia cố chắc chắn bằng những thân cây rừng to phải lấy từ rừng già về. Nắp hầm được đắp đất dày hàng mét và ngụy trang cẩn thận. Từ hầm pháo có đường dẫn ra các ngách hào chứa đạn và hầm trú ẩn cá nhân. Cẩn thận là thế nhưng Đại đội trưởng Trần Tráng vẫn thấy lo lắng, bồn chồn.
Thế rồi công việc chuẩn bị đã xong. 10h sáng ngày 12/10/1972, các trận địa pháo của Trung đoàn bắt đầu khai hỏa. Hai trận địa pháo 105mm đặt ở điểm cao 755 và 976 đã bắn nát các công sự ở phía nam làm địch hoảng hốt dạt sang sườn bắc. Cùng lúc đó 2 khẩu 85mm đặt trên Ngọc Pếch nã đạn vào lô cốt địch. Hai khẩu 155mm ở Đăk Mót Lốp của C7 bắn phá các mục tiêu bên trong căn cứ. Lần này thì tất cả các hầm ngầm, lô cốt, trại lính nửa chìm nửa nổi, vốn được che chắn kiên cố và kín đáo đều bị pháo binh ta đào trốc hết lên mặt đất, khiến bọn địch kinh hoàng, hoang mang tột độ. Tạo điều kiện cho bộ binh ta ào ạt tấn công thẳng vào trung tâm.
Trong lúc đang bắn mãnh liệt vào căn cứ địch, khói đầu nòng pháo không kịp tan, một chiếc OV10 bất ngờ lao xuống, phóng đạn khói chỉ điểm xuống trận địa pháo. Mặc dù đài trinh sát chỉnh bắn của Trung đoàn trên đỉnh 950 điện xuống báo trận địa đã bị lộ, cần sơ tán pháo thủ ngay, nhưng ngay lập tức, cả tốp máy bay F4 đã bổ nhào ném bom các loại vào hai trận địa, trong đó có một quả bom BTU, loại bom dẫn đường bằng laser rơi trúng nóc hầm khẩu 155 mm trên dốc cầu Đak Mót, khiến khẩu pháo bị nhấc bổng văng xa, cắm nòng xuống mặt đường 18, Đại đội phó Văn cùng 8 pháo thủ hy sinh. Khẩu 155 mm còn lại cũng bị trúng bom làm gãy càng pháo, Đại đội trưởng Trần Tráng bị thương nặng. Kết thúc trận đánh, mọi người nén đau thương tìm kiếm thu gom xác đồng đội, chia đều và chôn cất thành 9 ngôi mộ ngay cạnh trận địa.
***
Trên chuyến xe chở đoàn cựu chiến binh vào thăm lại chiến trường xưa Tây Nguyên, có một cựu chiến binh dáng nhỏ thó, mặc bộ quân phục cũ màu xanh lá, ngực toòng teng chiếc huy chương. Anh là Nguyễn Khắc, quê Cẩm Khê, Phú Thọ, người chiến sĩ phụ trách trận địa giả năm xưa. Dọc đường anh bồn chồn hết đứng lại ngồi. Khi qua cầu Đắc Mót, Khắc thảng thốt reo lên:
- Đây là khu vực trận địa của C7 hồi năm 1972 các anh ạ.
Trong lúc mọi người đang ngơ ngác thì phó đoàn Việt Phan cất tiếng:
-Gần năm mươi năm rồi, địa hình địa vật thay đổi, làm sao anh xác định được ?
-Tôi khẳng định một trăm phần trăm là ở chỗ kia. Khắc chỉ tay về một bãi đất trống lơ thơ vài bụi le ngay ven đường 18. Anh nói thêm :
-Đây là trận địa của Đại phó Văn bị trúng bom khiến cả khẩu đội hy sinh. Còn đằng kia là khẩu 155ly bị gãy càng làm Đại đội trưởng Trần Tráng bị thương.
- Chả thấy dấu vết gì, có nhầm không đấy? Lại có tiếng ai đó nghi ngờ :
-Làm sao tôi có thể quên được, vì trận địa ngày ấy bố trí ngay tại bản Đắc Mót Lốp này, lại gần đường 18, gần cầu Đắc Mót thì lẫn vào đâu được. Khắc quả quyết.
- Sau trận đánh Plây Cần, tôi thường xuyên ra chăm sóc cho mộ đồng đội, trong đó có cậu Thức đồng hương với tôi. Hôm đó Thức làm pháo thủ số 1 thay cho Trương bị sốt đi viện. Sau này chúng tôi mới chuyển nơi đóng quân xuống Cống Ba Lỗ. Khắc nói một mạch như câu chuyện vừa xảy ra hôm qua.
- Vậy bây giờ mộ các liệt sĩ ấy ở đâu. Việt Phan hỏi Khắc.
Lặng đi một lúc rồi Khắc kể :
- Ngày ấy chúng tôi nhặt tìm thi thể đồng đội, nhưng nào biết của ai với ai đâu vì tơi tả, tan tành hết, đành phải đau lòng chia đều thành 9 phần, lấy tăng gói lại, có khắc họ tên quê quán vào các tấm tôn cắm đầu các mộ, chôn dưới gốc cây gạo cạnh nhà rông ở kia kìa, trong này bà con gọi là cây Pơ Lang. Tháng bảy về, hoa Pơ lang rơi phủ đầy trên mộ các anh ấy. Giờ chả biết họ đưa các anh ấy về đâu ?
Thấy Khắc nói vậy, mọi người lặng đi súc động, không ai còn nghi ngờ và hỏi thêm gì nữa. Cả đoàn đứng dưới nắng trưa gắt bỏng tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh. Không ai bảo ai, tất cả như cùng ngước lên nhìn từng chùm hoa Pơ lang đanng bung nở, như những giọt máu hồng đọng giữa trời xanh đầy nắng. Gió từ sông Pô Cô ràn rạt thổi ngang, làm xao xác những bụi le gầy quanh trận địa năm xưa. Những vạt cỏ gianh trổ bông trắng như lau phất phơ, dập dờn như dải khăn tang quấn quàng mảnh đất nơi các anh hy sinh gần năm mươi năm về trước.
Hôm sau đoàn ghé thăm Bảo tàng Quân đoàn tại thành phố Play Cu. Trong lúc mọi người đi theo và chăm chú lắng nghe thuyết minh của nhân viên Bảo tàng, Khắc lầm lũi một mình đi tìm cái gì đó. Rồi đột ngột anh chạy đến nói với Việt Phan :
-Tôi tìm thấy khẩu 155mm đánh trận Plei Kần rồi.
- Thật không, ở đâu? Việt Phan thoáng mừng hỏi dồn.
- Ở góc sân Bảo tàng đằng kia.
Trước mắt các cựu chiến binh của Trung đoàn pháo ngày xưa, khẩu 155mm hiện ra oai vệ, lừng lững. Trước bệ pháo có biển thuyết minh rằng đây là khẩu pháo 155mm của Mỹ ta thu được trong chiến dịch xuân hè 1972, ta đã dùng khẩu pháo náy của địch để đánh địch. Mọi người mừng như bắt được vàng và thay nhau đứng bên pháo chụp ảnh kỷ niệm. Riêng Khắc thì bịn rịn vô cùng, hai tay mân mê xoa các bộ phận của pháo. Anh như gặp lại người thân sau bao năm xa cách. Những tháng ngày vui buồn bên pháo, những trận đánh năm xưa cùng bao gương mặt đồng đội lại hiện về.
Kết thúc chuyến hành trình đầy ấn tượng và súc động, Việt Phan nói với cả đoàn:
-Có lẽ chúng ta cần phải làm một việc gì đó cụ thể hơn, ý nghĩa hơn để tri ân các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn gần mười năm sống và chiến đấu trên đất Tây Nguyên. Một Trung đoàn pháo chủ lực đầu tiên của Mặt trận B3, đánh hàng trăm trận, lập nhiều chiến công hiển hách, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hơn hai chục thành viên trong đoàn đều tỏ ý tán thành. Trưởng đoàn Đinh Trọng Lương đề nghị Việt Phan nói rõ hơn ý nghĩ của mình.
-Tôi nghĩ chúng ta có thể huy động các cựu chiến binh của Trung đoàn xây dựng một bia tưởng niệm các pháo thủ C7 đã hy sinh trong trận đánh Plei Kần ngày 12 tháng 10 năm 1972 ngay tại nơi chúng ta vừa ghé thăm. Nó còn mang ý nghĩa là nơi lưu giữ truyền thống “Lên cao, vào gần, bắn thẳng” của Trung đoàn 40 trên chiến trường Tây Nguyên. Nó sẽ trở thành điểm di tích gắn với quần thể các di tích cấp quốc gia quanh đây như 1049 (Delta), 1015 (Sacly), Đắc Tô - Tân cảnh, Căn cứ 42, sân bay Phượng Hoàng, Plei Kần, Cột mốc Ngã ban Đông Dương…
Trưởng đoàn Lương nói thêm:
- Tôi đồng ý với ý kiến của Việt Phan. Hơn nữa, từ khi binh chủng pháo binh được thành lập tháng 3 năm 1951 đến nay đã 70 năm, đánh bao nhiêu trận, lập chiến công vang dội nhưng hình như chỉ mới có di tích tượng đài ở Đoan Hùng trận bắn chìm tàu Pháp trên Sông Lô, và cụm tượng đài kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Thời đánh Mỹ gần như chưa có một di tích nào của pháo binh trên mảnh đất Tây Nguyên này. Vậy xây dựng một bia tưởng niệm về trận đánh Plei Kần khiến cả khẩu đội của C7 hy sinh, là hợp lý và cần thiết.
- Cũng khó đấy vì chưa có được danh sách các liệt sĩ hy sinh. Hơn nữa chúng ta già cả rồi, tổ chức được một lần thăm lại chiến trường đã là khó, các thủ tục xây dựng bia tưởng niệm, kinh phí xây dựng và việc đi lại còn khó gấp bội. Một người trong đoàn nói.
- Khó thì khó thật, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có cách để làm. Chúng ta sẽ gặp anh Trần Tráng, đại đội trưởng của C7 xưa để hỏi thêm tên tuổi các liệt sĩ. Tới đây họp Ban liên lạc Bạn chiến đấu của Trung đoàn, ta sẽ xin sự đồng thuận chung. Việt Phan sôi nổi hẳn lên.
***
Đại đội trưởng Trần Tráng có cuộc đời binh nghiệp cũng khá đặc biệt. Quê thì ở Sóc Sơn mà lại học nghề tận Nghệ An. Đang học thì được lệnh nhập ngũ và lên đường đi B luôn. Vừa vào tới chiến trường Trị Thiên thì anh được kết nạp Đảng, nhưng không phải thành tích chiến đấu mà vì thành tích học tập mà nhà trường chưa kịp kết nạp thì anh nhập ngũ và đi B luôn. Thành thử tổ chức Đảng của tỉnh Nghệ An phải gửi quyết định kết nạp đảng vào Nam để đơn vị kết nạp cho anh. Trong trận đánh Plei Kần tháng 10 năm 1972, anh bị thương gãy bốn xương sườn. Khi tỉnh lại anh đã hỏi xem pháo có việc gì không và động viên anh em sửa chữa pháo ngay để tiếp tục chiến đấu. Sau trận đó, anh được ra Bắc an dưỡng và được cử đi đào tạo cán bộ trung cao. Nhưng do tái sốt rét và thương tật tái phát, anh được thôi học và được phân công làm trợ lý tác chiến sư đoàn 344 ở biên giới phía Bắc tới năm 1981 nghỉ hưu. Anh có ba con trai, nhưng người con trai cả đi làm công trình bị vướng bom nổ chậm xót lại. Cậu út bị tai nạn giao thông qua đời khi vào viện thăm bố ốm. May mà anh chị còn lại người con trai thứ hai, hiện là con rể của đại tá Định Trọng Lương, mà đại tá Lương lại chính là Chính trị viên của Đại đội 7 được Trung đoàn tăng cường về sau trận Plei Cần 12 tháng 10 năm 1972.
Hôm được Ban liên lạc mời tham gia đi thăm lại chiến trường xưa, Đại trưởng Trần Tráng không đi được vì sức khỏe kém và tuổi đã bát tuần, anh cứ tiếc hùi hụi. Nhưng khi đoàn điện từ Đak Mót về hỏi vị trí của trận địa pháo năm 1972 ấy thì anh như khỏe ra, hào hứng chỉ dẫn tỷ mỷ. Hôm Việt Phan và anh Lương đến thăm và hỏi về danh sách các pháo thủ của anh hy sinh năm 1972 thì anh bảo: “Xin lỗi các đồng đội, sự kiện xảy ra lâu quá rồi. Lúc đó tôi bị thương là đưa về tuyến sau cứu chữa và không trở lại đơn vị nữa. Mọi công việc giải quyết chính sách đối với thương binh, tử sĩ đều do đồng chí chính trị viên trưởng chịu trách nhiệm. Tôi chỉ nhớ tên được 6 liệt sĩ thôi.”
Cầm bản danh sách Liêt sĩ do anh Tráng đưa, Việt Phan bàng hoàng nhận ra trong đó có một người cùng đại đội huấn luyện ở Hà Bắc với anh. Đó là Thào Mí Lử, một thanh niên người Hmông quê Hà Giang. Lử to khỏe, da trắng và rất hay lý sự. Phan còn nhớ ngày hành quân vào Nam, một đêm dừng chân nghỉ lại trên một bãi khách Trường Sơn, thấy Lử nằm cuộn tròn trên võng, không mắc màn, Phan liền nhắc nhở, Lử không nghe mà còn lý sự “ Mình đi đánh Mỹ, muỗi cũng đi đánh Mỹ, mình không cho nó ăn thì nó làm sao đánh Mỹ được”. Phan đành lắc đầu trước “cái lý của người mèo”.
Để tập hợp đủ danh sách các pháo thủ đã hy sinh, Đại tá Đinh Trọng Lương ngược lên Phú Thọ tìm gặp Khắc, chiến sĩ phụ trách trận địa giả năm xưa. Sau trận đánh Plei Kần ngày ấy, Đại đội 7 bị thương vong nhiều, ban chỉ huy đại đội phải biên chế lại, anh Lương được điều về làm Chính trị viên trưởng. Khắc và anh quen biết nhau từ ngày ấy. Tháng 10 năm 1974, Khắc theo anh Lương tăng cường sang Trung đoàn 4 vừa được thành lập. Sau đó Khắc được anh Lương giới thiệu với cấp trên cho ra Bắc học sĩ quan pháo binh. Ra trường, Khắc được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng pháo hỏa tiễn BM - 21 của Liên Xô (Kachiusa). Trong cuộc chiến tháng 2/1979, Khắc chỉ huy đơn vị chuẩn bị nổ súng vào quân địch tại động Tam Thanh thì cấp trên không cho bắn, vì địch bắt đầu rút quân về bên kia biên giới. Thế là những dàn Kachiusa lừng danh 40 nòng lần đầu xuất trận đã không được nhả đạn, cơ hội đánh địch lập công của Khắc đã không thành.
Thấy anh Lương lên thăm, Khắc mừng rỡ bảo:
- Em cũng vừa nhờ người quen vào Gia Lai đến nghĩa trang liệt sĩ Thành phố PlayCu tìm giúp mộ liệt sĩ của C7 hy sinh ngày 12/10/1972. Em nghĩ rằng, thằng Thức cùng xã em hy sinh trận đó, vừa được gia đình vào bốc hài cốt đưa về quê thì những người còn lại chắc cũng đều ở nghĩa trang đó.
- Vậy à, tôi lên đây cũng là để hỏi Khắc về chuyện danh sách các liệt sĩ ấy đấy. Kể từ ngày ta vào thăm chiến trường xưa Tây Nguyên đến nay đã hai năm rồi. Chúng mình đều 70, 80 cả rồi, cần phải khẩn trương không thì không còn thời gian nữa. Anh Lương trăn trở.
Mấy hôm sau, Khắc gửi cho Việt Phan danh sách 07 liệt sĩ đã hy sinh ngày 12/10/1972 trong trận đánh Plei Kần. So với bản danh sách mà Đại đội trưởng Trần Tráng đã cung cấp trước đó thì chỉ thêm được một liệt sĩ. Khắc còn gửi kèm ảnh bia mộ hai liệt sĩ mà người nhà của anh vừa chụp được trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố Plây Ku.
Kết quả trên khiến Việt Phan băn khoăn. Vậy còn hai liệt sĩ nữa họ là ai? Trong số 9 liệt sĩ, cùng hy sinh một ngày, cùng chôn ở bản Đắc Mót Lốp năm xưa, ngay ven đường 18, trong giữa vùng giải phóng của ta, sao giờ chỉ thấy hai bia mộ, mà lại chôn cất tại tận Plây Cu ? còn 7 ngôi mộ nữa giờ ở đâu?
Trái bom định mệnh ngày ấy đã xé tan thân xác của 9 pháo thủ của Đại đội 7. Họ hy sinh không được toàn thây. Máu xương của họ đã tan trộn vào mảnh đất đầy gốc le, cỏ gianh và bụi hoa trinh nữ. Và giờ đây, trong cuộc chiến với thời gian, với cả sự đãng tâm, đãng trí của con người, họ lại hy sinh một lần nữa vì chẳng còn ai nhớ đủ được tên tuổi, quê quán của họ. Đáng buồn hơn, chẳng ai biết được nấm mồ vốn chỉ là chút thịt xương chắp vá kiểu chia đều ngày ấy của họ, giờ đang ở nơi nao.
Chưa biết khi nào mới có được bia tưởng niệm các pháo thủ của Đại đội 7 hy sinh trong trận đánh Plei Kần năm 1972. Nhưng tại nơi các anh ngã xuống, hoa Pơ Lang vẫn rưng rức nở và buông rơi đỏ thắm, như màu lá quân kỳ phủ lên mảnh đất trộn xương máu các anh. Những bông hoa chung thủy như nguyện mãi mãi làm nhân chứng lịch sử cho sự hy sinh anh dũng của các anh.
Dòng sông Pô Cô vẫn cuộn trào dưới chân cầu treo Đắc Ri Pen, băng qua các ghềnh đá, góp nguồn cho thủy điện Ya Ly thắp sáng Tây Nguyên. Mờ xa là dãy Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Rinh Rua, cùng các bia di tích Sacly và Delta đang trầm mặc in bóng giữa nền trời Cao Nguyên trong xanh, đầy nắng và gió.
Cái nắng và cái gió của vùng “Ngã ba biên” như bất tận, luôn đồng hành cùng những người lính già mỏi mòn đi tìm đồng đội trong vô vọng nhưng đầy ắp tình người.
CCB Nguyễn Việt Phát
(Nguyên Trưởng Ban TNXP,
Tổng chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương Đoàn)