"Nhất Tấn nhì An tam Đan tứ Chơn" là câu nói ngắn gọn, súc tích nhất về những tướng có tài đánh trận của Quân đội Nhân Nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước.
Cụ thể, "nhất Tấn nhì An tam Đan tứ Chơn" là nói về:
-
Đại tướng Lê Trọng Tấn
-
Thượng tướng Nguyễn Hữu An
-
Thiếu tướng Hoàng Đan
-
Thượng tướng Nguyễn Chơn.
Đại tướng Lê Trọng Tấn hay Lê Trọng Tố (1914 - 1986), quê quán: xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội
Ông tham gia cách mạng: 1944, nhập ngũ: 8/1945 và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: 12/1945
Cấp bậc cao nhất: Đại tướng (1984)
Quá trình công tác
1944: Tham gia Mặt trận Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội;
Tháng 6/1945: Cùng với một số đồng chí khác chỉ huy diệt đồn Đồng Quan, sau đó được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tỉnh;
1946: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La hoạt động ở vùng núi rừng Tây Bắc;
1949: Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209;
1953: Đại đoàn trưởng, Phó bí thư Đại đoàn ủy Đại đoàn 312; tham gia các chiến dịch Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954);
Tháng 12/1954: Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam;
1961: Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân Nhân dân Việt Nam;
1964: Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền; trực tiếp tham gia chỉ đạo các chiến dịch như Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Giăngxơn Xity của quân Mỹ và quân ngụy vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh - 1967)…;
Từ năm 1970 trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí liên tục được cử làm Tư lệnh các chiến dịch lớn như Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (3/1975)… trở thành
“Một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta”;
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục được giao đảm nhiệm cương vị quan trọng: Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân Nhân dân Việt Nam, tham gia chỉ huy lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia;
Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V;
Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Phần thưởng cao quý
- Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007);
- Huân chương Hồ Chí Minh;
- Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba);
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…
Thượng tướng Nguyễn Hữu An (1926 - 1995), quê quán: xã Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Ông nhập ngũ: 8/1945, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945
Cấp bậc: Thượng tướng (1986)
Quá trình công tác
Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Hữu An trưởng thành từ chiến sĩ đến trung đoàn trưởng; tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chỉ huy Trung đoàn 174, Đại đoàn 316;
1955 - 1964: Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 316, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc;
1964 - 1967: Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 6 và Sư đoàn 1;
1968 - 1974: Tham mưu Trưởng Quân khu Hữu Ngạn; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308, Phó Tư lệnh các mặt trận: 31, Đường 9 và Quân khu Trị - Thiên;
1975: Tư lệnh Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiều trận đánh lớn đã gắn liền với tên tuổi của Thượng tướng Nguyễn Hữu An như: Plây Me, Tu Mơ Rông, Ia Đrăng (Tây Nguyên), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Cánh Đồng Chum;
1981 - 1984: Phó Tổng Thanh tra Quân đội;
1984 - 1987: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, quyền Tư lệnh Quân khu 2;
1988 - 1991: Giám đốc Học viện Lục quân;
1991 - 1995: Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Phần thưởng cao quí
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất;
- 03 Huân chương Quân công (02 hạng Nhất, 01 hạng Ba);
- 03 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba)...
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 – 2003) sinh ra tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tháng 3/1945, Ông tham gia hoạt động Cách mạng, được cử làm Ủy viên BCH Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ông cùng các đ/c trong Mặt trận Việt Minh tổ chức biểu tình, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành Chính quyền tại huyện Nghi lộc.
Tháng 2/1946, ông nhập ngũ, từng giữ các chức vụ: Trung đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng. Trong chiến dịch Điện Biên phủ, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304; sau năm 1954, là Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 304, Phó phòng nghiên cứu Trường trung cao cấp quân sự (nay là Học Viện Quốc phòng); từ năm 1961 - 1964, đi học tại Học viên quân sự Frunze (Liên Xô); năm 1964 - 1965, chủ nhiệm khoa Bộ Binh, Học viện Quân Chính; năm 1965 - 1970, là Phó Tư lệnh Sư đoàn 304B; năm 1970 - 1973 là Tư lệnh Sư đoàn 304, tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên ác liệt; tháng 11/1973, là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 1 mới được thành lập; tháng 4/1974, là Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 mới được thành lập; tham gia Bộ chỉ huy Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974; tháng 3/1975, trực tiếp chỉ huy mũi tiên phong của Quân đoàn 2, thực hiện "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng", tiến hành liên tiếp các trận đánh giải phóng Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Cực Nam Trung bộ; tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy lực lượng cơ động của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ông là chỉ huy cấp quân đoàn đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập.
Năm 1976, ông là phó giám đốc Học viện quân sự cao cấp (nay là học viện Quốc phòng). Năm 1977, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiến của QĐ ta sau khi thống nhất đất nước, ông được phong hàm thiếu tướng. Tháng 2 năm 1979, là Tư lệnh Quân đoàn 5 mới được thành lập, kiêm Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn, chiến đấu chống quân xâm lược phía Bắc. Tháng 2/1981, Ông là Phó Tư lệnh - Tham Mưu Trưởng Quân khu 1, tham gia chỉ huy chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang năm 1984 -1985; tháng 6 năm 1990 là cục trưởng Cục khoa học quân sự, Bộ QP.
50 năm quân ngũ, cuộc đời ông gắn liền với những năm tháng ác liệt, gian khổ, sôi động của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Ông đã trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh nổi tiếng. Ông được coi là một trong “Tứ đại sư trưởng” đánh trận giỏi của QĐND Việt Nam; là một trong những vị tướng am tường hàng đầu về chiến tranh phòng ngự, phản công.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, đánh giá: "Nói đến đ/c Hoàng Đan - tướng Hoàng Đan, toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự ...Đồng chí còn là một nhà giáo, nhà quản lý khoa học quân sự giỏi, với dày dặn kinh nghiệm qua thực tiễn chiến trường nhiều năm nên ông có uy tín lớn trong quân đội và nhân dân ta. Tuy ông đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi ông được quân đội mãi mãi học tập".
Thượng tướng, GS.NGND Hoàng Minh Thảo nhận xét: “Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông không chỉ là một nhà chỉ huy tài giỏi, mà còn là một nhà lý luận quân sự xuất sắc….. những gì Ông để lại cho đời sau là rất quý báu, rất có giá trị”.
Ông cũng rất nặng tình, nặng nghĩa với quê hương. Ông đã trực tiếp và vận động con cháu hỗ trợ phát triển KT-XH xã nhà như làm đường liên thôn, xây dựng trạm biến áp điện, xây trường cấp 2 .v.v.
Năm 2014, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 2021, Nhà lưu niệm Hoàng Đan tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Thượng tướng Nguyễn Chơn (1927 - 2016), quê quán huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí là đoàn viên thanh niên xã; ngày 15-2-1946, đồng chí nhập ngũ, là chiến sĩ Tiểu đoàn 19, tỉnh Quảng Nam, tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp ở chiến trường miền Trung Nam Bộ (Khu 5); ngày 1-11-1949, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1949 đến tháng 4-1956, đồng chí giữ các chức vụ Tiểu đội trưởng; Trung đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 210, Sư đoàn 305.
Tháng 5-1956 đến tháng 4-1958, đồng chí được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân (Khóa 10).
Tháng 5-1958 đến tháng 3-1959, đồng chí giữ chức Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 305.
Tháng 4-1959 đến tháng 1-1965, đồng chí là cán bộ tham mưu, Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Khu 5.
Tháng 2-1965 đến tháng 7-1970, đồng chí giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 9; Trung đoàn phó-Tham mưu trưởng, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2; Tham mưu phó, Tham mưu trưởng, rồi Phó tư lệnh Sư đoàn 2, Khu 5.
Tháng 8-1970, đồng chí được cử ra Bắc công tác và sau đó tháng 10-1970 được điều trở lại chiến trường Khu 5.
Tháng 10-1970 đến tháng 12-1976, đồng chí giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 2, Sư đoàn 711, Khu 5.
Tháng 1-1977 đến tháng 2-1979, đồng chí được cử đi học bổ túc văn hóa, sau đó được đi học tại Học viện Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 3-1979 đến tháng 11-1979, đồng chí giữ chức Phó tư lệnh Quân đoàn 2.
Tháng 12-1979 đến tháng 11-1983, đồng chí giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 2.
Từ tháng 9-1982 đến tháng 11-1983, đồng chí được cử đi học tại Học viện quân sự Vôrôsilôp (Liên Xô).
Tháng 12-1983 đến tháng 11-1984, đồng chí giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5.
Từ tháng 12-1984 đến tháng 7-1987, đồng chí giữ chức Quyền Tư lệnh Quân khu 5 rồi Tư lệnh Quân khu 5, Phó bí thư Đảng ủy quân khu.
Tháng 8-1987 đến tháng 11-1993, đồng chí giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân Nhân dân Việt Nam.
Tháng 12-1993 đến tháng 12-1998, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1979, Trung tướng năm 1984, Thượng tướng năm 1988.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) và lần thứ VII (tháng 6-1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí là đại biểu Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII (1987-1992).
Tháng 1-1999, đồng chí được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu.
Do có nhiều công lao, đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1970); Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhì; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, Báo QĐND