"Nhớ thời học Văn hóa trong TNXP dưới làn bom rơi đạn nổ" - Ký ức của Bùi Hoằng
NHỚ THỜI HỌC VĂN HÓA TRONG TNXP
DƯỚI LÀN BOM RƠI ĐẠN NỔ
Đầu năm 1965 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Lực lượng TNXP được tập trung với tinh thần “ Ba Sẵn Sàng”. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 71/TTg và giao cho Bộ lao động, Bộ Giao thông vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, tổ chức lực lượng TNXP tập trung chống Mỹ cứu nước. Nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, một lần nữa hàng vạn Thanh niên ở khắp các mọi miền đất nước lại nô nức gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Với khí thế :
“ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Theo tinh thần của chỉ thị 71/TTg, Lực lượng Thanh niên xung phong được học văn hóa và kỹ thuật, có giáo viên chuyên trách dạy văn hóa. Được quan tâm thích đáng đến các hoạt động văn hóa khác. Lực lượng TNXP được thành lập cùng thời điểm đó Ty giáo dục tỉnh thành, phòng giáo dục các huyện thị, đã điều động các thầy giáo có chuyên môn đi dạy học cho TNXP. Ở các Đại đội được bố trí hai giáo viên dạy cấp 1 một và dạy cấp 2 một. Ngoài ra các đơn vị các đồng chí có trình độ lớp 7/10, lớp 10 và cả các đồng chí có trình độ lớp 8, lớp 9 làm giáo viên, đồng thời bố trí các lớp sao cho vừa đảm bảo được nhiệm vụ bảo đảm giao thông vừa đảm bảo nhiệm vụ dạy học. Chương trình học theo chương trình của ngành giao dục đối với TNXP.
Đối với lực lượng TNXP họ luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn, không sợ hy sinh, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu vì Độc lập, tự do của Tổ quốc. TNXP chống Mỹ cứu nước họ luôn nhận thức được rằng : “ Đứng trên đình núi ta thề, chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương”. Khi gia nhập lực lượng TNXP hầu hết tuổi đời còn rất trẻ chỉ mười tám, đôi mươi, thậm chí có người chỉ 17 hoạc 16 tuổi, vẫn viết đơn tình nguyện lên đường. Tuy nhiên trình độ văn hóa không đồng đều, chi một số có trình độ lớp 7, 8 rất ít người có trình độ lớp 10/10. Còn đa số lớp 3,4,5 thậm chí có người chưa biết đọc, biết viết. Trong thời kỳ chiến tranh việc học văn hóa trong TNXP là một việc mới, trường lớp không có phải nhờ nhà dân, đối với các đơn vị TNXP trong Trường Sơn thì dùng lán trại, thậm chí gốc cây bờ suối làm lớp học, có khi ngay trên tuyến đường tranh thủ lúc giải lao. Có Tiểu đội lên tuyến ban ngày thì buổi tối dạy văn hóa, hoặc lên tuyến ban đêm thì ngày dạy văn hóa…
Trong điều kiện chiến tranh máy bay Mỹ đánh phá liên tục, nhiệm vụ đảm bảo giao thông là trọng tâm, vì vậy các đơn vị phải bố trí hài hòa để hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù chiến tranh ác liệt, cái sống, cái chết cận kề, những giáo viên cũng phải khắc phục khó khăn để đảm bảo việc dạy văn hóa. Nhiều người khi vào TNXP chưa biết chữ hoặc biết còn hạn chế nhưng sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ trở về đã đọc thông viết thạo. Có người tự viết thư về cho gia đình, khi gia đình nhận được thư thấy ngạc nhiên và vô cùng phấn khởi và xúc động trước sự tiến bộ của con mình.
Trong TNXP việc học văn hóa rất nhiều bất cập, thiếu thốn đủ thứ nào sách giáo khoa, giấy bút…Trong Trường Sơn lúc bấy giờ học viên phải dùng giấy bọc thuốc mìn làm vở, bảng thì ghép từ các mảnh gỗ của thùng đựng mìn…Đối với TNXP các nhiệm kỳ 1,2,3 khi hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên cho đi học tại các trường Trung cấp đường sắt, đường bộ, trường công nhân kỹ thuật, các trường Đại học…Sau khi tốt nghiệp tiếp tục công tác trong ngành Giao thông vận tải. Nhiều người đã phấn đấu trở thành những cán bộ trong các cơ quan xí nghệp, các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong môi trường TNXP không những các học viên mà bản thân các thầy giáo cũng trưởng thành, sau này trở thành cán bộ nhiều thầy giáo sau khi hoàn thành nhiệm vụ giáo viên trong TNXP thì được chuyển về ngành giáo dục, các cơ quan của Nhà nước tiếp tục công tác cho đến khi nghỉ hưu./
Bùi Văn Hoằng
CTV trang TT& BTTS
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn