LONG ĐẠI MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Truyện ký
Chiếc xe của Sở Du lịch Thanh Hóa chở đoàn chúng tôi đi thăm lại chiến trường xưa vào một ngày cuối xuân. Xe xuất phát ở thị trấn Hà Trung lúc sáu giờ sáng mà mười giờ trưa đã vượt qua Đèo Ngang để sang đất Quảng Bình. Đường xá thời mở cửa có khác, xe chạy tốc độ năm sáu chục ki lô mét mà cứ êm ru. Nhà cửa, cây cối hai bên đường cứ loang loáng lùi nhanh về phía sau. Xe vào thị xã Đồng Hới, tốc độ giảm dần, rồi dừng lại trước Sở Du lịch Quảng Bình. Anh Tấn đoàn trưởng thông báo:
- Trong khi chờ chúng tôi làm việc với Sở Du lịch và Tỉnh Hội cựu chiến binh, anh em tranh thủ giải lao, uống nước, nhưng nhớ đừng đi đâu quá xa đấy nhá.
Mọi người tản vào các quán xung quanh để tránh cái nắng đầu mùa. Không đầy ba mươi phút sau mọi công việc hoàn tất, xe chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh hướng về phía nam theo quốc lộ 15. Trục đường mà trong thời chiến tranh chống Mỹ, đã cõng trên mình hàng vạn tấn hàng hóa, đạn dược, đồng thời in dấu không biết bao nhiêu bàn chân của chiến sỹ ta ra trận.
Kia rồi cây cầu vươn mình nối hai bờ sông Long Đại, một địa danh ác liệt thời chiến tranh. Xe chúng tôi qua cầu Long Đại, rồi rẽ vào thôn Xuân Dục, điểm đầu tiên trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Xe dừng lại tại một bãi đất gần đầu làng. Sau khi đoàn trưởng thông báo chương trình nghỉ ngơi và thăm viếng, tôi và Nhuận sách cặp rẽ vào một ngõ nhỏ. Vẫn làng xóm xưa, nhưng tôi thật khó tìm lại bóng dáng xóm làng của những ngày cách đây hơn ba mươi năm. Những mái rạ lúp xúp một thời đã được thay bằng những căn nhà cao hai ba tầng, đường điện sáng, điện thoại chạy ngang chạy dọc khắp xóm. Đường làng được bê tông hóa. Quán xá, máy xay xát gạo, hiệu may, hiệu sửa chữa đồng hồ, ty vi… có cả, chẳng kém gì thị xã, thị trấn. Đi được một đoạn chúng tôi gặp một cô gái chừng hai lăm hoặc hai sáu tuổi dắt xe đi tới. Lưỡng lự một lát tôi lên tiếng:
- Cô làm ơn cho chúng tôi hỏi thăm nhà bà cụ Đức, có con trai tên là Đức, con gái là Duyên và Luyến thôn Xuân Dục!
Cô gái dừng xe, nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi lễ phép thưa:
- Hai bác hỏi bà cháu ạ - Rồi cô gái hạ giọng - Dạ, bà cháu mất rồi ạ.
- Thế cháu là…
- Dạ, cháu là Lan, con mẹ Luyến ạ.
Tôi nói:
- Bác là Hà và đây là bác Nhuận C449 Thanh Hóa. Hơn năm mươi năm trước, các bác đóng quân ở đây, hai bác ở trong nhà cháu. Lúc bấy giờ mẹ cháu còn trẻ hơn cháu bây giờ.
Chúng tôi được cô gái mời vào nhà. Một căn nhà mái bằng rộng chừng hai chục mét vuông, nền lát đá hoa trang nhã. Đồ đạc trong nhà giản dị nhưng kê bày gọn gàng, hợp lý. Phía ngoài khoảnh sân hẹp là khu vườn cây ăn quả, đủ các loại cây, cây nào cũng trĩu quả, chứng tỏ chủ nhân là người yêu ruộng vườn và có bàn tay chăm chỉ. Tôi không thể nào nhận ra một chút dấu vết nào của ba mươi năm trước. Cảnh vật đã thay đổi quá nhiều.
***
Tháng 5 năm 1972 đơn vị chúng tôi nhận được lệnh hành quân tức tốc từ ki lô mét 72 đường 10 ra Quảng Bình. Địa điểm dừng chân đầu tiên là thôn Lộc Long. Sau khi ổn định, một số anh em trong đơn vị được tăng cường cho Ban hậu cần của Trung đoàn, một số tăng cường cho Trung đội thông tin. Riêng Trung đội 1 của chúng tôi do đồng chí Tấn làm Trung đội trưởng, tức tốc hành quân ra Xuân Dục, để chốt giữ phà Long Đại. Nói đến Long Đại là nói đến một địa danh ác liệt trên tuyến quốc lộ 15. ở đây bọn Mỹ ném bom không kể ngày đêm. Ngoài ra chúng còn dùng pháo tầm xa từ ngoài biển bắn vào. Xuân Dục là một thôn nằm ở phía bờ nam phà Long Đại, nhân dân trong thôn đều phải đi sơ tán. Lực lượng còn lại chủ yếu là thanh niên, dân quân tự vệ. Nhưng nhìn chung người dân ở đây tỏ ra kiên cường bám trụ để sản xuất và phục vụ chiến đấu. Với tình hình chiến sự như vậy nên mọi nhà trong thôn lấy căn hầm chữ A làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi hàng ngày.
Tiểu đội chúng tôi gồm có tôi, Cự, Nhiên, Nhuận ở nhà mẹ Đức. Mẹ có ba người con: Chị Duyên, Đức và Luyến. Đức đang học ở trường Trung cấp Thủy sản ở tận Hải Phòng. Công việc nhà chủ yếu là do hai chị em Luyến đảm nhiệm. Mặc dù ở trong cùng một mái nhà, nhưng ít khi anh em chúng tôi được trò chuyện với Luyến. Bởi lẽ công việc của mỗi chúng tôi khác nhau, khi chúng tôi về nhà thì Luyến lại ra đồng hoặc ở đội trực chiến. Chúng tôi coi Luyến như em gái. Hễ cứ về đến nhà là Luyến lại đem quần áo của chúng tôi ra giặt bằng hết. Em còn đem quần áo rách của chúng tôi lên chốt trực chiến tranh thủ khâu vá. Mẹ Đức thương chúng tôi như con đẻ. Mỗi khi chúng tôi về muộn là mẹ bồn chồn không yên. Hôm nào máy bay đánh phá ngoài bến phà thì mẹ như người đang đứng giữa tổ kiến lửa. Chỉ khi nào anh em chúng tôi về đầy đủ, không ai việc gì thì mẹ mới yên lòng.
Nhiều đêm, chúng tôi phải ở lại trên tuyến đến suốt sáng, khi về mẹ lại dành căn hầm cho chúng tôi nghỉ, hàng ngày có củ khoai, bắp ngô là mẹ lại để dành cho.
Một lần, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22/12. Trung đội chúng tôi đang tổ chức giao lưu văn nghệ với chi đoàn địa phương, cuộc vui mới bắt đầu được chừng ba mươi phút, thì một tốp ba chiếc F4 lao từ biển vào, ném bom và bắn rốc két xối xả xuống đoàn xe đang nối nhau qua phà. Tất cả chúng tôi lập tức lao lên tuyến để cứu xe, cứu hàng và lấp hố bom. Khi chiếc xe cuối cùng qua phà, thì từ phía tây hai chiếc F4 bất ngờ lao đến, bắn xối xả xuống đội hình chúng tôi. Lúc này chúng tôi chỉ kịp lăn xuống rãnh tăng xê hai bên đường, khói bụi mù mịt, mặt đất rung chuyển. Cách bến phà phía nam chừng hai mươi mét, một chiếc xe đầy hàng bị trúng đạn bốc cháy. Bất chấp nguy hiểm, tất cả lại nhào lên cứu xe, cứu hàng. Khi bọn cướp Mỹ đã đi xa, khói bom tan dần và mặt đất trở lại bình yên thì tất cả chúng tôi đã thấm mệt. Tuy nhiên mọi người đều vui mừng vì không ai bị hy sinh, chỉ một số đồng chí bị thương, đã được kịp thời đưa đi cấp cứu tại bệnh viên quân y 112. Lúc này trong thôn đã lác đác vài con gà cất tiếng gáy, phía đông trời đã ửng hồng.
***
- Thế các bác vào chơi ở đây được lâu không ạ. - Cô gái tên là Lan lễ phép hỏi làm cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi.
- Các bác chỉ ở đây buổi chiều nay thôi, tối đoàn về nghỉ ở thị xã Đồng Hới để sáng mai đi vào đường 10 lên Ngã Ba Dân Chủ.
- Thế ạ. Tiếc quá nhỉ, thế là mẹ cháu không được gặp các bác rồi. Mẹ cháu mới ra Quảng Trạch thăm bác Duyên sáng nay. Bác Duyên cháu vết thương cũ tái phát đi viện đã mấy hôm nay rồi.
Chúng tôi thắp mấy nén nhang lên bàn thờ cụ Đức. Bà cụ Đức mất đã gần chục năm. Qua câu chuyện với cháu Lan, chúng tôi được biết: Hồi ấy, sau khi học xong Trung cấp thủy sản ở Hải Phòng thì cũng đúng vào lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đức trở về quê và công tác ở Sở Thủy sản Quảng Bình và “định cư” luôn ở đó. Chị Duyên thì đi lấy chồng. Còn Luyến, cuối năm 1975, em đi học Trung cấp kế toán và sau đó về làm tại Công ty xây dựng của Tỉnh. Bà cụ Đức ở với Luyến một thời gian thì Đức đón ra thị xã Đồng Hới, nhưng cụ không quen cảnh phố xá nên ở chưa được một năm Đức phải đưa cụ về quê. Cuối năm chín mươi tám thì cụ mất. Hiện nay Luyến đã nghỉ hưu. Chồng Luyến chính là đồng chí xã đội trưởng hồi chúng tôi đóng quân ở xã. Sau giải phóng anh về công tác ở Sở Giao thông tỉnh Bình Trị Thiên. Anh là Thương binh hạng hai trên bốn và cũng đã nghỉ hưu. Dạo này anh đang được tỉnh cho đi nghỉ điều dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng của tỉnh. Còn cô gái dẫn chúng tôi về nhà tên là Lan là con đầu của Luyến, hiện là giáo viên mầm non và cũng đã có gia đình, Luyến đã trở thành bà ngoại. Con thứ hai của Luyến tên là Tuấn, đang học lớp mười hai trên huyện.
Sau hơn năm mươi năm, chúng tôi trở lại mảnh đất một thời mịt mù khói bom, ì ùng đạn súng. Cảnh cũ không còn, người xưa vắng cả. Bồi hồi xúc động trước giây phút hồi hương, người mất, kẻ xa… Xúc cảm dâng đầy…
Chúng tôi từ biệt Xuân Dục trở về thị xã Đồng Hới để ngày mai lại tiếp tục cuộc hành trình. Xe chuyển bánh, để lại đằng sau một vệt mờ xa của xóm làng Xuân Dục với hình ảnh những người dân làng thuần hậu tràn đầy tình thương, với bến phà Long Đại oanh liệt của một thời đánh Mỹ mà khó có thể tả biết bao nỗi niềm bồi hồi xúc động trong tôi.
Bùi văn Hoằng
Hội viên HVHNTTS