Bác sỹ Tạ Lưu - Cựu chiến sỹ Trường Sơn năm xưa - Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"

Ngày đăng: 08:47 13/12/2024 Lượt xem: 223
BÁC SỸ TẠ LƯU- CỰU CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN NĂM XƯA 
    XỨNG DANH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”


  
                                                  
AHLLVTND, TTUT, Bác sỹ Đại tá Tạ Lưu. (Ảnh Tư liệu).

          Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Thầy thuốc ưu tú (TTƯT) Bác sỹ Tạ Lưu năm nay đã ở tuổi 94. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Tương Giang (nay là phường Tương Giang) thành phố Từ Sơn - vùng quê giàu truyền thống Cách mạng, Văn hiến và Khoa bảng. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả có điều kiện học tập từ nhỏ, lại thông minh, chăm chỉ, hoạt bát, nhanh nhẹn. Năm 14 tuổi Tạ Lưu đã tham gia công tác trong Tỉnh bộ Việt Minh, sau đó chuyển sang phục vụ ở Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Thái Nguyên, rồi tham gia Vệ quốc quân. Đến cuối năm 1946, khi cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Tạ Lưu được đi học lớp cứu thương. Cuộc đời của người chiến sỹ vệ quốc quân Tạ Lưu cũng từ đó gắn bó với các đơn vị bộ đội chủ lực. Dấu chân người chiến sỹ quân y Tạ Lưu đã in đậm ở khắp mọi chiến trường thuộc các Chiến dịch: Biên Giới, Hòa Bình, Trung Lào…góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “…Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu!”.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Tạ Lưu về nhận nhiệm vụ tại Ban hành chính chuyên môn thuộc Tổng khoa Ngoại, Viện Quân y 108. Những năm tháng công tác ở đây đã để lại trong ông bao kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là lần được Bác Hồ đến thăm Viện vào đầu tháng 4 năm 1955.  Nhìn thấy Bác, không ai bảo ai, mọi người từ các phòng làm việc, nơi điều trị… ùa ra, bao quanh lấy Bác cùng hô lớn: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Trong lòng người chiến sỹ quân y Tạ Lưu xốn xang, dâng trào hạnh phúc! Vì đây là lần đầu trong đời ông được gặp Bác, được nghe những lời ân tình của Bác: “Các thầy thuốc, các chiến sỹ quân y phải nâng cao tinh thần phục vụ hết lòng vì người bệnh”, “Thầy thuốc như mẹ hiền!...”. Lời của Người, cũng là lời hứa mà Tạ Lưu đã quyết tâm theo đuổi và thực hiện suốt cả cuộc đời hành nghiệp của mình.
Năm 1965, tốt nghiệp Học viện Quân y, Bác sỹ Tạ Lưu đã cùng nhiều đồng nghiệp viết đơn bằng máu tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Sau những ngày hành quân gian khổ, Tạ Lưu được điều về công tác tại Đội điều trị 14 - Binh Trạm 12, Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung. Với cương vị đội Phó phụ trách chuyên môn, ông đã lãnh đạo và trực tiếp cùng đồng nghiệp mổ cấp cứu hàng nghìn lượt thương binh, cứu sống hàng trăm ca hiểm nghèo. Đặc biệt trong những ngày tháng gian nan nhất trên tuyến lửa Trường Sơn, “ Thương binh cần người thầy thuốc đến”,với sáng kiến “Đội phẫu thuật lưu động”, ông đã cùng đồng nghiệp bất kể ngày đêm vượt qua quãng đường hàng chục ki lô mét, có khi tới cả trăm cây số, trước bom rơi, đạn nổ có mặt ở khắp các trận địa: Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Ka Tang, Cổng trời, Na Tông, Siêng Phan... trực tiếp mổ, cứu chữa hàng trăm thương binh, bệnh binh thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Có nhũng đợt máy bay phản lực, cả B52 đánh phá ác liệt, thương, bệnh binh đông, đón lại tại Đội điều trị tới hơn 500 người, trong đó có hơn 120 thương bện binh nặng, cần phải nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu. Toàn Đội phải chia nhỏ thành các ca, kíp làm việc liên tục suốt ngày đêm, nhiều y tá, bác sỹ còn ngất sửu bên bàn mổ; nhưng không có ai bỏ cuộc. Hầu hết các thương bệnh binh đều đã cứu chữa kịp thời, sau này vết thương mau lành, được tiếp tục trở lại đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu bên đồng đội.
Mùa khô năm 1967,  khu vực Siêng Phan trên đường Trường Sơn trở thành “toạ độ lửa”, địch điên cuồng đánh phá suốt ngày đêm. Đội Phó Đội điều trị 14, Binh trạm 12 Tạ Lưu một lần nữa đề xuất và xung phong trực tiếp chỉ huy một đội phẫu thuật mạnh, chốt ở trọng điểm để kịp thời cứu chữa các thương bệnh binh. Ở đây có đợt Đội phẫu thuật đã nhận một lúc 17, 18 thương binh, trong đó có nhiều thương binh bị vết thương vào ngực, vào bụng phải mổ suốt hai, ba ngày, đêm mới hết… Rồi ký ức không bao giờ quên với ông những ngày ở Trường Sơn. Đó là sau tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy điên cuồng mở những trận càn quét trả thù ở khắp miền Nam. Chúng gia tăng đánh phá miền Bắc. Đặc biệt trên tuyến đường Trường Sơn máy bay B52 đánh phá cực kỳ man rợ cả ngày lẫn đêm, hòng hủy diệt các trận địa pháo và các trọng điểm, vào bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Thương tâm nhất là chúng đánh cả vào nghĩa trang của Đội điều trị; bị đánh đi, đánh lại ba, bốn lần. Có nhiều nấm mộ mới vừa chôn cất hôm kia, hôm qua đã bị bom đánh bật tung. Đội điều trị lại huy động các y tá, y bác sỹ trong đơn vị ra tìm nhặt, thu lượm từng chiếc xương sọ, xương sườn, từng gióng xương chân, tay của đồng đội chôn cất lại. Và cứ mỗi lần như thế, lòng căm thù địch trong mỗi người chiến sỹ quân y càng nung nấu nhân lên; biến đau thương thành ý chí kiên cường của người chiến sỹ quân y, vượt mọi gian nguy thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó.
          Có lần gặp ca thương binh bị đứt động mạch đùi được Bác sĩ Tạ Lưu cùng kíp đứng mổ mấy tiếng đồng hồ, được cấp cứu kịp thời, thương binh được cứu sống, chi thể được bảo tồn… đây là ca phẫu thuật phức tạp, khó, nhưng đã thành công, gây tiếng vang lớn. Được tin Đội phẫu lần đầu giải quyết được trường hợp đặc biệt thành công, Binh trạm đã kịp thời tuyên dương, đồng thời thông báo cho toàn tuyến noi gương, học tập. Ai cũng thầm khen cảm phục đội phẫu thuật cơ động “Tuyến lửa” do bác sỹ Tạ Lưu đứng đầu đã “quên mình vì thương binh phục vụ”. Niềm vui đến bác sỹ Tạ Lưu - là người thầy thuốc duy nhất của Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Bộ đội Trường Sơn được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người năm 1968. Đặc biệt niềm vinh dự lớn đến với ông. Ngày 18/6/1969, ông được Chủ tịch Hồ Chí minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; rồi tiếp sau đó tập thể Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung do bác sỹ Tạ Lưu là Đội trưởng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Sau 5 năm liên tục phục vụ ở chiến trường. Năm 1972 bác sỹ Tạ Lưu được cấp trên cử đi học chuyên khoa tại Liên Xô. Năm 1975, với bằng “Bác sỹ chuyên khoa loại ưu” trở về nước, lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Chủ nhiệm khoa, rồi Phó viện trưởng, sau đó là Chính ủy - Viện trưởng Bệnh Viện quân y 110 Quân khu 1. Từ năm 1986 đến năm 1993, mặc dù ở cương vị người đứng đầu của Viện, với bao công việc phải lo toan, nhưng Đại tá - Bác sỹ Tạ Lưu vẫn dành thời gian cho việc nghiên cứu khoa học, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chính mình và các đồng nghiệp... Bởi vậy, bằng thực tiễn và nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, bác sỹ Tạ Lưu đã có 11 công trình khoa học được áp dụng trong điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ông đã cùng tập thể thầy thuốc của Viện, nghiên cứu thành công, đưa vào ứng dụng 40 đề tài khoa học phục vụ cứu chữa cho thương, bệnh binh. Với hàng trăm bài báo, chuyên luận, khảo cứu, bài học kinh nghiệm đăng trên các tạp chí của ngành, các báo Trung ương và địa phương… Nhân kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam, Anh hùng LLVTND, Đại tá, bác sỹ Tạ Lưu đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” đợt đầu tiên vào năm 1989.

 


 
 AHLLVTND,TTUT, Bác sỹ Đại tá Tạ Lưu hơn 90 tuổi vẫn miệt mài bên bản thảo sáng tác 
                                      .
          Sau gần 50 năm tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH. Năm 1993 bác sỹ Tạ Lưu mới chính thức nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường; khi ngừng tay dao, tay kéo bao nhiêu năm gắn bó, nguyện thề sống chết với nghề Y cùng đồng đội nơi chiến tuyến. Anh hùng LLVTND, Đại tá, TTƯT bác sỹ Tạ Lưu quyết định chuyển sang nghề “cầm bút”, và trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Ông đã thai nghén và cho ra đời gần 20 “đứa con” tinh thần với các thể loại văn học như: Truyện ký “Trong thung lũng Trường Sơn”  được Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 1997; rồi tiếp đó tập Ký “ Người quanh ta” Nhà xuất bản QĐND năm 2004; “Danh ngôn bốn phương” Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2006; Truyện người tốt việc tốt “Những tấm gương sống giữa đời thường” Nxb Công an Nhân dân năm 2007; Truyện ngắn “Bên dòng sông Tiêu Tương” Nxb Công an Nhân dân; Truyện ký “Thời áo lính” Nxb Y học năm 2009; Truyện ký “Trường Sơn máu, lửa và hoa” Nxb Hội nhà văn năm 2014… Ngoài ra ông còn có hàng trăm tác phẩm được in chung trong Tuyển tập Văn, Thơ của Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, và trên các báo, tạp chí của các Bộ, Ngành, ở Trung ương và của tỉnh. Hàng chục tác phẩm văn học của ông đã được nhận giải Văn học từ Trung ương đến địa phương. Điều đáng trân trọng, khích lệ là đã có hàng chục tác phẩm của ông tham gia dự thi ở các ngành, các cơ quan Trung ương, địa phương được trao giải như: Thương binh cần thầy thuốc đến, giải Ba Bộ quốc phòng năm 2000; Chuyện kể về người nữ chiến sĩ quân y, giải Khuyến khích Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh; Những kỷ vật kháng chiến và Chiếc đèn Đi-na-mô, giải Nhì và giải Ba Bộ quốc phòng năm 2010; Ký ức gia đình thắp sáng tương lai, giải Nhì Tạp chí gia đình năm 2010; Thư từ tuyến lửa và Bác Hồ ra trận, giải Nhì và giải Ba của Ban Tuyên giáo Bắc Ninh năm 2011, 2013; Người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, giải Ba Báo chí Ngô Gia Tự. Trong thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ để Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Trung ương và tỉnh Bắc Ninh tổ chức, nhà văn Tạ Lưu đã đạt giải Văn học xuất sắc năm 2008; tác phẩm Mùa khô ở Trường Sơn đạt giải nhất Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh năm 2019… Ông là một trong những người có nhiều kỷ vật mang đến cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Đường Trường Sơn, Bảo tàng Quân khu I, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh…Trong đó có nhiều kỷ vật đặc biệt quý hiếm mà ông và bà (cũng là lính quân y chống Pháp và chống Mỹ) đã cất giữ được, để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và giữ nước cho các thế hệ mai sau.
Xuân Ất Tỵ này, Anh hùng LLVTND, Đại tá, TTƯT Bác sỹ Tạ Lưu đã bước sang tuổi 95, với 75 năm tuổi Đảng. Bước đi không còn nhanh nhẹn như những ngày nào, nhưng ông vẫn minh mẫn tinh tường, luôn giữ vững nêu cao phẩm chất đức tính cao đẹp của người “Thấy thuốc Quân y ”. Ông thật sự xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.
            
 Bài và ảnh: Phạm Huy Chương
 Hội viên Hội VHNT tại Bắc Ninh

 

tin tức liên quan