Một tác phẩm chân thực, xúc động viết về Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Đất Tổ
MỘT TÁC PHẨM CHÂN THỰC, XÚC ĐỘNG
VIẾT VỀ NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN ĐẤT TỔ
Đoàn Hải Hưng
Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản tập sách: “Nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ”.
Tác giả chính của tập sách này là cựu chiến binh Vi Văn Định – Trưởng ban liên lạc Hội CCB Sư đoàn 355 tỉnh Phú Thọ. Mặc dù đã vào tuổi 70 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, giọng nói âm vang, nhiệt tình trong các công việc chung của Hội. Trong những năm qua, tôi đã được đọc nhiều bài thơ, nhiều bài báo của tác giả Vi Văn Định đăng trên Tạp chí Văn nghệ đất Tổ, báo Phú Thọ và một số báo, Tạp chí khác.
Tháng 10 năm 2024, ông cùng Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh, Trưởng Ban LL nữ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ - Mai Thị Thọ hoàn thành tác phẩm “Nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ”. Sách dày 180 trang, trên 80 ảnh màu minh hoạ.
Tập truyện ký “Nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ” gồm 5 chương:
-
Chương I: Những câu chuyện thời quân ngũ trên tuyến lửa Trường Sơn.
-
Chương II: Sáng mãi truyền thống nữ chiến sĩ Trường Sơn.
-
Chương III: Những kỷ vật của nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ.
-
Chương IV: Một số hình ảnh về hoạt động của BLL nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Tôi cũng là một cựu chiến binh Trường Sơn, công tác chiến đấu ở Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, vì vậy tôi rất xúc động khi được đọc tập Truyện ký này.
Chương I và chương II của tập sách là 12 câu chuyện cảm động, 12 hình ảnh đẹp của các nữ Chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ. Đó là nữ chiến sĩ Trường Sơn Lê Thị Hải Lý, trúng tuyển ba trường Đại học đã xung phong lên đường nhập ngũ, nữ Y tá Trường Sơn Nguyễn Thị Khôi, ba lần hiến máu cứu đồng đội, nữ Giao liên Trường Sơn Trần Thị Tân, 3 lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Việt, băng rừng lội suối tải hàng trên những cung đường Trường Sơn…
Kết thúc chiến tranh trở về cuộc sống đời thường, các nữ Chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là tình yêu, tình nghĩa vợ chồng sâu nặng của cô Y tá Lê Thị Sâm với anh Thương binh nặng loại I Nguyễn Văn Thắng, là nữ chiến sĩ Trường Sơn Mai Thị Thọ - 4 con bị chất độc màu da cam và lần lượt qua đời song vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, có nhiều đóng góp với Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Phú Thọ và Ban LL nữ Chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh. Đó là gương sáng của nữ Y tá chiến sĩ Trường Sơn Hoàng Thị Hùng, hơn 20 năm gắn bó với làng trẻ em SOS từ Hà Nội về Việt Trì (Phú Thọ), chị Hùng nữ Chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã tận tình chăm sóc nuôi dạy14 trẻ mồ côi trưởng thành.
Chương IV: Một số hình ảnh về hoạt động của Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ, trong đó có một số bức ảnh quý về các cuộc gặp mặt, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam và cấp uỷ của Đảng, Chính quyền địa phương, các cơ quan – doanh nghiệp với Hội TT Trường Sơn tỉnh Phú Thọ nói chung, với nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ nói riêng.
Chương V: “Những tác phẩm ca ngợi nữ chiến sĩ Trường Sơn” có 1 bài hát và 10 bài thơ của tác giả Vi Văn Định. Bài hát “Bài ca nữ chiến sĩ Trường Sơn” (nhạc và lời: Lê Đắc Tư) và các bài thơ như “Trường Sơn - một thời hoa lửa”, “Nữ chiến sĩ Trường Sơn”, “Trường Sơn – một thời con gái”, “Làm gì để xứng với Trường Sơn”… là những tác phẩm ấn tượng, xúc động, có sức lan toả rộng lớn.
Có thể nói, tập truyện ký của hai CCB Vi Văn Định và Mai Thị Thọ là một tác phẩm chân thực, xúc động viết về “Nữ chiến sĩ Trường Sơn đất Tổ”.
Một thời Trường Sơn, một thời đạn bom, một thời để nhớ. Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh gian khổ, ác liệt nhất song cũng đầy vinh quang và tự hào luôn hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn và Thanh niên xung phong Trường Sơn. Trường Sơn vẫn vẹn nguyên khắc khoải và nóng bỏng trong từng hơi thở, trong mỗi con tim cácCCB Trường Sơn nói chung, nữ chiến sĩ Trường Sơn nói riêng.
ĐOÀN HẢI HƯNG
Uỷ viên Ban Thường vụ Hội TT Trường Sơn tỉnh Phú Thọ
Uỷ viên BCH Hội Liên hiệp Văn học NT tỉnh Phú Thọ