“Nhớ mùa Xuân Tân Tỵ năm ấy! Bác Hồ về Tổ quốc lo toan việc nước” – TG: Phạm Huy Chương.

Ngày đăng: 07:40 28/01/2025 Lượt xem: 26
-------------------
 
NHỚ MÙA XUÂN TÂN TỴ NĂM ẤY!
 BÁC HỒ VỀ TỔ QUỐC LO TOAN VIỆC NƯỚC.

Phạm Huy Chương.

 
       Lịch sử đất nước Việt Nam, thường được gắn liền với mùa xuân. Mùa xuân lại mở đầu của năm mới, mang đến cho mỗi người những ước mong, khát vọng, điều tốt đẹp nhất. gửi gắm, đặt niềm hy vọng vàò cả xuân sang! Một trong những mùa xuân ấy, người dân Việt Nam mình, há ai quên mùa xuân Ất Tỵ năm 1941, tận đầu nguồn biên cương phía Bắc Tổ quốc đã đón nhận một người con ưu tú của nước Việt, sau 30 năm bôn ba khắp bốn biển, năm châu. Nay đã trở về cùng cả dân tộc đứng lên lo toan việc nước.
       Trong tâm trí nhiều người dân Sài Gòn năm ấy vẫn còn nhớ mãi không quên để truyền kể lại cho lớp cháu con, ký ức một buổi chiều ngày 5/6/1911 năm ấy! Người thanh niên yêu nước mang tên Văn Ba làm phụ bếp trên con tàu Amiral La Tou Che De Tre VitLe đã dời cảng Sài Gòn đi Pa ri – Pháp. Với chỉ một mưu cầu và ước nguyện; tìm con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than do Đế quốc thực dân đô hộ từ thế kỷ nay.
       Dấu chân của người phụ bếp Văn Ba, sau này là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc… - trên đất khách, đã in dấu chân của Người khắp các nước ( Á, Âu, Phi, Mỹ la tinh…). Nguyến Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Lê Nin.  Người đã gia nhập Đảng xã hội Pháp (đầu năm 1919); đến mùa hè năm 1920. Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên tiếp cận bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương của Lê Nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.”. Rồi Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III và trở thành một trong những sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp (30/12/1920).Với vai trò là thành viên Quốc tế cộng sản. Ở đâu, trên đất nước nào? Nguyễn Ái Quốc đều tích cực hoạt động, ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào phong trào yêu nước của giai cấp nhân dân lao động, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đi theo con đường Lê Nin mà Người đã lựa chọn…
       Trước diễn biến và thay đổi sâu sắc tình hình cách mạng trong nước và nước ngoài vào những năm 1939-1940. Đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man phong trào cách mạng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị địch bắt, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng bị bắt, hệ thống tổ chức đảng bị địch phá vỡ. Tình thế lúc đó buộc Đảng đã phải thành lập ra Ban Trung ương Lâm thời tại Hội nghị Trung ương vào tháng 11-1940 ở Đình Bảng, Bắc Ninh...Ở ngoài nước lúc này. Thủ đô Paris đã bị quân Phát xít Đức xâm chiếm. Người triệu tập một cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng tại Trung quốc khi đó, phân tích cặn kẽ: “Việc Pháp bị mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy lúc này hơn lúc nào hết, ta phải tìm mọi cách trở về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
       Đầu tháng 1-1941, tại Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) cách biên giới Trung Quốc – Việt Nam khoảng 50 km, Bác cùng với các đồng chí Phùng chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh…vừa từ trong nước được Trung ương cử sang gặp Bác. Sau khi nắm tình hình trong nước. Bác tổ chức cấp tốc một lớp huấn luyện chính trị là những cán bộ cách mạng, thanh niên yêu nước từ Cao Bằng mới đưa sang để chuẩn bị nhân lực cho cách mạng trong tình hình mới.
       Sau gần một tháng lớp huấn luyện kết thúc vào ngày 26/1/1941, (tức ngày 29 tháng Chạp thiếu). Đúng giữa vào lúc bà con dân bản đang nhộn nhịp không khí “tất niên” ở mỗi gia đình, đón Xuân Tân Tỵ. Sáng mồng 1 Tết Tân Tỵ (là 27/1/1941). Theo lịch công tác của Người đặt ra: từ sáng xuân Bác cháu đi chúc tết đồng bào; nhanh nhẹn trong bộ quần áo chàm người Nùng. Trên tay chống  chiếc gậy, quần xắn cao trông giản dị, thật gần gũi. Đến mỗi nhà, Bác đều mang đến một tờ giấy hồng điều có đề thư chúc Tết mà tự tay Bác viết dòng chữ: “Cung chúc Tân niên”( Chúc mừng Năm mới). Còn các cháu nhỏ thì nhận được phong bao mừng tuổi, mỗi gói một xu đồng. Bác chúc mọi người trong gia đình sang năm mới mạnh khỏe, đời sống kinh tế đầy đủ, tăng tiến mãi... Bà con bản làng, ai cũng cảm động được đón tiếp Người đến mừng xuân,  đón Tết. Rồi được  tiễn Bác cùng đoàn ra về đầy lưu luyến, ân tình như người ruột thịt trong nhà. Đó cũng chính là lời chào giã biệt mà không ai biết, để rồi ngay trưa hôm ấy Bác lên đường về nước.
        Quá trưa mồng một Tết Tân Tỵ, đúng giờ đã định. Các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc bí mật đưa Bác lên đường về nước theo đường dây của tổ chức đã bố trí. Sau gần một ngày đêm hành trình quốc bộ không nghỉ, vừa băng rừng, vượt đèo, lội suối mấy chục cây số… chiều ngày 28/1/1941( tức mồng 2 tết Tân Tỵ). Đoàn về nước của Bác đã qua cột mốc 108, (nay là cột mốc 675 thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng). Người xúc động bồi hồi đứng lặng hồi lâu, rồi ôm hôn cột mốc vào lòng, nghẹn ngào dâng tràn nước mắt…đã trở về đất mẹ Tổ quốc.
        Điểm dừng chân đầu tiên về nước là nhà ông Lý Quốc Súng (tức Máy Lỳ), một cơ sở cách mạng vùng ven biên giới. Đêm đó, Bác cùng đoàn đón xuân, ăn Tết với gia đình ông Súng. Lần đầu tiên, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, nay Bác mới được hưởng một cái Tết cổ truyền dân tộc, thật ấm cúng và thật tình cảm với đồng bào ở ngay trên quê hương, đất nước mình. Sau khi khảo sát, tìm hiểu qua các cộng sự. Với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài, Bác phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ có đủ “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa Cách mạng. từ đó mở rộng ra toàn quốc. Để đảm bảo thuận lợi, nhưng giữ được bí mật đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức. Bác chuyển đến chỗ ở và làm việc kín đáo hơn. Đó là hang Cốc Bó nằm ở lưng chừng núi (tiếng nùng là đầu nguồn) thuộc bản Pắc Bó. Hôm Bác dời về ở trong hang này là ngày 8/2/1941, đúng 12 ngày sau Bác về nước. Nơi đây địa thế hiểm trở, ngay trong hang có đường ngách ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, khi cần thiết có thể rút lui an toàn. Phía dưới cách cửa hang chừng 50 m có con suối nước trong mát lạnh chảy cả bốn mùa được Bác đặt tên là “Suối Lê Nin”, một ngọn núi hùng vĩ bên bờ suối được Bác đặt tên gọi “Núi Các Mác”. Chính bài thơ ‘Pắc Bó hùng vĩ” được Người sáng tác trong thời gian này.
            Non xa xa, nước xa xa,
            Nào phải thênh thang mới gọi là
            Đây Suối Lê Nin kia núi Mác
            Hai tay xây dựng một sơn hà.
       Cũng ngay trong thời gian này và ngay tại không gian bên “Suối Lê Nin” này, Người đã dùng một tảng đá to, kê ngay bên bờ suối làm bàn viết. Ngày ngày Người ngồi dịch cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Nga” ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện cho đảng viên. Bởi thế trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” Bác đã viết:
            Sáng ra bờ suối tối vào hang
          Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
            Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
            Cuộc đời cách mạng thật là sang.
       Mùa xuân Tân Tỵ 1941 Bác về nước – Từ hang Pắc Bó này đã ghi một trang sử mới rực rỡ của dân tộc, làm nên những mốc son tô thắm trang sử vàng đáng nhớ với mỗi người dân đất Việt. Từ mùa xuân Tân Tỵ - Từ hang Pắc Bó này. Bốn tháng sau Bác về nước. Ngày 10/5/1941, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng, dưới sự chủ trì của Người. Hội nghị đã kiện tòan cơ quan cao nhất của Đảng. Bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương; Hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này. Và để tháng 12/1944 Người chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”( tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam). Tháng 5/1945 Bác và Trung ương từ Cao Bằng về Tân Trào tỉnh Tuyên Quang. Người triệu tập Hội nghị Toàn quốc của Đảng, và Đại Hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tháng 8/1945 Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCNVN). Và để rồi cả dân tộc chúng ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu” kết thúc ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp và phong kiến. Rồi Bác và Trung ương lại tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, dân cả nước bước vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hơn 20 năm, làm nên mùa xuân đại thắng 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội – Để có Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, chưa bao giờ có vị thế trên trường Quốc tế như hôm nay.
       Mừng xuân Ất Tỵ. Kỷ niệm 84 năm – ngày Bác Hồ về Tổ quốc lãnh đạo kháng chiến kiến quốc (tháng 2/1941-2/2024). Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước (2/9/1945-2/9/2025). Tưởng nhớ công ơn Người. Xin được ghi lại mấy dòng khoảnh khắc cuộc đời hoạt động của Người sau 30 năm bôn ba năm châu, bốn biển…. Người đã trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng, lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Và để mỗi chúng ta hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết: “Cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại, đã trọn đời hy sinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân!”. 

Phạm Huy Chương
Hội Trường Sơn Bắc Ninh
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT 0913596445

----------------------------------------------------------------
*Nguồn T/L tham khảo.

-Hồ chí Minh Tuyển tập nxb ct Quốc gia 2002.
-Tuyển tập truyện Ký về Hồ Chí Minh nxb T/N 2020.
 

tin tức liên quan