Đầu năm 1957, Sư đoàn 338 từ Thanh Hóa hành quân ra thay thế Sư đoàn 304 đang đóng đại bản doanh tại Xuân Mai. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn quê ở Nam Bộ, một số ít quê ở các tỉnh Khu 5.
Bác Tô Ký lúc này đang là phái viên tại Tổng cục Chính trị đã được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Sư đoàn 338. Hơn 8 năm ở Xuân Mai (1957-1965), Sư đoàn 338 có biết bao kỷ niệm mà tôi mãi mãi không quên.
Bố tôi là bộ đội chống Pháp, ông phục viên về mở tiệm Việt Long ảnh quán ở Xuân Mai. Ông được Phòng Tham mưu Sư đoàn 338 chọn là người chụp ảnh chứng minh thư cho cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn. Đại úy Nguyễn Văn Bảo, Trưởng ban Quân lực là người phụ trách việc chụp ảnh này. Vì thế, tôi nhiều lần được theo bố và được bác Bảo dẫn vào doanh trại tiểu đoàn, trung đoàn của Sư đoàn để chụp ảnh cho các chú bộ đội. Bố tôi còn chụp nhiều kiểu ảnh kỷ niệm để các chú bộ đội 338 dán vào bưu thiếp gửi về quê hương miền Nam...
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sư đoàn 338 là cuộc mít tinh phản đối vụ thảm sát ở nhà tù Phú Lợi (Thủ Dầu Một). Ngày 1-12-1958, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã ra tay đầu độc hơn 1.000 tù chính trị ở nhà tù Phú Lợi. Bộ tư lệnh Sư đoàn 338 kết hợp với nhân dân Xuân Mai tổ chức một cuộc mít tinh lớn, phản đối vụ thảm sát ác độc này của ngụy quân, ngụy quyền Ngô Đình Diệm. Sân bay trực thăng cũ của Pháp ở Xuân Mai mà chúng tôi vẫn gọi là bãi bằng (nay là địa điểm xây chợ Xuân Mai) được chọn làm nơi tổ chức mít tinh. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 338 đứng xếp hàng rất oai phong. Bên cạnh đó là khối gồm hàng trăm cán bộ, nhân dân Xuân Mai. Trước giờ mít tinh có một chiếc trực thăng bay tới. Bước xuống từ trực thăng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã về tham gia mít tinh với Sư đoàn. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Đại tướng, dù tôi đứng khá xa.
Bác Hồ, Bác Tôn dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn-những người con của quê hương Nam Bộ nên đã nhiều lần về thăm. Lúc ấy chưa có cầu bắc qua sông Bùi trên Đường 21, mọi phương tiện và người muốn qua sông phải đi phà do công binh Sư đoàn tự đóng. Chiếc phà gỗ được kéo bằng sợi dây nối hai bờ sông Bùi. Năm 1961, Bác Hồ và Bác Tôn cùng vào thăm Sư đoàn. Bác Hồ đã xuống ô tô kéo phà cùng mọi người.
Hình ảnh ấy thật cảm động!
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm cán bộ, chiến sĩ một đơn vị miền Nam tập kết tổ chức diễn tập, năm 1957. Ảnh tư liệu |
Ngày ấy, Xuân Mai khá nhộn nhịp. Ngoài Sư đoàn 338, ở đây còn có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân. Ngày chủ nhật, đi đâu cũng gặp bộ đội. Phố Xuân Mai của tôi ngày đó đã có cửa hiệu bán sách, báo, bưu điện, cửa hàng bách hóa, bến xe, hàng ăn uống, giải khát... Riêng cửa hàng nhiếp ảnh thì có tới 4 tiệm. Còn tiệm hớt tóc thì đếm không xuể. Tất cả đều phục vụ bộ đội là chính. Người ta bảo: Xuân Mai là “thủ đô của bộ đội” cũng bởi vậy.
Nhân dân Xuân Mai đã được “hưởng ké” đời sống văn hóa của bộ đội. Tối thứ bảy và tối chủ nhật nào ở đội quân y Sư đoàn (bây giờ là doanh trại của Trường Sĩ quan Đặc công) cũng tổ chức chiếu bóng miễn phí phục vụ bộ đội và nhân dân trong vùng. Có lẽ vì ưu tiên các chú bộ đội miền Nam tập kết nên ở Xuân Mai luôn được xem những bộ phim, những vở diễn hay của nhiều đoàn văn công tới biểu diễn. Hôm công chiếu bộ phim “Lửa trung tuyến”, đoàn làm phim gồm đạo diễn, diễn viên đã về Xuân Mai gặp gỡ, giao lưu với khán giả trước khi khởi chiếu. Nhiều bộ phim chưa công chiếu ở Hà Nội thì Sư đoàn 338 đã được ưu tiên xem trước.
Cũng tại đây, nhân dân Xuân Mai và bộ đội Sư đoàn 338 còn được xem các đoàn: Ca kịch Liên khu 5, tuồng Khu 5, cải lương Nam Bộ, kịch nói Nam Bộ... về biểu diễn. Năm 1963 có đoàn xiếc của Liên Xô thăm và biểu diễn tại Việt Nam và Xuân Mai vinh dự là điểm biểu diễn thứ hai sau Hà Nội. Sư đoàn 338 đã chọn vị trí phía sau đồi quân y làm sân khấu biểu diễn. Một triền đồi “bậc thang” được chọn để khán giả ngồi xem y như trong rạp. Về sau, cũng tại vị trí này, chúng tôi còn được xem biểu diễn xiếc của đoàn xiếc Thăng Long, đoàn xiếc Trung ương...
Sư đoàn 338 cũng có một đội văn công tổng hợp. Các chú bộ đội đã nhiều lần biểu diễn tại sân đình Xuân Mai. Tụi trẻ con chúng tôi khoái nhất là mấy tiết mục: Nhảy chui qua vòng lửa, chồng đầu biểu diễn các động tác khó... Tôi nhớ chú Rạng và chú Hiền biểu diễn tiết mục này. Chú Rạng quê ở Long An. Người chú to cao nên làm “chân đế” để chú Hiền chồng đầu biểu diễn. Bố tôi đã chụp ảnh hai chú biểu diễn, phóng to để treo trong tiệm ảnh và còn phóng ảnh tặng hai chú. Nhân dân Xuân Mai còn nhiều lần được xem những tiết mục cải lương rất mùi mẫn do bộ đội 338 biểu diễn. Không chỉ vậy, họ còn rất giỏi thể thao. Vào dịp Tết Nguyên đán hay Quốc khánh, sân trước chùa Xuân Mai luôn đông nghịt khán giả đến cổ vũ các chú thi đấu bóng chuyền.
Bác Bảo và hai người em kết nghĩa (quê ở Thủ Dầu Một và Long An) của bố tôi đã kể cho gia đình tôi nghe rất nhiều chuyện thú vị về bác Tô Ký. Hoạt động cách mạng từ rất sớm, tháng 4-1937, bác đã được kết nạp Đảng. Từ năm 1939 đến 1941, hai lần bị địch bắt tù đày thì cả hai lần chàng thanh niên Tô Ký vượt ngục thành công. Trong tù, bác tranh thủ học thêm tiếng Pháp, tiếng Hoa và là người rất giỏi võ. Năm 1959, trong đợt phong quân hàm của Quân đội, bác Tô Ký được phong quân hàm Đại tá. Đến năm 1961 được phong quân hàm Thiếu tướng.
Là người con Nam Bộ, bác Tô Ký giàu nghĩa khí và thẳng thắn. Em ruột của bác là Tô Châu, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 338. Chú Châu rất mê uống rượu, khi rượu vào là hay quát mắng lính tráng. Sự việc đến tai anh trai Tô Ký, dù đã nhiều lần khuyên bảo nhưng em trai vẫn chứng nào tật ấy. Một lần, bác Tô Ký vượt sông Bùi sang kiểm tra đột xuất doanh trại tiểu đoàn chú Tô Châu. Đến kiểm tra bất ngờ, thấy em trai sặc sụa mùi rượu, bác không nói không rằng cho chú mấy cái bạt tai. Thấy vậy, chú Tô Châu la lớn:
- Ối anh em ơi, Chính ủy uýnh lính nè! Chính ủy uýnh lính nè!
Nghe tiếng la, một số cán bộ, chiến sĩ chạy đến phòng tiểu đoàn trưởng. Thấy vậy, bác Tô Ký quay lại nhìn anh em, nói lớn:
- Chính ủy không phải uýnh lính đâu. Hôm nay, anh trai Tô Ký uýnh em trai là Tô Châu vì tội uống rượu bậy bạ thôi!
Mọi người bịt miệng cười rồi tản nhanh ra về. Từ đấy, Tiểu đoàn trưởng Tô Châu bỏ hẳn rượu...
Sang năm 1960, cứ mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn, người dân Xuân Mai chúng tôi nhìn lên núi Gội đều thấy một hiện tượng: Từng đoàn bộ đội nối đuôi nhau đi từ chân dốc lên đỉnh dốc. Người ta hỏi nhau: Không biết bộ đội 338 leo lên đó làm gì? Mãi sau này người dân mới rỉ tai nhau, bộ đội 338 đi rèn đấy! Họ tập leo núi để chuẩn bị vượt Trường Sơn trở về quê hương miền Nam chiến đấu.
Từ năm 1965, chúng tôi không còn thấy bộ đội 338 hành quân rèn luyện trên núi Gội nữa. Chủ nhật hằng tuần, bộ đội ra phố Xuân Mai cũng ít đi trông thấy. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 338 đã vượt Trường Sơn trở về quê hương chiến đấu. Thời kỳ này, chúng tôi cũng không thấy chiếc xe con màu trắng của bác Tô Ký đi lại ở Xuân Mai nữa. Nghe nói, bác được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu 3...
Tôi luôn nhớ về những ngày tháng được tiếp xúc với các chú bộ đội Sư đoàn 338. Sự may mắn đó là điểm tựa để sau này tôi quyết tâm trở thành một người lính vào Trường Sơn đánh Mỹ.
Nhà văn PHẠM THÀNH LONG