-------------------
VỀ LẠI NƠI TIẾNG GỌI SÔNG ĐÀ
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2024) Hòa chung niềm vui, phấn khởi cùng cả nước, trong không khí bên thềm năm mới 2025 và chuẩn bị chào đón Tết nguyên đán Ất Tỵ
Ngày 8 và 12/12/2024 Ban liên lạc Hội tình nghĩa và hội Cựu quân nhân Sư đoàn 565 với hơn 120 cán bộ chiến sĩ, Cựu chiến binh (CCB) Cựu quân nhân (CQN) Công nhân viên quốc phòng (CNVQP); đồng thời là hội viên Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 565, tại các quận, huyện nội ngoại thành, thành phố Hà Nội, như: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Hoài Đức, Đan Phượng và các quận nội thành, ngoài ra con một số anh chị em các tỉnh thành phố lân cận, tổ chức chuyến thăm quan du lịch “Thăm lại chiến trường xưa” nghe theo “Tiếng gọi Sông Đà” kết hợp tổ chức gặp mặt thường niên năm 2024.
Trưởng đoàn do Đại tá: Trần Văn Tiến nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Thi công Sư đoàn 565, nguyên Giám đốc Công ty 492 thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 Bộ quốc phòng) cùng anh, chị em Thường trực Ban liên lạc tình nghĩa Sư đoàn 565 khu vực Hà Nội tổ chức có 40 anh chị em tham gia.
Trưởng đoàn Cựu quân nhân do đồng chí Nguyễn Văn Thành làm trưởng đoàn có gần 80 anh chị em nhập ngũ năm 1982 tham gia.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi cửa ngõ phía Tây Bắc, lền kề với thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 70km. Gồm 6 dân tộc anh em cùng chung sống: Dân tộc Mường; Giao; Thái; Kinh; Tày; Mông… Tỉnh Hòa Bình có diện tích 4 596,4km2; dân số trên 854 ngìn người. Hòa Bình còn được coi là chiếc nôi của người Việt Cổ.
Năm 1980 Sư đoàn 565 hành quân từ nước bạn Lào anh em về nước, tham gia xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, trải qua gần 40 năm (1980-2017) Sư đoàn 565 đóng quân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có biết bao kỷ niệm, gắn bó tình quân dân, tình đất tình người…Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình; Sư đoàn 565 tiếp tục tham gia xây dựng nhiều công trình trên khắp mọi miền của tổ quốc cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ của Sư đoàn. Tuy không còn phiên hiệu Sư đoàn 565 nhưng hàng năm vẫn có các đoàn ở các tỉnh, thành phố tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ về “ Thăm chiến trường xưa”
Năm nay theo chương trình của đoàn thăm quan gồm: Du lịch Lòng hồ Sông Đà bằng tầu thủy; Dâng hương Động Thác Bờ… Thưởng thức văn hóa ẩm thực trên lòng hồ Sông Đà; Dâng hương tượng đài Bác Hồ, thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Thăm Công trường đang thi công 2 tổ máy, Dự án giai đoạn II nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Thăm lại Sở chỉ huy Sư đoàn 565; Thăm và giao lưu với Ban điều hành giai đoạn II Nhà máy Thủy điện Hòa Bình của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 Bộ quốc phòng)
Đúng 6 giờ 00 xe chuyển bánh đón anh, chị em tại các điểm; Bưu điện Hà Đông; Trụ sở cũ Binh đoàn 12 số 475 Thanh Xuân…Đoàn “Hành quân” trên tuyến Đại lộ Thăng Long và tuyến đường cao tốc Láng; Hòa Lạc - Hòa Bình, trên đường đi đoàn tạm dừng nghỉ ăn sáng. Đúng 8h30 phút đoàn đã có mặt tại thành phố Hòa Bình tỉnh Hòa Bình, sau đó xe đưa đoàn vào Cảng Bích Hạ tại xã Bình Thanh huyện Cao Phong Hòa Bình, đoàn lên tầu đi thăm quan và du lịch lòng hồ Sông Đà. Lòng hồ Sông Đà nằm ở phía thượng lưu đập Thủy điện Hòa Bình, Nơi đây đoàn được ngắm cảnh “Sơn Thủy Hữu Tình” Non nước, mây trời trong xanh lồng lộng, khí hậu trong lành. Nơi đây đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã di rời bản làng nơi cư trú từ ngàn xưa, di rời các công trình kiến trúc tâm linh, mồ mả ông cha từ bao đời nay; Động Thác Bờ, Đền Bà Chúa Kho … Nhường lại đất đai, rừng núi đã ngập chìm sâu dưới lòng hồ Sông Đà, có sức chứa gần 10 tỷ M3 nước, nhường chỗ cho Công trình Thủy điện Hòa Bình.
Năm 1980 Sư đoàn 565 Binh đoàn 12 Bộ quốc phòng, đang làm nhiệm vụ Quốc tế giúp bạn Lào, tham gia xây dựng tuyến đường giao thông 7B, đoạn từ NẬM CẮN đến thị xã PHONXAVẲN - Cánh đồng Chum tỉnh XIÊNG KHOẢNG đất nước Triệu Voi. Sư đoàn 565 Binh đoàn 12 Bộ quốc phòng, là một đơn vị bộ đội đại diện cho lực lượng quân đội chấp hành lệnh điều động cấp trên hành quân về nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà. Ngoài ra Bộ quốc phòng còn bố trí 3 trận địa tên lửa bảo vệ vùng trời, tại 3 khu vực: thành phố Hòa Bình; huyện Kỳ Sơn và khu Mỵ thuộc Thanh Sơn Phú Thọ. Cùng hàng vạn Công nhân, Thanh niên xung phong, và hàng ngàn Chuyên gia Liên Xô, tham gia lao động ngày đêm 3 ca; 4 kíp trên công trường “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” Một công trình thế kỷ, được mang tên Công trình Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Xô.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nằm trên chuỗi bậc thang Thủy điện Sông Đà gồm: Hòa Bình, Sơn La; Lai Châu. Mỗi tổ máy có công suất 240 MW; Trị giá đầu tư khoảng 150 triệu USD (tỷ giá năm 1994) Khởi công ngày 6/11/1979 khánh thành ngày 20/12/1994; Ngăn Sông Đà đợt I ngày 12/01/1982; Ngăn Sông Đà đợt II ngày 09/01/1986…Thiết kế mực nước dâng bình thường 117m; Mực nước gia cường 120m; mực nước chết 80m (So với mặt nước biển) Hồ Thủy điện Hòa Bình có dung tích khoảng 9,45 tỷ m3 nước, diện tích hồ chứa 208km2, công suất lắp máy 1.920 MW cung cấp cho 8 tổ máy hoạt động và tới đây sau khi hoàn thành 2 tổ máy giai đoạn II của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đưa tổng số 10 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, góp phần điều tiết nước, tưới tiêu và chống hạn, chống lũ cho phía hạ lưu, đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Bắc bộ.
Khi Nhà máy Thủy điện Sơn La chưa xây dựng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là nhà máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á do Liên Xô giúp đỡ.
Trở lại thăm “Chiến trường xưa” lần này hầu hết cán bộ, chiến sĩ, người lao động đã trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ huy, tham gia thi công, lao động trên công trình Thủy điện Hòa Bình, nhiều người đã tham gia ngay từ những ngày đầu cho đến ngày công trình hoàn thành bàn giao đưa vào hoạt động. Trong những năm tháng trên công trường cán bộ chiến sĩ, người lao động thuộc Sư đoàn 565 đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ vất vả, đổ biết bao mồ hôi, kể cả xương máu trên công trường (Tại đài tưởng niệm 116 cán bộ Công nhân, Bộ đội, Chuyên gia Liên Xô đã hy sinh trên công trường, Sư đoàn 565 có 18 cán bộ chiến sĩ) phấn đấu luôn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, tiến độ đã đề ra. “Tất cả vì dòng điện ngảy mai cho tổ quốc” “Cao độ 123 hay là chết”
Sau 9 năm (1980-1989) Sư đoàn 565 tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng và đặc biệt xuất sắc, ngày 8 tháng 2 năm1989 tập thể cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên Quốc phòng, người lao động Sư đoàn 565 vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cá nhân Trung tá: Trần Văn Cường Phó Sư đoàn trưởng, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 được tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” nhiều tập thể, cá nhân được tặng Huân chương lao động các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trải qua những năm tháng trên công trường Thủy điện Hòa Bình, từ những người lính Trường Sơn, xưa chỉ quen với tay súng, tay cuốc, tay xẻng, cầm chòong về với công trình Thủy điện Hòa Bình, được học tập, tiếp cận với công nghệ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến. Nhiều cán bộ chiến sĩ, người lao động đã trưởng thành, tham gia nhiều công trình mới trên khắp mọi miền cuả Tổ quốc và nước bạn Lào anh em; Như Thủy điện YALY; Sơn La: Lai Châu; Thủy điện Nậm Công; Bản Chát… Thi công quốc lộ 1A; quốc lộ 5; QL 18, Sân gôn Đồng Mô... Đại lộ Thăng Long và nhiều công trình quan trọng khác. Có người đã trở thành Giáo sư, phó giáo sư, Tiến sĩ…Nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học kỹ thuật, có trình độ chuyên môn giỏi và trở thành cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội.
Hôm nay trở lại nơi đây, có biết bao kỷ niệm buồn vui của một thời trai trẻ, nay mái đầu nhiều cán bộ chiến sĩ mái tóc đã pha sương, nhiều người 30-40 năm nay mới có dịp trở lại Sông Đà. Thị xã Hòa Bình trước đây chỉ là một thị xã nhỏ bé phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội nằm dọc ven Sông Đà, còn hoang sơ, nghèo đói, nhà ngói chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là tranh tre, nứa lá. Ngày nay nhờ công cuộc đổi mới, đất nước phát triển, thành phố Hòa Bình ngày càng thay da đổi thịt, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang sạch đẹp, an sinh xã hội phát triền, Quốc phòng an ninh giữ vững, đời sồng nhân dân không ngừng cải thiện, tệ nạn xã hội giảm rõ rệt. Chỉ tính trong khu vực thành phố, đã xây dựng và hoàn thành được 3 chiếc cầu cứng đi vào hoạt động, phục vụ giao thông đi lại giữa đôi bờ Sông Đà, khi màn đêm buông xuống nhìn ánh điện lung linh huyền ảo trên những chiếc cầu đang vươn mình soi bóng trên dòng Đà Giang xanh biếc, nối liền hai bờ Sông Đà nơi thành phố trẻ đang hứa hẹn nhiều tiềm năng trong kỷ nguyên mới. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hòa Bình đã và đang quyết tâm phấn đấu đưa thành phố Hòa Bình sớm trở thành, thành phố loại II, xứng tầm một thành phố trẻ cửa ngõ phíaTây Bắc thủ đô Hà Nội. Lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đang xây dựng dự án, trở thành điểm thăm quan du lịch của cả nước.
“…Khi ta ở, đất chỉ là nơi ta ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn… ”(Chế Lan Viên)
Chuyến đi đã để lại trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn nhiều ấn tượng sâu sắc tốt đẹp, thắm tình đồng chí, đồng đội, khi chia tay ra về nhiều người còn bịn rịn và hẹn gặp lại nhau ngày tái ngộ gần nhất./.
Nguyễn Văn Xuân
Hội viên Hội VHNT TS
ĐT 0914 344 577