-------------------
LỜI THÚ TỘI MUỘN MÀNG
Vào Đông - Xuân 1972 -1973, từ Lào lật cánh về đông Trường Sơn, tôi theo anh Hoàng Thọ Đống, Trung tá, Phó trưởng Tham mưu Sư đoàn, Trưởng phòng Tham mưu tác chiến (TMTC) Sư đoàn 471, cùng đồng chí lái xe K đi công tác. Anh Đống đến làm việc với tỉnh ủy Quảng Đà và huyện ủy Nam Giang đang đóng gần căn cứ Bến Giàng. Anh bảo tôi:
-“Tớ vào làm việc, cậu và K ở đây chờ . Đừng để K chạy xe đi đâu nhé”.
-“Vâng, rõ ! Thủ trưởng “ - tôi đáp .
Ngồi trong chiếc xe Gat 69 càng lúc càng nóng nực, hai thằng tôi đành xuống trốn nắng dưới bóng một cây to. Tôi nhìn lên, thì ra là cây Lòn bon. Lại Lòn bon ..! Nhớ mấy ngày trước, khi đã xác định được điểm đóng quân của sở chỉ huy Sư đoàn, tôi mở rộng vòng trinh sát ra xung quanh khoảng một cây số, cũng đã gặp một vùng đồi toàn Lòn bon, cành lá xum xuê, che tối cả chân rừng. Khi tôi vừa hoàn tất căn hầm và phòng họp giao ban của phòng TMTC, thì ngay đêm đó tôi đã nổ súng hạ một con, trong cặp chồn leo lên ăn quả Đùng đình. Quả Đùng đình chín đen, ăn đã ngọt lại còn ngứa. Cây Đùng đình gần giống, mà có phần đẹp hơn cây cau của duyên tình thôn dã. Lá Đùng đình phân thuỳ hình rẻ quạt đuôi công khá đẹp. Lúc dựng nhà, tôi cố ý phát quang, chừa lại riêng nó để làm cảnh, ngay trước cửa. Thế mà chồn cứ tự nhiên như chốn không người. Nhưng đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, bắn chồn thì suýt bị hổ vồ. Chỉ vài ngày sau đó, hổ rình tôi ngay phía trên đường hào phân tán khói bếp Hoàng Cầm, cách tôi gần 4m. Anh Đống bảo tôi sang báo cho Ban bảo vệ cán bộ Sư đoàn. Các anh lập tức sang xem xét, xác định, đây là con hổ lớn. Dấu chân và hai mông nó ngồi nhẵn trên nền đất mới do tôi đào bếp, trải ra. Dấu mới, vừa xuất hiện sáng nay, còn dấu cũ thì chồng chất từ nhiều ngày trước. Hàng sáng tôi thường dậy sớm tập võ trinh sát trước cửa bếp mà sao nó không vồ. Kể cũng lạ! Kể từ hôm đó, phải cảnh giác hơn. Tôi chẳng còn dại gì, ỉ thế có AK, một mình đi qua 2 quả đồi, vào rừng Lòn bon, tỉa những quả không hạt, ngon bậc nhất để ăn trừ cơm nữa!
Rừng nguyên sinh hoang sơ không chỉ chở che, nuôi người mà nơi đây thực sự còn là quê hương xứ sở của muôn loài muông thú và Lòn bon. Quả Lòn bon nơi đây, ngon không nơi nào bằng, có thể nói đứng đầu cả Đông Nam Á. Tôi được những già làng Cơ tu - gốc dân bản địa kể cho nghe: Trong những năm tháng chui lòn, bôn tẩu, chạy trốn quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã vào đây, nhờ ăn Lòn bon mà thoát chết đói. Về sau, Nguyễn Ánh về làm Vua đã ra chỉ lệnh cho quan thổ ti và dân bản địa gia tăng phát triển Lòn bon hơn nữa. Đến mùa trái chín hàng năm, dân phải thu hoạch, chuyển về kinh thành Huế để tiến vua.
Đã bao lần tôi ăn Lòn bon, lần nào ăn cũng xúc động. Xúc động không chỉ vì nơi đây là quê hương của vợ tôi mà xúc động còn vì vợ và hai con tôi thường rất ưng tìm mua Lòn bon Nam Giang. Cả nhà rất hiểu tâm trạng tôi trước sắc màu quả chín từ vàng nhạt sang màu vàng rơm giản dị mà ngọt ngào, hơi chua, thoảng mùi chuối chín của Lòn bon. Nơi thấm đẫm một kỉ niệm buồn đau với người con gái đồng đội bên dòng sông Thanh ngày ấy ...
Cầu phao Bến Giằng – Công trình do lực lượng Công binh Sư đoàn 471 thi công và là cửa ngõ của Sở chỉ huy Sư đoàn 471- Mảnh đất này nay là Di tích Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn
(Ảnh Phạm Thành Long)
Chuyện quay về với bối cảnh anh Hoàng Thọ Đống, phân công nhiệm vụ cho chúng tôi, cuối cùng anh còn lưu ý: “cảnh giác! Đây chưa phải là vùng giải phóng hoàn toàn. Căn cứ địch còn ở cách ta 60 km”. Vậy mà khi anh Đống vừa quay gót vào làm việc với địa phương chưa lâu thì K đã đề nghị đánh xe đi thăm người yêu.
Nghe nói “đánh xe đi” là tôi đã không muốn, nhưng hắn vẫn nài nỉ và “khoe” người yêu là người tốt, đang công tác ở cơ quan dân sự gần đây, thành ra mình cũng thấy thương tình, thầm nghĩ chiến tranh lâu dài, quá ác liệt, có được cuộc gặp gỡ hiếm hoi như thế này thì rất đáng để trân trọng. Sự ngưỡng mộ qua ca dao, dân ca bấy lâu nay về con gái xứ Quảng, đất tằm tơ rất đẹp, thủy chung, mạnh mẽ, cũng làm tôi tò mò muốn “xem mắt” người yêu hắn là người như thế nào? Thế là tôi đồng ý cùng hắn “đánh xe đi”.
Xuôi đường 14 một đoạn, rẽ vào đường dã chiến miền núi cấp 4, đầy ổ gà, đá cục, K phấn khích, đạp ga, gạt số, bẻ lái như múa. Xe chạy, nhảy tưng bừng. Cây rừng xoà cành, quất vào xe ào ạt. Xe đang “ngon trớn”, bỗng từ trên dốc đường mòn, đầu khúc cua xuất hiện một cô gái mặc bộ bà ba ni lông xanh xám, quần sắn móng lợn, chân giận dép su, “thắt đáy lưng ong” bằng một Sanh tuya rông Mỹ, đeo dao găm và Bi đông US. Chiếc mũ tai bèo hất ra đằng sau, để lộ mái tóc cắt ngang vai, bay tung sau gáy. Cô ta lao tới, giơ gậy chặn xe với tác phong chiến binh dũng mãnh:
-“Dừng lại! Dừng lại!”
Xe vấp đá, khựng lại. Tôi giật mình, nâng khẩu AK lên... Lại một cô gái nữa xuất hiện, cũng trang phục như thế. Tôi thoáng nghĩ: “địch cải trang”!... Nhưng thấy khẩu súng Carbine M1 vẫn khoác trên vai cô ta, nòng hướng lên trời, thì tôi thở phào: “quân mình rồi” ! Hai cô thở hổn hển, nói như đứt hơi từng quãng :
-“ hên... hên quá! ...anh cho bọn ... em quá giang ...”
-Không được! Xe đi công tác gấp lắm! - K từ chối.
Cô thứ nhất: “giúp chúng em! Bạn em bị sốt, không cứu cấp thì nó chết mất!
Cô thứ hai, nói như mếu: “dạ, tội quá! Xe chạy xíu là tới bệnh xá mà anh!”
Hai đồng đội nam cáng thương vừa tới. Họ dừng lại cùng đưa gậy chống chữ Y đỡ 2 đầu cáng. Rồi né vai, đứng giữ thăng bằng cho cây cột. Nhưng do đường dốc nên cáng cũng bị đầu thấp đầu cao. Bệnh nhân, theo đó cũng phải nằm nửa người trên mặt đất, hầm hập nắng chiều! Tôi lật cánh võng ra coi, thì chao ôi, người em gái chừng 21, kém tôi khoảng hai tuổi. Em đang sốt rét, nhiệt độ rất cao. Mồ hôi đầm đìa, ướt đẫm lưng võng. Cơn sốt làm gương mặt tròn đỏ lựng, gầy hốc hác nhưng không thể khuất lấp nét đẹp của sống mũi dọc dừa, làn môi son thanh tú. Em mở mắt, một thoáng nhìn tôi, rồi nhắm nghiền. Đôi mắt Bồ câu ấy hẳn là sáng trong, hút hồn, nhưng giờ thì đang đỏ dại vì cơn sốt. Em nói lảm nhảm, có biểu hiện gồng mình giãy dụa, nhưng toàn thân đã bị trói chặt. Tôi hiểu, em đang bị sốt rét ác tính thể não. Tôi từng bị như thế. Trạm giao liên Binh trạm 35 Trường Sơn, trên đất Lào, đã kịp thời cứu tôi. Họ cũng phải trói cứng tôi vào cáng, vào thành giường, để tôi không thể vùng vẫy thì mới tiêm, truyền được Quinacrine!
Quay vào xe, tôi nói với K: “giúp họ đi”!
K lùi xe: “lên đi anh”. Tôi bước lên, hắn bảo: “mình không đi đường ấy”! Rồi hắn hướng về nhóm cáng thương, xua tay: “Thông cảm. Đi nhanh, về gấp!”. Chưa dứt lời, hắn liền phóng xe đi. Tôi chỉ kịp thoáng thấy bốn người bạn cáng thương giơ cánh tay vẫy gọi, bỗng hóa cứng, chỉ mãi lên trời!
Giận điên người, tôi định “quạt” cho hắn một trận, rồi báo cáo cấp trên xử lí. Song nghĩ lại, đường đèo hiểm trở, mình nói, nó sẽ không tập trung lái, rất nguy hiểm. Thực ra, thâm tâm mình cũng có nể nang, nên phải chịu im lặng nuốt cục tức.
Đường xá khu vực, hắn khá thuộc nên khi nghe hắn nói “không đi đường ấy”, tôi nghĩ là hắn nói thật. Nhưng ít ra cũng phải giúp họ “quá giang” được đoạn nào, hay đoạn đó chứ?! Thật nhẫn tâm!
Xe đến cơ quan của người yêu K, thì cơ quan này đã chuyển đi, chỉ còn lại mấy đồng chí cảnh vệ. Do quen biết nhau từ trước, họ cho K biết: cơ quan đã tập trung về k2 trạm xá. Tôi lặng người: “trạm xá” ?! K thì sáng mắt lên! Hắn hăm hở quay xe chạy ngược đường cũ, rồi rẽ ngang. Đến trạm xá, hắn rủ tôi cùng đi tìm người yêu của hắn. Chẳng còn tâm trạng nào nữa, tôi bực bội chối phắt.
Đúng lúc ấy, nhóm cáng võng “em gái ác tính”, hớt hải chạy vào. Một tốp Quân y sĩ nhanh nhẹn bước ra. Họ mở võng, đưa kéo cắt phăng dây trói, bế xốc em lên, chạy vào phòng cấp cứu. Tất cả chúng tôi theo sau, đến đứng ngoài cửa phòng, hồi hộp nghe ngóng. Một hồi lâu sau, các Y Bác sĩ lần lượt đi ra. Chúng tôi xúm lại hỏi tình hình. Một trong ba đồng chí mặc áo Blu xanh quân sự, có lẽ là Bác sỹ trưởng, ngập ngừng nhìn hết lượt chúng tôi, nói giọng chùng hẳn xuống :
-Rất tiếc..! Nếu đến sớm 30’ thì có thể cứu được !..
Ai nấy đều bàng hoàng! Hai cô bạn xụm xuống nền rừng, ôm nhau khóc nức nở! Còn hai nam đồng đội, nét mặt đanh lại. Hai mắt rưng rưng mà như có lửa!
K cúi mặt, bước từng bước ra xe.
Suốt dọc đường về, hai chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Khi về lại vị trí cũ thì anh Đống đã chờ ở đó quá 05’ rồi! Anh tỏ ra giận dữ, nhìn tôi:
-Các cậu đánh xe đi đâu?
Tôi chưa kịp trả lời thì K đã liến láu:
-Báo cáo Thủ trưởng: bọn em đi rửa xe. Bụi, nóng quá !
-Rửa gì mà bụi còn bám đỏ mui, bạt vậy ?
-Báo cáo Thủ trưởng, thời gian ít quá, em chỉ rửa được sàn và gầm xe thôi!
Đúng là xe đã chạy dọc một đoạn suối nông nên gầm và sàn sạch thật chứ có rửa ráy gì đâu! Anh Đống vui vẻ trở lại. Khi xe chạy bên sông, anh nhìn sông, nhìn núi, thốt lên:
-Gương sông Thanh trong xanh, mây núi Giàng lấp lánh! Đẹp quá! Giá mà có thời gian, bọn mình nhảy xuyên qua áng mây xuống đỉnh núi mà bơi thì thật thú vị!
Tôi lơ đãng tiếp chuyện anh. Đầu óc chỉ đang tự vấn: Làm sao mình lại có thể đồng lõa được với cái ác, sự vô cảm, để chết người “em gái ác tính” ? Đồng lõa với hành vi vô kỉ luật, lừa dối chỉ huy? Cảm giác tội lỗi đè nặng tâm trí. Thật thương, thật giận, thật đau, thật buồn! Tâm trạng này không giải toả được, chắc mình thành kẻ lẩn thẩn mất…! Phải, ngay chiều nay tôi sẽ báo cáo sự việc và thú tội với anh, dù biết rằng kỉ luật cho tội danh này là kỉ luật chiến trường, rất nghiêm khắc. Nhưng không ngờ, vừa tới nhà, tôi có lệnh phải đi xuyên đêm, mang bản đồ tác chiến bổ xung xuống cho sở chỉ huy tiền phương đang tiến đánh căn cứ Đắc pét. Anh Đỗ Hữu Tần, Trung tá, Phó Trưởng TMTC Sư đoàn, giữ tôi ở đó, cùng với các đơn vị thu dọn chiến trường. Mấy ngày sau tôi quay về nhà thì anh Đống cũng có lệnh đột xuất, đi rồi!
Thế là lần hai, lời thú tội muộn màng!
Hai anh em xa nhau từ đó!
Sau ngày thống nhất, tôi về Nam định tìm anh nhiều lần. Nhà anh đã không còn ở phố Hoàng Văn Thụ. Mãi tới năm 2012, may mắn, bác Võ Sở, Thiếu tướng, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam, cho tôi số điện thoại, kết nối được với chị cán bộ Hội Trường sơn thành phố Nam Định. Qua chị, tôi đã tìm được nhà anh Đống ở Khu 8. Con trai anh - cháu Hoàng Thọ Tuấn, mở của đón tôi:
-Dạ, thưa... bố cháu đã mất một năm rồi ạ!
Lại một lần nữa, lời thú tội muộn màng!
Tôi bùi ngùi thắp nhang vái anh, xin anh tha tội. Nhìn ảnh thờ anh, tôi lại thấy lúc vượt ngầm ngã ba sông Thanh - sông Cái, anh ao ước được bơi lội với chúng tôi. Anh vui vẻ đọc câu thơ trong “ Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu :
“Non cao rực rỡ ánh vàng
Đêm rằm vằng vặc Bến Giàng trăng lên”!
Quay sang tôi, anh cười cười:
“Giàng ơi! Ta đến với Giàng
Rồi mai nhung nhớ rừng vàng Lòn bon
Trường Sơn trăm thứ quả ngon
Một lần thưởng thức, nhớ Bon trọn đời!”
Cậu viết về Lòn bon mà thiếu hương vị, khung cảnh, sông núi, tình người Nam Giang, thì người ta không cảm hết cái ngon của rừng”!
-“Vâng anh!...” Lúc ấy, tôi nghẹn lời, chỉ nghĩ thầm: “vị ngọt ngào Lòn bon riêng em, còn có nỗi đắng đót, buồn thương người con gái sông Thanh xinh đẹp ngày ấy”!
Mỗi năm tôi mong đợi đến ngày “về nguồn”, thăm lại chiến trường xưa. Cùng đi, bạn bè đủ cả, mà lại vắng em! Em ở nơi nào? Đây chỉ có tượng đài chiến thắng, kết tinh những bi hùng, chỉ có đỉnh hương chung, luôn luôn ấm đỏ! Em ở đâu? Theo sương khói mà về! Khi em về, nhớ mang theo món quà Lòn bon để tặng chồng con, đồng đội thưởng thức nhé, em!
Trần Tử Mẫu, TP Hồ Chí Minh