Hướng tới Kỷ niệm 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
TÙ BINH ĐẶC BIỆT VÀ CÚ LỪA NGOẠN MỤC.
Ngày thứ hai của cuộc chiến, mặc dù quân ta đã đánh chiếm được nhiều vị trí quan trong, nhưng trong trung tâm thị xã Ban Mê Thuột vẫn đì đoàng tiếng súng giằng co giữa ta và địch, khói lửa vẫn ngút trời, khiến cho cái nắng của tháng ba cao nguyên càng thêm dữ dội đến ngột ngạt, khô khốc.
Trung đội trưởng Lê Xuân Hạnh dẫn một tốp trinh sát tuần tra trong khu kho Mai Hắc Đế. Tới gần một lô cốt, bỗng nghe tiếng động từ trong phát ra, cả nhóm trinh sát lặng lẽ tiếp cận bao vây. Thấy có một tên lính ngụy đang ngồi thu lu và run rẩy trong góc lô cốt, Hạnh hô lớn “ Giơ tay lên, đứng dậy, đi ra đây !”. Sau đó các đồng đội đi cùng nhanh chóng trói tên tù binh lại bằng dây dù và dẫn giải về nơi đại đội đang trú tạm dưới rừng khộp dưới chân núi Chư Duê, cách Mai Hắc Đế chỉ vài trăm mét.
Suốt gần hai ngày kể từ khi bị bắt, tên tù binh vô cùng hoảng sợ và từ chối không chịu ăn uống gì. Nhưng rồi không thấy bộ đội tra tấn hoặc dọa xử bắn, tên tù binh dần hoàn hồn và xin được ăn uống. Xuất ăn được mang đến chỉ là túi cơm sấy đã được làm chín, chút thịt hộp và bát canh rau ngót rừng. Có lẽ do quá đói khát mà tên tù binh ăn ngấu nghiến và bảo chưa từng được thưởng thức bữa cơm ngon như thế này.
Sau khi tên tù binh lấy lại hồn vía, Đại đội trưởng Bùi Thế Vinh trực tiếp hỏi cung hắn. Tên tù binh ngoan ngoãn khai báo một mạch. Tên hắn là Lê Gia Công, 27 tuổi, Trung úy VNCH, thuộc đơn vị thám sát điện tử chuyên chặn bắt và dịch mã sóng điện vô tuyến của quân ta. Gia đình Công quê gốc Bắc, cha là sĩ quan thuộc Pháp, sau 1954 di tản vào Nam, nhà ở Quận Nhất, Sài Gòn. Công là sinh viên năm thứ ba Đại học Văn Khoa Sài Gòn, được sung lính và được cử đi Mỹ đào tạo tình báo điện tử. Sau khi về nước, được phong Trung úy và cử lên cao nguyên Trung phần phụ trách đơn vị thám sát điện tử của Quân đoàn 2. Công còn khai chưa từng ra trận lần nào và đang có ý định tìm đường về Nha Trang rồi về Sài Gòn nếu không bị bắt.
Khi được hỏi về nghiệp vụ của mình, Công khai đã từng chặn bắt và dịch được nhiều bức điện của QGP, trong đó được biết mũi đánh của ta vào Ban Mê Thuột chỉ là nghi binh, mũi đánh chính là Play Cu và Kon Tum. Vì thế toàn bộ Sư đoàn 23 VNCH đã kéo lên Play Cu để nghênh chiến. Công còn khẳng định, nếu F23 còn ở Ban Mê Thuột thì ta sẽ khó đánh chiếm được Ban Mê Thuột như hai ngày qua. Nhưng lời khai quan trọng nhất của Lê Gia Công là hắn cho biết sẽ có lực lượng tái chiếm Ban mê Thuột trong những ngày tới.
Trước những thông tin quan trọng trên, Đại đội trưởng Vinh đã điện báo xin ý kiến lên cấp trên. Trung đoàn trưởng Trương Đăng Thái đã chỉ đạo khẩn trương cử người áp giải tên tù binh về trại tù binh của mặt trận ở phía sau để cơ quan chuyên môn của Mặt trận khai thác.
Lênh khẩn được ban ra, Tiểu đội trưởng Trần Ngọc Thanh được giao nhiệm vụ áp giải tù binh về hậu cứ suối Đắc Đam, sát biên giới Căm Pu Chia, cách mặt trận vài chục km. Trược khi đi, Trung đội trưởng Lê Xuân Hạnh căn dăn, động viên và trao cho Thanh hộp sữa Ông Thọ vừa lấy được trong kho Mai Hắc Đế để Thanh bồi dưỡng dọc đường. Sau ba ngày hai đêm căng thẳng và lo lắng, Thanh đã tìm được trại tiếp nhận tù binh của mặt trận. Trước khi trở về đơn vị ở phía trước, Thanh đã trao hộp sữa ông Thọ nói trên cho tên tù binh và dặn hắn đừng có ý định bỏ trốn mà nên hợp tác với quân ta để được hưởng khoan hồng.
Sau 50 năm, những người lính của đại đội trinh sát C17, Trung đoàn 40 pháo binh B3 – Tây Nguyên – QĐ3 năm xưa vẫn còn khá đủ đầy. Cứ mỗi lần kỷ niệm chiến thắng BMT là họ lại gặp gỡ ôn lại chuyện xưa. Ai cũng nhớ về câu chuyện bắt tù binh đặc biệt ấy – tên tù binh sau cùng của cuộc chiến 20 năm mà chúng tôi bắt được. Tuy được đào tạo từ Mỹ, nhưng anh ta vẫn bị quân ta lừa bằng nhức bức điện vô tuyến thật mà giả, khiến cả tình báo Mỹ và quân đội Sài Gòn cũng bị lừa, một cú lừa ngoạn mục số 1 của lịch sử quân sự Việt Nam - đã góp phần làm nên Đại thắng 1975.
Không biết viên sĩ quan tù binh Lê Gia Công ấy bây giờ ở đâu?
Chúc cho anh bình an và có được cuộc sống tốt đẹp.
Xe tăng và bộ binh quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 11//3/2025
CCB Nguyễn Việt Phát
(Nguyên Trưởng Ban TNXP,
Tổng chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương Đoàn)