“Ấm tình Quân Dân nơi Biên cương Cha Lo” - Bút ký của Nguyễn Đại Duẫn
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
ẤM TÌNH QUÂN DÂN NƠI BIÊN CƯƠNG CHA LO
Bút ký - Nguyễn Đại Duẫn
Tôi theo đoàn công tác của Phân hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh (VHNT) Quảng Bình, về miền biên cương Cha Lo với “Hành trình về với cội nguồn lịch sử” trong tiết xanh tươi của sắc xuân.
Thực hiện kế hoạch thường niên của Hội VHNT tỉnh Quảng Bình, cuối tháng 02 vừa qua, Phân hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh Quảng Bình tổ chức cho hội viên tham quan thực tế để có tư liệu, tạo cảm hứng sáng tác. Nơi đến điểm cuối của đoàn là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Quảng Bình.
Được biết Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đứng chân trên địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa; phía Nam giáp bản Noọng Bua, Khu kinh tế Lẳng Khăng, phía Tây giáp bản Thôồng Khám và bản Phông, tỉnh Khăm Muộn của Lào.
Tiết xuân. Trời lất phất mưa bụi, phủ mờ trên những cánh hoa giấy mỏng manh bên doanh trại của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Chúng tôi đã có mặt đầy đủ, nghe nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh, phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc phổ biến kế hoạch và hành trình đi, đến. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh.
Xe đưa chúng tôi vượt qua bao dốc núi, đèo cao, bao con đường ngoằn nghèo trong màn sương sớm. Phía trước, những hàng cây cổ thụ xuất hiện. Xa xa, nhấp nhô những ngọn núi đá vôi trùng điệp kéo dài theo con đường cheo leo. Tất cả chúng tôi lắc lư theo chiếc xe đang uốn lượn. Bỗng một giọng nói của ai đó phía trước cất lên: “Đến cổng trời Cha Lo rồi!”.
Đoàn dừng chân dâng hương “Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn” tại Cổng Trời. Đây là điểm du lịch lịch sử văn hóa độc đáo của Quảng Bình, thuộc quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Cổng Trời, nằm trên quốc lộ 12 nối đường Hồ Chí Minh Đông – Tây Trường Sơn, Cụm trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt từ 1965 – 1973; Là nơi có trận địa pháo phòng không - không quân nổi tiếng của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân Anh hùng; Nơi có Chỉ huy Sở Binh trạm 12. Đây là nơi ghi dấu nhiều chiến công huyền thoại mà quân và dân ta đã lập được trong kháng chiến chống Mỹ; đây cũng là nơi tưởng niệm, tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu giành độc lập dân tộc.
Sau lễ dâng hương, tôi men theo lối nhỏ bên Cổng Trời, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Địa hình nơi đây hiểm trở cùng với cây rừng chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp trong khung cảnh núi non hùng vĩ của Trường Sơn đại ngàn.
Lên xe rồi mà lòng ai cũng như gửi lại hồn mình những tình cảm sâu lắng về những chiến công oanh liệt của quân đội ta, về sự hùng vĩ của đất nước. Ngồi bên cạnh tôi là anh Đinh Tư, quê ở xã Tân Hóa – Minh Hóa, anh cho biết. Những năm chống Mỹ, Cha Lo mịt mù khói lửa, đạn bom. Trên tuyến đường lịch sử này đã không biết bao nhiêu người con trên mọi miền Tổ quốc đã đổ xương máu để xây dựng và bảo vệ con đường huyết mạch này. Tôi nghe anh kể rồi hình dung ra những trận mưa bom của Mỹ dội xuống; những lưới lửa phòng không cao xạ của ta đánh trả và sự hy sinh mất mát của quân dân ta mà lòng thấy uất hận kẻ đã gây ra chiến tranh.
Sau vài phút ổn định, bỗng phía trước xe tiếng hát của các ca sĩ cất lên: “Ơi Cha Lo! hỡi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc bừng sáng lung linh một vì sao. Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô, những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây”. Đó là lời trong bài hát “Đêm Cha Lo” của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã thay lời nói lên những chiến công, những hi sinh thầm lặng của một đơn vị anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Những câu hát hào hùng, hừng hực khí thế trong ca khúc hòa lẫn trong tiếng suối rì rào đã đưa đoàn chúng tôi tiến dần về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo anh hùng!.
Vượt qua chặng đường dài hơn 150 km, qua bao dốc đèo, khe suối, đến với những di tích lịch sử như: Đồi Cha Quang, Cổng Trời, Khe Ve,... đoàn chúng tôi đã đến được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Quảng Bình lúc 12h 30 phút.
Như đã hẹn trước, đoàn chúng tôi được các đồng chí trong Ban Chỉ huy (BCH) Đồn đón tiếp đón thật chu đáo. Thiếu tá, Bùi Văn Hải - Phó Chính trị viên niềm nở bắt tay anh chị em trong đoàn và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết.
Trong bữa cơm thân mật, đồng chí Thượng tá, Ngô Anh Tuấn - Chính trị viên Đồn, thân mật giới thiệu về các đồng chí có mặt trong đơn vị, và cho biết một số đồng chí trong BCH đồn đi học nên vắng mặt trong buổi gặp gỡ này.
Nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh, cảm ơn đơn vị đã tiếp đón nồng nhiệt và cho biết: Đoàn gồm 18 anh chị em văn nghệ sĩ là những nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công .. thuộc phân hội Âm nhạc (ngoài ra còn có một số anh chị em là nhà văn, nhà thơ) đến với Đồn để tìm về cội nguồn lịch sử và giao lưu, kết nghĩa tình quân – dân.
Chiều cùng ngày, Đoàn được xe của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình đưa các hội viên đi tham quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, đến với cột mốc 528 biên giới Việt – Lào. Đi đến nơi nào có những dấu tích lịch sử, chúng tôi được các chiến sĩ biên phòng, hướng dẫn thăm thú, dâng hương và giới thiệu cặn kẽ. Theo đồng chí biên phòng cùng đi trong đoàn cho biết, Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là cửa khẩu Quốc tế nắm trên đèo Mụ Giạ tại vùng đất bản Cha Lo xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là điểm cuối quốc lộ 12A trên đất Việt Nam, thông thương Buala pha tỉnh Khammuane, CHDCND Lào. Theo định hướng đến năm 2030, khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Thật là, có đi mới biết đất nước ta giàu đẹp, hùng vĩ biết chừng nào. Càng thấy yêu thêm đất nước để có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong lòng mỗi chúng tôi ai cũng tự hứa sẽ có những tác phẩm được ra mắt công chúng trong đợt đi thực tế này, coi đó là một phần trách nhiệm góp phần mình trong nền văn hóa dân tộc, tôn vinh giá trị, quyền sống và bảo vệ sự bình yên của đất nước.
Đoàn trở lại Đồn lúc 16h30. Tuy còn sớm, nhưng tiết trời ở đây đang chìm đắm trong sương chiều nên có vẻ âm u.
Tôi thong thả đi về phía bếp ăn đang lan man tỏa khói. Gặp đồng chí nuôi quân tôi hỏi:
- Chuyện ăn uống ở đây chắc vất vả lắm đồng chí nhỉ? Người chiến sĩ ngừng tay dao đang làm bếp ngẫng lên nhìn tôi:
- Báo cáo! (nghiêm túc như trong hàng ngũ vậy) đơn vị chúng em ở đây chuyện đời sống không thiếu thốn cái gì đâu! Này nhé! Gà, vịt, ngan, cá.. thì nuôi, rau thì trồng, gạo thì dưới xuôi đưa lên. Chỉ thiếu là …là bàn tay nội trợ khéo léo của phụ nữ thôi. Tôi nhìn đồng chí nuôi quân rồi “à” lên, chợt hiểu và thông cảm.
Rồi đồng chí nuôi quân đưa tôi đi xem công trình “Chuồng, ao, vườn” của đơn vị. Vườn rau cải, rau mùi xanh tốt mượt mà đang vươn lên, chống đỡ cái rét đang còn sót lại. Bên kia đàn gà, vịt, ngan đang gọi nhau về chuồng. Xa xa tiếng cá quẫy đuôi bì bõm.
Tôi đi một vòng doanh trại. Đang phân vân: Tại sao đơn vị còn cảnh nhà tạm, vách tôn?. Xua tan sự suy nghĩ của tôi, Thiếu tá, Bùi Văn Hải nhẹ nhàng đến bên, cho biết: “Vào chiều 19/10/2020, cán bộ đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo phát hiện nhiều vết nứt và sụt lún bất thường ở một số khu vực trong đồn nên cho cán bộ, chiến sĩ sơ tán cùng vũ khí đến nơi an toàn. Đến 19h cùng ngày, một quả đồi đổ sập xuống khu vực gần cổng, chắn ngang quốc lộ 12 và làm sập 2 dãy nhà tập thể của đồn. May mắn là toàn bộ các cán bộ chiến sĩ của đồn đều an toàn. Hiện nay đồn đang được xây dựng tại một địa điểm mới. Tôi nhìn đồng chí Thiếu tá: “Vậy điều kiện sống của anh em chắc rét lắm nhỉ?” Đồng chí Hải nhìn tôi: “Cũng rét lắm anh à!. Nhưng lính chúng tôi rèn luyện quen rồi, hơn nữa nay cán bộ, chiến sĩ cũng được cấp trên trang bị chăn, màn, áo quần đầy đủ, ấm áp. Tôi nhìn anh Hải, hỏi: “Vậy đơn vị ở đây có khó khăn gì không?”. Anh trả lời: “Khó khăn thì nhiều anh ạ! Nhưng cái khó là về mặt tinh thần. Sống xa nhà, nơi cảnh rừng núi heo hút nên cũng buồn, cũng nhớ nhà. Sinh hoạt văn hóa văn nghệ cũng thiếu thốn. Vì vậy BCH đơn vị thường tổ chức nhiều hoạt động cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các chương trình như: “Tình nguyện mùa đông và xuân tình nguyện”, “Tháng thanh niên”, “Ngày thứ 7 về bản” VV… để anh em cuốn hút vào công việc, có lòng gắn bó với đơn vị.
Đêm về, sương giăng giăng trong màn đêm thanh vắng của núi rừng Cha Lo. Tuy vậy tiếng chim sẻ vẫn ríu ran trên tán cây si bên hiên nhà của BCH đồn. Chương trình giao lưu văn nghệ giữa 2 đơn vị: Phân hội âm nhạc – Hội VHNT tỉnh và các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha lo được tiến hành, ai nấy đều háo hức chờ đợi.
Trước phần giao lưu văn nghệ, thay mặt Phân hội Âm nhạc, nhạc sĩ, Dương Nguyệt Ánh đã trao món quà của Phân hội Âm nhạc cho BCH đồn, đó là cây đàn ghi ta và trao món quà của Hội VHNT tỉnh cho 2 người con nuôi của đơn vị là em Hồ Lanh (HS L 9) và Hồ Cu Ba (HS L8). Tác giả Nguyễn Đại Duẫn cũng đã tặng tập thơ Sắc xuân cho BCH đồn.
Phát biểu trước anh chị em văn nghệ sĩ và cán bộ, chiến sĩ đồn, Thượng tá, Ngô Anh Tuấn – Chính trị viên đã nêu lên truyền thống của đơn vị và một số thành tích của Đồn trong thời gian qua: “Đồn đã tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, cửa khẩu. Phòng, chống hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, gắn với bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị luôn bám sát địa bàn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; duy trì nghiêm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu và làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước láng giềng”. Đồng chí cũng đã xúc động bày tỏ lòng cảm ơn những tình cảm mà Phân hội Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh đã dành cho đơn vị. Rồi đây với cây đàn ghi ta, đơn vị sẽ làm tốt hơn nữa công tác văn nghệ quần chúng, thực sự là nguồn động viên tinh thần, làm cho chiến sĩ ngày càng gắn bó với đơn vị và có trách nhiệm hơn trong công tác. Thay mặt Phân hội Âm Nhạc, nhạc sĩ, Dương Nguyệt Ánh đã bày tỏ lòng biết ơn đến sự quan tâm giúp đỡ của Đồn Biên phòng Cha Lo và những tâm tư nguyện vọng của đoàn, thực hiện thành công chuyến “Hành trình về với cội nguồn lịch sử”.
Nhân lúc mọi người chuẩn bị cho chương trình văn nghệ, tôi đến bên hai cháu là con nuôi của đơn vị. Cầm tay cháu Hồ Cu Ba, tôi hỏi: “Các cháu ở đây sinh hoạt và học tập thế nào?. Cháu Cu Ba nhìn tôi cười. Cháu Hồ Lanh nhanh nhảu trả lời: “Dạ ! Chúng cháu ở đây được các chú bộ đội nuôi dưỡng đầy đủ và cho đi học ở trường. Mọi sinh hoạt không có thiếu thốn gì ạ!” . “Vậy hai cháu học hành thế nào?”. “Dạ chúng cháu đều đạt học sinh tiên tiến ạ! Ngoài học tập ra chúng cháu còn được rèn luyện thể dục, thể thao, tập văn nghệ nữa. Rồi cùng các chú tăng gia cải thiện đời sống”.
Nhìn hai cháu mạnh khỏe, da dẻ hồng hào rắn chắc lòng tôi tràn đầy sự trân trọng đến những người lính biên cương. Họ không chỉ là người chắc tay súng ngày đêm tuần tra bảo vệ biên giới mà họ còn là người cha, người mẹ, người anh của những đứa con mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gieo vào lòng các em những tình yêu thương con người. Mong rằng một ngày các cháu trưởng thành sẽ dâng hiến sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phụ lòng những người đã chăm sóc, nuôi dạy.
Chương trình giao lưu văn nghệ giữa hai đơn vị diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ. Những tiếng hát của NSUT Thanh Nhân; của nhạc sĩ, ca sĩ Dương Nguyệt Ánh; nhạc sĩ Phạm Quyền; ca sĩ Ngọc Tân, Thanh Thoản, Nguyễn Thanh, Đinh Tư...với tiếng đàn thánh thót của Anh Tám, Minh Đấu... của phân hội Âm nhạc cất lên làm cho không khí ấm áp lên. Về phía đơn vị có tiếng hát trầm ấm của Thiếu tá, Bùi Văn Hải hòa quyện trong tiếng sáo vón von của Thượng tá, Ngô Anh Tuấn và tiếng hát một số chiến sĩ trong đơn vị cùng cất lên như một buổi hòa tấu, rộn ràng cả một góc rừng. Lòng người ấm lên tình thân ái quân – dân trong đêm sương lạnh của tiết khí hậu khắc nghiệt Cha Lo. Chương trình còn được nghe những bài thơ ca ngợi về những chiến sĩ biên phòng của tác giả Nguyễn Đại Duẫn, Phạm Hiếu - Phân hội văn học Quảng Binh, của Hoàng Kim Đồng – Phó chi Cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo... đã để lại trong lòng người nghe với những tình cảm sâu lắng.
“Hành trình về với cội nguồn lịch sử” của Phân hội Âm nhạc – Hội VHNT Quảng Bình kết thúc thắng lợi. Đoàn đã thu thập được một số tư liệu thực tế để rồi sẽ kết thành những nốt nhạc, những lời thơ tạo nên những giai điệu trữ tình trong thời gian tới. Sự kết nối, giao lưu giữa Phân hội Âm nhạc Quảng Bình và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham dự, thể hiện tình cảm thắm thiết quân - dân cùng chung sức, chung lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2).jpg)
Các đồng chí Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha lo
cùng với hội viên Phân hội Âm nhạc - Hội VHNT QB chụp ảnh lưu niệm.
(3).jpg)
Nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh - Phân hội trưởng Âm nhạc, Hội VHNT Quảng Bình
tặng quà cho các cháu con nuôi của Đồn biên phòng Cha Lo
(3).jpg)
Các hội viên chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc 528 biên giới Việt – Lào
(3).jpg)
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm nơi Cổng Trời, Cha Lo
(2).jpg)
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm nơi Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo
(2).jpg)
Nhạc sĩ Dương Nguyệt Ánh tặng cây đàn ghitar cho Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cha Lo
(2).jpg)
Tác giả Nguyễn Đại Duẫn chụp ảnh lưu niệm cùng với đồng chí Bộ đội biên phòng Đồn Cha Lo
nơi cột mốc Biên giới Lào-Việt
Nguyễn Đại Duẫn
Hội VHNT Quảng Bình
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT: 0977194533