Sư đoàn ô tô 471 Bộ đội Trường Sơn cơ động các Quân đoàn chủ lực trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
SƯ ĐOÀN Ô TÔ 471 BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
CƠ ĐỘNG CÁC QUÂN ĐOÀN CHỦ LỰC
TRONG CUỘC TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN 1975.
Đại tá Nguyễn Thuận Quảng
Nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn
Đầu tháng 12 năm 1974, Sư đoàn ô tô 471 do Thượng tá Nguyễn Lạn làm Sư đoàn trưởng; Thượng tá Phạm Thái làm Chính ủy, đứng chân bên bờ sông Trinh Hin thuộc Tân Lâm - Quảng Trị. Sư đoàn đã ổn định công tác tổ chức biên chế, trang bị nắm quyền chỉ huy bốn Trung đoàn trực thuộc:
Trung đoàn 17: Do đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh làm Trung đoàn trưởng; Đồng chí Nguyễn Văn Túy làm Chính ủy với bốn tiểu đoàn xe: 59, 734, 781, 871 và hơn 600 xe vận tải.
Trung đoàn 32: Do đồng chí Lương Xuân Tín làm Trung đoàn trưởng; Đồng chí Nguyễn Ngọc Bào làm Chính ủy với bốn tiểu đoàn: 62, 63, 68, 102 và 600 xe vận tải.
Trung đoàn 33: Do đồng chí Nguyễn Văn Châu làm Trung đoàn trưởng; Đồng chí Lê Huy Tưởng làm Chính ủy với bốn tiểu đoàn: 51, 53, 75, 235 và trên 600 xe vận tải.
Trung đoàn 536 do đồng chí Nguyễn Tiến Khoa làm Trung đoàn trưởng; Đồng chí Vương Hồng Thanh làm Chính ủy với bốn tiểu đoàn: 56, 60, 71, 972 và hơn 500 xe vận tải.
Cuối tháng 12 năm 1974 toàn bộ đội hình của Sư đoàn ô tô 471 đã về vùng Sê Sụ - trên đất Nam Lào cách ngã ba biên giới Lào - Việt Nam - Campuchia không xa. Với nhiệm vụ cụ thể là đảm bảo vận chuyển khối lượng hàng hóa theo kế hoạch với phương thức Trung đoàn tập trung trên cung đường từ Sê Sụ đi Bù Gia Mập. Sê Sụ là một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn địa hình tương đối bằng phẳng, rừng già nhiều khe suối luôn đủ nước rất thuận tiện cho việc trú quân lập kho hàng, đặt sở chỉ huy… Nơi đây tuyến đường Tây Trường Sơn chạy qua. Sê Sụ trở thành một điểm tập kết quan trọng cho các lực lượng từ tuyến Tây Trường Sơn trở về kết bối với tuyến Đông Trường Sơn. Sư đoàn đứng chân ở Sê Sụ với gần 3.000 xe đủ chủng loại đều đã qua sử dụng lăn bánh hàng nghìn km. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho Bộ tư lệnh Sư đoàn về vấn đề đảm bảo hệ số kỹ thuật và hệ số sử dụng xe tối ưu nhất trong khi phụ tùng thay thế không dư dả gì. Cơ quan Bộ tư lệnh đóng chính giữa vùng Sê Sụ cách ngầm Sê Sụ về phía tây 6km. Tại đây các cơ quan Tham mưu, Kỹ thuật, Chính trị, Hậu cần khẩn trương triển khai nhiệm vụ đến các đơn vị trực thuộc.
Cả vùng Sê Sụ sôi động bởi xe vào, xe ra. Theo phân công sư đoàn xe 571 chuyển hàng từ ngoài vào Sê Sụ lập chân hàng cho sư đoàn 471 từ Sê Sụ chuyển giao cho các hướng chiến trường. Hàng ngày có hàng ngàn xe vận tải cỡ lớn chuyển hàng tới Sê Sụ và từ Sê Sụ chuyển hàng vào Đông Nam Bộ. Nhiều xe hoạt động như vậy nhưng do có quy định chặt chẽ nên dễ dàng nhận ra xe ấy thuộc đơn vị nào. Chữ to TS1 ở cánh cửa là xe của Sư đoàn 571, TS2 là xe của sư đoàn 471. Cùng với những hàng chữ số nhỏ hơn ghi phiên hiệu Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội của xe. Vì vậy việc kiểm tra kiểm soát được dễ dàng.
Đoàn khảo sát tuyến vận tải Sê Sụ Bù Gia Mập theo tuyến Đông Trường Sơn do Tham mưu trưởng Sư đoàn chỉ huy đã trở về Sê Sụ. Đoàn đã làm việc nắm tình hình và hiệp đồng cụ thể với các đơn vị công binh đảm bảo giao thông, cao xạ bảo vệ tuyến, các trạm cấp phát xăng dầu… Bộ tư lệnh Sư đoàn họp bàn giải quyết những vấn đề cần khắc phục do Tham mưu trưởng Sư đoàn trình bày:
Về cầu đường: Với gần 500 km có ba khu vực cần chú ý. Trước tiền là đoạn từ Sê Sụ về Kon Tum nối thông với tuyến Đông Trường Sơn. Đoạn này khó nhất là đoạn vượt đèo Am Pun đường hẹp, dốc. Đoạn thứ hai là khu vực vượt sông Sê Rê Pốc, sông rộng nước chảy siết. Đoạn thứ ba là chặng cuối vượt cao nguyên Bu Prăng đường trống trải gần địch hơn cả.
Về tiếp xăng cơ bản thuận lợi đã có đường ống cấp xăng dọc tuyến.
Về đảm bảo Hậu cần: Thấy rõ là thiếu nước, mùa khô đường sẽ lấy bụi, nắng nóng.
Về trang bị: Đã nhận được thêm đầu xe, nâng tổng số xe vận tải toàn Sư đoàn lên 2600 chiếc.
Sau khi thảo luận kỹ, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn kết luận:
- Về cầu đường vận chuyển: Trước tiên Sư đoàn phải tìm cách khắc phục mở rộng một số đoạn đường hẹp ở khu vực đèo Am Pun. Thực hiện chạy xe theo đội hình: “Trung đoàn tập trung, Tiểu đoạn gọn”. Cán bộ chỉ huy phải thực hiện đủ bốn trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp chỉ huy; trực tiếp đôn đốc động viên và trực tiếp kiểm tra. Tuân thủ các quy định về phòng tránh trên đường và giữ nguyên kỷ luật Quân đội.
- Về xe máy: Hiện đã có 2.600 xe vận tải nhưng thùng bệ sập xệ, cũ nát. Vì vậy các Trung đoàn phải tự thiết kế, lắp đặt các xưởng cưa gỗ, làm cối dập đinh, chế tác que hàn đề sửa chữa thùng bệ. Đảm bảo hệ số kỹ thuật thường xuyên đạt 80% trở lên.
- Tìm mọi cách để chống nóng, trang bị bi đông 5 lít cho các xe. Tổ chức tốt bếp ăn trên đường; có chỗ nghỉ ngắn cho lái xe, có khu sửa chữa nhỏ và tiếp nhiên liệu. Tìm mọi cách thực hiện 5 triệu tiêu trở ngại là: Triệt tiêu trở ngại về đảm bảo kỹ thuật; triệt tiêu trở ngại về tiếp xăng dầu; triệt tiêu trở ngại về nhận và trả hàng; triệt tiêu trở ngại về tổ chức ăn nghỉ cho lái xe, thợ sửa chữa và triệt tiêu trở ngại tổ chức đội hình…
Thực hiện kết luận của Sư đoàn trưởng. Các cơ quan truyền đạt ngay đến các đơn vị trực thuộc. Bộ tư lệnh quyết định tạm dừng vận chuyển, tập trung lực lượng mở rộng đường trên đèo Am Pun. Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn từ cơ quan tới đơn vị đều được huy động mở rộng đường đèo. Cứ cách 50m lại mở rộng để hai xe có thể tránh nhau dễ dàng. Đồng thời Sư đoàn báo cáo Bộ tư lệnh Trường Sơn. Bộ tư lệnh Trường Sơn điều ngay một Tiểu đoàn công binh cùng xe máy mở rộng đường đèo Am Pun để Sư đoàn 471 lo việc chính là vận chuyển. Việc mở rộng đường đèo có ý nghĩa rất lớn mang lại hiệu quả sau này cho đội hình xe lớn của đại quân qua đèo.
Cả vùng Sê Sụ rền vang tiếng xe máy vào ra, tiếng máy xẻ gỗ, tiếng máy dập đinh, tiếng búa gia cố thùng bệ rền vang dưới tán lá cây rừng như một công trường rộng lớn. Đã sang năm 1975 việc vận chuyển hàng theo phương thức Trung đoàn tập trung Tiểu đoàn gọn đã vận hành trơn tru. Cung đường bốn ngày đêm/ chuyến với bốn Trung đoàn nên ngày nào cũng có xe đi xe về. Việc nắm tình hình các đơn vị trên đường, ngoài mạng hữu tuyến, tải ba, còn có mạng 15w nên cũng thuận lợi.
Địch như đã dự đoán hành động lớn của ta nên chúng cũng tăng cường hoạt động trinh sát trên không bằng các loại máy bay trinh sát điện tử: FR71, RF4C… Thế rồi bọn chúng cũng hành động: 14 giờ ngày 13 tháng 1 năm 1975 từ phía Kon Tum, một tốp máy bay A37 vượt biên giới Việt Lào tới Sê Sụ lượn vòng rồi bổ nhào cắt bom đánh phá khu vực Ngầm Sê Sụ. Ở đó có xe của ta và Bộ đội Công binh. Cao xạ đánh trả mãnh liệt. Bọn chúng nâng độ cao thả hết bom rồi chuồn thằng về phía đông. Cuộc oanh tạc của địch không gây cho ta tổn thất hay hỏng hóc đường xá, ngầm vượt sông cho dù khi đó ở khu vực Ngầm Sê Sụ có rất đông lực lượng của ta. Nhưng cũng ngầm mách bảo cho ta biết, bọn địch đã hành động phá ta. Đã tròn một năm giờ lính ta mới lại thấy được mùi bom đạn, mùi cỏ cháy. Nhưng lính ta không bất ngờ. Cơ quan chính trị Sư đoàn và các Trung Đoàn đã làm rất tốt công tác tư tưởng, xử lý tình huống. Nên sau này, đỉnh điểm là ngày 14 tháng 3 năm 1975 đội hình của Tiểu đoàn 62, Tiểu đoàn 68 thuộc Trung đoàn 32 đang vượt đèo 88 trên đất Lào để trở về Kon Tum thì ba chiếc A37 phát hiện công kích. Giữa đường đèo trống trải, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 62 dũng cảm mưu trí cứu xe, cứu hàng nhưng không tránh được tổn thất: 5 xe bị bắn cháy, 20 xe bị hỏng. Tổn thất lớn nhất là 5 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong đó có đồng chí Tuấn Tiểu đoàn trưởng. Do đã có kế hoạch dự tính tình huống nên chỉ sau một ngày Tiểu đoàn 62 đã chỉnh đốn xong đội ngũ tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển giao hàng đúng thời gian quy định.
Sư đoàn 471 sát cánh cùng với các binh đoàn chủ lực trong cuộc tiến công và nổi dậy xuân 1975 bắt đầu từ việc cuối tháng 1 và tháng 2 năm 1975. Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động gọn đội hình của Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968 bí mật, lặng lẽ không dùng điện đài từ Nam Lào về phía Tây Gia Lai vào Đắk Lắk. Rồi cũng chính xe của Sư đoàn ô tô 471 cơ động Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 từ Bắc Tây Nguyên về Đắk Lắk. Những cuộc hành quân cơ động này hoàn toàn bí mật địch không hay biết gì.
Ngày 1 tháng 3 năm 1975 Trung đoàn 19 - Sư đoàn 968 nổ súng đánh chiếm Đồn Tầm - Chốt Mỹ, pháo kích dữ dội vào Thanh An, uy hiếp Plây Ku thực hiện “Đánh một lan mười”. Ngày 4 tháng 3 năm 1975 các Tiểu đoàn 734, 781, 871 thuộc Trung đoàn 17 cơ động Sư đoàn 10 và một phần Sư đoàn 5 về Đức Lập, Tiểu đoàn 59 chở đạn hỏa lực đi theo. Tình hình bắt đầu sôi động. Ta đánh chiếm Đức Lập; cùng ngày 8 tháng 3 năm 1975 Sư đoàn 320 đánh chiếm Thuần Mẫn ngay trên đường 14. Ngày hôm sau 9 tháng 3 cũng Sư đoàn 320 đánh chiếm Buôn Hồ chỉ cách Buôn Ma Thuật 50 km về phía Bắc. Buôn Ma Thuật bị cô lập - 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, hai tiểu đoàn: 63, 102 thuộc Trung đoàn 32 cơ động Sư đoàn 316 áp sát Buôn Ma Thuật cùng tăng pháo tấn công Buôn Ma Thuật. Sau 32 giờ chiến đấu kiên cường dũng cảm quân ta làn chủ Buôn Ma Thuật. Để đáp ứng yêu cầu cho cuộc tiến công giải phóng Tây Nguyên Sư đoàn 471 đã vận chuyển 10.300 tấn đạn hỏa lực, vật tư phụ tùng cho tăng thiết giáp, thông tin liên lạc… thỏa mãn yêu cầu cho các mũi tiến công. Ta giải phóng Buôn Ma Thuật buộc Quân Ngụy ở Plây Ku vào thế bị động. Ta tiếp tục tiến công mạnh mẽ, uy hiếp buộc địch phải rút chạy. Ngày 17 tháng 3 địch rút chạy khỏi Kon Tum, Ngày 18 tháng 3 rút chạy khỏi Plây Ku với kế sách “tùy nghi di tản”.
Địch rút chạy khỏi tới đâu, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Bội đội Trường Sơn áp sát ngay. Sư đoàn phòng không 377 áp sát đội hình đánh trả máy bay địch. Sư đoàn Công binh 470 vào Kon Tum Gia Lai đảm bảo giao thông trên đường 14, Trung đoàn đường ống 537 thi công tuyến ống đảm bảo xăng dầu cho các xe ta cơ động các đơn vị bộ binh truy kích địch. Được trên chấp nhận Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Sư đoàn 471 và Hậu cứ của các đơn vị trực thuộc rời Sê Sụ theo đội hình xe về Tây Nguyên. Ngày 20 tháng 3 năm 1975 Sư đoàn 471 đã vào chiếm lĩnh doanh trại của Sư đoàn 23 Ngụy liền kề với Tổng kho Mai Hắc Đế để chỉ huy tác chiến.
Địch rút khỏi Tây Nguyên theo đường số 7. Nhận lệnh trên, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn lệnh cho Trung đoàn 32 dồn hết lực lượng kể cả lực lượng phục vụ của hai Tiểu đoàn 68 và 102 cơ động gấp Sư đoàn Bộ Binh 320 truy kích địch trên đường 7 xuống Cheo Reo Phú Bổn., đuổi đánh địch đến Tuy Hòa. Đồng thời Sư đoàn cũng ra lệnh cho Trung đoàn 33 đưa các Tiểu đoàn: 62,63,51 cơ động Sư đoàn 10 Bộ binh đánh địch theo hướng: Vượt đèo Phượng Hoàng xuống giải phóng Ninh Hòa, hiệp đồng với các cánh quân giải phóng Nha Trang, quân cảng Cam Ranh. Ngày 25 tháng 3 năm 1975 toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng sau 18 ngày đêm chiến đấu. Có thể khẳng định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên Sư đoàn ô tô 471 đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao. Cả 4 Trung đoàn xe đều tham chiến, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc: Từ việc cơ động bộ đội vào vị trí xuất phát tiến công, đến vận chuyển lót đạn hỏa lực cho các trận địa bắn… đều được các đơn vị chiến đấu tin tưởng, cấp trên khen ngợi.
Sang tháng 4 năm 1975 Tây Nguyên được giải phóng, các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận được giải phóng. Quyết tâm của ta giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trên tuyến đường từ Bắc vào Nam rầm rập xe chạy ngày đêm chi viện cho chiến trường. Đường 14 - Kon Tum - Gia Lai - Buôn Ma Thuật đã được sử dụng. Xe lớn xe nhỏ hối hả chạy về Nam. Hơn 2600 xe của Sư đoàn 471 vẫn thực hiện những nhiệm vụ vận chuyển khối lượng hàng hóa cho cuộc chiến trả hàng tại Bù Đa - Đồng Xoài.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975 Sư đoàn nhận lệnh nhanh chóng tổ chức cơ động Quân đoàn 3 và một Sư đoàn của Quân đoàn 1 vào Nam Bộ. Đồng thời phải chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực ngoài kế hoạch cho chiến dịch (trong số này phần lớn là đạn pháo cỡ lớn, pháo tầm xa 130 li và 122 li đang tập kết rải rác ở Sê Sụ, Trao Quảng Nam và ở Cảng Đà Nẵng) rất nhanh chóng hai Trung đoàn 17 và 32 được giao nhiệm vụ này do Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng chỉ huy. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì. Cung đường trở ra gặp rất nhiều đoàn đi thẳng vào Nam, xe cộ cồng kềnh có cả bệ phóng tên lửa, xe xích kéo pháo, nhiều đoạn đường không có công binh bảo đảm. Đoạn ra Đà Nẵng chưa được trinh sát. Xe đi vào nhiều, hơn nữa những cơn mưa đầu mùa cũng làm cho đường đi khó. Mệnh lệnh Sư đoàn ban bố: Phải nhường đường ưu tiên cho xe đi vào. Đội hình xe của 471 giữ nghiêm mệnh lệnh hành quân được các đoàn đi vào khen ngợi. Vượt lên tất cả với quyết tâm cháy bỏng của cán bộ chiến sĩ trong Sư đoàn nên ngay trong trung tuần tháng 4 Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chở đủ số đạn hỏa lực này tới nhập kho chiến dịch. Có được số đạn này, Tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Phó Tư lệnh phụ trách Hậu cần chiến dịch đã tuyên bố trước Tư lệnh các cánh quân tiến đánh Sài Gòn: “Các cậu cứ bắn thật mãnh liệt vào! Bắn cho chúng sợ - sợ đến ba đời”.
Để cơ động bộ đội về Nam, cấp trên yêu cầu Sư đoàn phải có đủ 1.600 xe làm nhiệm vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Sư đoàn vừa làm nhiệm vụ vận chuyển theo kế hoạch vừa tổ chức đội hình đủ 1.620 xe có tổ chức chỉ huy chặt chẽ làm nhiệm vụ này. Mười ngày đầu tháng 4 Sư đoàn đã cơ động gọn Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B và cơ quan Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh. Tiếp đó Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Sư đoàn 316 cũng được xe của 471 cơ động vào Đồng Xoài - Lộc Ninh an toàn đúng thời gian quy định. Lần đầu tiên Sư đoàn huy động một đội hình xe lớn và tập trung. Điều kỳ diệu nhất là Sư đoàn đã cơ động hàng vạn cán bộ chiến sĩ và trang bị trên quãng đường hàng trăm km đều an toàn tuyệt đối, không xảy ra một sự cố nào.
Với quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các quân đoàn 1,2,3,4 và Đoàn 232 của ta tiến đánh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Sở chỉ huy sư đoàn 471 rời Buôn Ma Thuật về khu rừng cao su Phú Riềng để chỉ huy các Trung đoàn tham chiến. Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn được lệnh phối thuộc với Bộ chỉ huy chiến dịch để cơ động các đơn vị chủ lực tiến theo hướng Đồng Xoài - Dầu Tiếng - Bến Cát, Lò Gò - Chơn Thành. Ba Trung đoàn 17,32,536 của Sư đoàn được lệnh trực tiếp phục vụ cánh quân từ Đông Nam Bộ tiến vào Sài Gòn theo các hướng:
Hướng thứ nhất: Các tiểu đoàn 51 và 235 cơ động Sư đoàn 320 qua Tâm Uyên vào thành phố. Địch chống trả dữ dội, các chiến sĩ lái xe nhiều lần cầm AK bắn trả như những chiến binh thực thụ. 9 giờ 30 phút sáng 30 tháng 4 năm 1975 đội hình đi đầu của Tiểu đoàn 51 bị địch chặn đánh, 3 xe bị cháy, một đồng chí lái xe hi sinh. Nhưng các chiến sĩ lái xe vẫn vững vàng tay lái cơ động quân ta vượt qua cầu Bình Triệu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Hướng thứ hai: Các Tiểu đoàn 53 và 734 cơ động lực lượng tác chiến của Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát trên đường 13. Từ Bến Cát quân ta ào ạt vượt cầu Sông Bé đánh chiếm nội đô Sài Gòn.
Ở hướng Tây Bắc: Các Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 17,32, 536 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chở đạn hỏa lực cho các cụm pháo được lệnh cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm Đồng Dù - Củ Chi - Hóc Môn, đánh chiếm Sân Bay Tân Sơn Nhất…
11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, khi lá cờ của mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh độc lập thì cán bộ chiến sĩ Sư đoàn ô tô 471 cũng có mặt ở sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy… Các đồng chí Tư lệnh và Chính Ủy Quân đoàn 1 đã gặp gỡ chỉ huy Sư đoàn 471. Trong niềm hân hoan chiến thắng các đồng chí đã thân mật thăm hỏi và đưa ra nhận xét: “Qua cuộc chiến đấu này, lái xe Trường Sơn đã tỏ ra rất thiện chiến. Các đồng chí thật dũng cảm, mưu trí, tháo vát. Không những thông thạo trên địa hình rừng núi mà các đồng chí lại còn có kinh nghiệm chống máy bay, Bộ binh địch và trực tiếp cùng Bộ binh dũng cảm tiêu diệt địch…”

Năm mươi năm đã qua đi. Nhớ lại trận chiến năm ấy, trong tôi luôn đong đầy cảm xúc về một thời chói sáng những chiến công. Khj ấy tôi là Tham mưu trưởng Sư đoàn ô tô 471 trực tiếp chỉ huy tác chiến. Sau chiến tranh tôi được điều động làm Sư đoàn phó Sư đoàn 320 Bộ binh cơ giới hay sau này về làm công tác giảng dạy ở Học viện Quốc Phòng. Trong tôi không bao giờ quên và luôn mang theo những bài học từ cuộc chiến năm ấy và bây giờ xin được bày tỏ như sau.
- Sư đoàn ô tô 471 Trường Sơn được hình thành trong lúc ấy là một sáng tạo, tầm nhìn đúng đắn của Đảng và Quân đội ta. Đối tượng tác chiến của ta là quân Ngụy Sài Gòn. Chiến trường cách hậu phương hàng nghìn km. Việc chuyên chở binh lực phương tiện chiến tranh chỉ trông chờ vào xe ô tô chạy trên đường dã chiến mới mở xe xuống cấp nghiêm trọng. Có tổ chức đội hình cấp Sư đoàn mới giải quyết được việc tập trung lực lượng đảm bảo kỹ thuật xe, tổ chức chỉ huy vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn giữ được kỷ luật vận chuyển trên đường, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
- Chỉ trong một thời gian ngắn (6 tháng) từ khi Sư đoàn nhận nhiệm vụ cho đến ngày toàn thắng. Sư đoàn đã lập nên nhiều chiến công, sau này căn cứ vào thời điểm ấy để nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho Sư đoàn (tháng 6 năm 1976) là do có sự chỉ huy, giúp đỡ sát xao của Bộ tư lệnh Trường Sơn và Bộ chỉ huy chiến dịch. Nhưng về chủ quan cần đánh giá đúng vai trò lãnh đạo chỉ huy của Bộ tư lệnh Sư đoàn. Bộ tư lệnh Sư đoàn đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Ý chí - kiên quyết, kế hoạch - tỉ mỉ, kiểm tra - kỹ càng, phối hợp - ăn khớp, chấp hành - chu đáo, cán bộ - gương mẫu, bí mật phải giữ triệt để”. Bộ tư lệnh Sư đoàn dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm: Điển hình là việc thấy giao thông hỗn loạn, ách tắc trên đèo Am Pun Tư lệnh Sư đoàn đã xin với cấp trên cho 471 được chỉ huy giao thông trên đèo. Với kinh nghiệm từ những năm trên tuyến lửa cùng với sự chỉ huy kiên quyết chặt chẽ mọi việc được giải quyết. Hay việc biết phái viên của Bộ tìm cách tập trung xe bằng lập chốt trưng dụng 300 xe để thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Tư lệnh Nguyễn Lạn đã trực tiếp đến gặp phái viên của Bộ phân tích cách bắt giữ xe này rất không ổn và xin được huy động đủ theo yêu cầu. Đúng hẹn 320 xe đã có đủ giao cho đồng chí phái viên. Hay việc chấp hành chỉ thị các xe không được mang phi xăng trên thùng để tăng khối lượng vận chuyển vì đường ống đã cung cấp đủ dọc đường. Một mặt chấp hành chỉ thị này nhưng cũng đã đưa ra thêm các biện pháp tùy theo cung đoạn, nhiệm vụ để có thể vẫn mang theo phi xăng. Vẫn dùng xe Stes để cấp xăng cho đội hình xe bởi hàng trăm xe cùng chờ vào một điểm cấp xăng sẽ gây ùn ứ mất thời gian. Điều đó giúp cho giải phóng xe nhanh, lái xe có điều kiện nghi ngơi…
Thời kỳ ấy Sư đoàn ô tô 471 có các cơ quan chuyên môn tinh thông nhiệm vụ. Nắm bắt ý định quyết tâm của người chỉ huy để triển khai thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả như việc lên kế hoạch điều động xe, việc gia cố thùng bệ hay việc đảm bảo sức khỏe cho bộ đội bằng tổ chức bếp ăn, bãi nghỉ cấp phát xăng dầu sửa chữa thông thường trên đường. Sẵn sàng đổi xe tốt của Sư đoàn lấy các xe hư hỏng của các đoàn đi thẳng về sửa chữa được các đoàn bạn hết sức cảm kích.
- Sau cùng là ý chí sắt đá quyết tâm giải phóng miền Nam của cả Sư đoàn. Hàng nghìn cán bộ chiến sĩ trong Sư đoàn đều là những chiến sĩ ưu tú tinh thông nhiệm vụ vững vàng tay lái, dũng cảm trong chiến đấu, giữ nghiêm kỷ luật quân đội… đẫ lập nên những chiến công chói lọi xứng đáng với danh hiệu Sư đoàn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
BTV Trang TT&BT Trường Sơn - Nguyễn Kim Chúc ghi.