“Đại Thắng Mùa Xuân” - Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tiếp theo Chương 17)

Ngày đăng: 10:39 07/05/2025 Lượt xem: 11

 “ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN”
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
 
Chương 17 
TOÀN THẮNG
(Tiếp theo Chương 17)

           Khi mất liên lạc với Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguỵ và thấy tình hình chung ở Sài Gòn hết sức nguy ngập, tên Chuẩn tướng nguỵ Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 ra lệnh tập trung xe cộ để chuyển toàn bộ sư đoàn về Sài Gòn. Nhưng đường đi Sài Gòn ta đã chiếm giữ, hắn cùng đơn vị bị chôn chân trong căn cứ. Một bộ phận Quân đoàn 1 ta đánh thẳng vào căn cứ Lai Khê. Lê Nguyên Vỹ tự sát, tên phó của hắn chạy trốn, cơ quan tham mưu Sư đoàn 5 nguỵ bị ta bắt gọn. Một cánh quân khác, Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1 từ 5 giờ đến 10 giờ ngày hôm đó tiêu diệt và bức hàng toàn bộ quân địch ở căn cứ Phú Lợi gồm lực lượng của tiểu khu Bình Dương và một bộ phận Sư đoàn 5 nguỵ. Dự đoán đúng đường rút lui của địch, quân ta bố trí chốt tại khu vực An Lợi trên đường số 14 nên đã bắt gọn 36 xe và 1.200 tên địch đầu hàng. Tại khu vực Búng trên đường số 13 quân ta bắt 7.000 tên thuộc Sư đoàn 5 địch chạy về Lái Thiêu. Trong khi đó, Sư đoàn 320 với sự phối hợp của các binh chủng của Quân đoàn 1 đánh chiếm Lái Thiêu tiến về cầu Bình Phước đã được bộ đội đặc công chiếm giữ từ mờ sáng. Trên đường tiến, lúc 8 giờ 30 phút đơn vị này đã tiêu diệt, phá huỷ và bắt 180 xe các loại của Lữ đoàn 3 kỵ binh nguỵ, sau đó phát triển về khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch ở Gò Vấp. Một cánh khác cũng của sư đoàn thọc sâu triển khai đánh địch từ ngã tư cầu Bình Phước đến cầu Bình Triệu diệt và làm tan rã nốt lực lượng còn lại của Lữ 3 kỵ binh, bắt xe tăng địch dẫn đường cho ta tiến về Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Trên bản đồ tác chiến của nguỵ ở Bộ Tổng Tham mưu, địch ghi một câu hỏi: "Còn Sư đoàn 308 ở đâu?". Sư đoàn 308 là một trong những sư đoàn chủ lực thiện chiến và anh hùng của ta mà địch chưa thấy xuất hiện ở mặt trận. Trong những sự sợ hãi của địch, có một cái sợ theo học thuyết quân sự tư sản: "Sợ nhất là sự im lặng của lực lượng đối phương". Sư đoàn 18 nguỵ trên đường rút chạy về Thủ Đức, rất hoảng sợ khi thấy quân ta đã đứng chặn ở phía trước. Tên Tư lệnh sư đoàn và bọn sĩ quan tham mưu nguỵ cải trang đi lẫn vào đám tàn quân hỗn loạn lén lút chạy trốn về Sài Gòn. Quân đoàn 4 từ 7 đến 9 giờ sáng tập trung lực lượng đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguỵ, Hốc Bà Thức sát sân bay Biên Hoà, đánh tan quân địch chống cự ở Hố Nai, Tam Hiệp; chuẩn bị thọc vào Sài Gòn. Cánh Quân đoàn 2, sau một đêm điều chỉnh đội hình bổ sung hiệp đồng, sáng ngày 30 tháng 4 cho binh đoàn thọc sâu, dưới sự chi viện của 3 trận địa hoả lực, có đặc công, biệt động dẫn đường, bắt đầu vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai nhằm thẳng hướng nội thành Sài Gòn mà tiến. Dọc đường quân đoàn dùng hoả lực trong hành tiến diệt các ổ đề kháng địch ở Thủ Đức, phía bàc cầu Rạch Chiếc. 9 giờ 30 phút bộ phận đi đầu đến cầu Rạch Chiếc. Cầu này đã được quân biệt động ta đánh chiếm trước và giữ cho đến lúc quân chủ lực tới. Những bộ phận đi đầu của Đoàn 232 trên hai hướng tây nam và nam, đang tiến gần về phía Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát nguỵ. Trên đường số 4, ta vận động tiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 22 nguỵ mới khôi phục, Liên đoàn 6 biệt động quân, giải phóng thị xã Tân An, đánh chiếm Chi khu Thủ Thừa. Cũng trong sáng ngày 30 tháng 4, để hòng vớt vát được chút gì, nguỵ quyền Sài Gòn triệu tập một cuộc họp các "tổng trưởng" nguỵ ở "Dinh Độc lập" để làm lễ ra mắt "tân nội các" vào 10 giờ sáng. Nhưng đã quá muộn. Đúng vào lúc 9 giờ 25 phút, chúng được tin đã mất bốn Sư đoàn: 5, 18, 22 và 25, các Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến, thiết giáp bị đánh tan nát, quân ta đã đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu, các xe tăng ta đã vượt qua các cầu trên sông Sài Gòn, thành phố bị chia cắt hẳn với Quân đoàn 4 địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình thế đó chúng thấy: thế là hầu như không còn gì nữa và buộc phải đưa ra một tuyên bố của "tổng thống" nguỵ xin ngừng bắn. Bản tuyên bố ấy được viết, thu tiếng nói vào băng ghi âm tại "Dinh Độc lập" và đưa đi phát thanh. Giữa lúc cả cái "triều đình" cuối cùng của chế độ do Mỹ dựng lên ngồi trong "Dinh Độc lập" thì cửa phòng mở. Họ đứng cả dậy, tưởng là Quân giải phóng tới. Người bước vào là tên tướng Vanuyxem. Tên này một mình đi vào "Dinh Độc lập". Hắn xộc lên chỗ phòng "nội các" nguỵ đang ngồi, ngăn lại việc đem cuộn băng ghi âm của "tổng thống" nguỵ đi phát thanh. Rồi hắn gặp "tổng thống" nguỵ để bày kế chặn cuộc tổng công kích của ta vào Sài Gòn. Mưu ma chước quỷ của Vanuyxem thật là nực cười, hành động thật là thô bạo, trắng trợn, nói nhiều ra chưa tiện, nhưng cũng không giúp được nguỵ quyền đảo ngược tình thế. Cuộn băng ghi âm tiếp tục được đem đi phát thanh. "Tổng thống" nguỵ đề nghị "ngừng bắn" để cùng thảo luận về bàn giao chính quyền". Đến lúc này địch còn dùng thủ đoạn hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta đến toàn thắng? Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ thị ngay cho mặt trận như sau: "Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch". Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau khi thảo luận tập thể, đã ra mệnh lệnh sau đây gửi ngay cho các quân khu, quân đoàn, các đơn vị: "1. Các quân khu, quân đoàn, đơn vị tiếp tục phát triển tiến công thật nhanh vào các khu vực và mục tiêu đã quy định trong thành phố và địa phương. 2. Kêu gọi quân địch đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí, bắt giữ và tập trung các sĩ quan địch từ cấp tá trở lên. 3. Nếu chỗ nào địch chống cự thì lập tức tiến công tiêu diệt ngay". Khi chưa nhận được lệnh nói trên của Bộ chỉ huy chiến dịch và ngay sau khi nghe tin địch yêu cầu ngừng bắn, các đơn vị trên toàn mặt trận vẫn tiến quân nhanh vào các đường phố Sài Gòn. Bộ đội ta nói với nhau: "Không có chuyện ngừng bắn". Cứ tiếp tục tiến công. Thời cơ nghìn năm có một là đây". Chúng tôi rất mừng thấy cán bộ và chiến sĩ ta quả là trưởng thành nhiều và hết sức nhạy bén về chính trị, có ý chí quyết thắng rất cao, có tinh thần kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc, quán triệt đầy đủ quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị. Điều mới lạ nhất của chiến dịch lịch sử này chính là cái đã nảy ra trong tâm hồn cán bộ và chiến sĩ ta. Cái gì đã làm nên khí thế bộ đội ta ra quân hùng dũng nhất, kiên quyết nhất trong chiến dịch năm nay? Cái gì đã làm cho bộ đội ta ai cũng hiểu rõ quyết tâm lớn của Đảng, của dân tộc, hiểu rõ thời cơ vô cùng quý giá này và hiểu rõ cách đánh chưa từng thấy này? Cái gì đã làm cho bộ đội ta dũng cảm, khẩn trương một cách lạ thường, thông minh về chính trị một cách xuất sắc vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này? Ý chí và bản lĩnh ấy của quân đội ta không phải một ngày mà có được. Đây là kết quả cả một quá trình liên tục tiến hành công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng trong các lực lượng vũ trang. Và trong 30 năm chiến đấu vừa qua, có chiến dịch nào mà Bác Hồ chẳng cùng bộ đội ta hành quân. Ra trận năm nay, toàn quân ta có sức mạnh phi thường chưa từng có khi trận quyết chiến chiến lược này mang chính tên Người: Hồ Chí Minh, đối với mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ ta là niềm tin, là sức mạnh và lẽ sống. Trong những cánh quân trùng trùng điệp điệp tiến lên phía trước, mỗi chiến sĩ ta rạo rực trong lòng niềm tin chiến thắng, tràn trề hy vọng vào tương lai dân tộc và tình yêu đất nước. Sức bật của Tổ quốc tích luỹ nhiều năm hôm nay chính mắt anh chiến sĩ được thấy và sức bật của chính anh không thủ đoạn nào của kẻ thù ngăn lại được. Các cánh quân tiến nhanh về năm mục tiêu chủ yếu để rồi từ đó toả ra. Nhìn trên bản đồ tác chiến, năm cánh quân của ta như năm bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tiến công chủ yếu. Quân đoàn 1 đã chiếm Bộ Tổng Tham mưu nguỵ và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng địch. Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và đã gặp một cánh quân trụ sẵn ở đây: phái đoàn quân sự của ta ở trại David, một cảnh gặp nhau lý thú đầy xúc động. Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng nguỵ, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh. Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát nguỵ. Quân đoàn 2 chiếm "Dinh Độc lập", nơi bọn nguỵ đầu sỏ tay sai Mỹ bán Độc Lập, buôn máu người và buôn lậu Bộ đội ta xông ngay lên gác, nơi "nội các" nguỵ đang họp và bắt ngay tại chỗ toàn bộ đầu sỏ nguỵ quyền trung ương, kể cả "tổng thống" nguỵ. Bộ đội ta xử trí linh hoạt, tuyên bố vững vàng, biểu hiện khí thế một quân đội chiến thắng. Cờ cách mạng tung bay trên "Dinh Độc lập". Lúc ấy là 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4. "Dinh Độc lập" trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn. Tại Sở chỉ huy mặt trận, chúng tôi mở các máy thu thanh để nghe. Tiếng của "tổng thống" nguỵ quyền nói xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta không điều kiện. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng! Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi! Tất cả chúng tôi trong Sở chỉ huy đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau. Tiếng vỗ tay, tiếng cười ran, tiếng nói vui, náo nhiệt, ríu rít, tưng bừng như cả mùa xuân ập đến. Một cảnh tượng mừng vui không gì tả được Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng ôm chầm lấy tôi và tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt. Tất cả chúng tôi nghẹn ngào, xúc động vì sung sướng. Tôi châm một điếu thuốc lá hút. Đồng chí Đinh Đức Thiện mắt đỏ hoe nói: "Bây giờ nếu có nhắm mắt cũng yên lòng". Cái giây phút lịch sử thiêng liêng này, sảng khoái và hả hê này, cả một đời người, cả nhiều đời người mới có. Đời chúng ta biết nhiều buổi sớm mai thắng lợi, nhưng không buổi sớm mai nào tươi đẹp, rực rỡ, trong mát? ngát thơm như buổi sớm mai toàn thắng hôm nay, buổi sớm mai em bé lớn thêm, cụ già trẻ lại. Điện của Bộ Chính trị gửi cho chúng tôi: "Đã nhận được tin ta đã cắm cờ trên "Dinh Độc lập", gửi các anh lời chúc mừng đại thắng. Bộ Chính trị rất vui!". Và có cả tiếng nói từ trái tim Tổ quốc qua máy điện thoại truyền đến chúng tôi: "Chúc mừng đại thắng. Các anh trong ấy có nghe thấy tiếng pháo nổ không? Hà Nội đang ran tiếng pháo đấy". Cả Hà Nội đổ ra đường, đốt pháo, tung hoa, vẫy cờ. Hà Nội thủ đô của cả nước, Hà Nội anh hùng, nơi có Bác Hồ và bộ óc vĩ đại của Đảng ta, đã cùng toàn quốc làm nên chiến thắng này. Rừng người, biển người tràn đi các phố trong tiếng reo ca. Cả nước ta ra đường hít sâu không khí ngày vui trọn vẹn. Cả nước ta nhảy mừng ngày hoà bình thật sự sau 30 năm chiến tranh, ngày xoá hoạ chia cắt và kết thúc nỗi khổ phân ly. Tất cả nhân dân ta, trừ bọn bán nước, dào dạt tự hào, phấn chấn, cất cao tiếng hát toàn thắng. Khuôn mặt nhân dân ta chưa bao giờ đẹp bằng hôm nay. Nhân dân anh hùng chúng ta xứng đáng với chiến công vĩ đại này và chính thắng lợi lịch sử này mang nặng công sức trời biển và những hy sinh to lớn của nhân dân ta. Từ nay đất nước liền một dải, non sông về một mối, hoà bình thật dứt khoát, độc lập thật hoàn toàn. Gia đình đoàn tụ mà dân tộc cũng đoàn viên. Đồng chí Võ Xuân Sáng, cán bộ bảo vệ của tôi, là người chụp ảnh không chuyên nhưng đã ghi được quang cảnh hồ hởi của Sở chỉ huy vào phút toàn thắng đầu tiên. Chúng tôi vui quên ăn, quên nghỉ. Và chúng tôi đã khóc. Phải, nước mắt chỉ để dành cho ngày toàn thắng hôm nay mà cả mấy thế hệ đã chiến đấu trọn nghĩa, trọn tình và đã gửi gắm cuộc đời mình vào đó. Ý nghĩ và ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi vào giây phút đầu tiên của toàn thắng là nghĩ về Bác Hồ kính yêu, mà tên tuổi gắn liền với chiến dịch lịch sử vĩ đại này, gắn liền với mọi thắng lợi của nhân dân ta. Nhân dân và quân đội ta sung sướng báo cáo với Bác rằng, điều căn dặn của Bác đã được thực hiện hết sức tốt đẹp. Hôm nay vẫn có tiếng chuông reo trên nhà sàn của Bác báo tin thắng trận, vẫn có tiếng kèn toàn thắng tràn qua song cửa lọt vào trang thơ trên bàn của Bác, vẫn có cánh tay Bác trìu mến vẫy gọi đến Bác ôm hôn, vẫn có hình dáng Bác trong ngày hội toàn thắng vẻ vang, bắt nhịp cho chúng ta hát. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và tôi tựa ghế nhìn bản đồ thành phố Sài Gòn trải rộng trên bàn. Chúng tôi nghĩ đến nhiều công việc bề bộn đang đặt ra. Điện, nước ở Sài Gòn có tiếp tục hoạt động được không? Nguỵ quân tan rã tại chỗ đông gần một triệu, nên giải quyết như thế nào? Làm cách nào cứu đói cho dân và tìm công ăn việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp? Cần xin Trung ương gửi gấp vào những vật tư gì để nuôi sống các nhà máy ở Sài Gòn? Làm sao xây dựng được nhanh chóng chính quyền cách mạng ở cơ sở? Chính sách đối với giai cấp tư sản nên như thế nào? Và làm thế nào để đưa miền Nam đi lên chủ nghĩa xã hội cùng cả nước? Sự kết thúc cuộc chiến đấu này là sự mở đầu một cuộc chiến đấu khác, phức tạp và gian khổ không kém. Khó khăn có nhiều nhưng thuận lợi không ít, Sài Gòn và miền Nam đi trước về sau xứng đáng được hưởng cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc. Đến đây tôi thấy có nghĩa vụ phải nôi thêm đôi điều về vai trò của nổi dậy của nhân dân miền Nam trong trận quyết chiến cuối cùng này. Đó cũng còn là sự thôi thúc của tình cảm đối với đồng bào miền Nam, những anh hùng đã điểm tô những nét tươi sáng tuyệt vời làm nổi bật vẻ hoành tráng của bức tranh chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng, thật hiếm có trường hợp một thủ đô của địch "bão hoà" về lực lượng vũ trang và bộ máy kìm kẹp, nhưng lại luôn luôn bất ổn về chính trị, nhiều lần rung chuyển lung lay vì các cuộc đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của nhân dân như trường hợp thành phố Sài Gòn. Ở giai đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh cứu nước, do tác động của bước chuyển biến quan trọng về lực lượng so sánh, chưa bao giờ hai mặtđấu tranh quân sự, chính trị có điều kiện thuận lợi để kết lại thành cao trào tiến công như bây giờ. Và các đồng chí lãnh đạo địa phương đã nhạy bén nắm bắt vận hội, tiến hành công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức sâu rộng, đầy khí thế, đưa quần chúng lên trận tuyến diệt thù, giành lại quyền làm chủ quê hương. Những ngày cuối tháng tư này đã trở thành những ngày hội thực sự của nhân dân lao động Sài Gòn nói riêng và của miền Nam nói chung. Sau khi đòn tiến công quân sự đã đập tan cái vỏ cứng bao quanh thành phố trong ngày và đêm ngày 29-4-1975, cùng nhịp bước với đà tiến của đại quân đã có hơn một trăm điểm nổi dậy của quần chúng, hợp sức với các đội đặc công, biệt động đánh chiếm các mục tiêu đã quy định, giành chính quyền ở cơ sở, chiếm xưởng, chiếm sở, giữ gìn hồ sơ, máy móc không cho địch phá hoại.

(Chương 17 còn nữa)

 
tin tức liên quan