“Tấm Bản đồ vấy máu” – Ký ức chiến trường của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 05:09 22/05/2025 Lượt xem: 51

TẤM BẢN ĐỒ VẤY MÁU
 
            Tuyến đường ngang B46 Trường Sơn - Đầu mùa khô 1970 đã sẵn sàng để đón xe vào. Những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, cũng là lúc các lực lượng ra quân chiếm lĩnh vị trí được giao sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.
            Như thường lệ, chiếc OV10 trinh sát chỉ điểm cho lũ F4 cắt bom, từ hướng Đông theo trục đường B46 bay tới. Tới khu vực Chà Vằn nó giảm tốc độ có ý lượn vòng theo đường 128 tìm kiếm mục tiêu. Tức thì một chùm đạn 37 li bủa vây nó. Máy bay khựng lại, một chiếc dù đỏ trắng bung ra, máy bay bốc cháy lao xuống đất. Các lực lượng của ta ở khu vực Chà Vằn được lệnh sẵn sàng chiến đấu.
          Chỉ ít phút sau, khu vực Chà Vằn đã rền vang tiếng máy bay. Mới đầu là bọn trinh sát OV10, sau đó là bọn phản lực lượn vòng. Rồi bọn trực thăng phành phạch đổ quân chiếm lĩnh các điểm cao. Đúng kịch bản giải cứu phi công của bọn Mỹ. Ở khu vực này rất gần các căn cứ lớn của Mỹ nên bọn trực thăng cũng nhanh chóng tiếp cận khu vực. Lực lượng bộ binh, công binh, xe, kho O1 của binh trạm 44 ở Chà Vằn chủ động hiệp đồng đánh địch. Cả khu vực rền vang tiếng máy bay các loại. Đại đội 2 bộ binh nổ súng đánh trả bọn biệt kích mới được đổ xuống chốt giữ các điểm cao… Tâm điểm của cuộc chiến chuyển dần về phía tây Chà Vằn, nơi máy bay OV10 bị bắn rơi và tên phi công nhảy dù xuống. Chừng một giờ sau cả khu vực im tiếng súng, chỉ còn hai chiếc OV10 lượn vòng khu vực.
          Ban chỉ huy Tiểu đoàn 28 cao xạ và Đại đội 2 về Sở chỉ huy cơ bản của binh trạm ở khu vực kho O2 - Tà oọc báo cáo. Binh trạm trưởng Vũ Xuân Phương cùng ban tham mưu tác chiến hành quân nghe báo cáo. Binh trạm trưởng biểu dương và khen ngợi tinh thần chủ động tiến công địch. Các chiến sĩ Tiểu đoàn cao xạ 28, thay vì bắn thử pháo sau bảo dưỡng đã lấy ngay mục tiêu là máy bay Mỹ để bắn thử. Điều kỳ diệu là đã bắn hạ OV10 ngay cả khi nó bay ra bằng một điểm xạ ngắn. Binh trạm sẽ làm đề nghị trên khen thưởng kịp thời. Binh trạm trưởng cũng biểu dương tinh thần chủ động tiến công, nổ súng đánh địch của các chiến sĩ bộ binh đã bắn cháy một máy bay trực thăng và bảo vệ được kho O1 an toàn. Ông nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta là đánh địch mà đi. Những trận chiến không báo trước như thế này đang chờ đợi chúng ta. Mọi người phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ”. Các đồng chí Đại đội 2 bộ binh giao nộp những thứ thu được trong trận đánh. Trong đó có tấm bản đồ địa hình 1/100.000 vấy máu địch - đây là thứ mà cơ quan Tham mưu binh trạm đang cần có nó.

          Cơ quan tham mưu tác chiến hành quân binh trạm có hai tiểu ban tác chiến là Tiểu ban tác chiến Phòng không và Tiểu ban tác chiến Mặt đất dưới sự chỉ huy chung của Trưởng ban tham mưu tác chiến hành quân - Tham mưu phó Binh trạm Đoàn Lưu. Tấm bản đồ địa hình vấy máu này được giao cho Tiểu ban tác chiến mặt đất. Trưởng tiểu ban tác chiến mặt đất Lê Khai quê Hải Phòng, Vũ Ba trợ lý quê Hà Tây, Nguyễn Thuận trợ lý quê Quảng Nam nghe chừng không mấy mặn mà với tấm bản đồ. Riêng tôi rất thích tấm bản đồ này. Nhưng là trợ lý mới bổ sung về nên không dám tranh phần. Cuối cùng tấm bản đồ được phân cho tôi vì lẽ tôi là sĩ quan pháo binh thông thạo sử dụng bản đồ. Phải nói tôi vui đến mức nào rồi.
          Tôi là sĩ quan chỉ huy pháo mặt đất, được đào tạo cơ bản có nhiều năm ở chiến trường rừng núi sử dụng nhiều loại bản đồ địa hình có tỉ lệ khác nhau. Nhưng đây là tấm bản đồ được in ấn tinh xảo: Mặt chính được tráng một lớp màng mỏng trong suốt chống nước. Chỉ tiếc là mặt sau vất máu tụi Mỹ. Cũng có thể vì lẽ đó mà người ta ngại mang theo nó. Riêng tôi coi nó là báu vật. Bởi vì có nó tôi có thể dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ.
          Thiếu tá Vũ Xuân Phương là người thứ tư giữ chức vụ binh trạm trưởng 44 Trường Sơn và tại vị lâu nhất cho đến khi mô hình binh trạm được giải thể để đưa các Tiểu đoàn binh chủng về thành lập Trung đoàn. Tôi trợ lý tác chiến cùng đồng hương Vĩnh Phú với ông. Do vậy mối quan hệ giữa chúng tôi rất chân tình, tin cậy. Trước khi vào Trường Sơn ông đã từng ở Học viện Lục quân rồi làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Phú Thọ. Ông là một trong những sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành mà tôi mến mộ. Một hôm sau giao ban buổi sáng ông gọi tôi ở lại. Trải tấm bản đồ vấy máu lên bàn, ông xem xét rồi nói:
          - Đây là một tấm bản đồ địa hình hoàn hảo. Tôi tiếp lời ông.
          - Đúng vậy! Thưa Thủ trưởng! - Bọn Mỹ đã dùng không ảnh, kết hợp với các yếu tố lịch sử, địa lý… nên tấm bản đồ này có đủ những chi tiết mà người ta cần đến như: Đường mòn, bản làng cũ, di tích lịch sử, đặc biệt tuyến đường ô tô ta đang hoạt động được thể hiện chính xác trên bản đồ.
          Binh trạm trưởng ra chỉ thị: Tham mưu tác chiến hành quân nhanh chóng có phương án đánh địch hiệu quả cả trên không và bọn mặt đất. Thực hiện mệnh lệnh của binh trạm trưởng. Binh trạm phó Tăng Văn Hoan thị sát các đơn vị trên tuyến. Tôi được ông chỉ định đi cùng. Binh trạm phó Tăng Văn Hoan là một sĩ quan vui tính, hài hước. Ông từng khoe: “Tớ cao số lắm, thằng Pháp, thằng Nhật đã chả làm gì được tớ. Còn thằng Mỹ này bọn mình phải bắn tan xác nó”. Rồi ông kể tháng 8 năm 1945 bọn giặc bắt được ông giam ở Thị xã Thái Nguyên. Đêm tối bọn giặc đưa bọn ông đi thủ tiêu. Lợi dụng đêm tối, ông lăn xuống núi thoát thân về với đồng đội.
          Có tấm bản đồ địa hình vấy máu này nên tôi luôn đáp ứng được những điều binh trạm phó cần. Đại loại như ta đang ở đâu, từ chỗ đứng này đến điểm A hoặc điểm B cách bao xa, gần đây có bản làng nào không… Binh trạm phó tới trận địa của Tiểu đoàn 28 cao xạ duyệt phương án đánh địch. Tiểu đoàn 28 bố trí đủ 12 nòng pháo 37 li và bốn khẩu 23 li bốn nòng. Trực tiếp ở cùng Tiểu đoàn 28 và các Đại đội có Tham mưu phó Đoàn Lưu và các trợ lý cao xạ. Chúng tôi chọn vị trí đài quan sát của Đại đội 2 bộ binh cách trận địa của Tiểu đoàn 28 chừng 900m để theo dõi trận đánh.
          Đúng theo phương án đã duyệt: Khoảng 2 giờ chiều chiếc OV10 từ hướng Đông bay tới. Nó ngó nghiêng dọc tuyến B46, bọn F4 lượn vòng phía xa. Tới km 41 đường trống trải, một chiếc xe ngụy trang sơ sài lăn bánh trên đường. Thấy mục tiêu, OV10 lấy độ cao lượn vòng gọi bọn F4. Lái xe được lệnh rời xe vào hầm trú ẩn. OV10 chúi mũi bổ nhào. Chỉ chờ có thế các trận địa đồng loạt nổ súng. Đạn nổ bao chùm chiếc OV10. Nó lật xấp, lật xấp, lật xấp… nhưng cách mặt đất vài trăm mét nó lại lập tực cải bằng thoát ly ra khỏi vùng nguy hiểm. Chứng kiến cảnh này, Binh trạm phó hài hước:
          - Mình lừa nó, nó lại lừa lại mình - một huề.
          Chiếc OV10 lượn vòng tít trên cao bắn đạn khói, bọn F4 cũng theo đó từ trên cao cắt bom rồi chuồn thẳng. Binh trạm phó lại đưa ra nhận xét:
          - Sau bảo dưỡng bắn thử mấy viên rơi ngay OV10. Bầy binh bố trận cẩn thận bắn hàng trăm viên đạn chả rơi chiếc nào. Ngày xưa các cụ nói: “Thử kêu đốt tịt” là vậy - cấm có sai… Bắn rơi nó thì tốt, nhưng bắn nó chưa rơi cần phải rút kinh nghiệm để sau ta sẽ hạ nó. Rồi ông nhắc tôi đánh dấu vị trí các trận địa bắn trên bản đồ để sau này rút kinh nghiệm trận đánh.
          Xem xét thận trọng trên bản đồ, Binh trạm trưởng Vũ Xuân Phương quyết định bố trí lại lực lượng hỏa lực. Cơ động Đại đội pháo 85 li nòng dài từ km 110 ra đường tránh Cua tay áo. Dùng bản đồ xác định tọa độ trận địa bắn, tạo độ các khu vực cần bảo vệ. Việc đưa bốn khẩu pháo 85 li từ km110 vượt gần 100km về vị trí mới lập trận địa bắn để bảo vệ một khu vực rộng lớn ở khu vực Chà Vằn. Dùng bản đồ tổ chức bắn thử pháo 85 li thành công đã gây ra một tiếng vang lớn trong toàn binh trạm.
          Địch tăng cường đánh phá tuyến ngang B46 nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng - Khu 5. Ban ngày không lúc nào ngớt tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Đêm đến AC130 cùng lũ F4 săn xe ta trên tuyến. Bọn B52, B57 cắt bom tọa độ hủy diệt những điểm chúng nghi ngờ. Tuyến B46 từ km 65 trở vào chạy trên biên giới Việt Lào. Từ km 98 chạy trên đất Quảng Nam, Kon Tum. Do vậy mà ngoài bọn Không quân đánh phá, bọn địch còn dùng trực thăng đổ các toán thám báo biệt kích đánh phá ta. Binh trạm trưởng chỉ thị cho cơ quan Tham mưu tác chiến Binh trạm lập phương án bảo vệ kho O2 km 65, Tà oọc. Bảo vệ kho O2 thực chất là bảo vệ hậu cứ của Binh trạm. Cầm tấm bản đồ chúng tôi thị sát cả khu rừng rộng lớn biên giới của hai nước Việt Lào -  khu vực Tà oọc. Ở đó, sườn phía Tây là lưu vực của sông Sê Ka Mán chảy về Nam Lào; sườn phía đông là lưu vực sông Thanh chảy về Quảng Nam trong đó có các vị trí trú quân của binh trạm bộ, kho O2, Tiểu đoàn xe ô tô 56, Tiểu đoàn 17 giao liên và cả khu đầu mối khu 5 chi nhánh Quảng Nam Đà Nẵng. Với sự trợ giúp của các đơn vị phương án tác chiến bảo vệ khu vực hậu cứ của binh trạm đã được thông qua. Về tổ chức lực lượng có sự thay đổi chút ít: Đại đội 2 và Đại đội 3 bộ binh sát nhập làm một lấy tên là Đại đội 293 - Ban chỉ huy Đại đội đóng ở Tà oọc; lập một trận địa chốt với ba khẩu cối 82 li liên hệ chặt chẽ với đài quan sát lập phần tử bắn vào những nơi dự kiến địch có thể tới. Binh trạm trưởng cho bắn đạn thật - đạn nổ tốt trúng mục tiêu. Tạo niềm tin lớn trong Binh trạm. Cũng là nhờ có tấm bản đồ vấy máu này.
          Cá nhân tôi trở thành người gắn liền với tiếng tăm của tấm bản đồ. Các Thủ trưởng Binh trạm đi thị sát tuyến, thăm các đơn vị đều chỉ định tôi đi cùng. Xác định chỗ trú quân mới cho các đơn vị cũng có tôi… Thành thử các vị Đại đội trưởng nhất là các Trạm trưởng trạm giao liên bộ thường mật thiết với tôi và nhờ vả đừng để họ phải chuyển vị trí. Tôi biết rõ những điều đó. Nhưng có công nhất chính là tấm bản đồ vấy máu này và tôi đọc được nó. Tôi vô cùng quý và xem như báu vật. Ngay cả khi thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 471 - Tương đương cấp Sư đoàn vào tháng 7 năm 1971 tôi được điều động về làm trợ lý, tôi vẫn mang theo tấm bản đồ này. Ở khu vực Nam Lào, tấm bản đồ này lại giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Và trong sâu thẳm tôi luôn ngưỡng mộ những chiến sĩ bộ binh quả cảm của Binh trạm 44 - Nhờ có họ tôi mới có được tấm bản đồ quý giá mà người lính pháo binh thường mơ ước. Rất tiếc, trong một lần cơ động trên chiến trường, do bom đạn địch đánh vào đội hình, tấm bản đồ bị thất lạc. Tôi cứ tiếc mãi. Nhưng chiến tranh là thế, biết làm sao được.

Nguyễn Kim Chúc
(Nguyên Phó CT TT Hội Trường Sơn Sư đoàn 471)
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan