Vinh dự và tự hào với tất cả những gì được nhắc đến từ một bài diễn văn
VINH DỰ VÀ TỰ HÀO VỚI TẤT CẢ NHỮNG GÌ
ĐƯỢC NHẮC ĐẾN TỪ MỘT BÀI DIỄN VĂN
Trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm các sự kiện lớn của tháng 5 lịch sử - Sáng ngày 27/4/2025. Tại thành phố Đà Nẵng, Ban Liên lạc cựu cán bộ, chiến sĩ, cựu TNXP thuộc Ban Giao Vận Khu Trung Trung Bộ (Ban Giao thông Vận tải Khu 5) thời chống Mỹ cứu nước tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tại buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này - Trưởng ban liên lạc, Thạc sĩ Bùi Công Định đã trình bày bài diễn văn với tựa đề: “BAN GIAO VẬN KHU 5 (BAN GIAO THÔNG VẬN TẢI TRUNG TRUNG BỘ) NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VINH QUANG”.
Bài diễn văn đã khẳng định: Năm mươi năm trước, công sức trí tuệ nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Giao vận khu 5 đã làm nên những chiến công oanh liệt góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp thống nhất đất nước.Trong chiến công chung ấy chúng ta không bao giờ quên công lao những cán bộ chiến sỹ của ngành Giao thông vận tải Khu 5 hơn 680 Liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, hơn một vạn người đã hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giao thông vận tải...
Nội dung chính của bài diễn văn dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được điều đáng vinh dự, điều đáng tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sỹ ngành Giao thông vận tải Khu 5:
(5).jpg)
Trưởng Ban Liên lạc Bùi Công Định, trình bày diễn văn.
“Năm mươi năm trước, tháng 5 năm 1975 sau ngày thống nhất đất nước, được vào thành phố Hồ Chí Minh dự hội nghị ngành Giao thông Vận tải, đứng trước cửa dinh Thống nhất, nhìn đoạn hàng rào bị xe tăng Quân Giải phóng của ta húc đổ, được dựng lại nước sơn còn mới, tôi nghĩ:
“Đoàn xe tăng ấy đã đi trên vai chúng ta từ vĩ tuyến 17 để đến được nơi này. Lá cờ đỏ thắm trên nóc dinh kia đã đẫm máu biết bao đồng đội trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập tự do thống nhất đất nước”.
Đó là: các chiến sĩ trong ngành GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại thủ đô Hà Nội. Chính phủ lâm thời được thành lập với các bộ có Bộ giao thông công chính.
Ngày 15 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Khu 5 gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Sau 4 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1949 Khu 5 bổ sung thêm Khánh Hòa và Đắc Lắc, từ đó ngành giao thông vận tải Khu 5 đảm đương nhiệm vụ 5 tỉnh đồng bằng và 3 tỉnh Tây nguyên.
Năm tháng trôi qua những đồng chí ngày ấy đã ra đi, nhiều người nay tóc đã bạc sương nhưng những ký ức hân hoan không thể nào quên của những kỹ sư, công nhân vừa thoát ách nô lệ đứng lên làm chủ đường sắt, đường bộ, vận hành thông suốt ngành kỹ thuật kinh tế chủ chốt của một vùng quan trọng đất nước.
Chín năm kháng chiến cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong của ngành giao thông vận tải khu 5 đã lập nên chiến công oanh liệt luôn cùng bộ đội trên tuyến đầu giữ vững vùng giải phóng Nam Ngãi Bình Phú và Tây Nguyên cùng chiến trường cả nước giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương.
Sau Hiệp nhị Giơ ne vơ 1954 đất nước ta bị chia thành hai miền Nam Bắc. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài Tổ quốc ta, suốt sáu năm trời từ 1954 đến 1960 chúng lập ra hàng nghìn trại tập trung khu dồn, nhà tù, lê máy chém khắp miền Nam bắt giết tù đày những người kháng chiến củ, nhân dân vùng tự do năm xưa bị đàn áp khốc liệt phải sống những ngày đen tối cùng cực.
Ngay trong năm 1954 trong khi quân đội chủ lực và một số cán bộ tập kết ra miền Bắc thì những cán bộ chiến sĩ được bố trí ở lại miền Nam đã lập đường liên lạc nối từ Khu 5 ra Bắc.
Người cán bộ đầu tiên xuyên rừng để bắt liên lạc với bộ phận giao liên Thừa Thiên tại A Roàng là đồng chí Trương Đình Công (bí danh là Mạnh). Mười lăm năm sau chính đồng chí Trương Đình Công được cử làm giám đốc Khu đường bộ khu 5 tiếp quản xây dựng hệ thống đường bộ sau ngày thống nhất đất nước.
Ban Giao vận Khu 5 đã nối mạch đường liên lạc từ vùng chiến khu rừng núi Trà My – Trà Bồng-Tiên Phước bằng đi bộ xe máy xe đạp với căn cứ các tỉnh đồng bằng: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 3 tỉnh Tây nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc.
Chiến tranh đặc biệt thất bại, năm 1965 để cứu chính quyền Nguyễn văn Thiệu đế quốc Mỹ đưa quân chính quy nhảy vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ.
Ban Giao vận khu 5 do đồng chí Trần Kiên-Thường vụ Khu ủy 5 trực tiếp làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Minh Châu-Phó Trưởng ban, được tăng cường hàng loạt cán bộ chuyên môn kỹ thuật có kinh nghiệm thiết kế thi công đường ô tô từ miền Bắc về. Anh em đồng đội còn nhớ mãi hình ảnh Phạm Cao Giới, Nguyễn Giảng, Hoàng Đình Bộ, Hồ Thanh, những kỹ sư, trung cấp kỹ thuật còn mang nặng nếp nông dân…Những người vạch trên bản đồ nét vẽ đầu tiên hệ thống đường ô tô trong khu căn cứ.
Hàng vạn dân công, thanh niên xung phong cùng công binh mở mới và khôi phục các tuyến đường trong vùng giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum. Dưới bom đạn của quân thù, dưới mưa lũ từ rừng sâu núi thẳm, thiên nhiên khắc nghiệt hệ thống đường thồ đã nối liền các vùng giải phóng rộng lớn và các cửa khẩu đồng bằng như Tiên Phước-Tam Kỳ, Trà Bồng-Bình Sơn, Sơn Hà-Sơn Tịnh, Ba Tơ-Đức Phổ, Hoài Ân-Hoài Nhơn.
Tháng 5 năm 1971 ngụy quân Sài Gòn được sự yểm trợ bằng hỏa lực máy bay pháo binh Mỹ mở cuộc tấn công ra Đường 9 Nam Lào và miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, đánh thẳng vào căn cứ khu ủy 5 vùng Tắc Bỏ nam Trà My.
Cuộc càn của địch bị đánh bại, nhưng cơ quan Ban Giao vận khu 5 thiệt hại nặng nề. Toàn bộ 22 cán bộ chiến sỹ bị thương vong do tên lửa từ trực thăng địch bắn thẳng vào cuộc họp chống càn của cơ quan. Đồng chí Nguyễn Minh Châu Phó Trưởng ban giao vận, các trưởng phòng kỹ sư Phạm Cao Giới, Nguyễn Giảng, Nguyễn Trung và cán bộ nhân viên hy sinh tại chỗ 16 người, bị thương 6 người. Toàn bộ kỹ sư, cán bộ, nhân viên của văn phòng gần như không còn ai!
Tại Hà Nội đồng chí Nguyễn Chí Quyết - Khu ủy viên Khu ủy 5 được Bộ Giao thông Vận tải chi viện đưa ngay 44 kỹ sư, cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, các đồng chí kỹ sư trẻ khỏe lên đường qua đất Lào, vào Nam. Các chiến sĩ mới vào chiến trường bắt tay ngay vào công việc dở dang của các đồng chí đã hy sinh.
Đội khảo sát thiết kế 5 được tăng cường hàng loạt kỹ sư do kỹ sư Lê Ngọc Thọ cán bộ Viện Thiết kế Giao thông dẫn đầu; Công trường 2/9 do đồng chí Nguyễn Cư chủ nhiệm, lực lượng chủ lực là Đội công nhân thành phố Hải Phòng và TNXP 4 tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Công trường 3 do đồng chí Trần Quang Khởi và Lê Khả phụ trách với lực lượng chủ chốt là tiểu đoàn công binh D.215 và TNXP Qảng Nam; Công trường T. Trà Mi-Tuyên Phước do Đ/c Vũ Đình Cự phụ trách với lực lượng TNXP Quảng Nam; Công trường Quảng Ngãi do đồng chí Nguyễn Đình- Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban giao vận tỉnh và Hồ Ai – Tỉnh ủy viên, Bí thư đoàn thanh niên Quảng Ngãi, người dân tộc Re lãnh đạo với lực lượng TNXP Quảng Ngãi; Công trường Bình Định do đồng chí Kim Sơn - Phó ban Giao vận tỉnh Bình Định làm Trưởng chỉ huy công trường ra đời.
Các đoàn xe vận tải 1, đoàn xe vận tải 2, đoàn xe vận tải 3,4,5,7…với 1000 xe các loại như Zin 3 cầu, Giải phóng, Vọt tiến …được đưa cấp tốc từ miền Bắc vào. Tổng kho chi viện giao vận 5 được thành lập tại Hà Trung (Thanh Hóa) để làm đầu mối tiếp nhận vật tư thiết bị cho ngành giao thông vận tải Khu 5, do hai đồng chí Nguyễn Thừa và Đỗ Hùng Trợ điều hành.
Đầu não Ban Giao vận Văn phòng khu A được tổ chức khoa học hiệu quả. Phòng tổng hợp do anh Nguyễn Mộng Phi phụ trách, Phạm Văn Thương, sau được bổ sung anh Bùi Công Định. Phòng Tổ chức có anh Nguyễn Hai phụ trách. Phòng kỹ thuật anh Hoàng Đình Bộ trưởng phòng, Bùi Công Định - Phó Trưởng phòng (sau được điều về Phòng tổng hợp), anh Nguyễn Chương, Phó Trưởng phòng.
Hai mươi kỹ sư, trung cấp kỹ thuật trẻ tràn đầy nhiệt huyết, trình độ kỹ thuật xuất sắc tập hợp trong một tập thể mạnh ra quân trên mọi hướng chiến trường. Không thể nào quên những chàng trai trẻ khỏe cao lớn như Nguyễn Văn Tám với quy trình cầu đường trong ba lô và cây đàn Guitar, sao trúc bắt nhịp quân đi trên những nẻo đường xuyên rừng già Công Hà Nừng, như Hồ Văn Chi cẩn thận từng bước đi vượt đường 19 đầy xe tăng, mưa pháo cối vẫn lặng lẽ làm thơ, như Trần Văn Phóng, Nguyễn Văn Soong luôn có mặt những nơi khó khăn nhất nước.
Ngã ba Làng Hồi, Eo Xà Lan. Suối Tà Vi còn nhớ anh Trần Đình Lan với cặp kính dày ba điốp, cùng các chiến sĩ xông pha mưa gió.…Phòng Tài chính kế toán do anh Phan Văn Phùng trưởng phòng, anh Lê Viết Hoàng người thương binh còn sống sau trận càn bị máy bay trực thăng Mỹ đánh vào cơ quan, là cán bộ tài vụ quản lý các nguồn tiền eo hẹp và các trạm kho cửa khẩu Bình Sơn, Mộ Đức.
Các phòng Vận tải Xe máy, Phòng Tuyên giáo, do Anh Trần Quang Khởi, Nguyễn Luận phụ trách, anh Phạm Văn Quang kỹ sư; Đội thông tin hửu tuyến, Đội Cung cấp… được tổ chức kịp thời do những cán bộ năng nổ từ Quân khu 5 chuyển sang; Phòng Tuyên huấn với đội chiếu phim lưu động do anh Nguyễn Mộc người đẹp như diễn viên điều hành; Xưởng rèn ngày đêm đỏ lửa do anh Nguyễn Công Khai nguyên thợ rèn Quảng Ngãi được điều lên làm xưởng trưởng; Xưởng đóng thuyền với dàn công nhân lành nghề từ Hạ Long vào do anh Phạm Văn Quát từ Liên Xô về làm xưởng trưởng; Bác sĩ Bùi Quang, Phó Trưởng phòng y tế cùng bác sĩ Nguyễn Như Hân chăm lo sức khỏe, xây dựng mạng lưới bệnh xá. Bệnh xá Khu do y sĩ Kỳ và y sĩ Vũ thị Lý phụ trách; Đội thông tin hữu tuyến với mạng dây giăng khắp núi rừng về các công trường đặt tại bờ sông Trường bên cầu Bà Huỳnh do đ/c Võ Khắc Mãi đội trưởng.
Đầu năm 1972, chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh của quân dân Tây nguyên làm rung chuyển núi rừng Kon Tum - Gia Lai, cụm cứ điểm sân bay Tân Cảnh và bắc Kon Tum được giải phóng. Hai đoàn xe số 1 và số 2 của Ban Giao vân Khu 5 tham gia chiến dịch thắng lợi, hòa cùng chiến thắng Quảng Trị mùa hè rực lửa 1972.
Mùa thu năm 1972 các tỉnh của Khu 5 tập trung thi công trục chính chiến lược xuyên vùng giải phóng đoạn Trà Mi – Sông Tang, nhánh số 1 Sông Tang dốc-Cọp đến điểm cuối là bắc đường 19 tại Phú Phong phía đông đèo An Khê và nhánh số 2 Sông Tang- Công Hà Nừng đến bắc đường 19 phía tây đèo An khê nối Khâm Đức vào đất Quảng Ngãi và Bình Định
Việc hoàn thành nhánh phía đông đường Trục khu5 vượt dốc Cọp qua núi Cao Muôn, Quảng Ngãi đã làm nên thắng lợi chiến dịch giải phóng Ba Tơ giữa mùa mưa năm1972. Chiến thắng Ba Tơ là một chiến dịch kiểu mẫu trong chiến tranh, công phá căn cứ chi khu huyện lỵ quan trọng của địch giữa mưa lũ, làm kẻ địch không thể chống đỡ, nhờ hệ thống đường ô tô len giữa rừng già, qua đèo cao, dốc lớn, núi Cao Muôn, đưa pháo lớn vào trận địa.
Năm 1973 Tư lệnh Khu 5 xác định: đường 19 là tuyến huyết mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Tây nguyên và chiến trường đồng bằng, nếu quân đội ta khống chế được, sẽ có ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh toàn miền Nam.
Vì vậy Trục chính khu 5 xuyên vùng giải phóng là công trình đường núi làm gấp dài hơn 500 cây số ghi dấu ấn một thời không thể quên của Ban Giao vận khu 5 cùng 5 tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, nhằm đưa pháo lớn của bộ đội ta khống chế đường 19, một đóng góp có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường miền Trung.
Vượt qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, thiếu thốn về lực lượng, trang bị, thời tiết mưa lũ liên miên, bom đạn từ máy bay, đại bác từ căn cứ Sơn Hà, Ba Tơ, Đồng Đế, Phù Cát, biệt kích địch luôn luôn chờ chực sẵn luồn rừng đánh phá…cán bộ chiến sỹ Ban giao vận khu 5 cùng quân đội và nhân dân 5 tỉnh đã hoàn thành tuyến chiến lược với hai gọng kìm còn gọi là Trường Sơn Đông thành tuyến đường xuyên Trung Trung Bộ.
Thế trận giao thông chiến lược do Ban Giao vận Khu 5 cùng công binh Quân khu 5 hơn hai năm xây dựng đã hoàn thành.
Trận tấn công Buôn Ma Thuột 10 tháng 3 năm 1975 đã diễn ra. Đường 19 con đường duy nhất nối liền miền biển với bắc Tây Nguyên bị pháo binh và các loại hỏa lực của quân giải phóng cắt đứt hoàn toàn. Đội quân cộng hòa, quân đoàn cực mạnh cao nguyên trung phần của Thiệu không còn đường rút về phía biển, đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ đó như dây chuyền các thành trì quân ngụy nhanh chóng sụp đổ hết thành phố này đến thành phố khác, để ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng được giải phóng và ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài gòn được giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.
Dù thời gian trôi qua, lớp cây rừng mới đã bao lần thay lá, nhớ đến những con đường, trạm xe, lán trại công trường, cơ quan năm ấy, chúng ta không bao giờ quên, ghi mãi công lao của những đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Ban Giao vận Khu một thời oanh liệt. Đó là các đồng chí trưởng ban: Trần Kiên, Nguyễn Chí Quyết, các đồng chí phó ban: Nguyễn Minh Châu, Trương Đình Công, các ủy viên ban: Lê Anh Cầm, Trương Quang Bích, Phan Tá, Huỳnh Quang Toản, Trần Quang Khởi, Hai Non, Nguyễn Linh…Trong suốt cuộc chiến vì độc lập thống nhất nước nhà đã lãnh đạo kiên cường, sáng tạo của Ban Giao vận khu 5.
Trong thắng lợi chung chúng ta không bao giờ quên công lao những cán bộ chiến sỹ của ngành Giao thông vận tải Khu 5 hơn 680 liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, hơn một vạn người đã hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giao thông vận tải.
Năm mươi năm trước, biết bao hy sinh xương máu. Lớp người trước ngã, lớp người sau tiến lên không nề hà gian khó. Công sức trí tuệ nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Giao vận khu 5 đã làm nên những chiến công oanh liệt góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp thống nhất đất nước.
Năm mươi năm qua, kế tục truyền thống vượt gian khó hoàn thành nhiệm vụ các cán bộ chiến sĩ từng tham gia công tác ở Ban Giao vận Khu 5 đã xuất sắc đảm đương các nhiệm vụ mới trên mọi miền của Tổ quốc.
Còn hôm nay, hàng ngũ những cán bộ chiến sĩ trẻ đã xứng đáng lãnh đạo đơn vị tiếp quản truyền thống của Ban Giao vận Khu 5 là Khu Quản lý Đường Bộ 3 và các đơn vị Ban Quản lý Dự án đường bộ 5, Công ty Khảo sát thiết kế 5…trong điều kiện hòa bình nhiều năm qua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Những cán bộ chiến sĩ còn sống đến ngày nay chúng ta quyết sống chân thật, xứng đáng với những người đã ngã xuống”.
Lê Huấn
Cộng tác viên tại Đà Nẵng