Nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn lần thứ nhất.

Ngày đăng: 12:34 17/07/2017 Lượt xem: 1.167
NÂNG CẤP NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN LIỆT SĨ ĐỢT 1 NĂM 1992-1993

                              Vũ Trình Tường
 
           Nghĩa trang LS Trường Sơn là Nghĩa trang Quốc gia độc đáo, thu hút hàng vạn thân nhân liệt sĩ và khách du lịch đến viếng thăm mỗi năm. Nghĩa trang đã qua nhiều lần nâng cấp cải tạo, nhân kỷ niêm 70 ngyà TBLS 27/7/2017, tôi xin giới thiệu về lần cải tạo nâng cấp đầu tiên vào năm 1992 mà tôi là người trực tiếp tham gia với tư cách là Chủ nhiệm đồ án thiết kế.
           Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được khởi công xây dựng ngày 24/2/1975, chính thức khánh thành ngày 10/4/1977 với sự tham gia thiết kế và thi công của rất nhiều đơn vị trực thuộc và cơ quan Bộ tư lệnh 559. Sau 15 năm đưa vào vận hành, nhiều hạng mục của Nghĩa trang đã xuống cấp như: bờ ngăn của hồ nước phía sông Bến Hải bị vỡ  làm nước hồ thường xuyên bị cạn, nhiều khu mộ (khu mộ Thái Bình- Hải Hưng) bị lún sụt, cổng Nghĩa trang quá thấp làm cho các xe chở khách cao không đi qua được, các tượng tròn bằng xi măng bị nứt nẻ có nguy cơ bị đổ vỡ, đường giao thông nội bộ hiện có đã hỏng nát…Qua thực tế sử dụng, nhiều nhu cầu mới phát sinh: bãi đỗ xe, hàng rào bảo vệ và xác định ranh giới nghĩa trang, bổ sung hệ thống đường giao thông nội bộ, cải tạo khu nhà quản trang, trồng cây phủ kín những diện tích còn trống…Nhất là thủ tục pháp lý về diện tích và ranh giới nghĩa trang chưa được xác đinh.
        Trước hiện trạng đó, nguyên Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên viết một bức thư kêu gọi các địa phương có liệt sĩ ở Nghĩa trang LSTS, các doanh nghiệp công đức để cải tạo nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn và giao cho Binh đoàn 12 làm Chủ đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp này.


Hồ nước gần cổng NT được đào sâu thêm và rộng thêm trong lần cải tạo đầu tiên.
 
         Binh đoàn 12 giao cho Viện Khảo sát thiết kế làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế, Xí nghiệp 334 thi công, Ban Quản lý 6 là Đại diện Chủ đầu tư, đồng chí Trần Văn Phúc thay mặt Bộ tư lệnh chỉ đạo chung.  Một chiến dịch đi quyên góp, huy động vốn từ các địa phương, các doanh nghiệp lớn đã được Binh đoàn 12 thực hiện.
Với tư cách là Chủ nhiệm đồ án thiết kế cải tạo Nghĩa trang, tôi đã có nhiều đợt khảo sát thực địa và tham dự các cuộc họp triển khai nhiệm vụ theo sự chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Nội dung cải tạo gồm các hạng mục:
        1- Xác định địa giới của Nghĩa trang. Ban đầu chỉ đạo diện tích lớn hơn, nhưng qua khảo sát cắm mốc chỉ xác định được diện tích trên 30 ha.
        2-Trên cơ sở cắm mốc chỉ giới, UBND tỉnh Quảng Trị làm thủ tục cấp đất cho Nghĩa trang.
       3- Xây dựng hàng rào bao quanh nghĩa trang, hàng rào được xây dựng bằng cây xanh ( tre gai và mây). Đoạn hàng rào trước cổng mỗi bên 30m làm hàng rào xây.
       4-Cải tạo hồ nước trước nhà quản trang : đào sâu thêm và mở rộng diện tích, kè bờ, gia cố bờ đập phía sông Bến Hải bằng đá xây và bê tông.
        5- Cải tạo đảo giữa hồ ( kè bờ , trồng cây)
       6-Cải tạo đường giao thông nội bộ hiện có (gần 1 km), mở thêm đường mới bao quanh  nghĩa trang và đường liên hệ giữa các khu mộ (trên 2 km).
        7- Xây dựng bãi đỗ xe ô tô mới trước nhà quản trang.
        8- Cải tạo cổng cho các loại xe ra vào thuận lợi.
        9- Chỉnh trang các khu mộ
      10-Xây dựng hệ thống cấp điện đến các khu vực.
      11- Xây dựng mô hình Hầm chỉ huy của Bộ Tư lênh Trường Sơn trong khuôn viên Nghĩa trang (Theo mẫu Hầm Sở Chỉ huy Bộ Tl ở Bản Na Hi, tỉnh Savannakhet, Lào năm 1967-1969  )
     12-Trồng cây trên toàn bộ diện tích đồi trống trong phạm vi Nghĩa trang, dọc các đường giao thông, xung quanh hồ nước, bãi xe, 2 km đường 42 trước cổng Nghĩa trang.
     13- Sửa chữa tạm thời các tượng trong Nghĩa trang .
    14- Một số hạng mục nhỏ khác...( như chăm sóc bảo vệ cây bồ đề sau tượng đài, lúc này còn nhỏ đang bám rễ lên tường gạch).
 
       Với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng ( năm 1993) do các địa phương và các doanh nghiệp ủng hộ, Binh đoàn 12 với phương châm triệt để tiết kiệm đã thực hiện xong hầu hết các hạng mục mà Tư lệnh yêu cầu. Chúng tôi thiết kế xong hạng mục nào là Xí nghiệp 334 ( đ/c Lê Kim Thơ làm giám đốc) tiến hành thi công ngay hạng mục đó. Trừ hạng mục hàng rào bao quanh bằng tre, sau khi trồng không chịu được khí hậu khắc nghiệt khô nóng đã không sống được, còn lại tất cả các hạng mục còn lại đều phát huy tác dụng tốt. Toàn bộ diện tích nghĩa trang đã được phủ kín cây xanh : rất nhiều bồ đề, phượng vĩ, ... nay đã trở thành cổ thụ, các đồi keo, thông đã giao tán thành rừng.


Mô hình Hầm chỉ huy Bộ TL 559, một hạng mục xây mới năm 1993
 
       Hệ thống đường giao thông bao quanh nghĩa trang và liên hệ giữa các khu đã phát huy tốt tác dụng. Một hồ nước mới ở phía bắc đã được hình thành do xây dựng một đập chắn nước góp phần tạo sinh cảnh cho nơi nóng rát này. Cổng nghĩa trang cải tạo năm ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù diện tích còn nhật hẹp, nhưng bãi đỗ xe vẫn được sử dụng tốt.
 Đặc biệt Hầm chỉ huy Bộ TL Trường Sơn, ngày nay sẽ được cải tạo thành một hạng mục của Bảo tàng Đường Trường Sơn đang xây dựng tại Nghĩa trang này.


Cổng NT được cải tạo năm 1993

 
 
      Lần cải tạo nâng cấp này, các tài liệu về Nghĩa trang Trường Sơn ít nhắc đến, nhưng lại là lần nâng cấp rất quan trọng : Định hình khuôn viên nghĩa trang : Mốc giới, hàng rào, thủ tục pháp lý về đất đai, hệ thống đường giao thông, thêm hồ nước…
      Vào các năm 1997-1998, Nghĩa trang được cải tạo nâng cấp cơ bản bằng nguồn vốn của ngân sách. Nhưng lần cải tạo lần đầu năm 1992-1994 đã góp phần quan trọng tạo nên một Nghĩa trang Liệt sĩ hấp dẫn, độc đáo như ngày nay.
 
                                                                                                                      Vũ Trình Tường
 
tin tức liên quan