Khoảnh khắc yên lặng trong chiến tranh - Tác giả Trần Văn Giai

Ngày đăng: 07:27 23/07/2017 Lượt xem: 2.803

KHOẢNH KHẮC YÊN LẶNG TRONG CHIẾN TRANH


Trần Văn Giai

         Gần về đến nhà, tôi thả một bên Ba lô nhưng khi thả ra thì vai bên kia trĩu nặng, mới nhớ ra mình đang đeo ba cái Ba lô chứ không phải là đeo một cái như những ngày đầu  hành quân trên đường Trường Sơn. Tôi khoác lại Ba lô nghiêm chỉnh để đi cho nhanh, toàn thân lao về phía trước.
         Mùa đông đã bước sang tháng thứ hai. Trời rét thế mà mồ hôi tôi chảy ra như tắm, mệt thật nhưng nghĩ đến gia đình bố, mẹ, các anh chị, các cháu, bè bạn, bà con trong làng… tôi thấy vui lên, mạnh bước thêm. Bây giờ đã là quá 9 giờ tối, giờ này chắc cả nhà đã đi ngủ, bây giờ vào gõ cửa đột ngột thì cả nhà vui lắm nhỉ: đã hơn 2 năm kể từ sau ngày ra trường 15/9/1968 tôi được điều động vào công tác trong tuyến lửa Trường Sơn, hôm nay mới được tổ chức phân công ra công tác ở miền Bắc, quả thật tôi rất sung sướng không gì tả nổi nhưng trong lòng cứ lo canh cánh: chỉ sợ trên đường đi địch đánh phá ách liệt, có nhiều sự việc rủi ro không lường trước được…Đặc biệt là lo làm tròn trách nhiệm của mình mà tổ chức và đồng đội giao cho.
         Suy nghĩ miên man trong đầu đã đốt cháy đoạn đường còn lại, trước mặt tôi là cánh đồng lúa rộng mênh mông, con đường mòn trước đây tôi thường vui chơi, qua lại hàng ngày, sân Hợp tác xã Nông nghiệp vẫn còn bóng những cô gái “ba đảm đang” xách đèn dầu đang thu gom những việc cuối cùng trong ngày của tập thể sau buổi họp. Trong thôn vẫn có gia đình còn rì rầm câu chuyện chưa tắt đèn đi ngủ.
        Tôi đã về đến cổng nhà mình: tim tôi tự nhiên rộn lên, cả nhà đã ngủ yên, tôi nhẹ nhàng bước vào cửa, nhìn qua khe cửa: ngọn đèn dầu trên bàn còn leo lét, tôi chủ định đứng lặng yên quan sát một lúc nhưng không kìm nén nổi, bỗng nhiên bật lên hai tiếng: “ Bố ơi!”. Nghe tiếng tôi gọi, bố tôi giật mình: Ơi, con, con đã về…Ông lồm cồm bò dậy, vặn to ngọn đèn dầu, ánh sáng trong căn phòng được cải thiện thêm một ít. Làn da nhăn nheo, nâu bóng với chòm râu thưa và mái tóc bạc phơ, hai bàn tay gầy guộc, ông mở cửa. Bố tôi lúc đó đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, ngắm tôi từ đầu đến chân, bố nói:” Con tôi lớn rồi, thằng út thế này là bố yên tâm rồi…”. Cả nhà đều bật dậy: mẹ tôi, chị dâu, năm đứa cháu Ý, Thức, Ước, Dũng, Sĩ còn đang ngái ngủ nhưng cũng nhảy ra ôm chầm lấy chú, chúng nó vui lắm, đứa nào cũng không quên câu” Bố cháu đâu hả chú?”. Tôi trả lời:” Bố cháu còn đang chiến đấu trong chiến trường.”
         Anh tôi vào Quảng Bình từ năm 1967, ở Binh chủng Phòng không Không quân, lúc đó cũng đang diễn tập tên lửa kết hợp pháo cao xạ bắn máy bay B52 ở Tây Quảng Bình. Tôi dành một số thời gian kể chuyện cho cả nhà nghe về lần gặp nhau của hai anh em ở ngầm Ka Tang đường 15 Tuyên Hóa, Quảng Bình. Anh tôi còn tiếp tục tiến sâu vào trong, còn tôi vẫn ở khu vực ấy.
         Ngồi nói chuyện mãi mà không ai thấy buồn ngủ, chiếc đồng hồ từ từ nhả cót, đêm lùi dần vào chiều sâu của nó, bố tôi chia bánh kẹo cho các cháu… và nói: “Bây giờ đi ngủ, lấy sức mai còn làm việc…”. Cả nhà yên lặng, tôi thu dọn đồ đạc của mình: Nhìn tôi xách ba chiếc Ba lô nặng, bố hỏi: “Sao nhiều Ba lô vậy con, bố thấy khi đi mỗi người có một Ba lô thôi cơ mà?”. Tôi ngước mắt nhìn bố, không nén được nỗi xúc động trong lòng: “Thưa bố, đây là chiếc Ba lô của con, vừa nói tôi vừa lấy tay vỗ vào chiếc Ba lô của mình. Còn kia là hai chiếc Ba lô của đồng đội con: Thuận và Lạc quê ở Hải Dương. Hai đồng chí hy sinh trong trận đánh lúc 22 giờ đêm ngày 17/10/1969 tại đường 12 biên giới Việt - Lào khu vực huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình bố ạ”.
         Nghe tôi nói vậy, bố tôi và cả nhà lặng đi…Không khí đau thương bao trùm lên căn nhà nhỏ, chật hẹp và dường như có cái gì đó đang đè nặng lên con tim của mỗi người…Không ai bảo ai, cả gia đình yên lặng như có phút tưởng niệm tự nhiên cho hai đồng đội của tôi.
         Bố tôi đi về phía bàn thờ gia tiên, rút mấy nén nhang, vừa đốt ông vừa nói nhỏ vào tai mẹ tôi câu gì tôi nghe không rõ lắm: lát sau mẹ tôi đưa lên một chiếc mâm nhỏ vẻn vẹn một đĩa gạo, muối và hai ly nước trắng. Bà đặt mâm lên chiếc bàn nhỏ gần bàn thờ cùng hai chiếc Ba lô của Thuận và Lạc. Bố tôi thắp ba nén nhang lên bàn thờ gia tiên và ba nén còn lại đặt lên chiếc mâm mà mẹ tôi vừa đưa lên. Ông lầm rầm khấn vái, khấn xong ông nói: “Tôi vừa kính cáo Tổ tiên và thổ thần: hôm nay nhà ta có khách và thắp nhang cho hai bạn của con sống khôn, chết thiêng, nay đã sắp được đồng đội đưa về quê quán bình yên”. Nói xong, ông đưa hai bàn tay gầy guộc vuốt lên nét mặt nhăn nheo vẻ như vừa qua một công việc quan trọng.
         Cả nhà vẫn chưa ngủ được, hình như mọi người còn đang dồn tâm trí suy nghĩ về những hy sinh, gian khổ của người thân đang chiến đấu trong chiến trường. Tiếp theo là những câu hỏi có tính chất quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của tôi làm tôi khó trả lời…
         Đêm đông, trời càng khuya càng lạnh, những hạt sương đọng lại rơi lộp bộp trên tàu lá sau nhà, những chiếc lá vàng cuối cùng nhẹ nhàng đáp xuống mặt ao phẳng lặng. Cả xóm làng chìm sâu trong giấc ngủ. Riêng tôi nằm đấy nhưng chưa ngủ, vẫn suy nghĩ khắc khoải với những hình ảnh chợt nhòa chợt hiện của những gì mình đã chứng kiến và tham gia trong những giây phút cực kì nguy hiểm, giành giật giữa sự sống và cái chết trước làn bom đạn của quân thù…
         Đã hơn 2 năm trời, đêm nay tôi lại được nằm bên cạnh bố, tấm chăn bông vẫn còn nguyên vẹn, chỉ hơi bạc màu. Bố nằm yên, tay đặt lên bụng tôi, tôi vẫn chưa ngủ, nằm nghe tiếng thở đều đều của bố như ngày nào, gợi lên trong tôi kí ức của thời niên thiếu, được chở che trong vòng tay cha mẹ...
         Tôi tỉnh dậy, bố đã dậy từ bao giờ tôi không biết. Tôi bước ra ngoài sân, nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ sáng, trời vẫn còn lạnh buốt: những làn gió heo may tràn về, ra ngoài ai cũng phải mặc quần áo ấm, áo mưa, bạt, áo tơi... Tôi giang chân tay mấy động tác thể dục buổi sáng rồi quay vào vệ sinh cá nhân, mặc quần áo. Bỗng có tiếng thằng cháu ở ngoài ngõ kêu lên: “Bác ơi, chú đã về!” – “Ừ, cháu, thế chú đâu?” Nó chỉ tay vào trong buống, báo hiệu tôi đang mặc quần áo. Tôi bước ra: “Em đây! Anh!” Hai anh em ôm chầm lấy nhau một lúc.
         Bố mẹ tôi sinh được mười người con, năm người con trai, năm người con gái. Tôi là người thứ mười. Chị cả đầu lòng nếu còn sống năm đấy phải hơn 50 tuổi. Chị lấy chồng cùng làng. Sau trận càn năm 1952, thực dân Pháp vào làng, chị tôi bị địch truy kích và bắn chết trên cánh đồng cách làng chừng 1km. Người thứ hai là anh tôi đang ngồi đối diện với tôi, nghe những mẩu chuyện trong chiến trường (Người anh tôi gặp ở Quảng Bình là người thứ năm).
         Các anh tôi người không cao lắm nhưng có sức khỏe hơn những chàng trai cùng tuổi trong làng. Chính vì vậy bọn trẻ con trong làng không dám bắt nạt tôi. Đôi khi cãi cọ nhau, tôi làm om lên, bọn nó sợ chạy biến mất. Bây giờ nghĩ lại mới thấy bọn nó gọi mình là “thằng đành hanh” là rất đúng.
         Năm 1947, anh tôi nhập ngũ vào đại đội 54 biệt động thành Nam Định, thời kì chống Pháp. Các anh phải đi đêm về hôm, quấy rối địch trong thành lại rút ra ngoài thành. Anh nói chuyện trong quân ngũ thời chống Pháp hay lắm: thỉnh thoảng lại vung bàn tay lên, đấm vào bàn tay trái vẻ rất thú vị hoặc rất tiếc khi bỏ qua những thời cơ mà mình không nắm bắt được, đôi khi để lại những hậu quả mà chính mình sau này phải xử lý.
         Tôi lắng nghe như nuốt từng lời. 
*
*        *
         Từ nhà tôi đến Hải Dương không xa lắm, nhưng cũng phải đi hai chuyến tàu hỏa. Phương tiện giao thông lúc đó rất khó khăn, đặc biệt là xe chở khách. Tôi quyết định đi tàu hỏa. Chiều ấy, khi mặt trời chưa khuất núi, ánh sáng cuối ngày nhợt nhạt và lùi dần nhường chỗ cho màn đêm buông xuống: tôi lên tàu với hai chiếc Ba lô trên vai để đến quê hương đồng đội.
         Nhà ga nóng lên khi hai đoàn tàu mang đầu máy hơi nước gặp nhau, tranh nhau thở hồng hộc. Tàu thời chiến rất ít đèn, mấy anh nhân viên nhà ga và cả nhân viên trên tàu lăng xăng, xách trên tay chiếc đèn bão mặt sáng, mặt xanh đi lại để điều hành hành khách vào đoàn tàu.
         Hành khách rất đông, lần lượt vào Ga lên tàu. Trên tàu đã chật kín người, có người phải lên nóc tàu để nằm. Trong toa, mấy anh lính trẻ leo lên sàn để hành lý nằm ngủ. Việc kiểm soát của nhân viên đường sắt lúc đó chủ yếu là kiểm tra, thu vé ở ngoài nhà bán vé, còn trong Ga thì mặc, ai khỏe thì lên trước, ai yếu thì lên sau.
         Tôi cố gắng len lỏi qua từng vị trí trên tàu và cũng chen được một chỗ đứng tạm ổn định. Phía trước tôi là hai Ba lô của đồng đội. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính mình phải bảo quản. Tàu chật, phía sau lưng có mấy cô Thanh niên xung phong, chắc cũng đi từ khu Bốn ra, nở nụ cười khi ngắm nhìn anh lính trẻ đang tay xách nách mang hai Ba lô cồng kềnh (tôi cảm giác thế).
         - Anh đi mô mà mang nhiều Ba lô vậy anh? Đưa em mang giúp một chiếc nào!
         Nói xong cô em nhìn tôi cười hóm hỉnh.
         - Có chi mà nhiều, còn kém của các em cơ đấy!
         Tôi trả lời, cùng cười, tiếng cười hòa cùng với nhiều tiếng cười làm rộn cả toa xe...
         Tàu chuyển bánh.
         Những tiếng động cành cạch, đều đều hòa với tiếng thở hồng hộc của đoàn tàu làm cho đoạn đường ngắn lại. 11 giờ đêm, tàu đã đến Hà Nội. Theo hướng dẫn của nhà Ga, chúng tôi được chuyển tàu tiếp tục đi Hải Dương.
         Tôi lại lần theo nhịp thở của đoàn tàu, cùng với tiếng va đập, cọ xát của bánh sắt nghiến ken két xuống đường ray nghe rợn cả người.
         Ga Hải Dương nằm bên cạnh thị xã Hải Dương. Lúc bấy giờ nhà Ga, bến xe đều nằm trong tình trạng sơ tán, báo động... Mấy anh nhân viên chạy đi chạy lại làm công việc của mình, nhưng lúc nào cũng có vẻ cảnh giác cao, đặc biệt là khi có báo động. Tôi liếc nhìn đồng hồ nhà Ga chỉ 7 giờ 15, tôi nghĩ mình cuốc bộ một lúc là đến trụ sở tỉnh đội.
         Ngọn lửa chiến tranh ác liệt bốc cháy, bao trùm lên cả đất nước. Số người cầm súng đánh nhau ngày càng đông, mỗi lần đánh nhau dữ dội lại đẻ thêm ra những người lính mới.
         Tôi vừa đi vừa suy nghĩ lung bung... Trụ sở tỉnh đội Hải Dương đã hiện ra trước mắt với dòng chữ: “Doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam”, tuy đã phai màu nhưng vẫn còn rõ nét. Tất cả đều nằm trong tình trạng tạm bợ, miễn là cái gì cũng sử dụng được là xong. Không còn những nét cầu kỳ, hoa mỹ hay rực rỡ sắc màu của trước đây. Tôi xuất trình giấy tờ và được Cảnh vệ chỉ dẫn vào phòng làm việc. Nhìn tôi ai cũng nhận ra người này chắc mới ở chiến trường nào đó ra: với chiếc mũ cứng không sao, bộ quân phục Tô Châu bạc màu, đôi giày vải cũng đã cũ. Tuy vậy, vẫn giữ được nét đi đứng nghiêm trang, nói năng lịch sự.
         Trước mặt tôi là một nữ Hạ sỹ trẻ với bộ quân phục mới, quân hàm ánh lên, lấp lánh trên cầu vai, đang nhìn tôi chằm chặp và giơ tay chỉ ghế: “Mời đồng chí ngồi” – “Vâng”, tôi đáp lại và từ từ đặt hai Ba lô lên chiếc ghế băng để sát tường. Tôi bỏ chiếc Sắc cốt từ trên vai để xuống mặt bàn, vừa kịp đưa bàn tay ra để bắt tay đồng chí nữ quân nhân đang tiếp mình. Một cảm giác là lạ trỗi dậy khi bàn tay bé nhỏ, trắng trẻo của nữ Hạ sỹ đang nằm gọn trong bàn tay đen thô, sần sùi, hình như còn đượm mùi thuốc súng của tôi. Đối với tôi có thể nói đây là lần đầu được cầm tay một thiếu nữ trong bối cảnh trong phòng chỉ có hai người.
Chào hỏi xong, tôi đưa toàn bộ giấy tờ, quân trang, quân dụng của Thuận và Lạc cho Ngân (bạn ấy vừa giới thiệu tên là Ngân).
         Ngân tiếp nhận đồ đạc và nói: “Mời đồng chí xơi nước, xong mời đồng chí lên gặp Thủ trưởng”. Lát sau trở lại, tất cả các công việc, biên bản bàn giao hồ sơ, biên bản bàn giao quân tư trang Ngân đã kiểm đếm, đối chiếu xong, chỉ còn đưa cho tôi ký và chờ lấy giấy biên nhận của tỉnh đội.
         Trong phòng làm việc, chỉ có một Thượng úy với bộ quần áo chỉnh tề, ông đưa tay bắt tay tôi và mời ngồi. Ông đưa mắt nhìn tôi vẻ soi mói. Tôi nghĩ bụng: “Con người này mà làm Chính trị viên chắc hiệu quả lắm đây”. Ông nói: “Tôi đang muốn nghe ý kiến đề xuất ban đầu của đồng chí”.
         “Vâng” - Tôi vâng khe khẽ trong cổ họng, âm thanh phát ra cảm giác chưa đủ để Thượng úy nghe rõ, ông lại hỏi thêm:
         - Đồng chí còn bao ngày công tác ở ngoài này nữa theo công lệnh?
         - Dạ, một tuần, một tuần ấy tôi dự kiến đến nhà một số đồng đội, đặc biệt thăm những gia đình có con em hy sinh trong đợt báo tử này.
         - Thôi được, đồng chí đi một số nơi, nhưng tôi dặn đặc biệt giữ bí mật không tiết lộ các trường hợp hy sinh để tạo điều kiện cho địa phương làm công tác hậu phương quân đội.
         - Vâng.
         Nhà Lạc cách thị xã Hải Dương không xa. Đi bộ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Vượt qua địa bàn thị xã khoảng 5km, đường đi bụi mù mịt, những hố bom sâu hoắm, chồng chất lên nhau. Đường ray nhà Ga dựng đứng như cái thang hàng mấy chục bậc chưa kịp thu dọn, tàu hỏa phải chạy sang đường bên. Miền Bắc đã ngừng bắn phá một thời gian nhưng chưa khôi phục được những vết thương chiến tranh. Đi qua cảnh này thấy rợn cả gáy. Đặc biệt, thỉnh thoảng máy bay Mỹ từ hạm đội 7 vẫn vào ngó nghiêng ở các thành phố, thị xã của miền Bắc Việt Nam.
         Tôi vội vã đi tắt qua hai cánh đồng lúa ra quốc lộ 5. Từ đó phải đi khoảng 7 – 8 km mới về đến làng. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nhẹ nhàng bởi bây giờ chỉ còn cái sắc cốt nhẹ trên vai, không phải mang vác như trước nữa.
11 giờ 30, tôi đến quê Lạc.
         Một làng cổ nằm nép mình dưới sườn đê ven sông Kinh Thầy: chiến tranh nhưng vẫn giữ được vẻ yên bình và trù phú của nó. Lúc đó là lúc mà mọi người ngừng việc để nghỉ trưa. Trên đường làng phơi đầy rơm rạ, các cháu học sinh với mũ rơm, cặp sách tỏa ra từ các ngôi trường. Các thôn nữ đang gồng gánh tấp nập về làng. “Anh vào nhà ai đấy anh Bộ đội ơi?” Một câu hỏi phát ra từ nhóm con gái đang rửa chân ở cầu ao cạnh đường. Tôi chưa kịp trả lời thì lại một câu nữa: “Cho chúng em đi với anh Bộ đội ơi!” Bị tấn công liền một lúc tôi chỉ biết nhìn và buông ra tiếng “Vâng”. Hai tai tôi đỏ nhừ, tim đập phình phịch, không nghĩ ra câu gì để trả lời. Tôi đành cầm mũ vẫy mấy cái và sau đó buông ra hai câu “Xin chào”. Một giải pháp tình huống mà sau này nghĩ lại tôi cho là sáng tạo.
         Ngôi nhà của Lạc đã hiện ra trước mắt. Bố mẹ Lạc vui mừng lắm, tiếp tôi như tiếp người thân trong gia đình. Tôi cảm động, tự dưng muốn khóc. Hai giọt nước mắt lăn trên gò má. Tôi rút khăn lau mặt để giữ lại bình tĩnh. Tôi nghĩ, bây giờ mà lộ ra chuyện Lạc đã hy sinh thì không biết tình hình sẽ như thế nào. Cũng may mà chưa để sơ suất điều gì.
         - Thưa hai bác, con là bạn của anh Lạc, cùng công tác một đơn vị. Hôm nay, nhân chuyến đi công tác ở ngoài này, con vào thăm sức khỏe hai bác cùng toàn thể gia đình.
         Tôi vừa nói vừa lấy bao thuốc lá Tam Đảo ra mời. Vừa nói xong, bỗng dưng ngoài ngõ xuất hiện hai người con gái bước vào. Đi đầu là cô gái người nhỏ nhắn, hơi cao, nét mặt giống Lạc như đúc. Tôi đoán người này là em gái Lạc. Người thứ hai có gương mặt tròn, đôi mắt to, cũng tròn nằm dưới hàng mi cong cong, lính chúng tôi hay gọi là đôi mắt “Tây”. Mũi thẳng, cằm hơi đẩy ra phía trước, trông bướng bỉnh nhưng thú thật rất xinh. Tôi nhận ra ngay là vợ của Lạc vì còn nhớ lại hôm đưa Lạc lên tập trung ở Hà Nội để đưa vào tuyến lửa, cô ấy đã đến chào chúng tôi.
         Hai cô đi thẳng vào trong buồng một lát mới ra, hai bàn tay đều đan vào nhau đưa về phía trước và cúi người xuống:
         - Chúng em chào anh!
         - Vâng, chào hai bạn!
         - Các anh trong ấy mạnh khỏe cả chứ ạ?
         - Vâng! Mỗi tội thiếu tình cảm!
         Tôi nói, mắt dõi theo thái độ của hai chị em. Lập tức, tôi nhận được câu đáp lại:
       - Vâng! Thì chúng em cũng vậy chứ anh! Cứ mong tin, nghe tin chiến trường từng ngày, từng giờ, có ai trong đó ra phải đến tận nơi, hỏi bằng được.
         - Thế anh Lạc không viết thư về hả anh?
         Tôi giở sắc cốt lấy ra một quyển sổ có tấm ảnh cả đoàn chúng tôi 9 anh em chụp chung ở Hà Nội sau khi nhận quyết định.
         - Đây, thư đây!
         Tôi vừa nói vừa đưa tấm ảnh cho cả nhà xem. Tôi giải thích:
         - Quả thật trước khi đi công tác hai ngày, thì Lạc và anh Ngọc đi công tác ở 896 Cổng Trời, cách đơn vị mấy chục cây số. Chúng tôi chỉ kịp điện thoại cho nhau, tôi thực hiện lời dặn của Lạc nên hôm nay vào thăm các cụ và gia đình, để khi vào còn có chuyện mà kể cho đồng đội nghe. 

 

Ảnh minh họa
         Tiếng kẻng của Hợp tác xã Nông nghiệp làm bằng quả bom câm ngân nga một hồi ba tiếng, tôi sực nhớ ra đã đến giờ lên đường kẻo không kịp giờ tàu về Hà Nội. Trong buồng, vợ Lạc đang nhoài mình trên giường để viết những dòng thư vội vã cho chồng. Tôi xin phép hai Cụ và gia đình để lên đường. Vợ Lạc bịn rịn đưa lá thư vừa viết vội cho tôi. Mẹ Lạc tất tưởi mang mấy bơ lạc đã bóc vỏ và mươi bò đậu xanh đưa ra để tôi mang vào làm quà cho anh em... Tôi không nhận, Cụ cứ dúi vào tay. Cuối cùng phải vâng, thế mới đáp ứng được tình cảm cha mẹ đối với con, cũng là hậu phương đối với tiền tuyến.
         Tôi vô cùng xúc động, nhưng nói thật ý chí đã chiến thắng. Tôi đã làm tròn trách nhiệm mà đồng chí phó ban chính sách dặn trước lúc bước chân ra khỏi tỉnh đội Hải Dương. Nhưng Lạc ơi! Tao đã nói dối gia đình mày. Sống khôn chết thiêng tha thứ cho tao nhé.
         Tôi bước đi loạng choạng trên con đường ra thị xã Hải Dương. Tôi bắt đầu khóc. Tôi khóc thương cho bản thân đang phải lăn mình vào chiến trận để chiến đấu với một kẻ thù hung bạo nhất trong Lịch sử loài người, và cũng không rõ sự sống của chính mình rồi sẽ ra sao?
         Tôi khóc cho tất cả những ai đang cầm súng để giành giật giữa sự sống và cái chết, không chỉ giữa chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa này, mà ở cả nước Việt Nam, cả năm Châu trên thế giới, phải chống lại với một tên sen đầm quốc tế, của một tên tài phiệt buôn vũ khí trên xác chết của đồng loại.
         Tôi khóc và xót thương cho các bạn cùng chiến đấu trong một chiến hào, bị hy sinh ngày 17/10/1969 tại Km34, đường 12 Minh Hóa, Quảng Bình. Đó là:
         - Anh Cù Minh Ngọc, Kỹ sư trưởng, đội phó Thanh niên xung phong N89, anh chết trong lúc vừa nhận quyết định chuyển công tác về quê hương.
         - Anh Quán, thường trực Đảng ủy đội Thanh niên xung phong N89.
       - Phòng kỹ thuật N89 chỉ có 8 đồng chí, mà đêm ấy bom Mỹ đã cướp đi 4 đồng chí, đó là: Lạc, Thuận (người Hải Dương), Đức (người Nam Định), Vệ (người Thanh Hóa).
         Tôi khóc và xót thương cho những đồng đội bị thương mà di chứng bệnh tật còn nằm lại trong cơ thể cho đến ngày nay, đó là: Toại (Toại điếc), Đối, Lãng, Đà, Ba (phòng kỹ thuật), Long (phòng vật tư) và đặc biệt là Quỳ, một thiếu nữ xinh đẹp đang ôm ấp một mối tình nồng nàn với bác sỹ quân y Dũng (đội phẫu Binh trạm 12) khi sắp hết nhiệm kỳ.
         Tôi khóc: nước mắt tôi chảy vào trong như những giọt chì nấu lỏng, gây đau xót gấp bao nhiêu lần những giọt nước mắt rơi bên ngoài...
         Tôi khóc.
 
Trần Văn Giai
Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 30 Công binh
Trực thuộc Trung đoàn 592 ( BT 17) Trường Sơn
Ghi chú:
Những người bị thương đêm 17/10/1969 hiện còn đang sống:
Đồng chí: Toại - nguyên Bí thư Đảng ủy phường Năng Tĩnh, TP. Nam Định.
Đồng chí: Đối - đã nghỉ hưu, đang sống ở Hải Dương.
Đồng chí: Lãng - nghỉ hưu, đang sống ở Hà Nội.
Đồng chí: Ba - nghỉ hưu, đang sống ở Thái Bình.
Đồng chí: Quỳ - thường trực hội TNXP tỉnh Thái Bình, sống ở Thái Bình.
Đồng chí: Đà - chưa có địa chỉ.
Đồng chí: Long - chưa có địa chỉ.

tin tức liên quan