Thiếu tướng Phan Khắc Hy: “Những lá thư thời chiến và tình yêu của tôi”

Ngày đăng: 07:31 26/10/2017 Lượt xem: 1.952


Thiếu tướng Phan Khắc Hy: “Những lá thư thời chiến và tình yêu của tôi”



                                                                     Nguồn:Báo Điện tử Phapluatxahoi .vn


“Thương con, thương dâu, mẹ tôi đã cất giữ những bức thư do tôi gửi lại một cách cẩn thận: Bọc bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mối mọt. Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm…”



Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa VIII; Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Những chia sẻ của ông tại hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc” thực sự đã gây ấn tượng về hình ảnh người lính Cụ Hồ, dũng cảm trong chiến đấu, lãng mạn trong tình yêu. Chúng tôi xin trích đăng những chia sẻ của Thiếu tướng Phan Khắc Hy về những lá thư trong thời chiến gắn chặt với kỷ niệm tình yêu của ông.

Trong kháng chiến chống Pháp, tôi và vợ của mình đều lên đường tham gia cách mạng. Tôi chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào, trong khi đó từ Hà Tĩnh quê nhà, vợ tôi cũng được đưa vào công tác tại chiến trường Bình Trị Thiên. Bà được phân công phụ trách văn thư của Phòng Chính trị mặt trận Bình Trị Thiên. Qua sự giới thiệu của đồng đội, tôi và vợ đã gặp gỡ và quen biết nhau, biết bà cũng tham gia cách mạng, thế là tôi tin mình đã đặt vấn đề một cách đúng đắn với người mình yêu vì cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng công tác và chiến đấu trên quan niệm đúng đắn của Đảng. Tuy chúng tôi chỉ đôi lần gặp gỡ nhưng trong lòng luôn dành những tình cảm chân thành của mình cho nhau qua những cánh thư. Xa nhau mỗi người một nơi công tác, song tình cảm trong chúng tôi vẫn ngày một dạt dào và nồng đượm thêm.
 

thieu tuong phan khac hy nhung la thu thoi chien va tinh yeu cua toi

Vợ chồng Thiếu tướng Phan Khắc Hy - Nguyễn Thị Ngọc Lan thời trẻ. ẢNH TƯ LIỆU


Những lần ra chiến trường, nhớ về bà, tôi thường tâm sự qua những trang thư tràn ngập yêu thương. Tôi đã được vợ tặng cho một chiếc túi nhỏ màu xanh do tự tay bà khâu như vật đính ước. Quen nhau tròn một năm, tôi ngỏ lời muốn tiến đến hôn nhân. Tháng 11-1952, tại chiến khu Ba Lòng, được sự giúp đỡ của đồng chí Trần Quý Hai - Chỉ huy trưởng; Đồng chí Chu Văn Biên - Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, chúng tôi chính thức thành vợ thành chồng.

Cưới nhau xong là đi. Ngọc Lan từ một văn thư trở thành y sỹ của Sư đoàn 325. Đến năm 1969, tốt nghiệp ĐH Y rồi được chuyển về làm việc tại Bộ Y tế. Hậu phương vững chắc. Tôi an lòng trên các chiến trường đầy đạn bom, gian khổ. Nhớ đến người vợ trẻ ở hậu phương, tôi chất chứa tâm sự qua những cánh thư nhận được đều cất vào trong chiếc túi màu xanh. Thú thật, những bức thư viết trên giấy pơ-luya theo tôi suốt các chặng đường hành quân, mang theo cả tấm lòng, tình yêu của vợ. Bức thư tôi viết đầu tiên vào ngày 3-4-1952, khi bắt đầu yêu nhau và lá thư cuối viết ngày 7-5-1975, sau giải phóng miền Nam hơn một tuần.

Ngày đó trước khi lên đường, tôi và vợ dặn dò nhau tối thiểu một tháng phải gửi cho nhau một lá thư. Nhiều tháng thư đến chậm là tôi lại bồn chồn, sốt ruột. Cưới nhau là đã vội xa nhau rồi nên chúng tôi yêu nhau nhiều hơn qua từng lá thư. Mỗi khi đọc thư bà ấy, tôi có thể hình dung mọi việc đang diễn ra ở nhà ra sao, các con tôi đang làm gì… Bà ấy có đau ốm cũng không bao giờ viết trong thư vì sợ tôi lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Ngày tôi cùng đồng đội bắn rơi 10 máy bay, tôi được về thăm nhà thì vợ con lại đang đi sơ tán. Vô tình đọc cuốn nhật ký của vợ, tôi không kìm được cảm xúc. Tôi tự hứa với lòng là khi hòa bình, tôi sẽ bù đắp cho vợ mình những tháng ngày vất vả mà bà đã một mình chịu đựng.

Thương con, thương dâu, mẹ tôi đã cất giữ những bức thư do tôi gửi lại một cách cẩn thận: Bọc bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mối mọt. Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm… Khi yên ổn, trở lên mặt đất bà lại cất lên gác bếp. Nhờ vậy mà thư từ giữa hai chúng tôi còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, trước khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đang ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, chúng tôi đã viết thư cho nhau, nói lên những cảm xúc “nóng hổi” của vợ chồng khi xa nhau trong chiến tranh và niềm vui khi kháng chiến thành công, hòa bình đã trở lại.
 

thieu tuong phan khac hy nhung la thu thoi chien va tinh yeu cua toi


Trong số hàng trăm lá thư của tôi viết cho vợ, lá thư đã được nhà báo Đặng Vương Hưng chọn để in trong quyển “Những lá thư thời chiến Việt Nam” chính là lá thư được viết vào dịp Sài Gòn giải phóng, trong đó có đoạn: “Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng… Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký hai tháng qua, bây giờ phải dành thì giờ để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống để sau này anh về kể lại để em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó...

Ngày 18-4, anh lại đi tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng...”.

Một tháng sau, từ Praha (Tiệp Khắc), tôi đã nhận được thư hồi âm từ vợ: “Em mừng quá sức, từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và vui mừng vô hạn. Tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh….

Từ nay em đã bớt đi một phần lo lắng. Cái lo lắng thường xuyên hơn cơm bữa…. Giá trị của độc lập, hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ...”.

Ngày giải phóng miền Nam, tôi dừng chân tại TP HCM để viết thư theo thói quen cho vợ để báo tin vui chiến thắng. Giây phút ấy tôi thấy thiêng liêng vô cùng khi đất nước đã thống nhất. Tuy vợ chồng tôi chưa được sum họp vì bà ấy đang học tập ở Tiệp Khắc nhưng niềm vui ngày hòa bình đã cho tôi niềm tin rằng gia đình mình sẽ sớm đoàn tụ, ngày hạnh phúc đang cận kề. Sau năm 1976, bà Ngọc Lan về nước, niềm vui như vỡ òa. Những kỷ vật tình yêu của hai vợ chồng là những lá thư được chúng tôi nâng niu, cất giữ cẩn thận đến hôm nay.

Với tôi, biết bao kỷ niệm xương máu của những ngày đạn bom khói lửa vẫn như mới hôm qua. Giữa những giây phút sinh tử, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, những lá thư động viên, chứa chan tình yêu thương của vợ đã giúp tôi có thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua mọi hiểm nguy. Tôi thấy mình may mắn khi được lành lặn trở về bên gia đình. Đồng đội tôi, hàng vạn trái tim đã mãi mãi nằm lại ở tuổi hai mươi.

Hiện tại vợ chồng tôi vẫn trân trọng giữ gìn chiếc túi nhỏ màu xanh chứa hơn 500 bức thư tình đã viết cho nhau. Thư của lính viết cho vợ ngôn từ chẳng văn hoa gì đâu - Ngoài chuyện nhớ nhung vốn lẽ đương nhiên thì chỉ toàn chuyện chiến tranh, hết trận đánh này đến trận đánh khác. Song chúng tôi xem nó như những lời động viên, chia sẻ những vui buồn để hiểu nhau hơn, từ đó động viên nhau vượt qua mất mát, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

tin tức liên quan