Dấu tích còn lại của con đường tơ lụa huyền thoại ở Việt Nam

Ngày đăng: 11:53 15/02/2018 Lượt xem: 946

Dấu tích con đường tơ lụa huyền thoại còn sót lại ở Việt Nam

authorNguyệt Tạ Thứ Năm, ngày 15/02/2018 20:25 PM (GMT+7)
 

(Dân Việt) Trước đây mọi người nhắc nhiều tới con đường tơ lụa trên cạn, thế nhưng mãi gần đây người ta mới biết đến trên biển cũng có một con đường như vậy. Điều thú vị Việt Nam lại chính là một trong những quốc gia có đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển này.


Hiện vật chứng minh con đường huyền bí

Mới đây, trong một lần tham quan bảo tàng dưới tầng hầm toà nhà Quốc hội, tôi mới được nghe giới thiệu qua về những hiện vật chứng minh về con đường tơ lụa trên biển. Con đường huyền thoại vốn chỉ còn giới thiệu qua loa trong các trang sử mà ít được tiết lộ rộng rãi.

Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi tình cờ được giới thiệu và có buổi gặp gỡ với PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Hàn lâm Kinh thành, một chuyên gia sử học hàng đầu chuyên nghiên cứu về con đường tơ lụa trên biển.

Thông qua những hiện vật “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” PGS.TS Bùi Minh Trí đã kể cho tôi nghe về lịch sử hình thành cũng như những kỳ tích mà con đường tơ lụa trên biển đã tạo nên.

Từ xa xưa, Việt Nam được biết đến như một quốc gia có vùng biển rất dài, hình chữ S, lưng tựa vào biển Đông. Với địa hình ấy Việt Nam nằm trên tuyến đường giao thương giữa các quốc gia châu Á với các quốc gia Tây Âu tới cả những vùng Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ xa xôi.

 dau tich con duong to lua huyen thoai con sot lai o viet nam hinh anh 1

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chiêm ngưỡng các hiện vật còn sót lại con đường tơ lụa huyền thoại trên biển xưa.  ảnh Nguyệt Tạ

Chính bởi vậy, Việt Nam được ví là cửa ngõ thông thương giữa các quốc gia Đông Nam Á, Châu Á thông qua các thương cảng đường biển. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để Việt Nam tham gia vào tiến trình hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển.

Thêm vào đó, theo PSG.TS Trí thì Việt Nam có rất nhiều những thương cảng, thông thương nổi tiếng. Ở miền Bắc có thể kể đến như cảng Vân Đồn, cảng Hội thống (Nghệ An); thương cảng Thanh Hà (Hội An) thương cảng nước mặn (Bình Định)... Chính bởi điều này mà nhiều nhà sử học cho rằng, đóng góp đầu tiên của Việt Nam trong việc hình thành và phát triển con đường tơ lụa chính là nằm ở  vị trí và địa thế này.

Để chứng minh, Việt Nam là một địa điểm có tên trong con đường tơ lụa trên biển, ông Trí đã giới thiệu cho tôi về những phát hiện khảo cổ học từ thế kỷ IX, X. Có thể minh chứng được điều này thông qua một loạt đồ gốm sứ qua nhiều thời kỳ được trưng bày dưới bảo tàng toà nhà Quốc hội, ví như đồ gốm sứ Trường Sa, đồ gốm sứ Việt của Hàn Châu, gốm sứ men trắng, đặc biệt là gốm men lam (của các nước Hồi giáo Tây Á).

“Rõ ràng phải có sự giao thương qua lại trên tuyến đường biển thì những mặt hàng gốm sứ này mới được vận chuyển từ các quốc gia khác tới Việt Nam và từ Việt Nam tới các quốc gia khác” – ông Trí nói về cuộc đời của các hiện vật.

Những bằng chứng ấy lại càng được củng cố khi cách đây không lâu, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy những dấu tích tàu đắm ở Hội An, Cù Lao Chàm. Cuộc khai quật khổng lồ ở ngoài khơi Hội An những năm 1997-2000 đã phát hiện được một khối lượng khổng lồ, khoảng 150.000 đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn như vừa mới ra lò trên một con tàu đắm, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XV. Những đồ gốm này là sản phẩm của các lò gốm ở tỉnh Hải Dương, có thể, con tàu này đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ và đang trên đường đi xuống phía nam đến các nước Đông Nam Á hải đảo để tiêu thụ thì bị đắm. Điều này lại một lần nữa minh chứng cho việc có một con đường tơ lụa rất tấp nập trên biển Đông và Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu.

Điều này cũng phù hợp với nhận định ban đầu của GS Misugi Takayoshi (Nhật Bản) rằng, có những dấu hiệu cho thấy người Việt xưa đã vượt biển đến các vùng đảo của Nhật Bản từ thế kỷ thứ II bởi họ đi biển theo hướng gió mùa rất thông thạo. Thế nên nhiều nhà khảo cổ trẻ tuổi Nhật Bản ngày nay vẫn thường xuyên đi tìm những mảnh vụn gốm sứ, hàng trang sức đang nằm dưới lòng đất ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu… để tìm lời giải đáp cho điều “bí ẩn” trong quan hệ Nhật - Việt vào thời kỳ mà con đường tơ lụa trên biển mới hình thành.

Mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của Việt Nam

Có thể nói, con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại, một minh chứng cho hoạt động giao thương, góp phần thúc đẩy kinh tế, kích thích ngoại thương phát triển, giao lưu cả về kinh tế, văn hoá, chính trị của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế. Việt Nam vừa là quốc gia được hưởng lợi, đồng thời cũng là quốc gia có đóng góp trong sự hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển đó.

Với nhiều nhà sử học thì con đường tơ lụa hay còn gọi là “con đường không bóng cây” vào những thế kỷ thứ IX thực sự là một công trình kỳ bí, đi kèm với những thành tựu lớn của nhân loại.

Theo GS Misugi Takatoshi (Nhật Bản), con đường tơ lụa trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm bọc gió vượt biển được xác lập từ đầu công nguyên và ngày càng phát triển khi kỹ thuật la bàn được phát minh, tạo điều kiện cho những thương thuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu, trầm hương, sản phẩm sành sứ… thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà trên lục địa đầy trắc trở và hoang vắng.

Với những ưu điểm vượt trội về khả năng vận chuyển hàng hoá nhiều, nhanh, giá cả rẻ nên con đường tơ lụa trên biển đã được nhiều thương lái lựa chọn. Nhiều thập kỷ sau đó hoạt động buôn bán trên con đường cũng đa dạng. Không chỉ dừng lại ở mặt hàng tơ lụa, thương lái còn buôn bán cả các mặt vốn là thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, lúa gạo, hương liệu... để cung ứng cho Ấn Độ và các nước Tây Âu.

Sử cũng ghi chép rất nhiều chuyến tàu từ Nhật Bản, Philippines, Lưu Cầu (Okinawa ngày nay)... đã cập bến ở các thương cảng của Việt Nam. Nguồn sử liệu, cộng thêm với những bằng chứng tàu đắm và các bằng chứng gốm sứ khảo cổ học đã chứng minh rất rõ sự giao lưu buôn bán giữa Việt Nam trong lịch sử với các nước trong khu vực.

Nói về con đường tơ lụa, PGS.TS Bùi Anh Trí cho biết, con đường tơ lụa trên biển được xem là nơi khởi đầu của mọi con đường hàng hải sau đó. Sở dĩ người xưa đặt tên là con đường tơ lụa bởi đây là mặt hàng chính và khởi đầu của mọi mặt hàng. Nhiều con đường như con đường gốm sứ, con đường hương liệu, con đường lúa gạo... cũng được ra đời song hành như một minh chứng sống động cho con đường tơ lụa huyền thoại trên biển Đông một thời. 


tin tức liên quan