Gặp người chiến sĩ đánh Tết Mậu Thân 1968

Ngày đăng: 10:51 18/02/2018 Lượt xem: 827
 Gặp người chiến sĩ Trường Sơn
Tham gia trận đánh xuân 1968

 
      Trong hương vị của mùa xuân mới tôi gặp ông người chiến sĩ có thời gian từng ở Trường Sơn và được nghe ông kể nhiều kỷ niệm về mảnh đất này tuy ông không phải là lính bám trụ  bảo vệ tuyến đường . Ông là Đặng Chu Sơn hiện đang sống tại xã Đông Hợp huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình.
Học xong cấp 3 ( hệ mười năm ) chàng thanh niên Đặng Chu Sơn tình nguyện lên đường nhập ngũ ngày 8 tháng 4 năm 1965 . Và một năm sau , trước ngày lên đường đi chiến đấu ở miền Nam tại xóm Dáng , huyện Lương Sơn, Hòa Bình Đặng Chu Sơn vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.  Trên đường hành quân, hay ở nơi nghỉ lại người ta đều thấy một thanh niên nhiệt tình cùng công việc , tận tụy với đồng đội. Hơn một tháng sau, anh và đơn vị đã có mặt  tại đầu đường 12A Trường Sơn.  Lúc này , đường 20 Quyết thắng vừa mới thông xe địch bắt đầu dùng máy bay bắn phá ngăn chặn dữ dội. và đường 12A cũng bị máy bay Mỹ ném bom liên tục. Đoàn 559 phải chia lực lượng đảm bảo giao thông trong khi số thương vong tổn thất nhiều. Thế là đoàn S6 của Đặng Chu Sơn được lệnh dừng lại cùng các lực lượng trên tuyến tổ chức bảo đảm giao thông tuyến đường 12A. Đơn vị được chia nhỏ  đi làm đường , lấp hố bom cùng các đơn vị bạn.  Rồi cái điều không may đã sảy ra tháng 9 năm 1966  trong một lần thông xe ở gần Cổng Trời một xe ô tô chở hàng nhu yếu phẩm chủ yếu là thịt hộp  đã bị dệ nghiêng. Đặng Chu Sơn lúc này đang là tiểu đội trưởng trực tiếp làm đường tại đây . Anh đã huy động anh em bốc những kiện hàng thịt hộp cho xe nhẹ để kéo xe lên trong lúc cả đoàn xe gần 20 chiếc đang vào tuyến. Sau khi thông tuyến , lại trong đêm tối nên số thịt hộp  không quản lý được  các đơn vị phân tán đi .Tuy  cứu được xe và may thông tuyến kịp thời nên không ách tắc giao thông . Dù sao Đặng Chu Sơn  chưa làm tròn nhiệm vụ  anh  và các đồng đội Tỷ (Tiên Lãng) Minh ( An Lão) Biên ( Hải Dương ) được điều chuyển ra Bãi Dinh tham gia vào tổ khai thác đá để rải đường. Nói đến Bãi Dinh ai cũng biết là nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt, tại đây tổ của Sơn cùng công binh đã hoàn thành nhiệm vụ nổ mìn phá đá  chuyển cho các đơn vị ứng cứu kịp thời những đoạn đường mà bom Mỹ  ném trúng. Hơn hai mươi ngày sau , lệnh hành quân của đơn vị S6  tiếp tục. Đặng Chu Sơn cùng các đồng đội theo đường giao liên tiến về phía Nam . Thế  là đúng một năm tròn kể từ ngày hành quân từ Hòa Bình đi  cho đến ngày rời Trường Sơn  trở về chiến đấu ở miền Đông Nam bộ  Đặng Chu Sơn đã được công nhận là Đảng viên chính thức giữa những ngọn núi cao hùng vĩ của Trường Sơn tại đoàn 309 bên nước bạn Lào . Tạm biệt những cung đường  rền vang tiếng bom , tạm biệt những đồng đội công binh , Thanh niên xung phong, tạm biệt cả những o giao liên đưa đường trên tuyến để trở thành chiến sĩ  chiến đấu trên chiến trường miên Đông Nam Bộ
      Cuối năm 1967 Đặng Chu Sơn được điều chuyển về B2 phân khu 5 Sài Gòn Gia Định. Về đơn vị mới các anh được tập đánh những mục tiêu trong thành phố, hình thức đánh phân đội nhỏ . Những ngày giáp tết Mậu Thân, đơn vị tổ chức ăn tết sớm. Nói là ăn tết nhưng khẩu phần ăn cũng chỉ nhỉnh hơn ngày thường tý chút. Nhưng cũng có nhiều thứ mang hương vị Tết nào là dưa hấu đỏ , bánh tét  từ vùng tạm chiếm đưa ra. Tất cả  cho trận tập kích quy mô lớn nên cơ số đạn dược  lương thực dự trữ được chuẩn bị đầy đủ cho ba ngày. Cả đơn vị biệt động có 18 chiến sĩ do Ba Thuân chỉ huy được lệnh đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn.  Sau khi tiêu diệt được một số quân địch và chiếm được Đài phát thanh  cả đơn vị triển khai phương án chặn địch tái chiếm. Do quá nóng vội nên một chiến sĩ của ta  đã bắn gục tên trung úy ngụy điều khiển máy mọc của Đài. Sau khi chiếm được thì ta không biết sử dụng máy móc để  phát tiếng nói của mình lên. Bắt đầu từ sáng mùng ba tết  Mỹ dùng xe tăng tấn công chính diện phía cổng vào. Quân ta lực lượng ít đành co cụm trong khu nhà tầng chứa máy. Trên trời máy bay trực thăng của Mỹ nhằm vào các ô cửa sổ lính ta chiếm giữa mà nã đạn phía dưới địch ồ ạt tấn công vào các cửa chính. Cầm cự với địch đến chiều tối thì các chiến sĩ ta lần lượt hy sinh   Đặng Chu Sơn bị thương nặng vào mặt , vào chân vào vai,. Anh bị mât hẳn  phần hai cánh mũi máu ra nhiều ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy nằm trong bệnh viện chân tay bị khóa trên giường . Đó là ngày mùng hai tết năm Mậu Thân 1968.
     Sau thời gian điều trị  ngắn ngày anh phải qua nhiều nơi để điều tra thẩm vấn nhưng giặc không khai thác được gì  cuối năm ấy chúng chuyển anh ra đảo Phú Quốc giam trong trại giam của tù binh chiến tranh. Trong nhà tù  anh vẫn bí mật bắt mối hoạt động  . Là một cấp ủy trong nhà lao hai lần anh tham gia vượt ngục đều không thoát. Hai lần tham gia vào việc cướp súng giặc và thanh trừng chiêu hồi. Và lần nào anh cũng đi biệt giam , bị tra tấn vô cùng dã man anh vẫn kiên cường giữ vững ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Trong tù anh giác ngộ và kết nạp nhiều Đảng viên mới.
 Đặng Chu Sơn còn là thầy giáo dạy học trong nhà tù Phú Quốc. Anh kể : tôi lấy tên là Nguyễn Trung Kiên. Quê Xóm Cạn,  Hoằng Hóa Thanh Hóa nếu ngày đó có hy sinh thì sau này  chẳng ai biết được tên chính của mình.
     Sau ngày trao trả năm 1973 tại Thạch Hãn – Quảng Trị anh xin thi vào trường Đại học Bách khoa, khoa cơ điện . ra trường Đặng Chu Sơn về công tác tại Ty Thủy lợi  Hà Bắc cho đến ngày nghỉ hưu
  Trở lại với đời thường ông Đặng Chu Sơn vẫn phát huy tốt bản chất của người lính. Ông là một Hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu, một Hội viên tích cực của Hội Trường Sơn xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng.
    Giữa ngày xuân mới nâng chén rượu cùng tôi  ông Đặng Chu Sơn  cười rất tươi:
     - Thế mà đã 50 năm rồi ngày chiên thắng xuân Mậu Thân trận chiến ấy chỉ còn  lại mình tôi . Nghĩ lại vô cùng thương nhớ các đồng đội . Nhưng cũng muốn ôn lại những tháng năm hào hùng đó để lớp trẻ hiểu được cha ông mình  đã lấy máu mà viết lên  dòng chữ độc lập, tự do
 
 
     CHU CÔNG DÂU
( Hội Trường Sơn Thái Bình)
 
Ảnh dưới ông Đặng Chu Sơn  giữa đời thường
 
tin tức liên quan