Nhớ Tết Trường Sơn

Ngày đăng: 07:41 20/02/2018 Lượt xem: 3.671


                                               Nhớ Tết Trường Sơn

 

                                                    Nguồn:Báo Điện tử Biên Phòng


 
Mùa khô ở Trường Sơn, càng gần Tết nắng càng gay gắt. Nắng hút cho các dòng suối cạn kiệt, phơi hết mọi thứ trong lòng: Cua đá bò lổm ngổm đi tìm nước. Ngoài đường tuyến, lớp bùn dẻo quánh nhanh chóng bị nắng nung làm cho giòn, bánh xe đè lên như những cái cối xay làm bùn tan ra thành bột. Buổi trưa, chỉ cần một chiếc xe chạy là cả mấy cây số đường hóa thân thành một con rồng đỏ, gió cuốn bay thẳng vào trời. Hai bên đường cây cối bị nhuộm một màu đỏ ối, khó phân biệt được loại cây gì.




Những con đường Trường Sơn ngày đánh Mỹ cõng nặng trên lưng cả hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, nên nơi đây có nhiều túi bom của kẻ thù đổ xuống. Sống dưới vòm trời "mưa bom, bão đạn" như vậy, nhưng chúng tôi không chịu để kẻ thù cướp đi cái Tết cổ truyền dân tộc của những người lính.

Năm nào cũng thế, khi mùa mưa vừa dứt, mùa hanh khô đến, nắng bừng lên gay gắt cũng là lúc không khí Tết đến với người Trường Sơn. Mỗi đứa một vùng quê, tục lệ ăn Tết, chơi Tết của làng xã mình cứ nối nhau kể ra trong khi hộ tống những đoàn xe, trong đêm lấp hố bom để làm vơi mệt nhọc, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Đau lòng lắm khi có đồng đội vừa lúc nãy thôi còn kể cho bạn bè nghe hương vị Tết quê mình và không quên mời "ngày chiến thắng tất cả hãy về quê tớ ăn Tết xả giàn", thì nửa giờ sau lại vĩnh viễn giữ lại tuổi thanh xuân ở Trường Sơn.

Trong lúc bọn con trai chúng tôi láu cá bàn chuyện ăn, chuyện chơi Tết thì chính các cô gái mới là người thực sự lo toan cho cái Tết. Ngay từ đầu tháng chạp, các cô đã lặng lẽ lục dưới đáy ba lô ra những chiếc áo sơ mi trắng, xanh màu da trời, áo hồng, cả cánh rừng như sáng lên với cái màu lạ mắt, chỉ quanh năm giáp Tết mới được gặp. Không ít các chàng trai len lén đến vuốt ve những cái áo đẹp màu phơi dưới tán lá rừng... Rồi các cô còn băng rừng đến những vùng sâu - cách xa đường tuyến mà bom đạn kẻ thù ít đến được để bưng những giò phong lan về chăm bẵm chờ đón Tết...

Mùa khô cũng là mùa: Người, hàng hậu cần, xe pháo ùn ùn hành quân đổ ra tiền tuyến. Bom đạn nhiều công việc càng lắm, hầu như đêm nào chúng tôi cũng ra "hộ tống" mặt đường... Chừng nửa tháng nữa là đúng Tết, hằng ngày, mỗi tiểu đội cử ra một tay súng thiện xạ nhất vào rừng sâu săn bắn. Đồ hộp ngày Tết dân Trường Sơn không thiếu thốn lắm vì cấp trên cung cấp tương đối đầy đủ. Nhưng có mấy ký thịt rừng tươi, cá nấu canh lá bứa đãi đồng hương lại càng thú vị hơn.

Ôi nhanh thật, thời gian ào ào trôi qua. Mới bữa nào còn bâng quơ bàn chuyện Tết thì hôm nay đã sát sàn sạt bên hông rồi. Tối hai mươi tám tháng Chạp hì hục gói bánh chưng, năm đầu đã có đứa nào biết đùm cho vuông thành sắc cạnh đâu, cứ thế gói đại, vuông tròn gì cũng được, không có lá dong thì lá chuối, không có lạt giang thì lạt nứa... Bắc nồi bánh chưng lên nấu sôi ùng ục cũng vui đáo để. Nấu được dăm ba tiếng đã có cậu đòi vớt ra nếm thử.

Đêm ba mươi Tết, trong căn nhà nửa nổi nửa chìm, mấy cái đèn dầu ma dút bấc khói mù mịt. Ngồi một lúc thò tay vào lỗ mũi đen như quẹt vào chảo quân dụng nhưng chúng tôi vẫn ngồi bù khú chờ đón giao thừa. Mấy cô gái năm đầu tiên ăn Tết xa mẹ, rủ nhau vào hầm ngồi khóc rấm rứt... Cánh con trai với thuốc lá Tam Đảo, chè Hồng Đào, mứt Hà Nội... đứa nào đứa nấy cố trổ hết tài nói dóc ra để tạo được sự chú ý của phái đẹp. Chiếc đài bán dẫn được tăng cường đôi pin mới - lúc hát chèo, khi ngâm thơ... Đêm giao thừa ở Trường Sơn như dài hơn ở quê hương. Chúng tôi chuyện trò chán chê rồi lại nghêu ngao hát. Mấy cô gái đã quên hết nhớ nhà, nhớ quê đem ngay bát đũa ra gõ nhịp... Trời dần sáng, một năm mới bắt đầu. Đứa nọ chúc đứa kia chóng lớn, nhanh có người yêu...!

Tôi đã có những cái Tết như thế ở Trường Sơn. Đã mấy mươi năm đi qua, trải biết bao vui buồn của cuộc sống, nhưng mỗi khi gió mùa Đông Bắc se lạnh, cây đã trút hết lá vàng dồn sức vào làm nụ, lòng tôi lại nôn nao nhớ về những năm tháng tuổi trẻ chốt giữ đường hành lang mặt trận ăn Tết tại Trường Sơn. Hẳn miền ký ức ấy sẽ còn theo tôi và bao đồng đội đi suốt cuộc đời!


                                                                                                                    Nguyễn Huy Liệu

 
tin tức liên quan