Người nữ chỉ huy TNXP C442 BT 16 Trường Sơn năm xưa

Ngày đăng: 10:28 01/03/2018 Lượt xem: 666

 
   Người nữ chỉ huy TNXP C442 BT 16  Trường Sơn năm xưa
 


(Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 2018, nhớ về Liệt sĩ Hoàng Thị Mỷ với kỉ niệm lần thứ 50 ngày truyền thống C442 N44 BT16 Thanh Niên Xung Phong tỉnh Thái Bình)
 

 
           Liệt sĩ Hoàng Thị Mỷ sinh năm 1946, trước ngày nhập ngũ Mỷ là cán bộ Đoàn thuộc thôn Đồng Hàn, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà. Tỉnh Thái Bình. Mỷ cũng đã xây dựng gia đình với với anh bộ đội Trần Ngọc Lương,  người cùng quê trong dịp anh nghỉ phép thăm nhà để chuẩn bị đi B.
 
             Là một đảng viên phụ trách công tác Đoàn, Mỷ đã bao lần tiễn trai làng, bạn bè cùng trang lứa tình nguyện lên đường đi bộ đội, đi TNXP. Năm 1968 cả nước tổng động viên sức người,  sức của cho tiền tuyến, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bạn bè cứ lần lượt chia tay Mỷ, tạm biệt quê hương lên đường đánh Mĩ để lại xóm thôn toàn ông già, bà cả. Chồng thì đi chiến đấu chiến trường B đã mấy năm rồi Mỷ và gia đình chồng không nhận được tin tức gì về anh cả. Một mình vừa lo công tác xã hội vừa là lao động chính làm việc hợp tác xã lấy công điểm đảm bảo kinh tế gia đình chồng.
 
             Ngày đó tâm trạng Mỉ ngổn ngang khó tả, cứ ở nhà lo gánh vác công việc nhà chồng thì không biết biết bao giờ nước nhà mới thống nhất, anh Lương mới về; Nếu mà xung phong tham gia chống Mĩ cứu nước thì không biết gia đình chồng có cho Mỷ đi không. Đợt nào tuyển quân Mỷ cũng phải đi vận động, động viên các gia đình có thanh niên đi nhập ngũ. Không ít người là bạn bè, đồng chí đánh tiếng cho Mỷ là hô hào suông. Có lúc Mỷ nghĩ mình xung phong cùng bạn bè theo tiếng gọi cả nước lên đường biết đâu ở nơi nào đó mình gặp được anh Lương. Bên tai Mỷ cứ văng vẳng bài hát được phổ nhạc từ bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến.... chắc càng thắng to....á à á a, á à á à... Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào, tính tinh tinh tính tình tính tinh. Tiến lên! Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam xum họp. Xuân nào! Xuân nào.. vui... hơn á à á a, á à á à...”. Thế là Mỷ đề nghị chi bộ đảng cho mình bàn giao công tác để tình nguyện tham gia TNXP. Ngày 15/9/1968 Mỷ được biên chế vào đơn vị TNXP C351 N35. Lúc đầu Mỷ được cử làm Tiểu đội trưởng (A trưởng) tiểu đội 3. Một năm sau, đơn vị sáp nhập thêm một nửa quân số của C356 và đổi phiên hiệu là C359N35, Mỷ được bổ nhiệm làm quản lý phụ trách kinh tế tài chính hậu cần của đơn vị.
 
            Đầu năm 1970, sau khi đơn vị được chuyển vào đường 10 Trường Sơn Mỷ được giao nhiệm vụ làm Đại đội phó kiêm Bí thư Đoàn của đơn vị C442N44 BT16. Ở lĩnh vực công tác nào Mỷ cũng năng động, gương mẫu, với khuôn mặt hiền hậu luôn luôn thường trực nụ cười trên môi. Đồng đội thường nói: dù ở đâu dẫu không thấy mặt chỉ qua tiếng cười đã biết đó là Mỷ, vì vậy Mỷ luôn được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị quý mến.
 
          Ngày mới nhận chức vụ A trưởng Mỷ luôn nhận đảm nhiệm công việc khó khăn về A mình làm một số chiến sĩ trong tiểu đội cảm thấy khó chịu, nhưng sau khi hết chiến dịch hoặc cuối tháng bình bầu A của Mỷ đạt danh hiệu tiên tiến thì mọi người thấy phấn khởi lại càng yêu mền Thủ trưởng của mình hơn. Hai năm liền Mỷ và tiểu đội của Mỷ đạt danh hiệu cá nhân và tập thể tiên tiến.
 
        Lúc làm quản lý phải chăm lo hậu cần cho gần 200 cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, Mỷ lại là người chí công vô tư, ghi chép xuất nhập, cân đong đo đếm cẩn thận tỉ mỉ, minh bạch, không nể nang xuê xoa. Trong công việc chăm lo đời sống cho đơn vị Mỷ thường nhắc nhở bộ phận anh nuôi luôn luôn thay đổi món ăn, bổ xung khẩu phần ăn cho phù hợp tính chất công việc nặng nhọc của đơn vị. Mỷ thường xuyên liên hệ với quân nhu BT16 xin cấp đủ nhu yếu phẩm cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đúng tiêu chuẩn, chế độ; nhất là nhu yếu phẩm cho chiến sĩ nữ phải sống trong địa hình núi rừng Trường Sơn khí hậu khắc nghiệt.
 
        Ở cương vị Đại đội phó kiêm Bí thư đoàn đơn vị, Mỷ thường xuyên truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của lãnh đạo Đội, Bí thư Đoàn Đội; tổ chức phong trào thi đua, phát động chiến dịch lập thành tích chào mừng ngày kỉ niệm, ngày lễ trọng đại của đất nước. Khơi dậy tinh thần nhiệt huyết của sức trẻ của mỗi đoàn viên, mỗi cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Mỷ cùng Trực ban đơn vị thường xuyên trên hiện trường chỉ đạo sản xuất, kiểm tra tiến độ, chất lượng công việc của các tiểu đội, trung đội thi công trên tuyến. Thường xuyên giành thời gian trong ngày đến các lán của của các tiểu đội trong đơn vị thăm hỏi các chiến sĩ ốm đau, sốt rét; nhắc nhở y tá và anh nuôi quan tâm chăm lo thuốc men, ăn uống bồi dưỡng sức khỏe cho họ.
 
          Những lần lán ở của đơn vị bị trúng bom tan nát, với cương vị một Bí thư chi đoàn của đơn vị, Mỷ mang hết khả năng kinh nghiệm cuả người cán bộ đoàn từ ngày còn ở quê hương. Mỷ ân cần giúp đỡ từng cá nhân, từng tập thể tiểu đội, động viên họ vượt qua mọi cam go, đau thương mất mát. Những lần tổ xung kích của đơn vị nhận nhiệm vụ nguy hiểm trên tuyến hay ngầm Long Đại Mỷ luôn đi theo sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ hăng say lao động, chia sẻ vất vả khó khăn, động viên họ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
 
              Đầu Xuân năm 1972, C442 sáp nhập với C441 đổi phiên hiệu thành 440N44 CT10. Đơn vị cử C phó Mỷ và quản lý Nguyễn Thị Thanh ở lại làm công tác chỉ tồn. Đồng chí Thanh kể: Chị Mỷ và Thanh sau khi xong nhiệm vụ chỉ tồn, hai người được Trưởng ban Công trường 10 Lê Ngọc Hoàn cho chuyển ra Bắc. Trên đường đi ra phải qua Chóoc,  nơi cơ quan Đảng ủy của B67 đóng để chuyển hồ sơ Đảng tịch. Làm xong giấy tờ hai chị em đi nhờ xe bộ đội ra Cảng Gianh, đi đến ngã 3 thị trấn Hoàn Lão thì xe bị trúng bom vào khoảng 7 giờ tối  ngày 18/12/1972. Thanh bị thương nhẹ nhưng chị Mỷ bị mảnh bom phạt mất nửa đầu hy sinh ngay trên xe; chị Mỷ được bộ đội và nhân dân thị trấn Hoàn Lão tổ chức cấp táng cho chị Mỷ. Xong việc Thanh lại phải mang ba lô giấy tờ của chị Mỷ quay lại Cơ quan B67 bàn giao lại cho họ. Thanh ở đó đến khi Mỹ ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh  phá hoại lập lại hòa bình ở Việt Nam các Thủ trưởng mới cho ra Bắc. 

             Anh Trần Ngọc Lương,  chồng của Liệt sĩ Hoàng Thị Mỷ cho biết: Anh đi bộ đội năm 1964, sau thời gian huấn luyện ở Sao Đỏ - Chí Linh thì anh được về phép thăm gia đình một tuần để đi B. Anh tranh thủ tìm hiểu và cưới Mỷ lúc đó Mỷ đang làm công tác Đoàn. Vợ chồng hạnh phúc bên nhau vẻn vẹn chỉ có 3 ngày thì phải bịn rịn chia tay vợ lên đường đi B, anh chưa kịp để lại gì để Mỷ yên tâm chờ đợi. Thế rồi đời lính cứ chinh chiến hết chiến trường miền Nam lại sang chiến trường Lào, nay đây mai đó nhiều khi cận kề với cái chết. Mỗi lúc lại đi vào sâu thêm nên không có điều kiện gửi thư về cho Mỷ và gia đình. Hơn 10 năm biền biệt từ khi xa Mỷ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh mới về quê hương thì mới biết Mỷ đi TNXP và đã hy sinh. Ngày báo tử Mỷ Cơ quan địa phương lại báo tử Mỷ về nhà mẹ đẻ của Mỷ. Đến năm 1981 bà mẹ qua đời mới di huấn cho anh Lương chồng của Mỷ thờ cúng ngày giỗ ngày Tết. Được 30 năm thì cháu bên ngoại Mỷ xin Mỷ về thờ cúng (Mỷ chỉ có 5 chị em  gái Mỷ là thứ 3)

                             
                                                                                                                                                         
                                                                                                 

 
                                                  
                                                


Ảnh Liệt sĩ Hoàng Thị Mỷ lúc 15 tuổi (và lúc 19 tuổi anh Lương còn giữ được)
    
             Ngày trước Mỷ không có điều kiện chụp ảnh, trước ngày cưới anh Lương có đưa Mỷ lên phố huyện chụp một kiểu ảnh riêng để anh mang theo đi chiến trường. Do sau hơn 10 năm cùng anh lăn lộn chiến đấu tại chiến trường B, tấm ảnh anh còn giữ được nhưng đã bị hoen ố theo thời gian không còn khắc phục như trước nữa. Hồi kết nạp Đoàn năm 16 tuổi, Mỷ có chụp chung với cô bạn gái may mà cô bạn còn giữ được, anh Lương xin về tách ra làm ảnh thờ đến bây giờ.
 
             Tưởng nhớ người đồng đội Liệt sĩ Hoàng Thị Mỷ, một đảng viên trung kiên, một nữ cán bộ chỉ huy TNXP C442N44 BT16 Trường Sơn năm xưa; đẫ cầm quyết định ra Bắc mà còn bị bom Mĩ sát hại ngay trước thềm Mỹ ngừng ném bom miền Bác XHCN. Thay mặt BLL truyền thống đơn vị C442 TNXP Thái Bình những năm chẵn tôi thường mời anh Lương đến gặp mặt để tưởng nhớ đến chị Mỷ và các Liệt sĩ của đơn vị.
 
                                                                 Hà Đỗ Tú. DĐ 0169.452.8950.
                                                                 Hội viên Hội VHNT TS.
tin tức liên quan