|
TRƯỜNG SA DẬY SÓNG
Ngày 14 tháng 3 năm 1988 Trung Quốc đưa quân đánh chiếm một số bãi đá ngầm ( còn gọi là đảo chìm ) của Việt Nam. Sự kiện này được các báo chí gọi là trận chiến Gạc Ma, các tài liệu thường nói là cuộc xung đột vũ trang trên biển khu vực quần đảo Trường Sa, nói như vậy cũng chưa hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng thực chất đây là trận chiến đơn phương do Hải quân Trung Quốc dùng tầu chiến đánh chiếm trái phép các đảo chìm thuộc quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ đã bắn cháy 1 tầu đổ bộ bắn chìm 2 tầu vận tải của Việt Nam, giết chết 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân, chiếm đóng trái phép 6 bãi đá ngầm của Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng chiều ngang từ đông sang tây khoảng 170 hải lý (300 km trong phạm vi ta khảng định chủ quyền), chiều dọc từ bắc xuống nam khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí.Tổng số có 18 đảo nổi các nước đã đóng hết - Phi Líp Pin chiếm 8 đảo; Đài Loan chiếm 1 đảo. Việt Nam hiện quản 9 đảo ( Tháng 4 năm 1975 ta giải phóng 5 đảo do quân đội VNCH đóng giữ, năm 1978 ta đóng hết 4 đảo nổi còn lại). Tất cả các bãi cạn (còn gọi là đảo chìm) cho đến năm 1986 thực tế chưa có ai đóng giữ, chúng ta thường xuyên kiểm tra quản lý đặt các mốc chủ quyền.
Tháng 4 năm 1986 Tư lệnh Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ HQ, có sự tham gia của cơ quan Bộ QP đi kiểm tra, chỉ đạo các mặt toàn bộ quần đảo Trường Sa, tôi là trợ lý phòng Công binh cùng anh Đỗ Thông tham gia đoàn. Đến đảo chìm Thuyền Chài cho xuồng vào kiểm tra mốc chủ quyền của ta, chúng tôi phát hiện có hiện tượng vi phạm, nhòm ngó của nước ngoài. Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: Sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra và chỉ đạo các biện pháp chuẩn bị đối phó. Ông giao cho tôi (Đại uý kỹ sư Hoàng Kiền) nghiên cứu dùng cát san hô trộn xi măng để xây dựng công trình ở Trường Sa theo phương pháp trình tường. Đại uý kỹ sư Đỗ Văn Thông nghiên cứu thiết kế nhà chốt giữ nhanh đảo chìm. Vào bờ chúng tôi triển khai ngay.
Tháng 11 năm 1986 nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài. Nhà tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam ranh của Mỹ cắt ra, kết cấu dầm gỗ thông, lát ghi nhôm lợp vòm tôn. Đại uý kỹ sư Đỗ Văn Thông Trợ lý Phòng Công binh cùng Thượng uý kỹ sư Hoàng Anh Dũng - trợ lý Công binh V4 thiết kế, phân đội công binh Vùng 4 ra triển khai. Sang năm 1997 Tư lệnh trực tiếp ra kiểm tra thấy chưa yên tâm, Ông quyết định xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3 bằng đá xây kết hợp bê tông cốt thép lắp ghép do kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế, Công binh vùng 4 thi công.
Ngày 31 tháng 12 năm 1986 Ma lay xia đưa quân chiếm đóng hai đảo chìm là Kỳ Vân và Kiều Ngựa. Ngày 14 tháng 02 năm 1986 Trung Quốc đưa tầu chiến giả dạng tầu cá đến trinh sát một số bãi cạn ở Trường Sa và đặt các tấm bê tông " kỷ niệm " ở một số bãi cạn. Ngày 3 tháng 9 năm 1987 Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên tục cho tầu chiến giả dạng tầu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.
Trước tình hình đó BTL Hải quân nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Đã đóng 2 pông tông (xà lan) có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Tây, nhưng do sóng gió lớn pông tông Đá Tây bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chuyển sang phương án chủ yếu là đưa các tầu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm. Đại tá Mai Xuân Vĩnh - Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Hải Quân trực tiếp trên tầu ra Trường Sa chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm cấp bách này.
Khi phát hiện Trung Quốc đưa tầu chiến xuống Trường Sa, chúng ta đã đưa các tầu vận tải và các lực lượng Công binh, Hải quân đánh bộ, lực lượng chốt giữ đảo ra đóng giữ. Trong đó xác đinh đảo Chữ Thập nằm ở trung tâm của quần đảo là vị trí hết sức quan trọng, đã cử một tầu vận tải do đồng chí Phán Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy lực lượng ra chốt giữ, nhưng do sóng gió lớn, tầu hỏng máy, đến chậm nên để Trung Quốc đến trước chiếm mất. Một số đảo chìm khác ta cũng đưa tầu vận tải ra, nhưng do tầu ta nhỏ bị họ đẩy ra chiếm mất đảo.
Với lực lượng tầu vận tải của Lữ đoàn 125 và Lữ đoàn 955, Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn giữ đảo 146, Lữ đoàn HQĐB 126, Tiểu đoàn Công bịnh V4 chúng ta quyết tâm tổ chức đóng giữ các đảo chìm.
Đã xảy ra sự tranh chấp quyết liệt với hải quân Trung Quốc. Ngày 14 tháng 3 năm 1988 Trung Quốc cho các tầu chiến lớn âm mưu chiếm các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, chúng ta đã đấu tranh kiên quyết. Trung Quốc với lực lượng tầu chiến mạnh, số lượng nhiều ( 9-12 chiếc) đã hung hãn bắn chìm tàu vận tải 604 ở Gạc Ma, bắn chìm tầu vận tải HQ 605 ở Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở Cô Lin. Tầu HQ 505 bị cháy vẫn quyết tâm lao lên đảo và ta giữ được Cô Lin . Chúng ta tiếp tục đưa tầu vận tải, tầu kéo treo cờ chữ thập đỏ và lực lượng ra Len Đao để cứu Thương binh lấy Tử sỹ và dựng nhà C3 đóng giữ Len Đao.
Tại Gạc Ma một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam và đang vận chuyển vật liệu lên dựng nhà C3. Trung Quốc đã cho lính lên tranh chấp với ta, chúng giật cờ không được, tên chỉ huy đã dùng súng ngắn bắn chết Trung uý Trần Văn Phương sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, chúng không giật được đã dùng lưỡi lê đâm vào vai đồng chí Lanh cho gục xuống. Quân ta đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, dùng xà beng dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của quân thù. Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sỹ Hải Quân nhân dân Việt Nam, chúng rút quân lên tầu rồi hạ pháo 100 ly, 37 li 2 nòng xả đạn dã man bắn chết gần hết số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Trong cuộc xung đột này tổng số 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó có 26 đồng chí của Trung đoàn Công binh 83, họ bắt đi 9 người trong đó có 6 chiến sĩ của của Trung đoàn Công binh 83 mang về đảo Hải Nam giam giữ, năm 1993 họ trao trả, tôi ra nhận 6 chiến sĩ của Trung đoàn CB 83 về Đà Nẵng.
Bằng các hành động dũng cảm không chùn bước trước mũi súng của quân thù. Với quyết tâm cho tầu ủi bãi, dùng Pông tông neo cắm, lắp dựng nhà C3 chúng ta đã chốt giữ được 12 đảo chìm trong khi Trung Quốc chiếm được 6 đảo chìm. Trong đó xảy ra chiến sự ở khu vực 3 đảo chìm họ chỉ chiếm được 1 đảo Gạc Ma, chúng ta vẫn giữ được Cô lin và Len Đao.
Trung tá Vũ Huy Lễ Thuyền trưởng tầu HQ 505, Trung tá Trần Đức Thông Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 liệt sĩ, Đại uý Vũ Phi Trừ Thuyền trưởng tầu HQ 604 Liệt sĩ, Trung uý Trần Văn Phương đại đội trưởng / Lữ đoàn 146 Liệt sĩ, Bịnh nhì Nguyễn Văn Lanh chiến sỹ của Trung đoàn Công Bịnh 83 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong tình hình đó chúng ta nhờ bạn đưa tầu bệnh viện, tầu kéo của Hạm đội Thái Bình Dương đang đậu ở quân cảng Cam Ranh ra giúp cứu thương binh lấy Tử sỹ nhưng cũng không được. Chúng ta phải dùng tầu kéo, tầu vận tải treo cờ chữ thập đỏ ra thực hiện nhiệm vụ này.
Trung Quốc chọn thời điểm giữa tháng 3 gió mùa đông bắc rất mạnh, sóng gió lớn để thực hiện âm mưu đánh chiếm các đảo chìm của ta ở Trường Sa. Trong khi các tầu của ta nhỏ chịu sóng gió kém, chưa có định vị vệ tinh, đi dễ lạc đường không bắt được đảo chìm. Lực lượng tầu của Hải quân ta lúc đó còn yếu, chúng ta có tầu Phóng lôi và tầu Tên lửa, tầu Pháo nhưng đều là loại nhỏ tiến công ven bờ, chịu sóng gió kém, không có khả năng tác chiến dài ở ngoài Trường Sa được. Về không quân các máy bay MIC không bay tới Trường Sa, ta có máy bay SU 22 cũng chỉ bay ra hoạt động được khoảng thời gian rất ngắn nên khả năng tác chến rất hạn chế. Trong khi đối phương có các tầu chiến lớn với số lượng đông và hoả lực rất mạnh, cuộc chiến không cân sức. Đồng thời lúc đó chúng ta còn đang phải đối phó với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và lực lượng còn đang ở Căm Pu Chia, tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, về đối ngoại cũng không thuận lợi khi chúng ta đưa quân vào Căm Pu Chia giúp nhân dân bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Có người phát biểu, nói năng không thực tế, cho rằng đồng chí Lê Đức Anh Bộ trưởng Bộ QP và Đồng chí Giáp Văn Cương Tư lệnh HQ do dự không dám đánh. Nói như vậy là không có kiến thức về quân sự, võ mồm. Phải hiểu rằng tác chiến trên biển hoàn toàn khác với tác chiến trên đất liền. Tương quan lực lượng Hải quân của hai bên khi đó và trực tiếp ở Trường Sa ta ở thế yếu. Tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, tình hình Quốc tế không thuận lợi cho ta. Tư lệnh Giáp Văn Cương xử lý tình hình lúc đó là hết sức sáng suốt, giữ được trạng thái ổn định sau 14 tháng 3 không để họ tiếp tục lấn tới. Tất cả cán bộ Hải quân lúc đó cho đến hiện nay đều khảng định như vậy.
Hàng năm chúng tôi đi trên tầu ra xây dựng Trường Sa, lần nào qua Gạc Ma cũng dừng lại thả hương hoa đứng viếng đồng đội với bao nỗi niềm nghẹn ngào thương tiếc. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Nơi biển khơi sóng cả để canh giữ đảo này. Tôi đã viết bài thơ |