Tình huống bất ngờ - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 08:41 28/03/2018 Lượt xem: 688
     TÌNH HUỐNG BẤT NGỜ

                                          Phạm Thành Long
                                  ( Tuyên huấn Sư đoàn 471)


          Chỉ còn nửa tháng nữa hội diễn văn nghệ sư đoàn sẽ khai mạc. Thế mà, đám lính trẻ Phòng Chính trị chúng tôi vẫn chưa có động tĩnh gì. Chỉ vì, hầu hết anh em chúng tôi đang dầm mình ở các đơn vị. Sáu “tên” lính trẻ của ba đội chiếu phim thì một đang mải miết phục vụ trung đoàn 10 mở đường tránh Đắcpét, một thì phục vụ trung đoàn 35 ở A Vương. Mấy cậu ở tổ tuyên truyền lại đang “săn” tin, bài chuẩn bị cho số bản tin tháng tới của sư đoàn. Phải năm ngày nữa lực lượng chủ công tham gia văn nghệ của phòng mới trở về. Như thế, chúng tôi chỉ còn quỹ thời gian mười ngày cho việc lựa chọn tiết mục, tập và biểu diễn. Mười ngày là quá ít cho một chương trình tối thiểu gồm ba tiết mục.
    Là bí thư Liên chi đoàn của phòng, tôi lo sốt vó. Tổ chức như thế nào cho chương trình văn nghệ của phòng đây ? Nếu các tiết mục của chúng tôi không ấn tượng và độc đáo thì biết ăn nói thế nào với thủ trưởng phòng? Phòng Chính trị là nơi phát ra kế hoạch tổ chức hội diễn của sư đoàn. Vì thế, các tiết mục tham gia hội diễn của phòng không thể chất lượng “phọt phẹt” được. Nếu điều ấy xảy ra thì “gáy” chúng tôi sẽ bị cạo nhẵn thín là cái chắc.
     Tôi vắt óc suy tính. Phải thực tế thôi, không thể vẽ vời “hoành tráng” trong lúc này được. Vì lòng tự ái “nghề nghiệp”, chúng tôi nhất định không “thèm” cậy nhờ sự hỗ trợ của đội văn công sư đoàn, mặc dù, văn công là “người nhà”. Là Bí thư Liên đoàn, tôi có thể nhờ cậy sự giúp đỡ của các cậu ấy “nhẹ như lông hồng”. Nhưng nhờ vả sẽ mang tiếng chết. Chúng tôi có đoạt giải, tránh sao được sự rè bửu rằng “được người nhà là văn nghệ chuyên nghiệp giúp đỡ” không có giải mới lạ !?
      Tôi dự tính, sẽ có tiết mục ngâm bài thơ mới sáng tác của Hồng Châu. Tiết lục hoà tấu nhị, đàn tam, sáo trúc và măngđôlin và ghi ta bài “Hành khúc chiến thắng” do Phồn, Đại Hải, Trung Thắng, Việt Tùng và Quốc Trị biểu diễn. Còn tiết mục thứ ba là gì đây ? Phải là một bài hát nào đó ít nhất huy động được mười người lên sâu khấu biểu diễn. Vậy là bài nào ? Không thể hát những bài quá quen thuộc được. Mà tự biên thì đã có cậu nào viết được ca khúc ra hồn để biểu diễn đâu ? Quá bí. Tôi vò đầu vò tai mà chưa tìm được bài hát nào khả dĩ một chút. Tôi vội kêu cậu Việt Tùng, phó bí thư chi đoàn Tuyên huấn sang hội ý gấp. Tùng là sinh viên năm thứ hai khoa Sinh, Đại học Sư phạm 2. Tùng vào Trường Sơn đầu năm bảy mốt. Cậu ta đang phụ trách kỹ thuật một đội điện ảnh của Tuyên huấn sư đoàn.
      Câu ngạn ngữ “ba ông hàng da bằng một Gia Cát Lượng” quả không ngoa chút nào. Chỉ có hai chúng tôi chụm đầu bàn với nhau một lúc đã ra ngay “vấn đề”. Chúng tôi thống nhất chọn bài hát “Niềm vui của anh quân bưu”, nhạc và lời của Vũ Trọng Hối làm ca khúc biểu diễn tập thể chính thức. Sở dĩ chúng tôi nhất trí cao khi chọn ca khúc này là vì tận dụng được ít nhất tám tên sử dụng nhạc cụ. Này nhé: Duy Tùng ghi ta, sáo trúc: Liên, đàn tam: Phồn, măngđôluyn: Lã Đại Hải và Trung Thắng, sắc xô: Toàn, phách: Hữu Nghiêm, mão bạt: Chí Công. Tám tên này vừa sử dụng nhạc cụ vừa hát. Bốn đứa: tôi, Sơn, Việt Tùng, Văn Thanh sẽ lên sân khấu với cái phách bằng tre vừa hát chính vừa đệm phách. Tốp ca mười hai tên chúng tôi ra sân khấu với một trăm phần trăm vừa sử dụng nhạc cụ vừa hát là sự độc đáo số một rồi. Vấn đề còn lại chỉ phụ thuộc vào việc biểu diễn ra sao thôi. Chỉ với sự phác thảo sơ sơ ấy, hai đứa chúng tôi khẳng định tiết mục của chúng tôi thuộc dạng độc đáo.
      Thế là chúng tôi lao vào tập. Đầu tiên, tôi phân công các nhạc công chỉ được phép có một ngày để tập thật thuộc nhạc của bài hát. Ngày thứ hai phải thuộc làu lời bài hát. Ngày thứ ba, chúng tôi bắt đầu ghép đội hình biểu diễn như thật. Chúng tôi phân công lời thoại trong phần biểu diễn. Tôi được chọn là “chiến sĩ quân bưu” sôlô trong ca khúc. Ngày đầu tiên, nhạc được khớp khá đều và hay. Chỉ đôi lúc cậu Hữu Nghiêm cầm chiếc phách xịn mượn của văn công sư đoàn gõ phách đôi lúc hơi bị lỡ nhịp. Chẳng trách được cậu ta. Cậu ấy chọc ngoáy đài hỏng thì miễn chê. Cơ công mà. Nhưng tai nhạc của cậu ta thì không được tốt cho lắm. Tập mãi đâu cũng vào đấy cả thôi. Tôi tin là thế.
      Ngày thứ tư thì xem ra tiết mục nghe đã khoái tai lắm rồi. Tối hôm ấy, Chủ nhiệm Chính trị Ngô Mạnh Thu đi ngang qua xem chúng tôi tập. Cụ ấy gật gật đầu tỏ ra khá hài lòng. Một lúc sau, Chủ nhiệm lại xuất hiện. Lần này, trên tay Chủ nhiệm có bốn phong lương khô bảy linh hai.
      - Tớ thưởng các cậu này.
     Nhìn thấy mấy phong lương khô bảy linh hai trong tay Chủ nhiệm, mắt đứa nào cũng sáng rực lên. Nhìn chúng tôi chia nhau lương khô ăn ngon lành, Chủ nhiệm mới từ từ nhận xét:
      - Các cậu chọn bài này được đấy. Có thể ẵm giải. Tớ mà là ban giám khảo, tớ cho các cậu điểm mười về sự độc đáo. Độc đáo vì cả mười hai đứa lên sân khấu đều vừa hát vừa sử dụng nhạc cụ biểu diễn. Đặc biệt là bốn cậu dùng nhạc cụ tự tạo.
      Nghe xếp phán thế, chúng tôi vỗ tay rào rào. Chủ nhiệm là người lâu nay rất kiệm lời trong việc ban phát lời khen. Hôm nay được cụ ấy khen là cực hiếm. Chúng tôi phấn khởi lắm.
 - Phần biểu diễn “đối thoại” của ca khúc phải tập nhiều vào - Chủ nhiệm tiếp tục phán - Nhìn chưa được đâu. Cậu Việt Tùng phải chú ý. Khi nói: “Này anh quân bưu ơi, có gì mà vui thế ?” phải tươi lên chứ. Nét mặt cậu hát mà nghiêm như giám thị coi thi ấy thì vứt ? Bài hát này phải thể hiện cho được sự vui tươi, yêu đời, quên hết mọi sự vất vả, hiểm nguy của  người lính quân bưu. Thế mới làm cho bài hát có hồn chứ. Thôi, tiếp tục tập đi nhé. Nếu lần này các cậu rinh được giải cao, tớ có thưởng.
Chúng tôi lại vỗ tay rầm rầm.
Biết tin chúng tôi chuẩn bị tiết mục dự hội diễn, một tối, Phùng Tiến Cứ, đội trưởng văn công sư đoàn mò đến xem chúng tôi luyện tập.
- Xin chào ! Các ông có cần chúng tớ hỗ trợ việc gì không ?
- Cảm ơn. Bây giờ thì không. Khi nào cần, bọn mình sẽ nhờ. Tôi bắt tay và trả lời.
- Chúng tớ định hỗ trợ các ông phần nhạc. Nhưng đến đây xem các ông luyện tập mà lác cả mắt đấy. Các tài năng lâu nay sao chôn kỹ thế! Bây giờ mới được “khai quật” mà khá thật đấy! Hôm nào có tay đàn nào bị ốm, bọn tôi phải nhờ các ông hỗ trợ mất thôi. Giỏi ! Được đấy !
- Này, khen thật hay khen đểu đấy, ông Cứ ? Cậu Tùng nheo mắt hỏi lại.
- Khen thực lòng đấy. 
- Thế thì hoan hô ! Cậu Phồn “xứt” buông một câu tưng tửng như vậy. Anh em vỗ tay hưởng ứng theo.
Hôm ấy, Phùng Tiến Cứ đã góp ý cho bọn tôi mấy điều xem ra rất có nghề. Chúng tôi tiếp thu và lao vào sửa chữa ngay.
Đến ngày thứ chín, các tiết mục của chúng tôi đều đã khá hoàn hảo. Đêm mai là chúng tôi đã ra sân khấu rồi. Lạy trời, mọi việc sẽ đều suôn sẻ.
Đừng một cái, trưa hôm sau, tôi đột ngột nhận được điện từ Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Lạn: “Cậu mang theo máy ảnh đi với tớ dự khánh thành chiếc cầu bắc qua một nhánh sông nhỏ của sông Thạch Mỹ. Hôm nay thông xe chiếc cầu dầm gỗ bọc thép đầu tiên được áp dụng ở Trường Sơn đấy”.
Mấy ngày trước, tôi đã có dịp tìm hiểu việc này để viết giới thiệu cho số bản tin mới nhất của sư đoàn. Đây là lần đầu tiên, công binh của sư đoàn  làm dầm cầu bằng gỗ, bên ngoài dầm được ốp thép. Những thanh thép ốp ngoài dầm gỗ được cắt ra từ những xát xi ô tô hỏng, hàn nối dài lại để tăng cường độ chịu lực cho dầm gỗ. Sáng kiến này đã nâng tải trọng của cầu lên đáng kể. Xe zin ba cầu 157 chở đầy hàng có thể qua cầu an toàn.
Tư lệnh chỉ thị cho tôi qua điện thoại: “Cậu phải chụp bằng được việc thông xe qua cầu để làm tư liệu lịch sử đấy. Sang ngay để đi ô tô với tớ cho kịp. Nhưng khi trở về, cậu phải tự cuốc bộ đấy nhé. Bọn tớ vào Khâm Đức luôn. Tớ biết, tối nay các cậu còn phải tham gia hội diễn, đúng không ?”
Tôi chỉ kịp vâng dạ rồi lấy máy ảnh, sổ tay, túi xách chuẩn bị lên đường. Tôi thông báo nhanh với trưởng ban về lý do mình đi công tác đột xuất rồi lao ra khỏi nhà. Tôi ghé qua Việt Tùng dặn thêm cậu ta:
- Tớ đi công tác đột xuất với Tư lệnh. Cậu ở nhà lo chuẩn bị tối nay biểu diễn nhé. Trường hợp xấu nhất thì thực hiện phương án hai nhé.
- Nhưng, cậu Công lập bập, hay bị vấp lắm. Ông cố gắng về kịp là tốt nhất. Tùng lo lắng trả lời.
- Thì đương nhiên là thế rồi! Nhưng chuyện quân sự, vẫn phải sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất. Đó là nguyên tắc. Cậu quên rồi sao ? Tôi nhắc lại rồi lại lao đi trong cơn mưa nhỏ.
                                                  
                                                     ***
Chỉ còn ba mươi phút nữa là đến tiết mục biểu diễn của phòng chính trị. Mọi người đã tề tịu đông đủ bên cánh gà, chờ đợi. Chỉ còn thiếu người sô lô là tôi. Nét mặt cậu nào cũng bồn chồn lo lắng. Thật tiếc, nếu tiết mục bị đổ vỡ! Công sức tập tành suốt mười ngày qua sẽ đổ ra sông Tranh, sông Thạnh Mỹ hết cả. Không ai muốn nghĩ tới điều xấu nhất ấy.
Năm phút nữa, tốp ca “Niềm vui của anh quân bưu” sẽ biểu diễn mà tôi vẫn chưa về. Cậu Tùng đã phổ biến phương án hai: Chí Công sẽ thay tôi làm “anh quân bưu”.
Trong khi ấy, tôi đang thắt ruột lên vì chạy. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy về cho kịp giờ biểu diễn. Khi tôi đặt chân đến bên cánh gà của hội trường thì cũng là lúc anh em đã bước ra sân khấu. Nhìn đội hình của chúng tôi ra sân khấu với lỉnh kỉnh đủ loại nhạc cụ, tiếng vỗ tay từ hội trường đã nổi lên. Dứt khoát là ăn đứt cái khoảng “hoành tráng” rồi. Tôi nghĩ. Chỉ còn ăn nhau ở chất lượng biểu diễn mà thôi. Phần dạo nhạc ngon quá, ấn tượng quá! Tôi nhìn anh em trong hơi thở gấp. Tốp ca đã bắt đầu hát “quân bưu là tôi từng đi khắp nơi trên các chiến trường, mang đến các nơi với lệnh diệt Mỹ. Túi dết nặng trên vai i ì. Túi dết nặng trên vai i ì. Lại thêm khẩu súng ì i…” Đều quá! Được quá! Yên tâm rồi. Chuẩn bị đến phần sô lô rồi. Lúc này, tim và phổi tôi đã hoạt động bình thường trở lại.
- “Này đồng chí quân bưu ơi ! Có thư của chúng tôi không đấy ?” Cậu Tùng vừa xướng lên như thế. Không hiểu sao, tôi quyết định rất nhanh: bước ra sân khấu.
Từ cánh gà, tôi để nguyên trang bị vừa đi công tác trở về: Vai đeo túi công tác (rất may là chiếc máy ảnh tôi đã cho và túi rồi), quần xắn cao và lấm lem bùi đất. Vừa đi ra sân khấu, miệng tôi vừa hát “có tôi đây”. Rồi cứ thế tôi bắt ngay vào đoạn sô lô của bài hát mà chúng tôi đã luyện tập thành thạo.
Sự xuất hiện bất ngờ của tôi làm ngạc nhiên cả tốp ca. Các cậu ấy đổ đồn mắt về phía tôi. Phong thái tự nhiên và tự tin của tôi đã làm cho các cậu ấy lấy lại bình tĩnh. Tiết mục được nối tiếp hoàn hảo. Không hiểu sao, lúc ấy chúng tôi biểu diễn bốc quá. Đứa nào cũng nhìn nhau vừa hát vừa cười, vừa đàn một cách thoải mái và tự nhiên “như ruồi” ấy.
Tình huống bất ngờ ngoài ý muốn của tôi đã gây ấn tượng cho khán giả và nhất là ban giám khảo. Nhìn dáng vẻ của “đồng chí quân bưu” trên sân khấu “thật quá”, ấn tượng quá. Mọi người ai cũng nghĩ là chúng tôi cố tình dàn dựng tiết mục như thế. Họ đã đánh giá cao “chất lính” , chất “hiện thực” của tiết mục.
Tiết mục của chúng tôi được vỗ tay kéo dài không ngớt. Tuyệt quá ! Phải  biểu diễn lại. Trước khi biểu diễn lại, tôi hô “Nghiêm. Chào !” Tất cả chúng tôi đều dơ tay chào theo điều lệnh rất đều. Chúng tôi lại gây ấn tượng tiếp tục cho khán giả.
Vừa ra khỏi cánh gà, các cậu ấy vây lấy tôi chất vấn và hỏi tội tại sao về trễ thế. Anh Lã Đại Hải, trợ lý cán bộ, tay măngđôluyn cừ khôi của tốp ca đập mạnh lên vai tôi, trách:
- Tý nữa ông làm vỡ tiết mục đấy. Khi quyết định thực hiện phương án hai, thằng Công run quá. Tôi nghĩ chuyến này chết kỹ rồi. Không ai ngờ ông lại xuất hiện đúng lúc mà lại tự tin quá. Cứ y như là dàn dựng thật ấy. Đúng là trong cái rủi có cả cái may ! Tuyệt thật !
Tôi cười.
- Trời thương chúng ta anh ạ. Giờ thông cầu bị lùi lại để dồn đội hình xe. Tôi sốt ruột muốn chết ấy chứ. Tôi phải chụp ảnh có bồi thêm đèn đấy. Chụp xong mười kiểu là tôi phi thẳng về luôn. Anh bảo, tôi chạy thục mạng gần ba cây số chứ có ít đâu.
Đúng lúc ấy, Chủ nhiệm Ngô Mạnh Thu xuất hiện. Ông đã giữ lời hứa. Thưởng ngay bọn tôi một ký đường, một hộp sữa và thêm năm phong lương khô, tiêu chuẩn bồi dưỡng của ông cho chúng tôi.
Chúng tôi sướng quá ! Chẳng ai bảo ai, tất cả súm lại công kênh Chủ nhiệm lên rồi hô vang “Cảm ơn thủ trưởng ! Cảm ơn thủ trưởng !”
 
                                                                                
 
 

tin tức liên quan