Xin đừng giữ xe tôi - hồi ức của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 08:48 25/04/2018 Lượt xem: 661
             Xin đừng giữ xe tôi
                                   Nguyễn Kim Chúc
                        Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 

       “Xin đừng giữ xe tôi” - là những gì chúng tôi cảm nhận được từ cánh lái xe bị giữ xe lại ở ngã ba đường 14, đường 21 này. Xe của họ bị giữ lại tại đây để chuẩn bị cho kế hoạch vận chuyển của cấp trên phục vụ cho trận đánh lớn.
       Ngày 10 tháng 3, ta nổ súng tấn công giải phóng Buôn Mê Thuột. Không chịu nổi đòn tấn công của quân giải phóng, quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy khỏi cao nguyên trung phần Việt Nam. Ngày 17 tháng 3, Kon Tum được giải phóng rồi 18 tháng 3, Gia Lai được giải phóng. Ngày 25 tháng 3 chính quyền cách mạng ra mắt và quản lý các tỉnh Tây Nguyên. Cờ giải phóng tung bay trên các công sở. Trời Tây Nguyên xanh trong không còn tiếng gầm rú của các loại máy bay mang chết chóc đến với con người.
        Quốc lộ 14 chạy theo chiều Bắc Nam nối liền các tỉnh Quảng Nam - Kon Tom - Gia Lai - Đắklắc … về Nam Bộ được khai thông để từ đây các đoàn xe chạy hối hả về Nam tham chiến. Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn từ Tây Trường Sơn nhanh chóng chiếm lĩnh làm chủ cung đường này sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quân ngụy tháo chạy khỏi cao nguyên trung phần với chỉ lệnh “tùy nghi di tản”. Một cuộc rút quân hỗn loạn theo đường 7. Chớp thời cơ quân ta truy đuổi. Các Sư đoàn bộ binh được ô tô của Sư đoàn 471 Trường Sơn chở truy kích quân địch. Hơn 2.600 xe của bốn Trung đoàn thuộc Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn đều xung trận. Trung đoàn 17 chở Sư đoàn 10, Sư đoàn 316 đánh địch khu vực Buôn Mê Thuột; Trung đoàn 32 cơ động Sư đoàn 320 truy kích địch theo đường 7; Trung đoàn 33 cơ động Sư đoàn 10 theo đường 21 về ven biển miền Trung; Trung đoàn 536 cơ động Sư đoàn 968 và các đơn vị bộ binh đánh và truy kích địch theo đường 14. Cả Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn sát cánh cùng các đơn vị bộ binh nổ súng truy kích địch làm cho địch luôn vào thế bị động chạy dài. Cơ quan Tham mưu Sư đoàn 471 phải làm việc không ngừng nghỉ để có kế hoạch tốt nhất cho Tư lệnh Sư đoàn điều động lực lượng theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ngoài nhiệm vụ chở quân cơ động các Sư đoàn bộ binh 10, 320, 316, 968, 5 … và các lực lượng tác chiến khác truy kích địch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn còn phải tổ chức lực lượng chuyên chở hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men cứu trợ đồng bào vùng mới giải phóng; phải tổ chức chuyên chở hàng ngàn tấn đạn pháo lớn từ Đà Nẵng vào miền Đông Nam Bộ. Trên đường, phần lớn là xe mang hàng chữ TS2 ở cánh cửa và pa đờ xốc xe. Nhìn thấy xe mang hàng chữ TS2 là biết ngay xe của Sư đoàn 471 Trường Sơn, rồi những hàng số nhỏ kèm theo là ghi rõ ràng phiên hiệu Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội của xe. Dọc theo tuyến Đông Trường Sơn, quốc lộ 14, đường 19, đường 7, đường 21, đường I duyên hải miền Trung từ Bình Định tới Cam Ranh, đường đi Lâm Đồng … đều có xe của Sư đoàn 471 Trường Sơn lăn bánh.
       Lực lượng xe của Sư đoàn bị phân tán trải đều theo các hướng tiến công của quân ta. Song việc nắm quyền chỉ huy hành quân của Sư đoàn luôn được giữ vững theo mệnh lệnh thống nhất của Tư lệnh Sư đoàn. Đội hình xe cả 16 Tiểu đoàn của Sư đoàn đều được quản lý chặt chẽ trong bản đồ hành quân và thông qua đài 3W, 15W. Sư đoàn nắm rất chắc lộ trình và kết quả hoạt động trong ngày của các đơn vị. Thông tin liên lạc đều thông suốt, chắc chắn tin cậy từ Sư đoàn tới các đơn vị.
       Được lệnh di chuyển Sở chỉ huy Sư đoàn từ Sê Sụ trên đất Lào về Buôn Mê Thuột tiếp quản doanh trại của Sư đoàn 23 ngụy. Cả Sư đoàn thực hiện mệnh lệnh di chuyển cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ sau một ngày đã về vị trí, các đơn vị trực thuộc tiếp quản vị trí do cơ quan Tham mưu Sư đoàn chỉ dẫn. Trong khi di chuyển Sở chỉ huy Sư đoàn về Buôn Mê Thuột, Sư đoàn nhận được báo cáo của các Trung đoàn: “Xe của các đơn vị trên đường trả hàng trở ra đều bị Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh bắt dừng xe lại để phục vụ quân chủ lực. Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn nhận thấy có sự bất ổn của chủ trương này. Xe phải được bảo dưỡng, tổ chức chỉ huy chặt chẽ … Ông cùng với các trợ lý tham mưu tới gặp Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh Cục phó Cục Tác chiến, Đại tá Phan Hàm.
     Cánh lái xe bị giữ lại thấy xe của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn kéo đến vây lấy ông mong muốn ông giải cứu cho họ. Họ mong muốn được về đơn vị để bảo dưỡng xe, nghỉ ngơi và tiếp nhiên liệu và tiếp tục lên đường … Nhìn quanh bãi xe phần lớn là xe của Sư đoàn 471 bị giữ. Sư đoàn trưởng 471 gặp Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh - ông cho hay: “Bộ có lệnh tập trung ngay từ 200 đến 300 xe để cơ động quân chủ lực vào Đông Nam Bộ, nhưng hai ngày qua chúng tôi mới chỉ “bắt” được rất ít xe”. Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn thấy vậy liền đề xuất:
     - Tôi đồng ý với quyết định này. Nhưng với lực lượng ô tô chiến đấu thì không thể dùng cách này được. Vì việc chỉ huy không giống như chỉ huy bộ binh. Xe phải được bảo dưỡng kỹ thuật, phải được chỉ huy chặt chẽ theo đơn vị, phải có cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật…Sư đoàn 471 xin được tổ chức đội hình xe đủ số lượng, đúng thời gian theo quy định của Bộ và xin cho các xe bị giữ nhanh chóng trở về đơn vị để xe có thời gian bảo dưỡng, cho lái xe nghỉ ngơi và chuẩn bị đảm bảo kỹ thuật, hậu cần cho chuyến công tác tiếp theo …
     Đồng chí Phái viên của Bộ đồng ý với phương án của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn. Nhận nhiệm vụ tập trung hơn 300 xe trong lúc này vô cùng khó khăn. Sở chỉ huy Sư đoàn cùng các đơn vị trực thuộc đang di chuyển về Buôn Mê Thuột. Cả bốn Trung đoàn xe đều tỏa đi các hướng phục vụ cuộc chiến. Nhưng việc chuyển quân chủ lực vào Đông Nam Bộ là cấp thiết, không được chậm chễ. Ngay lập tức Sư đoàn cho triển khai ngay các trạm bảo dưỡng, nơi ăn nghỉ cho lái xe ngay trên đường vào thành phố Buôn Mê Thuột. Xe của các Trung đoàn từ phía trong ra được đưa vào các trạm bảo dưỡng, dồn ghép đội hình theo từng Tiểu đoàn. Các trạm bảo dưỡng, sửa chữa làm việc không ngừng nghỉ. Chỉ hai ngày sau Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh nhận đủ 300 xe với đầy đủ cán bộ chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn tới nhận nhiệm vụ cùng sự bảo đảm hậu cần và kỹ thuật đi kèm. Đồng chí Phái viên của Bộ vô cùng phấn khởi cảm ơn Sư đoàn 471 Trường Sơn đã tạo điều kiện để ông thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ giao …
     Chuyện bị giữ xe và cuộc giải cứu cho các chiến sỹ chỉ có thế. Song đằng sau nó là một bài học lớn về lòng quyết tâm; tài chỉ huy tổ chức lực lượng; dám nhận nhiệm vụ khó khăn về mình của chỉ huy Sư đoàn trong cuộc chiến … Các cuộc họp mặt hàng năm của Sư đoàn những người lính của Sư đoàn năm xưa chúng tôi thường nhớ lại những chuyện cũ và lại đùa nhau: “Xin đừng giữ xe tôi”.
tin tức liên quan