Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 09:38 27/04/2018 Lượt xem: 3.407
          BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH                                               

                                     
                             Phạm Thành Long (BS)

       Hôm nay là ngày 28-4-2018. Cách đây 43 năm, ngày này 6 sư đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đang căng mình trải dài từ Đà Nẵng tới Sài gòn. Tất cả đang dốc sức theo tinh thần "Thần tốc" của Võ Đại tướng cùng các quân đoàn chủ lực của quân đội ta tiến công vũ bão trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Một bức tranh toàn cảnh để biết Bộ đội Trường Sơn ở đâu trong Chiến dịch cuối cùng của quân đội ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc? Đọc bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ điều đó.



Tuấn mã Trường Sơn được đồng bào Sài Gòn chào đón nồng nhiệt ngày 30-4-1975.

 
          -Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp nhận định và hạ quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không để chậm”.
          Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng là Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy... Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tham gia Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
          -Ngày 26-31975, Sư đoàn 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng lực lượng vận tải của Cục Ô tô vận tải của Tổng Cục Hậu cần cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 29-3, bộ phận thứ nhất gồm 268 xe của E11, F571 cơ động Sư đoàn 320 từ Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) tiến vào theo đường 9, qua đường 22 tiến vào Sê Sụ, tạt sang đường 14 qua Plây Cu, Đức Lập đến Đồng Xoài. Cùng ngày 90 xe của E13 vào Huế cơ động E27 của F320 theo đường số 1 qua Đà Nẵng vào Quy Nhơn và ngược đường 19 lên Buôn Ma Thuột, nhập với quân đoàn tiến theo tuyến đông Trương Sơn vào Đồng Xoài. Ngày 3-4-1975, đội hình thứ hai của F571 gồm 395 xe của E512 và một bộ phận của E13 lần lượt cơ động Sư đoàn 312 và cơ quan Quân đoàn 1 theo tuyến đông Trường Sơn vào Nam Bộ. Ngày 8-4, đội hình thứ 3 của F571 gồm 300 xe của E11 và E13 cơ động Sư đoàn phòng không 367 với cơ số xăng dầu, đạn dược cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật của Quân đoàn tiến thẳng từ Vĩnh Chấp  đến Đồng Xoài. Với đội hình trên 1.000 xe, Sư đoàn 571 đã cơ động gọn đội hình Quân đoàn 1 an toàn trên chặng đường 1.200 km, tập kết vào Đồng Xoài vượt thời gian trước 6 ngày theo quy định của Bộ.
          -Ở phía đông, Sư đoàn 471 nhanh chóng triển khai chỉ thị của Bộ, trinh sát tuyến đường, triển khai hệ thống hậu cần, kỹ thuật, xác định cung độ chạy đường 14, trả hàng tại Bù Na, Đồng Xoài. Sư đoàn 471 đã huy động 1.600 xe bảo đảm hậu cần, kỹ thuật để cơ động toàn bộ  lực lượng Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ và vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực bảo đảm cho Chiến dịch. Cũng thời gian này, do mật độ xe lớn, đèo Am Pum xảy ra tắc nghẽn nghiêm trọng. Với trách nhiệm, kinh nghiệm và sự nhạy bén, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 đã đứng ra đảm trách việc tháo gỡ ách tắc, kịp thời sử dụng nhiều biện pháp, tổ chức khoa học, lập các trạm chỉ huy giao thông, huy động xe téc phục vụ xăng trực tiếp cho các lực lượng qua đèo... Ách tắc trên đèo Am pum đã được giải tỏa nhanh chóng.
          -10 ngày đầu tháng 4-1975, Sư đoàn 471 cơ động gọn sư đoàn 2, sư đoàn 3B, cơ quan Quân đoàn 3; tiếp đó là cơ động các sư đoàn 10, 320A, 316 vào Lộc Ninh, Đồng Xoài gọn đội hình, an toàn tuyệt đối, bảo đảm thời gian quy định. Một bộ phận của Sư đoàn 471 tiếp tục vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực từ các kho KG4, Xê Sụ, Buôn Ma Thuột vào tận kho của Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
          Theo lệnh của trên, E33 của F471 được lệnh phối thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch làm nhiệm vụ cơ động các đơn vị chủ lực theo các trục đường Đồng Xoài – Dầu Tiếng – Bến Cát, Lò Gò – Chơn Thành. Trong tình huống toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 471 căng mình làm nhiệm vụ theo các hướng, nhận lệnh, chỉ sau 2 ngày, Sư đoàn đã huy động được 320 xe bảo đảm làm nhiệm vụ hỏa tốc của Bộ. Những nỗ lực phi thường của Bộ đội trường Sơn đã được Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Thiếu tướng Phan Hàm – Cục phó Cục Tác chiến, Phái viên “đốc chiến” của Bộ đánh giá cao.
          -Cánh quân Duyên hải với 3 sư đoàn: 3, 304, 325, Sư đoàn phòng không 637, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn công binh 219 vào cơ quan Quân đoàn 2... với tổng quân số tham gia hành quân là 32.418 người. Toàn bộ lực lượng xe của Quân đoàn và xe thu chiến lợi phẩm chỉ đảm bảo cơ động ½ lực lượng. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động 669 xe của các tiểu đoàn: 54, 57, 66, 77, 964... thuộc Sư đoàn 571 dàn đội hình từ chân phía Nam đèo Hải Vân đến sân bay Đà Nẵng để chờ cơ động lực lượng của Quân đoàn 2 vào tham gia Chiến dịch. Cùng lúc 600 xe khác của 571 tiến vào đứng chân ở Đà Nẵng vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ cánh quân Duyên Hải.
          -Trên đường số 1, nhiều chiếc cầu quan trọng đã bị đánh hỏng. Để bảo đảm cầu đường trên chặng đường dài hơn 1000 km từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc, 3 trung đoàn công binh Trường Sơn: 8, 99, 531 được tăng cường cho cánh quân Duyên Hải từ Huế vào Cam Ranh. Sư đoàn công binh 470 bảo đảm giao thông trên đường 14 từ Buôn Ma Thuột vào Đồng Xoài. Sư đoàn công binh 472 bảo đảm đường từ Công Tum đi Buôn Ma Thuột, đường 19 từ Plây Cu xuống Quy Nhơn và đường số 1 từ Nha Trang đi Phan Rang. Sư đoàn 473 bảo đảm các đường ngang 19, 21... Tận dụng vận liệu chiến lợi phẩm, các đơn vị công binh Trường Sơn đã làm mới được 96 cầu với chiều dài 3.300 mét. Lần đầu tiên công binh Trường Sơn được huy động lực lượng cùng với công binh của Bộ bảo đảm cầu đường phục vụ cơ động chiến đấu cho 3 quân đoàn chủ lực cùng binh khí kỹ thuật lớn trên chặng đường hàng ngàn cây số vào tham gia Chiến dịch. Sư đoàn phòng không Trường Sơn 377 được giao nhiệm vụ bảo vệ đội hình hành quân của Quân đoàn 1 và 3. 2 E phòng không 528 và 527 được điều vào khu vực Cam Ranh – Nha Trang bảo vệ đội hình hành quân của cánh quân Duyên Hải. Tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn bố trí hợp lý thỏa mãn tất cả các lực lượng, các binh khí kỹ thuật hành quân với 8 điểm cấp phát phía Đông và 6 điểm phía Tây. Từ ngã ba biên giới vào Nam Bộ có 7 điểm cấp phát xăng dầu.
          -Ngày 7-4-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được điện hỏa tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/Táo bạo, táo bạo hơn nữa/Tranh thủ từng giờ từng phút/Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam/Quyết chiến và toàn thắng!”
          Mệnh lệnh thiêng liêng này nhanh chóng được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh phổ biến tới các đơn vị. Cả Trường Sơn sục sôi không khí của ngày hội lớn tiến đến ngày toàn thắng.
-Ngày 16-4, D54 ô tô của F571 cơ động E101 của F325 đột phá tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang. Tại thung lũng Phan Rang đã diễn ra trận kịch chiến của một bộ phận Quân đoàn 2 và sư đoàn 3 Quân khu 5 với quân ngụy Sài Gòn. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn dũng mãnh đột phá, đưa lực lượng bộ binh của Quân đoàn 2 đánh chiếm hết vị trí này đến vị trí khác, góp phần phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang để tiến về giải phóng Sài Gòn.
          -17 giờ ngày 26-4-1975, trận tổng công kích Sài Gòn bắt đầu. Từ hướng đông, đông nam, một bộ phận của F571 tham gia cơ động F325 Quân đoàn 2 tiến vào Long Thành, thành Tuy Hạ tiến về bến phà Cát Lái chuẩn bị vượt sông Lòng tàu phát triển vào nội đô. D58, F571 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển đạn pháo lớn cung cấp cho trận địa pháo tầm xa của Quân đoàn 2 bố trí ở Nhơn Trạch. 300 quả đạn pháo bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 29-4, báo hiệu cáo chung của chính quyền Sài Gòn.
          -Trên đường tiến công của Quân đoàn 2, E512 của F571 cơ động Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiếm các căn cứ quan trọng của địch như Nước Trong, Long Bình, Trường Bộ binh, Trường Thiết giáp, phát triển theo trục đường xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. D57 và D964 là những đơn vị cơ động đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2.
          -Sáng 30-4, E512 với đội hình đi đầu là D57 đã cơ động trung đoàn 66, Sư đoàn 304 theo xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn tiến vào nội đô. Khi vượt cầu Rạch Chiếc địch chống cự quyết liệt. Ta phản công dũng mãnh. Nhiều xe tăng thiết giáp của địch bị bắn cháy gây tắc nghẽn trên đường tiến công của ta. Cán bộ, chiến sĩ lái xe Trường Sơn phối hợp cùng đơn vị bạn lái xe lách qua các chướng ngại vật, nhanh chóng đưa bộ binh bám sát đội hình xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến công vào trung tâm thành phố. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Văn Định xuống xe đứng chỉ huy cho từng xe lách qua chướng ngại vật, nhanh chóng bám sát đội hình tiến công. Các chiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Dương Quang Lựa thuộc D964 vững vàng tay lái đi đầu đội hình đột kích thọc sâu.
          -11 giờ 30 phút lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo tin vui cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã tới đích toàn thắng. Chiếc xe mang biển số CE -1283 của chiến sĩ Đinh Quang Lựa vinh dự được đại diện hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn có mặt đầu tiên trong đội hình đột kích thọc sâu tiến vào Dinh Độc Lập. Cũng sáng ngày 30-4, các D66, D67... cơ động sư đoàn 325 và Sư đoàn 7 đánh chiếm khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của ngụy.
          -Cũng thời gian này ở hướng bắc, Sư đoàn 471 đảm bảo cơ động Quân đoàn 1 đánh vào Sài Gòn theo 2 trục: Trục thứ nhất là 2 tiểu đoàn 51 và 235 cơ động sư đoàn 320 qua Tân Uyên phát triển vào thành phố. 9 giờ 30 phút ngày 30-4 đội hình tấn công của ta bị chặn ở Tân Uyên. D51 và D235 có 3 xe bị cháy, 8 xe bị hỏng nặng. Một số lái xe hy sinh, bị thương. Mặc dầu vậy đội hình đột kích vẫn tiến công như chẻ tre. Khi đội hình vượt cầu Bình Triệu, địch tập trung máy bay, xe tăng, bộ binh đánh chặn quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ D51 và D235 đã phối hợp với bộ binh dũng cảm mưu trí tiêu diệt địch, phát triển tiến công dũng mãnh đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trên trục thứ hai, D53 và D734 của Sư đoàn 471 tham gia cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát, vượt cầu Sông Bé tiến vào nội đô Sài Gòn.
          -Ở hướng tây bắc, E17, E32, E536 sau khi dồn hàng, chủ yếu là đạn hỏa lực phục vụ Chiến dịch đã kịp thời cơ động Quân đoàn 3 tiến công đánh chiếm Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn và nhanh chóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu tan mọi hy vọng của quân ngụy có thể được cứu nguy bằng cầu hàng không của Mỹ.
          Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Bảo đảm cầu đường, hậu cần – kỹ thuật và cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt lộ trình hàng ngàn ki lô mét an toàn, kịp thực hiện một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc; góp phần quan trọng vào chiến công lịch sử của quân đội ta, dân tộc ta.
          Trong ngày diễu binh mừng Ngày toàn thắng của dân tộc tại Sài Gòn sáng 15-5-1975, hàng trăm tuấn mã Trường Sơn, mang ký hiệu TS1 – F4... của sư đoàn 471 ô tô vận tải, mới 15 ngày trước đã chở bộ binh dũng mãnh tiến công như vũ bão tiến vào gải phóng Sài Gòn, nay được chọn để chở những đoàn diễu binh của đội hình các binh chủng của quân đội ta trong Ngày mừng Chiến thắng. Trước đó, ngày 7-5-1975, hàng chục xe của Sư đoàn 471 có vinh dự được phục vụ Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản Sài Gòn…
          6 sự đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được huy động để tham gia Chiến dịch lịch sử, giải phóng miền Nam - kết thúc sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, thu non sông về một mối.
         
 
 
 
 
tin tức liên quan