Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 07:59 29/04/2018 Lượt xem: 3.103


  Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh


                                                  Nguồn:Báo Nhân Dân Điện tử


Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn (BÐTS) là một trong trong hai Sư đoàn ô-tô vận tải chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thành lập và hoạt động trên chiến trường Trường Sơn từ tháng 7-1971; tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1976, Sư đoàn 471 đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Ðơn vị Anh hùng LLVTND.

 
 

Trạm dừng chân tiếp xăng và hậu cần của Sư đoàn ô-tô vận tải 471, Bộ đội Trường Sơn trong Chiến dịch chi viện chiến trường đầu năm 1975.   Ảnh tư liệu
 

Cuối tháng 2-1975, lực lượng của Sư đoàn 471 ô-tô vận tải của BÐTS đã khẩn trương đưa 10.300 tấn hàng, chủ yếu là đạn hỏa lực và các loại khí tài thông tin, khí tài phục vụ cho tăng-thiết giáp chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên. Theo lệnh, một phần lực lượng xe của Sư đoàn đưa toàn bộ lực lượng Sư đoàn 968 của BÐTS đang làm nhiệm vụ tại Cham-pa-sac (Lào) về Plây Cu làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về ý định ta mở chiến dịch đánh vào bắc Tây Nguyên.

Hàng trăm xe ô-tô của Sư đoàn đưa Sư đoàn 968 vào địa điểm tập kết bí mật. Tiểu đoàn 51, Trung đoàn 533 của Sư đoàn 471 được cử tham gia trực tiếp chiến đấu cùng lực lượng bộ binh của chiến dịch. Khi địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, Sư đoàn liền phái Trung đoàn 32 cơ động lực lượng Sư đoàn 10 quân chủ lực truy kích địch rút chạy trên đường số 7. Trong khi đó, một bộ phận của Trung đoàn 536 và lực lượng còn lại của Trung đoàn 32 (Sư đoàn 471) được lệnh cơ động Sư đoàn 320 đuổi đánh địch trên đường 14, giải phóng thị xã Buôn Hồ...

Sau Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 25-3-1975, quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền nam trước mùa mưa năm 1975, thì đường Trường Sơn trở nên nhộn nhịp và khẩn trương. Bộ Tư lệnh Sư đoàn vừa huy động 340 xe làm nhiệm vụ đột xuất theo lệnh của Ðại tá Phan Hàm, Phái viên Bộ Tổng Tư lệnh, ngay lập tức Sư đoàn nhận được mệnh lệnh điều động lực lượng để cơ động Sư đoàn 968 và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiến xuống ven biển giải phóng Bình Ðịnh và Ninh Thuận. Từng đoàn xe ô-tô vượt Trường Sơn, đưa các Sư đoàn bộ binh chủ lực thần tốc cơ động truy kích địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh lỵ ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Lúc này, trên đèo Anpum, đường số 14, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn và Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng đã trực tiếp chỉ huy việc tổ chức lực lượng của Quân đoàn 1 vượt đèo Anpum an toàn để vào chiến trường. Ngay sau đó, Sư đoàn lại tiếp tục nhận được mệnh lệnh: Trong thời gian nhanh nhất phải có 1.600 xe tốt để cơ động Quân đoàn 3 vào Nam Bộ.

Công tác hậu cần, kỹ thuật được các đơn vị chuẩn bị với tốc độ thần tốc. 1.620 xe ô-tô của Sư đoàn đã sẵn sàng chờ lệnh. Lực lượng của Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B và cơ quan Quân đoàn 3 đã được ô-tô của Sư đoàn 471 cơ động vào Lộc Ninh với tốc độ nhanh nhất. Tiếp theo là các Sư đoàn: 10, 320A và 316 cũng được ô-tô của Sư đoàn 471 đưa vào Ðồng Xoài, Lộc Ninh trước thời gian quy định và an toàn tuyệt đối.

Ðội hình xe ô-tô của Sư đoàn quay trở ra, nhận ngay nhiệm vụ vận chuyển bổ sung gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực từ ngã ba Ðông Dương vào kho hậu cần Chiến dịch tại miền Ðông Nam Bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, chưa bao giờ vũ khí, đạn dược lại được đáp ứng đầy đủ như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, lập tức nhận được mệnh lệnh: Lực lượng ô-tô chiến đấu của Sư đoàn 471 tiếp tục sát cánh, đưa lực lượng của cánh quân từ Ðông Nam Bộ đánh vào Sài Gòn. Tiểu đoàn 51 và 235 đưa Sư đoàn 320 sát cánh cùng với đội hình xe tăng, xe bọc thép tiến vào Tân Uyên để vào TP Sài Gòn. Trên những chú "tuấn mã Trường Sơn" phủ kín lá ngụy trang, các chiến sĩ bộ binh sẵn sàng tay súng hành tiến đi sau đội hình xe tăng, xe bọc thép đánh địch trên đường hành quân thần tốc. Trên nhiều xe ô-tô, súng 12,7 ly, B40, B41, súng đại liên bắn thẳng để giải quyết mục tiêu. Súng cối 60, cối 90 ly được các đơn vị bộ binh đặt bắn ngay trên thùng xe... Ðịch chặn đánh ta quyết liệt ở Tân Uyên. Trong cuộc hành quân ấy, tám xe ô-tô của Sư đoàn bị cháy; một chiến sĩ lái xe hy sinh.

Các Tiểu đoàn 53 và 734 tham gia cơ động Quân đoàn 1 đánh chiếm căn cứ Bến Cát, rồi vượt qua Sông Bé thẳng đường 13, đạp qua Lái Thiêu tiến vào Sài Gòn. Lực lượng xe của các Trung đoàn: 17, 32, 536 của Sư đoàn cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm Ðồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn. Một lực lượng xe chiến đấu khác của Sư đoàn đã cơ động bộ đội đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.

Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Ðộc Lập vào 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi.

Một vinh dự lớn, hơn 100 xe ô-tô của Sư đoàn được điều động về phục vụ đội hình diễu binh, diễu hành mừng Chiến thắng lịch sử của dân tộc ta trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước vĩ đại, tại Sài Gòn ngày 15-5-1975. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn của Sư đoàn vô cùng tự hào. Bởi ngày nào họ còn cầm vô lăng băng qua các trọng điểm, vượt đèo cao suối sâu trên Trường Sơn. Hôm nay, họ được cầm vô-lăng đi trong cờ hoa giữa Sài Gòn giải phóng...

Việc Quân ủy T.Ư và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định cho BÐTS tổ chức hai Sư đoàn ô-tô vận tải cơ động chiến đấu là một sáng tạo độc đáo, tạo nên bước ngoặt về sức mạnh quân sự của BÐTS, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

                                                            PHẠM THÀNH LONG

( Ủy viên Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên chiến sĩ Trường Sơn )

 
tin tức liên quan